Thứ tư, 05 Tháng 10 2016 14:08

Trong suốt 14 năm hoạt động, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục trẻ khuyết tật Yên Bái luôn quan tâm đến giáo dục hòa nhập đối với trẻ khuyết tật. Vì vậy, ngoài hỗ trợ giáo dục trẻ khuyết tật tại đơn vị, Trung tâm còn hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, trẻ khuyết tật có nhu cầu học tập trên địa bàn tỉnh, tạo sự bình đẳng trong giáo dục đối với trẻ khuyết tật.

Giúp trẻ khuyết tật tự tin, hòa nhập cộng đồng.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Yên Bái ra đời năm 2002, tiền thân là trung tâm nuôi dưỡng giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trung tâm hoạt động với mục đích hỗ trợ, chuyển giao kiến thức, kỹ năng, chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật tới nhà trường, tổ chức quần chúng, cộng đồng, gia đình trẻ khuyết tật và các tổ chức cá nhân liên quan đến công tác giáo dục trẻ khuyết tật.

De an - Trung tam ho tro phat trien giao duc Yen Bai 1

Trung tâm triển khai hỗ trợ can thiệp sớm tại các cơ sở giáo dục mầm non

 

Khi mới thành lập, Trung tâm trải qua nhiều khó khăn, đối tượng dạy học đều là học sinh khuyết tật nghèo vùng sâu, vùng xa, ở nhiều dạng tật như điếc câm, khiếm thính, khiếm thị, thiểu năng trí tuệ, chân tay… Đến học tại trung tâm, các em phải sống xa gia đình, thiếu thốn tình cảm, nhiều em mặc cảm, tự ti. Trong khi đó, giáo viên, cán bộ quản lý hầu hết chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về giáo dục chuyên biệt, đối tượng học sinh học hòa nhập ban đầu ở cấp tiểu học, nhưng đội ngũ giáo viên đều là giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông nên thiếu kỹ năng nghề về giáo dục tiểu học, chính vì thế, có nhiều tình huống khó khăn xảy ra trong quá trình truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Bà Trịnh Thị Mai Hạnh, Giám đốc trung tâm chia sẻ rằng, việc dạy học cho trẻ bình thường đã khó, nhưng dạy học cho trẻ khuyết tật lại càng khó hơn. Có trường hợp một em học sinh bị điếc câm nhưng học rất khá. Em chỉ hiểu kiến thức qua chữ viết, hành động của cô giáo và bạn bè bằng nhận thức thị giác. Có lần, bài kiểm tra của em được điểm cao, cô giáo tuyên dương, khen ngợi trước lớp, thế nhưng em đó lại tưởng cô giáo chê mình nên òa khóc. Thậm chí có những tiết học một em khóc thì cả lớp cũng khóc theo. Do chưa có kinh nghiệm nên các thầy cô lúc đó lúng túng, chưa có các hành động ra hiệu cho học sinh khuyết tật hiểu.

Cũng theo bà Hạnh, đây chỉ là một vài tình huống trong muôn vàn tình huống mà cán bộ giáo viên của trung tâm từng phải trải nghiệm. Và ngoài khó khăn trong công tác dạy học, truyền đạt kiến thức cho học trò khuyết tật thì cơ sở vật chất, dụng cụ trực quan trong những ngày đầu thành lập Trung tâm rất thiếu thốn, ảnh hưởng nhiều đến công tác giáo dục và giảng dạy. Tuy nhiên với tinh thần vượt qua khó khăn, đội ngũ giáo viên của trung tâm đều hết lòng vì học sinh khuyết tật, sẵn sàng đồng cảm, chia sẻ và tận tụy để hoàn thành tốt công tác giảng dạy.

Mỗi năm, khoảng 100 học sinh khuyết tật học tập tại trung tâm mỗi năm, các em không chỉ được được trang bị về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, được học văn hóa, học sinh khuyết tật còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa như chơi trò chơi, đánh bóng bàn, đá cầu, vẽ tranh, trồng cây... Từ những buổi học đầu tiên còn bỡ ngỡ, rụt rè thì chỉ sau một thời gian học tập tại trung tâm, các em đã xóa được tự ti, mạnh dạn hơn, biết kính trọng thầy cô, yêu thương bạn bè, có khả năng tự lập và hòa nhập cộng đồng.

Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục

Để góp phần thực hiện mục tiêu Đề án trợ giúp người khuyết tật 1019 về hỗ trợ triển khai giáo dục hòa nhập ở các cấp học, trung tâm đã huy động tối đa số trẻ khuyết tật có nhu cầu học tập ra học hòa nhập, tạo sự bình đẳng trong giáo dục đối với trẻ khuyết tật. Với cách làm này, trung tâm đã triển khai giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật tại 9 huyện, thị, thành phố ở cấp tiểu học và trung học cơ sở; thực hiện hỗ trợ can thiệp sớm trẻ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục mầm non.

De an - Trung tam ho tro phat trien giao duc Yen Bai 2

Giáo viên của Trung tâm hướng dẫn cho học sinh khiếm thị học hoà nhập môn tin học cấp trung học cơ sở

Năm 2015, trung tâm đã huy động được 70% trẻ khuyết tật đến lớp học hòa nhập, bằng tỷ lệ huy động bình quân toàn quốc. Trung tâm cũng xây dựng hoàn thiện mạng lưới đội ngũ cốt cán về giáo dục hoà nhập tại các huyện, thị xã, thành phố cũng như tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật cho cán bộ quản lý, giáo viên của trung tâm, giáo viên tại các cơ sở giáo dục và mở 4 lớp giáo dục hoà nhập cho học sinh khuyết tật các lớp 6,7,8,9, tư vấn hỗ trợ kỹ năng hoà nhập đối với trẻ khuyết tật ở các dạng tật.

Có được những kết quả khả quan từ hình thức hỗ trợ giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật tại các cơ sở giáo dục là do trung tâm đã triển khai dưới hình thức tiếp nhận trẻ khuyết tật có nhu cầu về can thiệp sớm và cần hỗ trợ giảng dạy những kỹ năng cần thiết đối với trẻ học hòa nhập. Sau khi trẻ khuyết tật có đủ điều kiện về các kiến thức và kỹ năng cơ bản để tham gia học hòa nhập, trung tâm sẽ đưa trẻ đến các lớp học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục nơi cư trú và tham gia hỗ trợ những học sinh đó. Trẻ có các dạng tật nặng có thể lưu lại trung tâm để tiếp tục học tập.

Trong năm học mới 2016 - 2017, trung tâm sẽ huy động khoảng 120 - 150 học sinh khuyết tật ở độ tuổi tiểu học, trung học cơ sở tham gia học hoà nhập; tập hợp, huy động các chuyên gia về giáo dục khuyết tật hỗ trợ các cơ sở giáo dục, bồi dưỡng giáo viên, tổ chức các hoạt động trao đổi kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy và chăm sóc trẻ khuyết tật. Trung tâm cũng sẽ tổ chức các khóa học nâng cao nghiệp vụ giảng dạy cho giáo viên ở tất cả các bộ môn, cử giáo viên, cán bộ quản lý tham gia khóa tập huấn về giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật; tổ chức các buổi sinh hoạt, mở các chuyên đề bồi dưỡng giáo viên tại chỗ, tham gia học tập, tìm hiểu kinh nghiệm... giúp cho 100% giáo viên được bồi dưỡng và có những kiến thức cơ bản về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi