Thứ ba, 04 Tháng 4 2017 11:57

Có gương mặt đẹp như cái tên cha mẹ đặt cho nhưng cuộc đời của Nguyễn Thị Đài Trang (tổ 2, phường Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) lại chẳng hề xuôi chèo, mát mái. Cơ thể không lành lặn, sự nghiệp lận đận, tình cảm gia đình thiếu trọn vẹn... Nhưng cũng chính những thăng trầm, thử thách đó đã làm nên một Nguyễn Thị Đài Trang rắn rỏi, tự tin, một người phụ nữ khuyết tật đầy bản lĩnh, một tấm gương nghị lực đáng để bất cứ ai cũng phải học tập, noi theo.

Nguyễn Thị Đài Trang sinh ra và lớn lên trong một gia đình đông con. Ba tháng tuổi, cơn sốt bại liệt đã cướp đi của chị đôi chân lành lặn. Gia cảnh nghèo khó càng khánh kiệt hơn sau những tháng ngày cha mẹ đưa Trang đi chữa trị mà bệnh không thuyên giảm. Suốt thời thơ ấu, Trang ở viện nhiều hơn ở nhà, nhưng sau bao nỗ lực, cố gắng của bố mẹ và bản thân cô gái nhỏ, đôi chân vẫn không không tài nào nâng đỡ được cơ thể. Cha mẹ đành chấp nhận để Trang trở thành người khuyết tật.

4Chan dung NKT Bien thu thach thanh dong luc 1

Chị Nguyễn Thị Đài Trang

 

Lên 6 tuổi, nhìn các bạn cùng trang lứa tíu tít đến trường, Trang rất tủi thân, nằng nặc xin cha mẹ cho đi học. Nhưng lo con ra đời không hòa nhập được lại bị chúng bạn chê cười, giễu cợt thì tội nghiệp nên cha mẹ Trang đành khước từ. Hai năm sau, không cầm lòng được trước sự mong mỏi của cô bé, cha mẹ đành chấp nhận cho con đi học thử. Nhà nghèo, không có nổi một chiếc xe đạp để chở con tới lớp, ba mẹ, anh chị của Trang phải thay phiên nhau cõng cô bé tới trường. "Có hôm tan học rồi mà người nhà chưa kịp đến đón, tôi phải tự bò trong lớp ra đường để xin đi nhờ xe về nhà. Hai bàn tay, hai đầu gối bị chầy xước đến rướm máu. Cơ cực là thế, nhưng về đến nhà, tôi tuyệt nhiên không kể với gia đình vì sợ cha mẹ lo lắng sẽ không cho tôi đi học tiếp nữa..." - chị Trang bồi hồi nhớ lại.

Ban đầu các bạn trong lớp thấy Trang bị tật như thế nên cười nhạo, chọc ghẹo ghê lắm. Nhưng lâu dần các bạn thấy Trang ham học và học giỏi, lại rất hoà đồng nên từ việc kỳ thị, các bạn chuyển dần sang yêu mến, giúp đỡ Trang trong học tập. Sự động viên, khích lệ của bạn bè, thầy cô cộng với bản tính chăm chỉ miệt mài và trí thông minh trời phú, suốt những năm phổ thông, Nguyễn Thị Đài Trang luôn là học sinh giỏi của trường, của thành phố và của tỉnh. Tốt nghiệp cấp III (năm 2002), chị thi đậu vào khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh.

Gian nan con đường lập nghiệp

Rời khỏi vòng tay cha mẹ, cuộc đời sinh viên của Nguyễn Thị Đài Trang đã trải qua biết bao niềm vui, nhưng cũng không ít gian khổ. Sống xa nhà, Trang phải đi ở trọ bên ngoài, tự mình xoay sở mọi việc từ sinh hoạt cá nhân, lập kế hoạch chi tiêu, học tập, giao tiếp với mọi người xung quanh. Càng thấm thía nỗi thiệt thòi của bản thân, chị càng ý thức hơn bao giờ hết vấn đề hoà nhập.

"Tôi luôn nghĩ rằng: Bản thân mình không tự cởi mở lòng mình, không vượt lên được nỗi mặc cảm, tự ti của mình thì làm sao có thể đòi hỏi sự cảm thông của người khác? Vì vậy, tôi luôn sống hết mình với mọi người xung quanh, lúc nào cũng vui vẻ, hoà nhã, chủ động tiếp chuyện với mọi người. Thấy tôi gần gũi, thân thiện, mọi người xung quanh cũng quý mến và giúp đỡ những lúc khó khăn", chị Trang chia sẻ. Sự nỗ lực của chị Trang không chỉ giúp chị vượt lên được chính mình, chiếm được cảm tình của những người xung quanh mà còn tạo nên cơ duyên để chị đến với người chồng hiện nay của mình.

