Thứ hai, 13 Tháng 3 2017 14:33

Đó là cậu học trò Phạm Huy (học lớp 11A3, trường THPT TX.Quảng Trị, Quảng Trị). Bằng tài năng, cần cù cùng sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, giấc mơ giúp người khuyết tật dùng tay robot của Huy đang thành hiện thực…

 

Ước vọng ấp ủ hơn 5 năm trời
 
Sau hơn 1 tuần ra Bắc thi thố, Huy trở về trường với sự chào đón nồng nhiệt của thầy cô, bè bạn khi cậu vừa đạt giải quán quân của Hội thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 khu vực phía bắc do Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức từ ngày 6 đến ngày 9.3.
 
Con trai thợ sửa xe máy chế tay robot giúp người khuyết tật - ảnh 4
Thầy trò Lê Công Long, Phạm Huy trước sản phẩm gây tiếng vang tại hội thi ẢNH: NVCC
 
Với đôi mắt lém lỉnh ẩn sau cặp kính cận, Huy cười toe toét khoe: “Thầy trò chúng em mang sản phẩm cánh tay robot đi thi chủ yếu là để học hỏi. Việc đạt giải cao thực sự là thành công ngoài mong đợi”.
 
Cùng ngồi dọc hàng ghế đá dưới tán bàng đang mùa rụng lá, Huy kể, em là con út trong một gia đình trú tại xã Triệu Tài (H.Triệu Phong, Quảng Trị), có mẹ bán vải ngoài chợ thị xã, còn bố thì mở tiệm sửa xe máy, xe đạp tại nhà. Ở xa trung tâm, Huy thường phải đạp xe vài cây số để đến trường nhưng suốt 11 năm qua, cậu học trò làng này chưa bao giờ để vuột danh hiệu học sinh giỏi.
 
Con trai thợ sửa xe máy chế tay robot giúp người khuyết tật - ảnh 3
Sản phẩm cánh tay robot giúp đỡ người khuyết tật đã giành giải quán quân Hội thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 khu vực phía bắc. ẢNH: NVCC
 
Huy nói càng học lên các lớp cao, cậu càng có niềm đam mê đặc biệt với môn vật lý và kỹ thuật. Ngoài giờ lên lớp, thời gian còn lại hầu như cậu dành để chế…robot. Trước khi đến với sản phẩm “để đời” vừa đạt giải, Huy đã từng chế ra những: cánh tay robot công nghiệp, bàn tay robot mô phỏng tay người, xe điều khiển bằng sóng bluetooth…Thầy Lê Công Long, giáo viên môn Vật lý (trường THPT TX.Quảng Trị), người có công phát hiện và hỗ trợ việc sáng tạo của Huy, cho hay không phải sản phẩm nào của cậu học trò nhỏ cũng thành công và được ghi nhận. “Có bữa đưa sản phẩm đi dự thi cấp địa phương cũng thất bại. Nhưng ngay lúc đó, tôi vẫn tin rằng sẽ có lúc Huy thành công vì em có năng khiếu đặc biệt về công nghệ thông tin, đồ họa và mạch điện”, thầy Long nói.
 
Riêng đề tài “Cánh tay robot cho người khuyết tật” đã được Huy “thai nghén” từ thời lớp 8. “Em luôn biết ở Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung đang có rất nhiều người khuyết tật. Họ có thể là nạn nhân bom mìn, bị tai nạn giao thông hoặc khuyết tật bẩm sinh… nhưng thường không có những công cụ hỗ trợ để sinh hoạt bình thường. Vào hồi lớp 8, em có xem tivi, phát sóng chương trình nói về một cánh tay robot do người Mỹ chế tạo để gắn vào tay cụt của những người khuyết tật. Giá của cánh tay này quá đắt so với đời sống của người khuyết tật Việt Nam… Nên từ đó, em muốn có cho mình một cánh tay”, Huy trình bày ý tưởng đầy chất nhân văn của mình.
 
Ấp ủ thế nhưng phải đến năm học cuối lớp 10 thì Huy mới bắt đầu chế tạo cánh tay robot. Cậu học trò nhỏ này gặp phải không ít thử thách lúc ban đầu, chẳng hạn việc linh kiện khan hiếm, đắt đỏ cho đến những hỏng hóc không như ý muốn. Thậm chí, bố mẹ của Huy cũng chưa ủng hộ hoàn toàn vì thấy con trai thao thức ngày đêm mày mò, sợ ảnh hưởng đến kết quả học tập trên lớp và kỳ thi ĐH vào sang năm.
 
