Bất kỳ ai trong mỗi chúng ta cũng đều có một ước mơ, dù nhỏ, dù lớn cũng đều là động lực để ta phấn đấu. Là những người khuyết tật, gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khẳng định mình và hòa nhập cộng đồng, nhưng với mơ ước về một cuộc sống tự lập, tự tin, hòa nhập, với niềm đam mê thể thao, họ đã từng bước vượt lên những bất tiện vì khiếm khuyết của mình, tự tin tỏa sáng trên các đấu trường khu vực và quốc tế.
Khuyết tật chân vẫn đạt giải Vàng Điền kinh
Đến xã Quảng Thanh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, hỏi thăm anh Đặng Thành Đồng không ai là không biết. Không chỉ là vận động viên điền kinh xuất sắc, anh còn được biết tới là cây văn nghệ chủ chốt của xã, tay cắt tóc lão luyện khi có thể cắt cùng lúc 2 tay 2 kéo, cùng với đó là vốn kiến thức về một số môn thể thao như bóng bàn, cầu lông khiến nhiều người kiêng nể. Không ai có thể ngờ, thành tích ấy lại đến từ một NKT vốn bị bại não từ nhỏ, liệt một bên chân.
Đến với thể thao khi đã gần 30 tuổi, nhưng tuổi tác dường như không ảnh hưởng đến thành tích của anh Đặng Thành Đồng. Anh cho biết, mục đích tập luyện thể dục thể thao của mình là “để bù đắp cho những thiệt thòi về thể chất, nâng cao thể lực để tự phục vụ cuộc sống, sinh hoạt và lao động”. Được sự quan tâm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hải Phòng, Hội Thể thao NKT Hải Phòng, anh luôn chăm chỉ, tập luyện và tham gia thi đấu từ năm 2009. Tố chất thể thao ăn vào máu, chỉ vài tháng tập luyện, Đặng Thành Đồng gặt hái được những thành tích đầu tiên tại Giải Thể thao người khuyết tật năm 2009. Năm đó, Đặng Thành Đồng giành 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng.
Thành công nối tiếp thành công, từ năm 2009 đến năm 2014, anh Đồng đạt 13 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng. Chia sẻ về những kỉ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp thi đấu của mình, Đặng Thành Đồng cho biết: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam á lần thứ VII (Asean Paragames VII) tại Myanmar năm 2013, cũng là giải quốc tế đầu tiên tôi tham dự, năm đó tôi giành 1 Huy chương vàng, 1 Huy chương đồng, phá 1 kỷ lục Đông Nam á ở nội dung nhảy cao. Đây cũng là thành tích đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thi đấu thể thao của tôi”. Năm 2015, tham dự Giải Thể thao người khuyết tật từ ngày 2 đến 12/8 tại tỉnh Đồng Nai, anh đạt 1 Huy chương Vàng môn Nhảy cao, 1 Huy chương Vàng môn Nhảy xa.
Tại Đại hội thể thao NKT Đông Nam á lần thứ 8 (Asean Paragames 8) anh Đồng là thành viên đội tuyển thể thao NKT Việt Nam, tuy nhiên do chấn thương trong quá trình luyện tập chưa lành hẳn cộng với sự thay đổi trong quy chế thi đấu nên anh phải thi đấu ở hạng nhẹ hơn, không đạt được thành tích như khi tập huấn và tham dự giải toàn quốc. Với những nỗ lực, cố gắng và đóng góp trong hoạt động thể thao NKT, anh Đặng Thành Đồng đã được UBND thành phố Hải Phòng tặng Bằng khen các năm từ 2009 đến 2015 và Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2014.
Khiếm thị vẫn phá kỷ lục môn Bơi lội
Phạm Anh Tú là con út trong gia đình có ba anh chị em, số phận không may mắn khiến cả ba anh chị em Tú vừa cất tiếng khóc chào đời thì đã bị tạo hóa cướp đi đôi mắt - nguồn sáng và cửa sổ tâm hồn của mỗi người. Tuổi thơ của Tú cũng như hai anh chị khá gợn sóng và bất hạnh. Ba anh chị em không được đi học như các bạn cùng trang lứa vì không trường nào nhận trẻ khiếm thị vào học. Nỗi mặc cảm cứ đeo đẳng cả tuổi thơ của Tú. Cứ ngỡ cuộc đời của mình sẽ chìm đắm trong những chuỗi ngày buồn tủi, cô đơn và vô ích. Nhưng thật may mắn và hạnh phúc khi Tú biết đến Hội Người mù tỉnh Hải Dương.