Chị Trang kể lại "Thời sinh viên, có một người bạn cùng xóm trọ, bằng tuổi mình nhưng học trước mình hai khóa. Anh bản tính hiền lành, điềm đạm, ít nói nhưng luôn lặng lẽ quan sát, chia sẻ và giúp đỡ tôi những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống. Rồi tình yêu đến với chúng tôi như là một lẽ tự nhiên. Hơn 4 năm quen biết và yêu nhau, chúng tôi gặp phải sự ngăn cản quyết liệt từ hai bên gia đình. Nhưng rồi, chúng tôi đã chứng minh với mọi người về niềm tin, về tình yêu thực sự bằng một đám cưới đẹp nhưng buồn vì không có bóng dáng nhà trai. Chồng tôi phải nhờ đến Công đoàn Trường THCS Kỳ Khang nơi anh công tác làm đại diện. Ngày tôi đi lấy chồng, cha tôi, mẹ tôi, anh chị em tôi đều khóc..".

Gia đình bên ngoại thì nghèo, gia đình bên nội thì không chấp thuận, vợ chồng chị Trang ra đời với hai bàn tay trắng. Cuộc sống của cả gia đình dựa vào đồng lương giáo viên ít ỏi của chồng, anh vừa đi làm, vừa chăm sóc người vợ khuyết tật. Hai cô con gái lần lượt ra đời minh chứng cho tình yêu của đôi vợ chồng trẻ, nhưng cũng mang đến thêm gánh nặng lo toan.

4Chan dung NKT Bien thu thach thanh dong luc 2

Chị Trang chia sẻ câu chuyện của mình tại Đại hội Hội bảo trợ NKT, TMC tỉnh Hà Tĩnh

 

Thương chồng, chị Trang cũng đã nghĩ đủ cách để kiếm thêm thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. "Suốt 10 năm qua, tôi đã bươn chải khắp nơi, lăn lộn với đủ thứ nghề để mưu sinh: từ làm văn thư ở Trường THCS Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh, từng mở hiệu sách ở Cửa Lò (Nghệ An), từng làm quản trị website cho doanh nghiệp tư nhân Quỳnh Viên (Hà Tĩnh), từng mở quán cà phê ở phố Lý Tự Trọng, bán nước chè ở đường Trần Phú, làm nhân viên chăm sóc khách hàng của Viettel Hà Tĩnh. Và cuối cùng, tôi cũng đã tìm ra hướng đi cho sự nghiệp của mình: mở một nhà hàng ăn uống", chị Trang chia sẻ.

Nhà hàng của chị Trang được đặt tên là Nhà tôi, có địa chỉ tại số 67, đường Lê Duẩn, thành phố Hà Tĩnh có tổng diện tích hơn 1.000 mét vuông. Công việc kinh doanh ngày càng phát đạt đã giúp chị ổn định kinh tế gia đình. Chị Trang còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động, trong đó có những bạn có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương với thu nhập thấp nhất là 4 triệu đồng, cao nhất là 15 triệu đồng/người /tháng.

Hiện tại chồng chị Trang đang công tác tại Viettel Hà Tĩnh, anh chị đã có hai con gái khỏe mạnh, thông minh. Cháu lớn học lớp 6 và cháu nhỏ học lớp 1. Các con của chị đều được chăm lo cho học hành đầy đủ, gia đình êm ấm, hạnh phúc. Sự nỗ lực, cố gắng của chị còn khiến cho gia đình nhà chồng chị có cái nhìn tích cực hơn, mối quan hệ với vợ chồng chị cũng ngày một cải thiện.

Có được như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, chị Trang luôn trân trọng và biết ơn sự đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ của cộng đồng xã hội và gia đình. Sự động viên, tạo điều kiện của mọi người đã tiếp thêm nghị lực để chị không ngừng phấn đấu, vượt qua tất cả những trở ngại, thử thách của cuộc sống. Qua câu chuyện về cuộc đời mình, chị Trang rút ra một điều rằng: “Nếu số phận đã không ưu ái với chúng ta, chúng ta cũng không có phép màu để thay đổi nó, thì thay vì than thân trách phận, chi bằng chúng ta hãy cứ mỉm cười, cứ vui, cứ sống hết mình với những gì đời đã ban cho, tìm cách biến những thử thách thành động lực cuộc sống. Trên đời này, khi một cánh cửa này khép lại, sẽ lại có một cánh cửa khác mở ra. Quan trọng là mình có đủ nhẫn nại, đủ niềm tin để tìm thấy chìa khóa mở cánh cửa cuộc đời mình hay không mà thôi”.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi