Thứ năm, 13 Tháng 10 2016 13:43

Dù chưa nằm trong các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý, nhưng Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam với tư cách là thành viên của MTTQ Việt Nam, đồng thời trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình vẫn chủ động thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho đối tượng góp phần thực hiện chỉ tiêu, hoạt động về trợ giúp pháp lý cho NKT theo Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020. Với bề dày kinh nghiệm hoạt động gần 25 năm, Hội có sự am hiểu về từng loại đối tượng nên thuận lợi trong việc tiếp cận, trợ giúp, phù hợp và hiệu quả, nên được nhiều người khuyết tật biết đến và tin tưởng lựa chọn đề nghị hỗ trợ pháp lý.

 

 

anh 1 - De an 1019 - Tro giup phap ly

Đại biểu dự Hội nghị Tập huấn công tác trợ giúp pháp lý cho NKT do Trung ương Hội tổ chức (tháng 9/2016)

 

 

Hoạt động trợ giúp pháp lý cho NKT của Hội

 

Nhu cầu trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật của người khuyết tật là rất lớn và sẽ ngày càng tăng do số lượng NKT ngày càng tăng, kể cả nhu cầu trợ giúp. Đặc biệt đối với nước ta, việc nâng cao ý thức pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn luôn là vấn đề hết sức cấp thiết. Trợ giúp pháp lý làm chỗ dựa cho người dân, để họ tiếp cận và tin vào công lý, vào Nhà nước, góp phần giữ vững trật tự an toàn xã hội. Trước yêu cầu này, theo quy định tại Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam với vai trò, trách nhiệm của mình đã tích cực, chủ động tham gia đóng góp, hỗ trợ các hoạt động trợ giúp pháp lý cho NKT bằng nhiều hình thức khác nhau; trong đó, một số hoạt động chủ yếu

 

+ Tham gia xây dựng và phản biện chính sách về NKT:

 

Trong Điều lệ, Hội đã xác định chức năng của mình là “hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của NKT”. Năm 2012, Trung ương Hội thành lập Ban Chính sách Pháp luật nhằm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động tham gia cùng với Nhà nước xây dựng, phản biện chính sách. Hội đã xây dựng Chiến lược phát triển tổ chức Hội giai đoạn 2012 - 2017 trong đó xác định nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách và trợ giúp pháp lý cho NKT.

 

Hội đã tham gia góp ý, xây dựng, các hoạt động tư vấn, phản biện đối với chính sách pháp luật liên quan đến NKT, TMC như: Luật về NKT, Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020; Nghị định về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng đối với người lao động (trong đó có lao động NKT); Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Uỷ ban quốc gia về NKT Việt Nam; Luật về Hội; Bộ luật hình sự, dân sự (sửa đổi); báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 30/2011/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ thù lao đối với người đã nghỉ hưu giữ chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các Hội,....

 

Một số tỉnh, thành Hội như: Hà Nội, Đồng Tháp, Thanh Hóa.... đã quan tâm, chú ý triển khai hoạt động trợ giúp pháp lý cho NKT nhằm góp phần thực hiện Đề án 1019 về nội dung này cũng như những chế độ, chính sách liên quan đến NKT mà Nhà nước đã ban hành. Một số tỉnh Hội như Hải Dương, Phú Yên đã phối hợp với ngành LĐTBXH tổ chức khảo sát, điều tra, thu thập thông tin dữ liệu về NKT làm cơ sở bảo đảm việc thực hiện chính sách, chế độ và xây dựng kế hoạch trợ giúp phù hợp; Hà Tĩnh tích cực góp phần giải quyết chế độ chính sách cho hơn 200 người hưởng chế độ theo quy định Nhà nước; Vĩnh Long góp phần giải quyết hưởng trợ cấp xã hội bổ sung mới cho 2.000 người, nâng mức cho 3.000 người. Trung ương Hội tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp về công tác trợ giúp pháp lý cho NKT… Ngoài ra, các tổ chức Hội đã nghiên cứu trả lời đơn thư của NKT, TMC về chế độ, chính sách và can thiệp trợ giúp.

 

+ Trực tiếp hỗ trợ NKT về chính sách, pháp luật:

 

Trong quá trình hoạt động, Trung ương Hội đã trực tiếp can thiệp trợ giúp cho nhiều trường hợp NKT gặp khó khăn về chính sách. Đó là việc trao đổi thông tin với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội địa phương để xem xét, giải quyết chính sách theo hướng có lợi cho một NKT nặng ở Cần Thơ. Đối tượng sống một mình đang được hưởng trợ cấp xã hội, sau khi về ở với gia đình người thân vừa thoát nghèo thì bị cắt trợ cấp. Nhờ thông tin Hội cung cấp và đề nghị, NKT này đã được địa phương giải quyết trợ cấp trở lại ngay.

