Thứ sáu, 16 Tháng 9 2016 16:06

Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển của hệ thần kinh, ảnh hưởng đến sự phát triển của não, cản trở khả năng giao tiếp. Để phát hiện, can thiệp sớm trẻ tự kỷ, thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An những năm gần đây đã xây dựng mô hình can thiệp trẻ tự kỷ, góp phần giảm thiểu tình trạng sức khoẻ cho nhiều trẻ tự kỷ trên địa bàn.

Thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An từ năm 2012 đã thực hiện thử nghiệm mô hình can thiệp cho trẻ tự kỷ với một lớp can thiệp nhóm khoảng 10 trẻ và một phòng can thiệp cá nhân có 3 giáo viên. Năm 2013, Trung tâm hoàn thiện Đề án Xây dựng cơ sở can thiệp trẻ tự kỷ, đồng thời nhận can thiệp và phục hồi chức năng toàn diện cho trẻ tự kỷ. Hiện nay, Trung tâm đang can thiệp và phục hồi chức năng cho 38 trẻ tự kỷ. Có 2 bác sĩ, 2 kỹ thuật viên, 12 giáo viên can thiệp nhóm và cá nhân có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm, có phòng nội trú và nhân viên chăm sóc toàn diện cho một số trẻ tự kỷ tại trung tâm. Đến năm 2014, Trung tâm đã nghiên cứu đánh giá nhu cầu của trẻ tự kỷ lớn và gia đình tại khu vực Sơn Tây, Ba Vì, đề xuất mô hình can thiệp trẻ tự kỷ tại cộng đồng.

Trung tam THuy AN Anh 1

Ông Trần Văn Lý, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Trung tâm đã cử cán bộ, giáo viên tham gia 17 cuộc hội thảo, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng chăm sóc, can thiệp trẻ tự kỷ, tổ chức hội thảo và mở các lớp tập huấn về kỹ năng chăm sóc, can thiệp trẻ tự kỷ cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên cơ sở và gia đình trẻ tự kỷ. Cử cán bộ, giáo viên đến học tập tại khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trung tâm Sao Mai…. Trung tâm đã sửa chữa cơ sở vật chất để có một khu can thiệp riêng cho trẻ tự kỷ với diện tích gần 500m2 bao gồm khu vui chơi ngoài trời và 7 phòng học chức năng (1 phòng khám, đánh giá trẻ, 4 phòng trị liệu nhóm và 2 phòng trị liệu cá nhân)”.

Cùng với đó, Trung tâm cũng thành lập phòng khám sức khỏe thể chất và tâm thần cho trẻ. Bác sĩ kết hợp với giáo viên giáo dục đặc biệt sử dụng các công cụ chuyên dụng để phát hiện, đánh giá, phân loại mức độ tự kỷ, trên cơ sở đó xây dựng chương trình can thiệp phù hợp với khả năng của trẻ. Trong những năm qua, đã có trên 100 trẻ tự kỷ đến khám, chẩn đoán tại Trung tâm, trong đó có gần 100 lượt trẻ tham gia can thiệp. Công tác lập, lưu trữ hồ sơ trẻ được thực hiện một cách khoa học, mỗi một trẻ sau khi khám sẽ được lập hồ sơ đầy đủ thông tin cá nhân và tiến trình bệnh. Trung tâm tiến hành đánh giá, xây dựng chương trình can thiệp cho từng trẻ theo từng ngày, tuần, tháng, quý, sau đó sẽ đánh giá lại kết quả can thiệp theo định kỳ.

Trung tam THuy AN Anh 2

Qua can thiệp và trị liệu, trẻ tự kỷ tại Trung tâm đã có những tiến bộ rõ rệt trong ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và cải thiện được hành vi và các kỹ năng khác. Có 1 trẻ theo học được chương trình văn hóa lớp 4 (mô hình chuyên biệt), 2 trẻ tham gia được định hướng nghề (1 cháu theo nghề làm hương, 1 cháu theo nghề làm vườn). Theo kết quả nghiên cứu năm 2014 đánh giá 31 trẻ được chăm sóc, can thiệp theo mô hình can thiệp trẻ tự kỷ toàn diện tại Trung tâm bằng thang điểm GILLIAM, trẻ đã giảm điểm tự kỷ ở cả 4 lĩnh vực: ngôn ngữ giao tiếp, tương tác xã hội, hành vi và các dấu hiệu rối loạn phát triển khác. Năm 2015, Trung tâm đã mở được 1 lớp can thiệp sớm gồm 9 học sinh (dưới 6 tuổi), trong đó có học sinh nhỏ nhất là 18 tháng tuổi”.

Bên cạnh công tác can thiệp cho trẻ tự kỷ tại trung tâm, công tác can thiệp cho trẻ tự kỷ tại cộng đồng cũng rất được chú trọng. Trung tâm thường xuyên tổ chức tập huấn cho phụ huynh trẻ tự kỷ nhằm hướng dẫn họ cách chăm sóc, can thiệp cho trẻ ngay tại gia đình. Năm 2014, Trung tâm tổ chức đợt tập huấn 3 ngày, thu hút 65 gia đình trẻ tự kỷ tham gia. Năm 2015, Trung tâm tổ chức lớp tập huấn 5 ngày với 70 phụ huynh tham gia. Ngoài ra, Trung tâm cũng tiến hành tư vấn trực tiếp, qua điện thoại… cho phụ huynh về cách chăm sóc, can thiệp cho trẻ tự kỷ. Phối hợp với địa phương trong công tác khám, tư vấn cộng đồng như Hòa Bình, Quảng Ninh, mở các lớp tập huấn cho cán bộ, nhân viên, cộng tác viên…

Với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, bác sĩ, nhân viên Trung tâm đã tạo được niềm tin cho phụ huynh, là điểm đến của nhiều trẻ tự kỷ lớn tuổi. Số trẻ tự kỷ tham gia can thiệp tại Trung tâm ngày càng tăng: năm 2010 có 6 trẻ, đến nay có 38 trẻ. Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông Trần Văn Lý - Giám đốc Trung tâm cho biết: “Tới đây, Trung tâm sẽ thành lập cơ sở riêng biệt can thiệp trẻ tự kỷ ở Trung tâm, từng bước hoàn thiện mô hình can thiệp trẻ tự kỷ mang tính chuyên nghiệp, tăng số lượng tiếp nhận để đáp ứng nhu cầu của xã hội về số lượng ngày càng nhiều trẻ tự kỷ. Tiếp tục hợp tác với các tổ chức mời chuyên gia về lĩnh vực trẻ tự kỷ trong nước và quốc tế đến Trung tâm làm việc, triển khai mô hình chăm sóc, can thiệp toàn diện cho trẻ tự kỷ lớn và nặng (đây là vấn đề rất khó khăn và là nhu cầu rất cần thiết của các gia đình có con là trẻ tự kỷ vì rất hiếm có cơ sở này nhận đối tượng này)”.

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi