Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã có những đổi thay tích cực, được người dân đồng tình hưởng ứng và trở thành phong trào rộng khắp cả nước. Đóng góp vào thành quả đó có những hoạt động hiệu quả, thiết thực của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng các tổ chức thành viên thông qua Chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại các xã xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Với những nỗ lực, cố gắng tham gia thực hiện nhiệm vụ Nhà nước, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Sau 5 năm triển khai bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ rệt
Ngày 4/6/2010, Thủ tướng chính phủ đã ký Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. Mục tiêu của chương trình tập trung xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch. Xây dựng một xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hoạt động hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho NKT tại Bình Dương
Sau 5 năm triển khai chương trình, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương: “Chương trình đã đạt được những kết quả rất to lớn, bộ mặt nông thôn đã đổi thay tích cực, phong trào xây dựng nông thôn mới đã được người dân hưởng ứng và trở thành phong trào rộng khắp cả nước,... Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của nhiều khu vực dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất”.
Tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, ở cấp huyện, đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TP.HCM), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (TP. Hà Nội), thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang). Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010).
Hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 7 triệu NKT, trong đó có 5 triệu NKT sống ở nông thôn. Đời sống của nhóm đối tượng này còn gặp nhiều khó khăn trong các vấn đề về y tế, giáo dục, việc làm, giao thông tiếp cận...
Là tổ chức đại diện quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên và hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, TMC Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam có trách nhiệm tập hợp đoàn kết, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nâng cao trách nhiệm xã hội, phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, đùm bọc, yêu thương, giúp đỡ, tạo điều kiện và động viên NKT, TMC hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hỗ trợ xây dựng đường tiếp cận tại gia đình NKT xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh
Trong suốt quá trình hoạt động, Hội đã thực hiện nhiều chương trình trợ giúp NKT, TMC. Từ năm 2008, Hội đã triển khai xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho NKT, TMC tại 22 xã thuộc đồng bằng Bắc bộ, Nam bộ, miền Trung và Tây nguyên. Đây là hoạt động rất quan trọng của Hội trong bước chuyển phương thức hoạt động theo cách tiếp cận từ từ thiện nhân đạo sang cách tiếp cận dựa trên quyền, thực hiện các hoạt động trợ giúp, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT, TMC, hỗ trợ cho họ và gia đình tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, đồng thời cũng là bước đi đón đầu thực hiện chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ xây dựng “Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới”.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, Hội đã tổ chức tổng kết thực hiện dự án thí điểm mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC (2008 - 2010) và quyết định năm 2011 triển khai thí điểm hỗ trợ NKT, TMC tại xã thí điểm xây dựng nông thôn mới (NTM). Kết thúc năm 2011, Hội đã sơ kết thí điểm hỗ trợ NKT, TMC tại 38 xã thí điểm xây dựng mô hình NTM thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 6 xã chỉ đạo điểm của Ban Bí thư Trung ương Đảngvà 32 xã thí điểm của 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” do Thủ tướng Chính phủ phát động và cuộc vận động toàn dân tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh của ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội đã phát động phong trào thi đua trong các tổ chức thành viên với “Chương trình hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng NTM”. Mục tiêu chung là: Tạo điều kiện tốt nhất cho NKT, TMC được cải thiện điều kiện sinh hoạt và thoát nghèo theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới; được tham gia, được thụ hưởng thành quả của chương trình xây dựng NTM. Các hoạt động chủ yếu tập trung vào các công trình vệ sinh, nước sạch, xe lăn và đường tiếp cận, vốn làm kinh tế gia đình, sản xuất kinh doanh dịch vụ, xe đạp, học bổng và hỗ trợ khác (nhà ở, tiếp cận dich vụ y tế, giáo dục...) góp phần bảo đảm an ninh trật tự xã hội.
Ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Trung ương Hội cho biết: “Các hình thức hỗ trợ của Hội đều dựa trên nhu cầu thực tế, cấp thiết của NKT, TMC. Qua khảo sát chúng tôi nhận thấy rằng, tại những xã xây dựng nông thôn mới, các công trình công cộng như điện, đường, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... đều được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp nhưng có nhiều NKT không tiếp cận được vì họ quá nghèo, không có xe lăn, không có đường tiếp cận, hệ thống nước sinh hoạt được cấp nối nhưng họ không có điều kiện để tự xây dựng một công trình đạt chuẩn, một số xã vùng ngập mặn bà con không có đủ nước ngọt để dùng, có nhiều NKT còn khả năng lao động nhưng chưa được học nghề, giới thiệu việc làm phù hợp, nhiều trẻ mồ côi có nguy cơ phải bỏ học vì kinh tế khó khăn, thiếu người chăm sóc... Với mỗi nhu cầu, các cấp Hội lại nghiên cứu, xây dựng một chương trình hỗ trợ phù hợp, vận động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện”.
Sau 5 năm triển khai, tính đến cuối năm 2015, Hội đã tham gia hỗ trợ 26.668 lượt NKT, 9.531 lượt TMC tại 226 xã xây dựng NTM. Hàng ngàn xe lăn, xe lắc, xe đạp, hàng chục nghìn suất học bổng được vận động trao tặng, hàng trăm đường tiếp cận tại nhà ở, trụ sở, trạm y tế, nhà văn hóa, công trình vệ sinh, nước sạch đạt chuẩn, hợp vệ sinh được xây dựng, hàng nghìn NKT được hỗ trợ học nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ vốn chăn nuôi sản xuất... Ngoài ra, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, các tổ chức, cá nhân hảo tâm thông qua tổ chức Hội đã hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ, các hoạt động tuyên truyền, các dịch vụ y tế (phẫu thuật chỉnh hình, phẫu thuật mắt, mua thẻ bảo hiểm y tế, cung cấp máy trợ thính,…), tặng sổ tiết kiệm, quà, quần áo, lương thực, hỗ trợ tiền điện, trợ cấp khó khăn, đỡ đầu trẻ mồ côi, cho vay vốn… cho hàng trăm nghìn lượt NKT, TMC, BNN ở các xã xây dựng nông thôn mới… với tổng kinh phí (bao gồm tiền, hiện vật và đóng góp ủng hộ khác quy ra tiền) đạt 217,5 tỷ đồng.
Những tác động tích cực, bền vững
Có thể nói, những hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam thực hiện tại các xã xây dựng nông thôn mới đã góp phần tích cực đưa các chính sách an sinh xã hội của nhà nước ta đến gần hơn với các đối tượng dễ bị tổn thương, giúp họ được thụ hưởng những thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới bình đẳng như những người bình thường khác.
Về mặt xã hội, sau các hoạt động của Hội, NKT, TMC có được điều kiện sinh hoạt thuận tiện, vượt qua mặc cảm, khó khăn, hạn chế vì sức khỏe, tự lực tốt hơn trong lao động, học tập, gia đình có thêm thời gian yên tâm làm việc, lao động. Nhờ đó, NKT, TMC cũng tăng niềm tin ở khả năng của mình, giảm lệ thuộc, trông chờ vào gia đình, nhà nước và xã hội, họ tự hào được tham gia và thụ hưởng thành quả của NTM, hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Chính sự tham gia của Hội cũng đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong việc trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến một bộ phận công dân khó khăn, thiệt thòi trong địa bàn xã. Khơi dậy tấm lòng nhân ái, chung tay đùm bọc, giúp đỡ của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, của bà con lối xóm, họ hàng dòng tộc đối với NKT, TMC, tạo sự gắn kết cộng đồng, gắn bó tình làng, nghĩa xóm. Hoạt động của Hội cũng góp phần thực hiện một số tiêu chí xây dựng NTM cụ thể đối với NKT, TMC: tiêu chí 9 về nhà ở dân cư, tiêu chí 10 về thu nhập, tiêu chí 11 về hộ nghèo, tiêu chí 12 về lao động, việc làm, tiêu chí 14 về giáo dục, tiêu chí 17 về mội trường( nước sạch, nhà vệ sinh đạt chuẩn); tiêu chí 19 về an ninh, trật tự xã hội…
Trao tặng giống vật nuôi (heo) cho hộ gia đình có NKT tại Thái Bình
Về kinh tế, việc Hội hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng NTM đã tập trung trợ giúp những hộ gia đình nghèo, khó khăn nhất tiếp cận được các nguồn lực, có khả năng vươn lên, thoát nghèo. Qua kiểm tra, đánh giá 2.390 hộ gia đình NKT nghèo được hỗ trợ sinh kế, đã có 1.205/2.390 hộ NKT thoát nghèo,bằng 50,39%.
Qua các hoạt động của Hội suốt những năm từ 2008, nhất là từ năm 2011 đến nay, nhiều mô hình trợ giúp NKT, TMC hiệu quả đã hình thành như: Mô hình hỗ trợ cải thiện sinh hoạt và sinh kế đối với NKT, TMC thực hiện đồng bộ: bản thân, gia đình và cộng đồng; Mô hình “Đường tiếp cận cho NKT trên địa bàn xã” (mô hình này được thực hiện tại 2 xã xây dựng NTM là xã Cẩm Thành, xã Cẩm Lĩnh huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh với kinh phí được hỗ trợ từ nguồn bảo đảm xã hội và huy động sự ủng hộ, đóng góp của xã hội, gia đình. 100% NKT có nhu cầu đã được hỗ trợ làm đường tiếp cận tại nhà ở, dự án còn hỗ trợ đường tiếp cận tại trường học, trạm xá, bưu điện, quỹ tín dụng nhân dân, nhà văn hóa xã, thôn giúp NKT có thêm cơ hội tham gia các hoạt động, thụ hưởng thành quả của NTM, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng, gốp phần giải phóng sức lao động của người thân trong gia đình). Mô hình đường tiếp cận cho NKT đã được triển khai thực hiện trong các tổ chức thành viên Hội thông qua chương trình “Xe lăn và đường tiếp cận cho NKT”, đây cũng là một nội dung hỗ trợ NKT khi tham gia xây dựng chương trình NTM của Hội.
Hỗ trợ vốn chăn nuôi cho NKT tại Phú Yên
Với những nỗ lực, cố gắng và đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới nói chung, hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới nói riêng, ngày 4/4/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 534/TTg-QĐ tặng Bằng khen cho Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam Đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010 - 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH bảo vệ Tổ quốc. Đây là sự ghi nhận, động viên kịp thời của Nhà nước đối với những kết quả tích cực của Chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC ở xã xây dựng nông thôn mới; sự nỗ lực, sáng tạo, tâm huyết, tích cực của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước nhằm hỗ trợ cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật, trẻ mồ côi.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Trung ương Hội phát động thực hiện tháng ”Vì người nghèo” và ủng hộ đồng bào miền Trung - 02/11/2016 04:48
- Ấm lòng tình người sau cơn lũ - 28/10/2016 04:47
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 13/10/2016 06:43
- Tỉnh Hội Bắc Giang: Tổ chức Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2016 – 2021 - 13/10/2016 06:18
- Đại hội Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Giang lần thứ III - 28/09/2016 09:55
Các tin khác
- “San sẻ niềm vui, nhân rộng yêu thương” - 12/08/2016 04:09
- Công tác trợ giúp xã hội – Kết quả đạt được và định hướng - 03/08/2016 03:47
- Chương trình “Phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị dị tật môi - vòm miệng”: Nụ cười cho em - 15/07/2016 03:09
- Tỉnh Hội Gia Lai: Tích cực thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật - 05/07/2016 03:16
- Triển khai chương trình phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật môi - vòm miệng - 01/07/2016 04:56