 

Trung ương Hội cũng trực tiếp can thiệp bảo vệ quyền cho NKT trong vụ việc một Hãng Hàng không từ chối vận chuyển hai hành khách khiếm thính là anh Trương Quang Thuận và anh Phạm Duy Tiến trên chuyến bay từ TP.HCM đi Huế (tháng 7/2009). Từ thư kiến nghị của đại diện NKT, sau khi xem xét các tình tiết vụ việc, Trung ương Hội đã có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam đề nghị nghiên cứu, kiểm tra, xem xét, cho ý kiến về vấn đề này. Trong văn bản hồi đáp Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam nêu rõ Hãng Hàng không này phải xin lỗi trực tiếp 2 hành khách Trương Quang Thuận và Phạm Duy Tiến và bồi thường theo Quyết định số 10/2007/QĐ-BGTVT ngày 27/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không. Cục HKVN cũng khẳng định việc Hãng Hàng không phải rà soát, điều chỉnh lại quy trình phục vụ hành khách, đặc biệt là đối với hành khách là người khuyết tật, người cần trợ giúp đặc biệt từ khâu đặt giữ chỗ, bán vé cho đến toàn bộ quá trình vận chuyển để tránh những sự cố tương tự trong tương lai. Đồng thời thực hiện toàn bộ những khuyến nghị của Cục Hàng không Việt Nam, xin lỗi, bồi thường cho hành khách và điều chỉnh lại các quy định trong điều lệ vận chuyển. Kết quả của vụ việc này đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của đông đảo cộng đồng NKT, nâng vị thế, vai trò của Hội.

 

anh 3 - De an 1019 - Tro giup phap ly anh 3

anh 2 - De an 1019 - Tro giup phap ly anh 2

Niềm vui của anh Huỳnh Trọng Quý (Bình Định) khi được khai sinh và lăn tay làm chứng minh thưở tuổi 40

 

 

Trong quá trình hoạt động, Hội cũng đã tham gia tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật của NKT. Nhờ bài viết về công tác trợ giúp pháp lý cho NKT trên Tạp chí Người Bảo trợ - cơ quan tuyên truyền của Hội; anh Nguyễn Minh Châu và anh Huỳnh Trọng Quý (thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) mới biết đến quyền được trợ giúp pháp lý của mình. Hai anh đều bị khuyết tật, mồ côi, không người thân thích, đều không có giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh thư. Điều đó đồng nghĩa với việc hơn 40 năm cuộc đời, các anh luôn gặp khó khăn, trở ngại trong các quan hệ hành chính, giao dịch dân sự vì không thể tự mình thực hiện. Sau khi đọc bài báo trên Tạp chí NBT, hai anh đã tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Bình Định đề nghị hỗ trợ và cuối cùng sau khi thực hiện từng bước theo hướng dẫn của nhân viên trợ giúp pháp lý, anh Châu và anh Quý đã được cầm trên tay giấy khai sinh và chứng minh thư khi đều đã ngoài 40 tuổi.

 

Một số vấn đề đặt ra hiện nay

 

Tuy đạt được một số kết quả, nhưng hoạt động trợ giúp pháp lý cho NKT cũng đã và đang đặt ra những yêu cầu mới. Trước hết, đó là trình độ, năng lực của cán bộ Hội, để đáp ứng được, cán bộ Hội được phân công trợ giúp pháp lý cho đối tượng phải có khả năng vận dụng tri thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực pháp luật. Bên cạnh đó, trong khả năng và nhiệm vụ của mình, mỗi cán bộ Hội cần chú ý trau dồi kiến thức, hiểu biết về chính sách, pháp luật liên quan đến NKT để có thể giải đáp, hỗ trợ thông tin cho đối tượng ngay khi có nhu cầu.

 

Trong thực tế, số lượng NKT được trợ giúp pháp lý còn thấp, nguyên nhân vẫn là do những rào cản về dạng tật, ngôn ngữ giao tiếp, do nguồn lực dành cho trợ giúp pháp lý có tăng nhưng quỹ thời gian hạn hẹp, chất lượng hoạt động chưa đồng đều. Số vụ việc trợ giúp pháp lý do cộng tác viên thực hiện mới chỉ tập trung ở lĩnh vực tư vấn pháp luật; thiếu liên kết, phối hợp giữa cơ quan nhà nước và các tổ chức của người khuyết tật, các hiệp hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật trong việc tìm hiểu nhu cầu và trợ giúp pháp lý cho họ khi cần thiết.

 

Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hoạt động truyền thông về TGPL cho NKT. Để chính sách trợ giúp pháp lý đến được với nhiều người khuyết tật có nhu cầu, để đông đảo người khuyết tật biết quyền được TGPL và tiếp cận với dịch vụ này. Xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật, bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của người khuyết tật theo hướng giải quyết thỏa đáng giữa việc quản lý Nhà nước với vai trò tự quản của các tổ chức xã hội tham gia trợ giúp pháp lý.

 

Cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan đến người khuyết tật (trong đó có Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam) trong quá trình triển khai thực hiện chính sách TGPL cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) và các Trung tâm TGPL Nhà nước cần có sự giúp đỡ, phối hợp với các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo đảm quyền của người khuyết tật và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ TGPL cho người khuyết tật đối với đội ngũ người thực hiện TGPL.  


 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi