Thành lập từ năm 1978, qua gần 40 năm hoạt động, Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật (TP. Hồ Chí Minh) đã giúp đỡ và đem lại cuộc sống mới cho hàng ngàn trẻ em khuyết tật, suy dinh dưỡng, gia đình nghèo và đối tượng yếu thế trong xã hội, tạo sự ảnh hưởng tích cực và trực tiếp đến nhiều cộng đồng tại Việt Nam. Thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật, Trung tâm đã có nhiều hoạt động tích cực, áp dụng phương pháp điều trị, can thiệp nhóm đa chức năng góp phần chăm sóc và phục hồi chức năng cho nhiều trẻ khuyết tật nói chung, trẻ có rối loạn tự kỷ nói riêng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận.
Tự kỷ – phát hiện, can thiệp sớm sẽ có tiến bộ đáng kể
Tự kỷ là hội chứng rối loạn phát triển của não bộ không tiến triển, một thể của hội chứng rối loạn phát triển lan toả ở trẻ em. Trẻ tự kỷ được đặc trưng bởi 3 rối loạn thần kinh: khiếm khuyết trong tương tác, giao tiếp xã hội trong nhiều ngữ cảnh, thường tự cô lập mình; khiếm khuyết trong giao tiếp bằng lời nói và ngôn ngữ không lời; hành vi, sở thích hoặc các hoạt động bị hạn chế, mô hình, lặp đi lặp lại. Những trẻ em bị mắc tự kỷ sẽ gặp bất lợi trong cuộc sống khi trưởng thành do thiếu nhiều kỹ năng sống và kỹ năng giao tiếp xã hội.
ở Việt Nam, số trẻ em mắc chứng tự kỷ liên tục tăng qua các năm và ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng sống của mọi gia đình có con tự kỷ. Tự kỷ không có nguyên nhân nên cũng không có cách phòng ngừa, mỗi trẻ tự kỷ lại không giống nhau, biểu hiện từ rất nặng đến rất nhẹ, nên việc chăm sóc, can thiệp và điều trị trở nên khó khăn và tốn kém, đa phần đều vượt quá khả năng kinh tế của gia đình các em. Vì vậy, các em luôn cần sự trợ giúp của cộng đồng, xã hội để có thêm điều kiện học hành, vui chơi và hoà nhập cuộc sống.
Các bé khuyết tật chuẩn bị cho tiết mục văn nghệ tại Trung tâm
Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện vẫn chưa có cuộc khảo sát nào có quy mô mang tính chất toàn thành phố về những trẻ em có rối loạn tự kỷ và chưa có trường công lập nào chuyên trách về vấn đề trẻ tự kỷ. Đa phần trẻ em đến khám và điều trị rối loạn tự kỷ tại bệnh viện tâm thần, Trung tâm phục hồi chức năng – Bệnh viện Nhi đồng và một số trường giáo dục chuyên biệt. Đây là một thiệt thòi lớn đối với các gia đình và trẻ tự kỷ. Khi đó, trẻ không được chăm sóc, giáo dục đúng cách vì cha mẹ chưa trược trang bị kiến thức và kỹ năng, trong khi môi trường gia đình đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ vì gia đình có nhiều thời gian, điều kiện tiếp xúc, giáo dục trẻ hàng ngày.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật “Tuy tự kỷ khá phức tạp nhưng thực tế cho thấy, nếu trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, chăm sóc, điều trị, giáo dục đúng cách và phù hợp thì trẻ sẽ có những tiến bộ đáng kể như: nâng cao khả năng tự phục vụ, trẻ có thể đi học và tìm việc làm phù hợp với khả năng của chính trẻ để có cuộc sống độc lập và hoà nhập với cộng đồng xã hội”.
Hiệu quả từ phương pháp điều trị, can thiệp phù hợp
Hiện nay, Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật đang tiếp nhận và điều trị cho 150 trẻ đa khuyết tật và trẻ có rối loạn tự kỷ. Trung tâm đang sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán xác định trẻ tự kỷ là DSM-IV và thang đánh giá mức độ tự kỷ của GILLIAM để đánh giá mức độ nặng nhẹ tự kỷ: kỹ năng giao tiếp, tương tác xã hội, kỹ năng xã hội cùng những rối khác đi kèm với tự kỷ.
Nhằm đánh giá, điều trị và can thiệp cho trẻ tự kỷ một cách toàn diện, nâng cao chất lượng sống và cung cấp các dịch vụ tốt nhất đến trẻ tự kỷ đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở, Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật đã xây dựng mô hình dịch vụ chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ theo phương pháp điều trị, can thiệp nhóm đa chức năng cho trẻ có rối loạn tự kỷ.
Thành phần tham gia mô hình gồm 6 yếu tố: các bác sĩ, điều dưỡng, tâm lý xã hội, giáo dục chuyên biệt, gia đình, hoạt động trị liệu (tập trung vào tâm vận động và điều hoà cảm giác), ngôn ngữ trị liệu và giao tiếp, chăm sóc dinh dưỡng cùng tập trung vào trẻ. Hoạt động của mô hình bắt đầu từ khâu tiếp nhận trẻ, thăm khám, đánh giá trình trạng của trẻ. Khi phụ huynh đưa trẻ đến Trung tâm sẽ được các nhân viên xã hội tư vấn về các vấn đề của trẻ hiện đang gặp phải, định hướng các phương pháp giáo dục, can thiệp tâm lý phù hợp nhất cho trẻ và thủ tục, nội quy của Trung tâm.
Phòng Tâm vận động được xây dựng và đưa vào hoạt động
Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám tổng quát, lập hồ sơ bệnh lý để theo dõi suốt quá trình trẻ được điều trị tại Trung tâm. Giáo viên chuyên biệt sẽ đánh giá, quan sát và theo dõi về mức độ trẻ tự kỷ nhằm phân loại trẻ theo mức độ nặng, nhẹ để có biện pháp can thiệp phù hợp. Sau khi đánh giá phát triển vận động của trẻ về hành vi, sự tập trung chú ý, khả năng giao tiếp mắt, ngôn ngữ và nhận thức cũng như kỹ năng sống Trung tâm sẽ xây dựng kế hoạch, phương pháp, hình thức can thiệp cá nhân – nhóm phù hợp. Đối với nhóm phục hồi chức năng sẽ lên kế hoạch cho trẻ trong thời gian 6 tháng các nội dung về giáo dục chuyên biệt, hoạt động trị liệu và dinh dưỡng.
Kế hoạch giáo dục cá nhân được xây dựng dựa trên các kết quả bằng thang điểm GILLIAM, theo mức độ của từng trẻ, dựa trên kết luận ưu tiên can thiệp để giáo viên xây dựng kế hoạch can thiệp, nội dung kế hoạch giáo dục can thiệp cá nhân ưu tiên phát triển chính trên những điểm mạnh trong từng giai đoạn phát triển của trẻ. Việc can thiệp riêng cho từng trẻ nhằm để dễ theo dõi, đánh giá sự tiến bộ của trẻ qua hoạt động hàng ngày để có hướng điều chỉnh theo mức độ tiếp thu của trẻ. Kế hoạch can thiệp cá nhân hướng đến can thiệp bằng nhiều phương pháp khác nhau như: nhận thức, bắt chước, vận động thô, vận động tinh, kỹ năng phối hợp mắt, tay, hiểu biết, tự lập, bắt chước xã hội, ngôn ngữ - giao tiếp, tương tác xã hội, hoạt động trị liệu và điều hoà cảm giác.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thắng thì quy trình can thiệp cá nhân thực hiện trong thời gian 6 tháng, trẻ sẽ tham gia chương trình đánh giá mới (trẻ được theo dõi hàng ngày và đánh giá sơ bộ hàng tháng), đánh giá mức độ phát triển của trẻ sau khi thực hiện kế hoạch giáo dục cá nhân, qua đó giúp giáo viên, gia đình có những định hướng mới để xây dựng những bảng kế hoạch giáo dục, can thiệp cá nhân mới phù hợp với đặc điểm tâm lý của trẻ trong giai đoạn mới.
Qua 6 tháng triển khai và thực hiện, nhóm phục hồi chức năng đa chuyên ngành đối với trẻ tự kỷ đã phối hợp trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng và phục hồi chức năng. Trẻ tự kỷ đã tiến bộ và đạt được một số kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, tạo niềm tin cho phụ huynh có con tự kỷ gửi tại Trung tâm. Có từ 60 - 80% trẻ có tiến bộ về các mặt như hành vi, kỹ năng, ngôn ngữ, khả năng tự phục vụ, vận động tinh, vận động thô tốt hơn so với các trẻ tự kỷ khác. Thông qua mô hình, chất lượng sống của trẻ tự kỷ được nâng cao đồng thời thay đổi nhận thức của phụ huynh trong quá trình hợp tác với Trung tâm về quy trình can thiệp hành vi và chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ tự kỷ tại nhà.
Có thể nói, những hậu quả nặng nề về tâm lý, xã hội, kinh tế đã khiến trẻ mắc chứng tự kỷ là nỗi ám ảnh của cha mẹ, gia đình và cộng đồng. Ngày nay có nhiều vấn đề về bản chất, cơ chế sinh bệnh và phương pháp can thiệp tự kỷ đang được khám phá. Nhưng đây là một khuyết tật phát triển rất nặng nề của trẻ, để vượt qua những khó khăn đó cần sự phối hợp chặt chẽ, toàn diện của y tế, giáo dục và các biện pháp xã hội, sự chung tay của cha mẹ và cộng đồng.
Nhóm phục hồi chức năng đa ngành là một khối thống nhất trong quá trình phối hợp việc chăm sóc và phục hồi chức năng cho trẻ đạt kết quả tốt nhất để giúp các em có khả năng tự phục vụ bản thân, có cơ hội được đến trường như bạn bè cùng trang lứa.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin mới
- Hôn lễ đặc biệt của 60 cặp đôi khuyết tật ở Sài Gòn - 21/10/2016 07:32
- Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình: Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 14/10/2016 06:47
- Họa sĩ khuyết tật tay vẽ 700 chân dung siêu thực - 11/10/2016 03:31
- Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Yên Bái: Tạo sự bình đẳng trong giáo dục đối với trẻ khuyết tật - 05/10/2016 07:08
- Cảm động cô giáo mời cả lớp bị bệnh Down dự lễ cưới - 03/10/2016 05:03
Các tin khác
- Thể thao khuyết tật Việt Nam chờ kỳ tích tại Paralympic Rio 2016 - 29/08/2016 09:45
- Thế vận hội Paralympic, Rio 2016: Những người “vượt lên số phận” của đoàn Việt Nam - 25/08/2016 02:54
- Cánh tay robot giúp người khuyết tật cảm giác rõ việc cầm nắm - 24/08/2016 01:02
- Đề xuất cấp GPLX ô tô tự động cho người khuyết tật - 22/08/2016 03:01
- Sự kỳ diệu của y học: bệnh nhân tưởng liệt vĩnh viễn đã đi lại được bình thường - 15/08/2016 10:54