Kỳ tích của cậu học trò trường làng
 
Phải đến giữa năm 2016 thì “đứa con” mang tên “cánh tay robot cho người khuyết tật” của Huy mới nên hình hài với chất liệu nhựa PLA ở bên ngoài và chi chit những vi mạch, vi điều khiển bên trong với tổng vốn đầu tư...hơn 3 triệu đồng. “Đó là một món tiền khổng lồ đối với em, do mẹ em làm…chủ đầu tư”, Huy nói.
 
Huy mô tả tóm gọn: “Đại loại cũng có nhiều thứ phức tạp nhưng về cơ bản, cánh tay robot của em được điều khiển bằng các ngón chân, có thể úp ngửa, co duỗi ngón tay, cẳng tay; hệ thống có trang bị cảm biến chuyển động để xem người sử dụng đang đứng yên hay di chuyển; có cảm biến nhiệt để báo động khi các đồ cầm vào quá nóng, gây nguy hiểm…Với những thao tác nhịp nhàng của chân thì cánh tay robot của em có thể cầm nắm rất nhiều loại đồ vật….”.
 
Con trai thợ sửa xe máy chế tay robot giúp người khuyết tật - ảnh 5
Phạm Huy thuyết trình trước hội đồng chấm giải Hội thi khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 khu vực phía bắc. ẢNH: NVCC
 
Khác với nhiều sáng tạo của các bạn cùng trang lứa ít có cơ hội “va chạm” thực tế, thầy trò Huy đã chủ động mang cánh tay robot này đi thử nghiệm tại Hội người mù xã Hải Thọ (H.Hải Lăng) và tỏ ra rất hiệu quả, nhận được nhiều lời ngợi khen của các người khuyết tật sử dụng thử.
 
Với những tính năng khá hoàn thiện và ý nghĩa tốt đẹp, sản phẩm “Cánh tay robot cho người khuyết tật” của Huy đã giành giải nhất Hội thi khoa học kỹ thuật cấp THPT toàn tỉnh Quảng Trị. Đầu tháng 3 này, hai thầy trò Huy đã mang “Cánh tay robot cho người khuyết tật” đi... “đánh xứ người” và kết quả thật bất ngờ. “Dù nói thế nào đi nữa thì Huy cũng là một học sinh ... “trường làng”, so với các bạn ở các thành phố lớn, em thiệt thòi vì thiếu vật chất, thiếu điều kiện tiếp cận những công nghệ cao. Nhưng chính sự tự tin, vượt qua mặc cảm đã giúp Huy giành giải quán quân như một kỳ tích”, thầy Long xúc động nói.
 
Con trai thợ sửa xe máy chế tay robot giúp người khuyết tật - ảnh 6
Sau khi giành giải quán quân, thầy trò Lê Công Long và Phạm Huy cho biết sẽ tiếp tục có những chỉnh sửa để hoàn thiện cánh tay robot giúp người khuyết tật. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
 
Huy cho hay, sau chiến thắng, em nhận được nhiều lời khen ngợi của các nhà khoa học và vài lời ngỏ ý hợp tác của một số đơn vị nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức độ...lời nói. “Em hy vọng có một cá nhân, tập thể nào đó, chung sức với em để phát triển sản phẩm này một cách hoàn thiện, ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng người khuyết tật, cho họ bớt thiệt thòi...”, Huy chia sẻ.
 
Niềm hy vọng của Huy, một cậu học sinh tỉnh lẻ thật đáng trân trọng biết bao..
 
 
Nguồn: thanhnien.vn

Tin nổi bật

Phạm Huy và sản phẩm cánh tay robot giúp đỡ người khuyết tật.  /// ẢNH: NVCC

Con trai thợ sửa xe máy chế tay robot giúp người khuyết tật

Trung bình mỗi tháng, một “thợ cắt” có thể cắt từ 300 đến 350 lốp ô tô cũ

Nơi độc nhất ở Sài Gòn bánh xe ô tô cũ không bỏ đi

Nhiều người dân H.Diễn Châu (Nghệ An) đã gửi đơn tố cáo Công ty DDB đến công an  /// Ảnh: Phan Ngọc

Vỡ mộng đổi đời bằng ‘click chuột’

Xe điện tự chế 3 bánh chạy ở khu vực tượng đài Lý Thái Tổ  /// Ảnh: Minh Chiến

'Bom nổ chậm' vẫn chạy đầy phố

 
Đó là cậu học trò Phạm Huy (học lớp 11A3, trường THPT TX.Quảng Trị, Quảng Trị). Bằng tài năng, cần cù cùng sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, giấc mơ giúp người khuyết tật dùng tay robot của Huy đang thành hiện thực…

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi