Mang khiếm khuyết từ nhỏ do di chứng của căn bệnh viêm xương, hoàn cảnh khó khăn nên anh Nguyễn Danh Diệu (xóm Xuân Thủy, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) đành nghỉ học từ sớm để phụ giúp gia đình. Sau bao lần thăng trầm, tự mình mày mò học hỏi, cuối cùng, anh đã tìm ra được hướng đi của riêng mình: làm giàu từ chính mảnh đất của cha ông, bằng việc phục vụ bà con nông dân quê mình. Sự cần cù, chăm chỉ cùng khả năng nhanh nhạy với thời cuộc đã giúp anh từ một người khuyết tật ít được học hành trở thành một ông chủ nông trại phức hợp, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Không ngừng xoay sở để thoát nghèo
Anh Nguyễn Danh Diệu sinh ra trong một gia đình ở vùng nông thôn của thị trấn Nghèn huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Bố mẹ sinh được 8 anh chị em, Diệu là con thứ 8 cũng là con út trong gia đình. Năm lên 3 tuổi, căn bệnh viêm xương đã khiến chân bên phải của anh bị teo lại và tê liệt hoàn toàn, không thể vận động được. Từ đó, anh Diệu chỉ có thể di chuyển bằng một chân bên trái. Do việc đi lại khó khăn nên học xong chương trình phổ thông cơ sở anh quyết định nghỉ học để ở nhà làm kinh tế phụ giúp bố mẹ già yếu.
Nhận thấy địa thế của gia đình vốn ở vùng sâu trũng đất đai rộng rãi nên rất thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia cầm. Tuổi còn nhỏ, lại chưa có kinh nghiệm nên anh Diệu tính chăn nuôi gà, ngan ngỗng. Ban đầu, việc chăn nuôi gặp nhiều rủi ro, lãi lời không nhiều nhưng anh vẫn thấy rất vui vì đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và một ít thu nhập để làm vốn, tính kế mưu sinh. 20 tuổi, anh Diệu xây dựng gia đình, rồi 3 đứa con lần lượt ra đời. Lúc này, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, mặc dù vợ chồng đã cố gắng xoay xở song cũng không đủ để trang trải cho cuộc sống. Gánh nặng trên vai, với trách nhiệm của một người chủ trong gia đình, anh Diệu càng thêm trăn trở việc mình phải làm gì để thoát khỏi cảnh nghèo khó.
Anh Nguyễn Danh Diệu chia sẻ câu chuyện thành công của mình tại Đại hội của Hội Bảo trợ NKT và TMC tỉnh Hà Tĩnh
Với sự quyết tâm và nỗ lực hết mình phải học bằng được một nghề để thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình. Năm 1999, anh theo học nghề may mặc. Ban ngày đi học, tối về nhà anh dùng phấn vẽ lên bàn gỗ, xin báo cũ tập cắt mẫu. Nhờ sự chăm chỉ và kiên trì chỉ sau 15 ngày anh đã cắt may thành thạo. Lúc này, anh vay mượn tiền của anh em, bạn bè mua một chiếc máy may và thuê một ki ốt cạnh đường tỉnh lộ 6 để mở tiệm may. Do chịu khó lại thường xuyên trau dồi tay nghề qua kinh nghiệm học được nên các sản phẩm may mặc của anh Diệu luôn có dấu ấn riêng và nhận được nhiều tình cảm của khách hàng. Chỉ một năm sau lượng khách đến với tiệm may của anh ngày càng đông. Ngay cả khi anh chuyển tiệm về nhà ở xóm Xuân Thủy thị trấn Nghèn, nhiều khách hàng quen vẫn tìm đến và đặt hàng. “Suốt 10 năm miệt mài với nghề may mặc, tôi cũng đã tích lũy được một số vốn nho nhỏ, vừa trang trải cuộc sống gia đình, lo cho các con học hành và xây được một căn nhà bán kiên cố”, anh Diệu chia sẻ.
Và làm giàu từ hướng đi đúng
Do nhu cầu xã hội, đồ may mặc sẵn có ngày càng nhiều, mẫu mã đa dạng hơn nên lượng khách đến các tiệm cắt may như của anh Diệu ngày càng ít đi. Anh bàn bạc với vợ nghiên cứu, chuyển đổi nghề cho phù hợp với nhu cầu thị trường và có thu nhập cao hơn. Anh chị thử sức với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ăn uống. Nhưng chỉ 2 năm kinh doanh nghề này, anh nhận thấy sự phức tạp và không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình nên vợ chồng anh chuyển sang đầu tư thêm vốn mua máy cày, máy xay xát và xây dựng thêm một số ki ốt kinh doanh các mặt hàng khác. Sự nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh đã giúp anh chị phát triển dần cơ ngơi của mình. Đến nay, gia đình anh đang có 4 ki ốt gồm: 1 ki ốt máy xay xát và thu mua lúa gạo, 1 ki ốt bán thức ăn gia súc, 1 ki ốt bán hàng tạp hóa, 1 ki ốt bán vật tư phân bón và thuốc trừ sâu.
Do lượng khách hàng ở vùng nông thôn không tập trung dồn dập mà rải rác hàng ngày, hàng tháng nên anh chị cứ túc tắc, tự làm ở tất cả các ki ốt và không thuê thêm người làm, đồng thời mua xe lam nhỏ để chuyển hàng hóa như vật tư phân bón, thức ăn gia súc bán đến tận các hộ gia đình. Tuy vất vả nhưng tiết kiệm được chi phí nhân công. Cách làm này đã giúp cho kinh tế gia đình anh ngày càng phát triển hơn. Cuối năm 2014, anh chị xây dựng thêm trang trại chăn nuôi gồm 200m2 chuồng trại. Trang trại hiện có 6 con bò lai, 25 con lợn nái, 100 con lợn thịt các loại gà vịt khác. Cuối năm 2015, để phục vụ cho nhu cầu của thị trường, anh Diệu quyết định đầu tư thêm 1 trang trại rộng hơn 1.000m2 nữa để làm rau sạch và các loại rau quả khác, đầu tư mới 2 chiếc máy cày loại lớn hơn để phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Từ các nguồn thu ở các ki ốt bán hàng, máy cày, máy xay xát và từ nguồn chăn nuôi trang trại thu nhập hàng năm của gia đình sau khi trừ các chi phí còn lãi ròng trên 300 triệu đồng/năm. Bằng các nguồn thu đó gia đình anh Diệu đã đảm bảo được cuộc sống gia đình đầy đủ, no ấm và hạnh phúc. Hiện nay 3 con của anh chị cháu trai lớn đã đi làm nghề lái máy cẩu ở Đồng Nai, cháu thứ 2 đang học lớp 12 còn cháu thứ 3 đang học lớp 10. Không những đảm bảo kinh tế gia đình lo cho các cháu ăn học đầy đủ mà gia đình anh còn xây dựng được các công trình nhà vườn, công trình vệ sinh đảm bảo theo tiêu chuẩn của khu dân cư kiểu mẫu phù hợp với phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Trong năm 2017 này, anh Diệu dự tính sẽ mua thêm máy gặt đập liên hợp để phục vụ bà con trong vùng và phát triển thêm kinh tế gia đình. Mặt khác nếu có sự hỗ trợ của ngân hàng và các cấp để vay vốn ưu đãi, anh muốn mở rộng các ki ốt của mình ra một mặt bằng mới rộng hơn để có thể mở rộng kinh doanh buôn bán phục vụ cho nhu cầu của người dân xung quanh.
Nói về những thành quả của mình, anh Diệu khiêm tốn cho rằng nó vẫn còn rất nhỏ bé. Nhưng anh vẫn cảm thấy rất đỗi tự hào vì mình đã tìm được hướng đi đúng đắn, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, nuôi dạy con cái thành tài và tạo dựng một gia đình hạnh phúc. Những nỗ lực của anh cũng đã góp một phần vào thành công của trong phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. “Chúng tôi luôn tin tưởng rằng, với sự quan tâm, giúp đỡ, động viên của các cấp lãnh đạo, các ban ngành ở địa phương và toàn xã hội, những người “tàn” như chúng tôi sẽ không bao giờ đầu hàng số phận, mà sẽ nỗ lực hết mình để xây dựng xã hội ngày càng giàu đẹp, văn minh hơn” – anh Diệu khẳng định.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Nữ Chủ tịch Hội với những cống hiến thầm lặng - 14/03/2017 07:51
- Con trai thợ sửa xe máy chế tay robot giúp người khuyết tật - 13/03/2017 07:33
- Nữ sinh khuyết tật có nghị lực phi thường - 09/03/2017 07:15
- Nữ sinh bị cưa chân đoạt Huy chương Bạc Olympic Địa lý - 09/03/2017 03:44
- Chuyện tình cảm động của 'Hòa bỏng' và bạn đời xinh đẹp - 07/03/2017 07:56
Các tin khác
- Hành trình của cậu học trò quê lúa tới đại học danh tiếng Mỹ - 21/02/2017 03:40
- Tự tin mở cánh cửa tương lai - 16/02/2017 04:33
- Hành trình vượt khó của những tấm gương sáng - 16/02/2017 03:36
- Ngồi xe lăn, sửa máy tính, bán vé số mưu sinh - 07/02/2017 08:01
- Người phụ nữ khuyết tật và hành trình ươm mầm trái ngọt - 16/01/2017 06:35