Mỗi VĐV của Đoàn thể thao Người khuyết tật Việt Nam (TTNKT Việt Nam) là một câu chuyện cảm động trong cuộc hành trình mưu sinh và "vượt lên chính mình".
Còn hơn một tuần nữa là đến Thế vận hội Paralympic, Rio 2016 - nơi tỏa sáng của những con người, những số phận kém may mắn. Với những nỗ lực phi thường, họ đã và đang khát khao tìm những giá trị mới trong chặng đường“vượt lên chính mình”.
Mỗi VĐV của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam (TTNKT Việt Nam) là một câu chuyện cảm động trong cuộc hành trình mưu sinh. Muôn nẻo đường gian nan ấy, con đường thể thao đã cho họ sức khỏe, sự tự tin và nhịp cầu kết nối cộng đồng.
Những VĐV như: Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Linh Phượng(Cử tạ); Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung, Đỗ Thanh Hải, Trịnh Thị Bích Như(Bơi lội); Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Nhàn, Nguyễn Ngọc Hiệp(Điền kinh)… đến được Thế vận hội này, hẳn là một quá trình khổ luyện. Đối với một VĐV bình thường khi đến với thể thao, để đạt thành tích đã là gian khổ. Với VĐV khuyết tật, lại càng vất vả gấp trăm lần.
Không ai trong số họ xuất phát từ gia đình có điều kiện, hầu hết họ đều đến từ những miền quê nghèo khó. Và rồi, bản năng sinh tồn đã không ngăn nổi những đôi chân teo tóp( di chứng sốt bại liệt từ nhỏ) để đi tìm con đường sống cho riêng mình.
VĐV Lê Văn Công từ mảnh đất khô cằn Hà Tĩnh, đến những VĐV từ miền sông nước mênh mông An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang là: Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung, Đỗ Thanh Hải, Trịnh Thị Bích Như…đã đặt chân đến thành phố Hồ Chí Minh học nghề, những mong khởi nghiệp bằng một nghề nào đó phù hợp với khả năng của bản thân mình.
Thời gian đầu, anh đã tham gia lớp học tại một CLB hướng nghiệp khuyết tật trẻ của T.P. Từ đây, Công được giới thiệu vào tham gia tập luyện TDTT, rèn luyện sức khỏe của CLB Cử tạ tại Trung tâm Văn hóa- Thể thao quận Tân Bình. Tại đây, Công được thầy Nguyễn Hồng Phúc và Mai Trí Dũng trực tiếp huấn luyện giảng dạy.
Trải qua quá trình tập luyện gian khổ, với tinh thần quyết tâm, Công đã từng bước chinh phục đỉnh cao qua từng mức tạ trong hệ thống giải toàn quốc, khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á, Thế giới. Thành công tiếp nối thành công, ở bất cứ giải thể thao nào, Đại hội nào từ toàn quốc đến khu vực Đông Nam Á, Châu Á, Công đều là “chủ lực” của đội tuyển Cử tạ người khuyết tật mang lại thành tích xuất sắc chung cho đoàn. Thành tích nổi bật gần đây nhất của Lê Văn Công chính là HCV(hạng 49 kg) tại Giải cử tạ người khuyết tật, Cúp Thế giới.
Với Nguyễn Bình An, ước mơ trở thành một VĐV Cử tạ của An được nhen nhóm từ một lần xem ti vi, truyền hình trực tiếp thi đấu môn Cử tạ của ASEAN Para Games II- 2003 được tổ chức tại Việt Nam. Ở miền quê nghèo này, con đường thực hiện ước mơ của An ngày ấy thật khó khăn, bởi cả ấp, cả huyện cũng chẳng tìm được một CLB Cử tạ nào cả. Sau này, anh cũng may mắn như Công và được đến Trung tâm TDTT Tân Bình tập luyện. Thành tích của An từ đó cũng lên dần, hiện anh đứng ở tốp 5 Thế giới.
VĐV Nguyễn Bình An (Cử tạ). Ảnh: Internet
Với những VĐV ở môn Bơi lội như: Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như… cũng không kém phần nghị lực. Dù đôi chân không khỏe mạnh để làm bàn đạp trên đường đua xanh, tất cả dồn hết lên vai và 2 cánh tay, nhưng Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như vẫn vươn lên xuất sắc trong các cuộc thi. Vốn sinh ra và lớn lên ở những miền sông nước, Tùng, Như, Hải, Trung đều đã biết bơi từ nhỏ. Nhưng để đến với những đường đua của thể thao, đối với họ cũng là một câu chuyện dài.
VĐV Võ Thanh Tùng (Bơi lội). Ảnh: Internet
Để theo đuổi niềm đam mê này, họ vừa phải học nghề, kiếm tiền mưu sinh, vừa tập luyện những mong cơ hội giành thành tích sẽ đến với mình. Những nỗ lực ấy, đã được đền đáp xứng đáng bằng chính sự phấn đấu không mệt mỏi của mỗi VĐV khuyết tật.
Đường đến Paralympic, Rio 2016 của các VĐV ở môn Bơi lội đã cho thấy sự bền bỉ, kiên trì của họ trên con đường thao đuổi niềm đam mê, khát khao chiến thắng, vượt lên chính mình và hòa nhập cộng đồng. Thành tích hiện có của họ gần đây đều rất đáng nể phục: Võ Thanh Tùng- HCV nội dung 50m tại Giải Cúp Thế giới; Trịnh Thị Bích Như- HCB Cúp Thế giới.
VĐV Trịnh Thị Bích Như. Ảnh: Facebook
Ít ngày nữa, ở sân chơi ý nghĩa nhân văn này tại Rio, TTNKT Việt Nam hy vọng ở họ thêm một lần nữa khẳng định ý chí vươn lên- Ý chí của những con người “Tàn nhưng không phế”.
Nguồn: Báo Pháp Luật Plus
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Họa sĩ khuyết tật tay vẽ 700 chân dung siêu thực - 11/10/2016 03:31
- Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Yên Bái: Tạo sự bình đẳng trong giáo dục đối với trẻ khuyết tật - 05/10/2016 07:08
- Cảm động cô giáo mời cả lớp bị bệnh Down dự lễ cưới - 03/10/2016 05:03
- Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật thành phố Hồ Chí Minh: Can thiệp nhóm đa chức năng giúp nâng cao chất lượng sống của trẻ tự kỷ - 05/09/2016 03:37
- Thể thao khuyết tật Việt Nam chờ kỳ tích tại Paralympic Rio 2016 - 29/08/2016 09:45
Các tin khác
- Cánh tay robot giúp người khuyết tật cảm giác rõ việc cầm nắm - 24/08/2016 01:02
- Đề xuất cấp GPLX ô tô tự động cho người khuyết tật - 22/08/2016 03:01
- Sự kỳ diệu của y học: bệnh nhân tưởng liệt vĩnh viễn đã đi lại được bình thường - 15/08/2016 10:54
- Xúc động chuyện nhường bạn khuyết tật nhận huy chương vàng - 21/07/2016 07:55
- Thiết bị kết nối hữu ích cho người khuyết tật - 21/07/2016 02:56