Từ đó, Tú sống chan hòa, vui vẻ với những người bạn đồng tật với mình, được học phục hồi chức năng để tự biết ăn, biết mặc, biết tự phục vụ bản thân mình, được học chữ nổi Braille và học sử dụng máy vi tính để làm bài và tìm hiểu về thế giới quanh mình. Tú được theo học tại các trường dành cho người sáng mắt bình thường và đã hoàn thành chương trình THPT. Sau khi hoàn thành chương trình THPT Hội tạo điều kiện cho tôi tham gia khóa học xoa bóp, bấm huyệt. Với chứng chỉ loại Giỏi, hiện Tú đang làm việc tại cơ sở tẩm quất cổ truyền của Hội Người mù tỉnh Hải Dương.
Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cùng với các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà nước, Tú được huấn luyện viên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương lựa chọn vào đội vận động viên bơi lội khuyết tật của tỉnh. Tú bắt đầu tham gia bơi lội từ năm học lớp 6. “Ban đầu, tôi còn bỡ ngỡ, rụt rè, tôi lo mình không học được. Nhưng được sự quan tâm động viên của các bác lãnh đạo Hội và các thầy cô giáo cùng sự chỉ bảo tận tình của các huấn luyện viên, tôi đã kiên trì tập luyện. Với tố chất thể thao sẵn có cũng như sự hăng say tập luyện của bản thân, sự chỉ đạo sát sao của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các huấn luyện viên đã không ngại khó, ngại khổ, luôn luôn đồng hành cùng tôi, đã giúp tôi có thêm nghị lực để phấn đấu”.
Để không phụ lại lòng mong mỏi của mọi người, cũng là để thách thức bản thân mình, Phạm Anh Tú luôn nỗ lực từng ngày và đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường sự nghiệp của mình. Tính đến nay Tú đã tham gia bơi lội được 9 năm. Trong thời gian đó, anh đã giành được 25 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc với giải bơi trong nước. Với những thành tích đạt được, năm 2013, anh vinh dự được đại diện cho NKT Việt Nam tham gia giải bơi Paragames dành cho NKT tổ chức tại Myanma. Anh đã đem lại vinh quang cho đất nước và thành công cho bản thân với 2 tấm Huy chương Đồng. Thành công đó đã thôi thúc Tú phấn đấu để gặt hái được những thành công còn xuất sắc hơn nữa.
Tại giải Bơi Asean Paragames tổ chức tại Singapore năm 2015, Phạm Anh Tú xuất sắc giành được 3 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng. Đặc biệt, anh còn phá kỷ lục một cự ly. “Tôi cảm thấy rất phấn khởi về những kết quả mà mình đạt được, những thành tích đã góp thêm vào sự thành công cho đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam và đem lại vinh quang cho đất nước, niềm vui cho bản thân tôi và gia đình. Tôi cảm thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để có được nhiều thành công, nhiều vinh quang rực rỡ hơn nữa”.
Điều mà Đặng Thành Đồng, Phạm Anh Tú cũng như rất nhiều NKT khác mong muốn là các Sở, ban ngành, các Hội, các Trung tâm khuyết tật cũng như các nhà hảo tâm sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện để NKT được tập luyện và phát triển tài năng trong lĩnh vực thể dục, thể thao. Bởi đối với họ, thể thao không chỉ là niềm đam mê, là cách rèn luyện sức khỏe mà còn là cơ hội để họ thể hiện niềm khát khao chiến thắng, đem lại vinh quang cho đất nước, cho quê hương mình, nâng cao vị thế của NKT Việt Nam trong cộng đồng xã hội và trên trường quốc tế.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
Các tin khác
- Chuyện về chàng trai “Không thể vỡ” - 22/12/2016 03:57
- Cô gái bị tạt axit thi Ai là triệu phú thắng 1 tỷ và tình yêu với người chồng điển trai - 22/12/2016 03:02
- “Tiệm tóc vui vẻ” của chàng trai khiếm thính - 19/12/2016 03:39
- Bí mật của chàng trai tật nguyền khiến cư dân mạng 'dậy sóng' - 05/12/2016 03:09
- Thể dục thể thao - Cơ hội rèn luyện sức khỏe và thể hiện ý chí của NKT - 02/12/2016 03:29