Thứ ba, 04 Tháng 4 2017 11:50

 Ba mất sớm, mẹ bị khuyết tật không làm được việc nặng, cô bé Nguyễn Thị Yến (sinh năm 2000, học sinh Lớp 8 Trường Trung học cơ sở Nguyễn Viết Xuân, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã sớm phải bươn chải với đủ loại công việc để có tiền trang trải sinh hoạt và thuốc thang cho mẹ và hai em. Cuộc sống khó khăn, cơ cực càng giúp cô gái bé nhỏ thấu hiểu hơn nỗi thiệt thòi của những đứa trẻ mồ côi, để từ đó em không ngừng rèn luyện tính tự lập, phấn đấu trong học tập và từng bước trưởng thành.

Bảy tuổi trở thành lao động chính trong gia đình

Ba mẹ của Nguyễn Thị Yến vốn là trẻ mồ côi. Không có tài sản đất đai, bố mẹ Yến từ lúc lấy nhau đến khi sinh được ba chị em Yến vẫn phải tá túc trong căn chòi của bà con hàng xóm. Mẹ Yến bị khuyết tật, đau ốm quanh năm; một mình bố làm thuê, làm mướn để kiếm tiền nuôi cả gia đình. Gia cảnh đã khó khăn lại càng trở nên túng quẫn khi người bố đột ngột qua đời sau một tai nạn trong lúc làm việc. Khi ấy, Yến mới chỉ bảy, tám tuổi.

Mẹ không thể lao động nặng, Yến là con cả nên phải gánh lấy trách nhiệm chăm lo cho gia đình. Em cùng cô em gái kế sau dắt nhau đi bán dạo, làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi bốn miệng ăn trong nhà. Từ giúp việc nhà, đi chăn trâu, chăn bò, giữ trẻ thuê, thức khuya dậy sớm lượm mót mủ cao su bán lấy tiền mua gạo và thức ăn cho gia đình.., làm được là cô bé nhận hết. Bà con chòm xóm thấy hoàn cảnh mấy mẹ con tội quá nên thương tình, thỉnh thoảng gom góp cho bơ gạo, đụm rau. Cứ thế, mẹ con Yến gắng gượng qua ngày.

4Chan dung Uoc mo va nghi luc   1

Nguyễn Thị Yến đón nhận Chứng chỉ nghề làm tóc tại Trung tâm dạy nghề Phụ nữ tỉnh Bình Dương

 

Ngày tháng tất bật lo thuốc thang, chăm sóc cho mẹ và các em, lo cái ăn cho cả gia đình nên Yến không có cơ hội được đi học, cũng chẳng dám nghĩ có ngày mình cùng các em sẽ được đến trường. Đầu năm 2009, chính quyền địa phương thấy mẹ em bị bệnh thường xuyên (mẹ hay cao huyết áp do lớn tuổi và căn bệnh phong thấp theo mẹ suốt đời), ba chị Yến nheo nhóc, bữa đói, bữa no, lại không biết chữ nên đã đến gặp mẹ Yến bàn bạc và làm thủ tục gửi ba chị em vào Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh Bình Dương.

Đây có lẽ là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời của Yến. Vào sống tại Trung tâm, ba chị em được chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Trung tâm đã trở thành ngôi nhà, các cô, các chú trong trung tâm như là những người cha, người mẹ thứ hai của các em. "Em thực sự rất biết ơn các cô chú trong trung tâm, cảm ơn các cô bác đã giúp đỡ mẹ con em. Em không biết nói gì hơn là tự hứa với bản thân mình sẽ luôn nỗ lực, cố gắng học tập. Vì em biết rằng, bên cạnh em luôn có rất nhiều người yêu thương, tiếp sức cho em bằng những lời động viên khích lệ, bằng sự chăm sóc ân cần. Đó là điều may mắn rất lớn đối với chị em em" - Yến tâm sự.

Hiện nay, Nguyễn Thị Yến đang là học sinh lớp 8 của Trường Nguyễn Viết Xuân, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Cô học trò mồ côi luôn quyết tâm cố gắng học tập và đạt được thành tích khá, giỏi, tham gia nhiều hoạt động của lớp, của trường. Tranh thủ giờ nghỉ, Yến còn phụ giúp các cô cấp dưỡng tại Trung tâm nấu ăn và cùng các cô hộ lý chăm sóc các em nhỏ mồ côi như chơi với các em, cho các em ăn, bế em đi khám bệnh... Không chỉ tập trung cho học tập, rèn luyện, bản tính chăm chỉ, chịu khó của cô bé vốn lớn lên từ nghèo khổ luôn nhắc nhở Yến không để thời gian trôi đi một cách phí hoài.

Ngoài thời gian học, những lúc rảnh rỗi, em còn phụ bán thức ăn nhanh trước cổng trường học vào mỗi buổi sáng sớm để có thêm tiền trang trải việc học hành. Thời gian nghỉ hè, em đăng ký tham gia học và thực hành nghề làm tóc tại Trung tâm dạy nghề Phụ nữ tỉnh Bình Dương. Vừa qua, Yến đã hoàn thành chương trình học và đã được cấp chứng chỉ nghề. Yến bảo "Em sẽ cố gắng duy trì và phát triển thêm để có thể sử dụng tốt tay nghề của mình phục vụ cho cuộc sống sau này".

15 tuổi lấy bằng Huấn luyện viên võ thuật

Tâm sự về ước muốn của mình trong tương lai, Yến chia sẻ: "Em có hai ước nguyện là được chăm sóc nuôi dưỡng các em có hoàn cảnh khó khăn hiện đang sống tại Trung tâm và ra đời kiếm sống bằng những ngành nghề mình được đào tạo. Để thực hiện được những ước mơ đó, em luôn tự nhủ phải cố gắng học tập, rèn luyện, chăm ngoan, nghe lời các cô, chú trong Trung tâm để không phụ tấm lòng yêu thương cao cả, đầy sự quan tâm, chia sẻ mà các cô, chú đã dành cho chị em em".

Sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương, cùng với các bạn đồng cảnh ngộ, cùng được chăm lo, chia sẻ, động viên của các cô chú, Yến ngày càng tự tin hơn. Em không còn rụt rè, e ngại đám đông như trước kia nữa. Em nhiệt tình, năng nổ tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng, hoạt động văn nghệ, thể thao tại Trung tâm, tại trường học. Đặc biệt, từ năm 2012, khi cố võ sư Nguyễn Chí Thành thành lập Câu lạc bộ Võ thuật cổ truyền tại Trung tâm, Yến đã tham gia như một thành viên nòng cốt. Em được tập các bài về đòn thế tự vệ, những bài quyền để rèn luyện sức khỏe và bảo vệ bản thân. Cứ ba tháng một lần, thầy Thành tổ chức cho các bạn thi cấp đai có chứng nhận. Để đạt được thành tích tốt Yến đã siêng năng rèn luyện mỗi buổi sáng sớm. Đến năm 2015 em được thầy cho xuống thành phố Bình Dương thi Võ thuật cổ truyền cấp 12. Kỳ thi đó cô bé đã được cấp Bằng Huấn luyện viên sơ cấp. Khi ấy, Yến vừa tròn 15 tuổi.

4Chan dung Uoc mo va nghi luc   2

Nguyễn Thị Yến (ngồi ngoài cùng bên phải) cùng các bạn học viên lớp học nghề cắt tóc.

 

Song song với việc luyện võ, Nguyễn Thị Yến còn được giao phụ trách luyện tập, hướng dẫn cho các em tại Trung tâm và ngoài cộng đồng vào mỗi buổi chiều thứ 2, 4, 6 hàng tuần. Trong đó, Yến và 01 người bạn trong Trung tâm đã trực tiếp đứng lớp, dạy lại cho các bạn, các em những kiến thức đã học được từ thầy Thành. Lớp học do Yến hướng dẫn đã duy trì hoạt động được trên 5 năm, mỗi lớp có từ 15 đến 20 võ sinh.

Bước sang tuổi 17, cô bé Nguyễn Thị Yến đã khá trưởng thành và chững chạc trong suy nghĩ và quan điểm sống. Em luôn tự nhủ mình phải phấn đấu hết mình trong khả năng có thể, không những phải học thật giỏi chương trình học văn hoá, học nghề mà phải học nhiều hơn về kỹ năng sống, chuẩn bị cho tương lai có thể sống tự tin, tự lập. Ước mơ của Yến là khi ra đời lập nghiệp, em có thể chăm lo tốt cho mẹ, các em và có điều kiện quay lại chăm sóc cho các em nhỏ đồng cảnh tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Bình Dương cũng như những số phận thiệt thòi khác trong cuộc sống.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi