Không ngừng phát huy vai trò, chất lượng hoạt động từ khi thành lập, Hội Người mù tỉnh Bình Dương còn từng bước nâng cao đời sống, văn hóa tinh thần, trở thành điểm tựa, là nơi gửi gắm niềm tin yêu cuộc sống cho hội viên. Nhằm hỗ trợ NKT phát huy khả năng, tạo điều kiện để hội viên vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng, trong đó phấn đấu đạt 50% NKT được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) - truyền thông theo mục tiêu Đề án 1019, Hội đã triển khai nhiều hình thức hỗ trợ hội viên tiếp cận CNTT, mở ra cơ hội việc làm cho hội viên gặp khó khăn.
Giúp hội viên tự tin, hòa nhập cộng đồng
Thực hiện lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những thương binh, bệnh binh mang khuyết tật đôi mắt đã có nguyện vọng thành lập một tổ chức của người khiếm thị để sinh hoạt, tiếp tục phấn đấu vươn lên trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Từ nguyện vọng đó, cùng với sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, đầu tháng 1 năm 1985, Hội Người mù tỉnh Sông Bé được thành lập, nay là Hội Người mù tỉnh Bình Dương.
Từ khi mới thành lập, Hội chỉ có 3 đơn vị Hội cơ sở, đó là Hội Người mù Thủ Dầu Một, Bến Cát và Thuận An với hơn 100 hội viên. Hoạt động của Hội gặp nhiều khó khăn khi không có người sáng giúp hội, cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc thiếu thốn, địa bàn tỉnh rộng, đường xá đi lại khó khăn, các hội viên sống phân tán, hầu hết không biết chữ, không có việc làm, đời sống vật chất thiếu thốn… Với xuất phát điểm thấp, Hội đã xây dựng chương trình công tác, phối hợp với các phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện điều tra, khảo sát, lập danh sách người mù, tích cực phát triển tổ chức, phát triển hội viên. Đến nay, Hội đã có 7/9 huyện, thị xã, thành phố có tổ chức Hội cơ sở, thành lập 54 chi Hội xã, phường, thị trấn với 708 hội viên.
Các hội viên phấn khởi khi biết đọc, viết bằng chữ Braille
Luôn nỗ lực giúp hội viên có đời sống tốt hơn, Hội đã đặt nhiệm vụ tổ chức các lớp dạy văn hóa, truyền đạt kiến thức cho hội viên, bởi không biết chữ, không có kiến thức, hội viên sẽ “mù” thêm một lần nữa. Để làm tốt công tác này, Hội đã mở hàng chục lớp xoá mù chữ Braille, nhiều em ở độ tuổi đi học được tạo điều kiện theo học hoà nhập như học sinh bình thường.
Bên cạnh đó, Hội chú trọng đến công tác tổ chức lao động sản xuất, tạo việc làm cho hội viên. Từ năm 1992 đến nay, Hội đã thực hiện chương trình cho người mù vay vốn, giải quyết việc làm thí điểm, bố trí nguồn kinh phí giúp cho hàng trăm hội viên vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Tính đến nay, Hội đã lập 320 Dự án giải quyết cho 2.906 lượt hội viên, người khuyết tật có việc làm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tập trung của Hội với tổng số tiền gần 14,5 tỷ đồng. 100% hội viên vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, hoàn trả vốn đúng hạn.
Ông Trần Văn Em - Chủ tịch Hội cho biết: “Tổ chức đào tạo nghề, truyền nghề cho người mù luôn là nhiệm vụ hàng đầu và được Hội đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, Hội tranh thủ, phối hợp cùng Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật Việt Nam, Tổ chức V-Heart (Nhật Bản) cũng như tự vận động xã hội hỗ trợ kinh phí trên 200 triệu đồng tổ chức 26 lớp dạy nghề làm chổi, tăm, massage cho 186 hội viên. Hội cũng thành lập cơ sở sản xuất chổi, kinh doanh tăm tre và 4 cơ sở xoa bóp, 1 tổ sản xuất chổi tàu cau với tổng doanh thu của các cơ sở đạt gần 28 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho hội viên. Ngoài tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho hội viên, Hội đã xây tặng 169 nhà tình thương, đại đoàn kết, sửa chữa 40 nhà, tặng 139 sổ tiết kiệm cho hội viên khó khăn...”.
Tạo cơ hội để hội viên tiếp cận với CNTT
Có thể nói, CNTT là con mắt của người khiếm thị, chính vì thế, để bảo đảm cho hội viên tiếp cận CNTT, có thêm nhiều cơ hội tìm việc làm, Hội đã mở các lớp dạy tin học cho người mù, xây dựng phòng máy vi tính và cài đặt các phần mềm tiếng Việt hỗ trợ đọc sách, báo, tin tức giúp hội viên nắm bắt được thông tin, những chính sách pháp luật liên quan hay thông qua chương trình riêng bằng ngôn ngữ sách nói, xây dựng trang web phù hợp cho hội viên với các nội dung về giáo dục về sức khỏe giới tính, chính sách pháp luật, kiến thức văn hóa xã hội, gương điển hình giúp hội viên tự tin lựa chọn hướng đi mới, việc làm mới phù hợp với sức khỏe, dạng tật.
Theo ông Trần Văn Em, tương lai của người khiếm thị sẽ rất mù mịt nếu họ không tự mình vươn lên, cũng như không được trang bị một nghề ổn định để kiếm sống. CNTT chính là một “cầu nối” giúp cho không chỉ người khuyết tật nói riêng mà con giúp cho người mù nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm.
Nhờ có lớp đào tạo tin học của Hội, anh Nguyễn Văn Hải đã có cơ hội tiếp cận CNTT và tìm được việc làm ổn định
Việc hỗ trợ hội viên của Hội có cơ hội tiếp cận CNTT càng thuận lợi hơn từ sau khi Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh chủ động xây dựng Đề án theo nội dung Đề án 1019 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó nhấn mạnh việc tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức khảo sát, triển khai các hoạt động trợ giúp người khuyết tật tỉnh tiếp cận công nghệ thông tin, xây dựng các chương trình, phần mềm phù hợp, mở ra một hướng đi mới, đúng đắn trong đào tạo nghề, đem lại thu nhập cao hơn cho người khuyết tật. Riêng Sở đã trực tiếp tuyên truyền chống kỳ thị, phát triển, nâng cấp cổng thông tin điện tử hỗ trợ cho người khuyết tật; ứng dụng tiến bộ công nghệ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận CNTT truyền thông và đào tạo nghề mới cho người khuyết tật dựa trên CNTT. Từ những định hướng theo Đề án của tỉnh, Hội cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội, chi Hội trưởng về cách soạn thảo văn bản, công văn giấy tờ, quản lý hội viên bằng các phần mềm trên máy vi tính cũng như hướng dẫn cho hội viên biết sử dụng, truy cập internet, tham gia giao lưu trên các diễn đàn...
Hoạt động hỗ trợ của Hội Người mù tỉnh đã mang lại những kết quả khả quan. Em Hà Thị Thùy Trang - xã Tân An, thị xã Thủ Dầu Một tâm sự: “Em bị mù bẩm sinh từ khi sinh ra, do hoàn cảnh nghèo khó, bố mẹ em lại không có việc làm ổn định nên cuộc sống càng bấp bênh. Từ khi được Hội Người mù tỉnh tạo điều kiện cho em được tới trường học hòa nhập với các bạn mắt sáng, em đã hoàn thành xong chương trình lớp 9 với kết quả học tập đạt loại khá. Không chỉ được học văn hóa, em còn được Hội tạo điều kiện cho tiếp cận với CNTT thông qua lớp tin học văn phòng và tặng cho em chiếc máy vi tính. Tuy chiếc máy cũ nhưng vẫn sử dụng rất tốt và đã cài đặt đầy đủ các phần mềm hỗ trợ cho người khiếm thị nên việc học của em dễ dàng, thuận lợi. Sau khóa học, em may mắn tìm được một việc làm ổn định, phù hợp với sức khỏe và có thể tự lập cuộc sống. Em mong lắm những người đồng tật như em cũng sẽ có cơ hội được tiếp cận với CNTT, có thể sử dụng những tiện ích mà CNTT mang lại cho người khuyết tật để họ vững tin hòa nhập cộng đồng”.
Cùng với Thùy Trang, anh Nguyễn Văn Hải - xã An Lập, huyện Dầu Tiếng chia sẻ: “Lên 5 tuổi, do căn bệnh quái ác đã khiến tôi hỏng đôi mắt. Nhà nghèo nên tôi không có tiền chữa trị, từ đó tôi chỉ biết quanh quẩn trong nhà, làm bạn cùng chiếc radio. Rồi đến một ngày, tôi được các bác cán bộ huyện Hội, tỉnh Hội đến nhà vận động gia đình cho tôi đi học chữ Braille, học văn hóa. Sau 2 năm học tập, tôi đã biết đọc, biết viết và tiếp tục được tỉnh Hội cho đi học lớp tin học dành cho người khiếm thị. Sau khóa học, tôi vui lắm khi được trao tấm chứng chỉ loại giỏi và được các bác cán bộ tỉnh Hội nhận vào làm giáo viên dạy tin học cho người khiếm thị, điều mà tôi chưa từng dám ước mơ”.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- Thiết bị hỗ trợ đọc và viết cho người khiếm thị - 10/02/2017 03:12
- Cô giáo tật nguyền dạy học sinh thiểu năng - 05/12/2016 03:24
- Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật Cà Mau: Góp phần tạo cơ hội cho trẻ khuyết tật tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật - 02/12/2016 03:47
- Ngày hội Hoa hướng dương 2016: Những đóa hoa đã nở - 24/11/2016 03:21
- Người khuyết tật được cấp thẻ BHYT miễn phí? - 21/11/2016 08:59
Các tin khác
- Lạ kỳ ba người “siêu nhỏ” cùng huyện - 14/11/2016 03:11
- Hôn lễ đặc biệt của 60 cặp đôi khuyết tật ở Sài Gòn - 21/10/2016 07:32
- Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Ninh Bình: Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 14/10/2016 06:47
- Họa sĩ khuyết tật tay vẽ 700 chân dung siêu thực - 11/10/2016 03:31
- Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Yên Bái: Tạo sự bình đẳng trong giáo dục đối với trẻ khuyết tật - 05/10/2016 07:08