Không có được một đôi chân lành lặn, tuổi thơ phải trải qua biết bao thăng trầm với những ngày lê mình trên quãng đường dài hàng km để đến trường, nhưng anh Nguyễn Thanh Hoài (phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) vẫn không cam chịu số phận. Với quyết tâm đứng trên đôi chân của mình, sống bằng chính sức lao động của mình, anh đã nỗ lực từng ngày để có được một cuộc sống tự lập. Với vai trò là Chánh văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Sóc Trăng, anh đã đóng góp công sức không nhỏ chăm lo đời sống cho NKT nói chung, nạn nhân chất độc da cam Dioxin nói riêng và cho sự phát triển của phong trào NKT trên địa bàn..
Nỗ lực vượt lên mặc cảm
Anh Nguyễn Thanh Hoài là con trai cả của một gia đình nông dân chất phác ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Anh nghe cha mẹ kể lại rằng, sau khi cưới nhau được một năm, cha mẹ anh đã vô cùng hạnh phúc khi đón chào cậu con trai đầu lòng lành lặn, khỏe mạnh. Nhưng, niềm vui ấy đã không trọn vẹn khi Hoài được 16 tháng tuổi. Căn bệnh sốt bại liệt đã làm teo tóp chân bên phải của Hoài, khiến anh không thể nhấc nổi chân mình. Dù nhà nghèo, của nải chẳng có gì nhưng ba mẹ đã cố gắng tìm mọi cách chữa trị cho Hoài, mong anh có thể đi lại được bình thường. Nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả. Cuối cùng một chân phải của anh bị liệt hoàn toàn, chân còn lại cũng chỉ còn 40% khả năng đi lại.
Trở thành khuyết tật khi còn quá nhỏ, tuổi thơ của anh Hoài cũng vì thế mà thiệt thòi hơn so với các bạn cùng trang lứa. Anh Hoài kể “Trong khi chúng bạn túm năm tụm bảy cười đùa, khoái chí với những trò chơi của tuổi thơ, tôi chỉ biết ngồi trong nhà nhìn ra với niềm khao khát, tiếc nuối. Đôi chân yếu đuối cùng những tháng ngày triền miên đau ốm khiến tôi không dám hòa nhập với bạn bè”. Tuổi thơ của Hoài chỉ thực sự khởi sắc khi ba mẹ sinh thêm em gái. Hoài có thêm người chơi đùa cùng, có thêm người chia sẻ và đặc biệt là anh có cơ hội được đến trường. Dù gặp rất nhiều khó khăn do không thể tự đi lại được bình thường nhưng Hoài vẫn nỗ lực và chăm chỉ, kiên trì trên con đường tìm kiếm con chữ.
Trong khi các bạn tung tăng cắp sách đến trường, Hoài phải nhờ đến sự giúp đỡ của cha mẹ, hàng xóm, bạn bè. Họ cõng Hoài trên lưng ngày hai buổi đến trường, bất kể những lúc trời mưa to, gió lớn. Những hôm nào không nhờ được mọi người, một mình anh tự “bò” đến lớp. Quãng đường đi về chừng 6 km là cả một hành trình gian khổ, thử thách ý chí và sự kiên trì đối với Hoài. Thấy việc học của Hoài vất vả quá, hàng xóm đã khuyên cha mẹ cho anh nghỉ học. Họ bảo rằng, để anh đi học như thế vừa vất vả cho gia đình, mà anh có học xong cũng chẳng làm được việc gì, chỉ tốn công, tốn tiền của gia đình mà thôi. Rồi khi đến trường, thấy Hoài bị tật, phải chống gậy đi khập khiễng hay phải vịn vào người khác mới đi được, nhiều bạn cùng trường đã trêu chọc, không muốn chơi chung với anh và gọi anh là “thằng què”. “Những lúc ấy tôi rất muốn khóc, muốn nghỉ học nhưng không hiểu sao nước mắt tôi không rơi được, trái lại tôi càng thích đến trường hơn!” – Anh Hoài chia sẻ.
Mười tuổi, mẹ gửi Hoài ra ở với ngoại để anh đi học được gần trường hơn. Anh được ông bà ngoại và các cậu, dì thương yêu, giúp đỡ, ba mẹ cũng thường xuyên đến thăm. ý thức được việc mình đang ở nhờ họ hàng nên Hoài đã tập cho mình cách sống tự lập, không ỷ lại vào người khác. Ngoài thời gian học, anh tự chủ động sinh hoạt cá nhân, tự giặt đồ, phụ giúp công việc của bà, của các dì, các cậu. Để không phụ thuộc vào đôi nạng gỗ, Hoài bắt đầu tập đi xe đạp. Nhưng đó không phải là một điều dễ dàng. “Nhiều lúc bị ngã đau, tôi chỉ muốn quẳng xe đi và tự hỏi vì sao mình không thể có được đôi chân khỏe mạnh như mọi người? Sao ông trời lại bất công với tôi như vậy? Nhưng rồi tôi lại gượng dậy và lại tập tiếp. Câu nói của mẹ kể về giấc mơ “Thằng Hoài đạp xe về thăm mẹ!” càng tiếp thêm nghị lực cho tôi và cuối cùng tôi cũng đã thành công”.
Nỗ lực trong rèn luyện thể lực, anh Hoài không quên phấn đấu trong học tập. Những năm học phổ thông, anh từng là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường các môn Toán, Anh văn, Vật lý… Sau khi học hết phổ thông, dù gia đình khuyên anh nên đi học nghề để kiếm kế sinh nhai hơn là theo đuổi đại học, không biết khi ra trường có tìm được công việc phù hợp. Nhưng niềm khao khát được bước chân vào giảng đường đại học, được tiếp cận tri thức đã giúp anh quyết tâm thi đỗ vào Khoa Điện tử Viễn thông của Trường Đại học Cần Thơ.
Hết mình vì sự bình đẳng và hòa nhập của NKT
Rời mảnh đất Tiền Giang, Hoài nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới ở Cần Thơ. Trong thời gian này, anh biết đến Câu lạc bộ Người khuyết tật Cần Thơ (nay là Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ). Anh tham gia cộng tác cùng với Hội gần tám năm. Khoảng thời gian này đã giúp anh tiếp thu nhiều kiến thức và trải nghiệm thực tế khi hoạt động trong một tổ chức của NKT. Anh làm thư ký, trực tiếp phụ trách công tác văn phòng, điều hành hoạt động mảng tình nguyện viên, tổ chức sự kiện và tham gia triển khai các dự án của Hội.
Đặc biệt, với niềm say mê công nghệ, anh Hoài đã tự mày mò, nghiên cứu thiết kế website và quản trị mạng. Suốt trong ba tháng, thời gian làm việc trung bình 16 giờ một ngày, anh đã cho ra đời sản phẩm đầu tiên là Trang thông tin điện tử của Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ. Trang thông tin này đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động của Hội NKT thành phố Cần Thơ.
Tốt nghiệp Đại học, anh Hoài đã trải qua nhiều công việc khác nhau từ làm nhân viên bán hàng, trực bưu điện, quản trị mạng, làm ở một số Công ty… Những thăng trầm trong cuộc sống đã hình thành cho Hoài một cá tính tự tin, năng động và quyết đoán. Anh mạnh dạn kinh doanh riêng, chủ yếu với nghề thiết kế website và các dịch vụ về máy vi tính. May mắn đến với Hoài khi được gặp người bạn gái sau này là vợ anh, cũng là một NKT (hiện đang công tác tại Hội người mù Sóc Trăng). Sau khi lập gia đình và chuyển về Sóc Trăng cho thuận tiện với công việc của vợ, anh cũng may mắn được nhận vào làm việc tại Hội nạn nhân chất độc Da cam/Dioxin tỉnh Sóc Trăng.
Công tác tại Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng, với mong muốn được chia sẻ, giúp đỡ những người đồng cảnh, anh Hoài đã đề xuất Ban lãnh đạo Hội nhiều ý tưởng giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là thành lập Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam; Thành lập Câu lạc bộ NKT tỉnh Sóc Trăng (do chính anh Hoài làm Chủ nhiệm) Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực NKT ở thành phố Hồ Chí Minh mở lớp tập huấn cho NKT; Vận động bạn bè hỗ trợ máy vi tính cũ, tập sách.. cho học sinh là nạn nhân chất độc da cam; Tặng hàng trăm phần quà cho nạn nhân chất độc da cam và NKT nhân các dịp lễ, tết. Vận động các tổ chức Đoàn thanh niên ở các cơ quan cấp tỉnh tổ chức đi thăm 05 hộ gia đình NKT mỗi quý, chương trình đã thực hiện được 02 năm và ngày càng đông đoàn viên thanh niên và mạnh thường quân ủng hộ.
Tại Đại hội Đại biểu Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2014 - 2019, anh Hoài được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Hội, giữ chức vụ Chánh Văn phòng Hội. Ngoài công việc chuyên môn tại Hội, anh còn là giáo viên thỉnh giảng môn Công tác xã hội với NKT tại Trường Cao đẳng nghề tỉnh Sóc Trăng, thường xuyên viết bài cộng tác với Báo Lao động, Báo Sóc Trăng và các trang thông tin điện tử của các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh Sóc Trăng.
Với những nỗ lực của bản thân và sự đóng góp cho xã hội, năm 2014, anh Hoài vinh dự được chọn là một trong 30 gương Nghị lực phi thường của Chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” năm 2014, được nói lên tâm tư nguyện vọng của một NKT trước lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH. Năm 2016, anh vinh dự được đại diện cho hàng ngàn NKT tỉnh Sóc Trăng tham dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bộ LĐ-TB &XH tổ chức.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- “Tốt đời đẹp đạo” góp phần xây dựng xã hội nhân văn, bác ái - 07/04/2017 03:18
- Tâm huyết và trách nhiệm của người cán bộ Hội - 05/04/2017 03:26
- Biến thử thách thành động lực cuộc sống - 04/04/2017 04:57
- Nghị lực và ước mơ của cô bé mồ côi - 04/04/2017 04:50
- Vươn lên từ niềm vui lao động - 15/03/2017 04:02
Các tin khác
- Nữ Chủ tịch Hội với những cống hiến thầm lặng - 14/03/2017 07:51
- Con trai thợ sửa xe máy chế tay robot giúp người khuyết tật - 13/03/2017 07:33
- Nữ sinh khuyết tật có nghị lực phi thường - 09/03/2017 07:15
- Nữ sinh bị cưa chân đoạt Huy chương Bạc Olympic Địa lý - 09/03/2017 03:44
- Chuyện tình cảm động của 'Hòa bỏng' và bạn đời xinh đẹp - 07/03/2017 07:56