Thứ ba, 02 Tháng 2 2016 17:43

Sau một thời gian gia nhập quân ngũ, tôi được phân công nhiệm vụ ở Trường Sa. Thế rồi, tai nạn ập đến trong lúc đang làm nhiệm vụ đã khiến tôi trở thành thương binh hạng 2/4. Khi trở về đất liền, tôi đã nỗ lực vượt qua khó khăn, hăng say lao động để gây dựng cơ nghiệp và tạo việc làm cho hàng chục người đồng cảnh.

 

Năm 22 tuổi tôi tham gia nhập ngũ, ngày đó, đơn vị tôi đóng quân tại Vùng 4 Hải quân (Cam Ranh - Khánh Hòa). Cho đến mùa xuân năm 1988, chỉ sau một năm ngày tôi nhập ngũ, tôi được phân công đến Trường Sa làm nhiệm vụ. Từng mong mỏi một lần được đến Trường Sa nên khi được nhận lệnh ra đảo, trong lòng tôi bồi hồi, xúc động, nguyện đóng góp sức mình để bảo vệ biển trời quê hương.

 

Ra đảo, tôi được giao nhiệm vụ thông tin liên lạc. Tuy ở đó, nước ngọt không nhiều và chỉ được dùng theo quy định, rau xanh khan hiếm, gần như không thể chăn nuôi và thường xuyên phải dùng bữa bằng món lương khô, đồ hộp, thi thoảng lắm tôi và các đồng đội mới có bữa cải thiện với một, hai loại rau được vận chuyển từ đất liền, nhưng với sức trẻ và sự nhiệt tình, tôi cùng đồng đội vẫn hăng hái hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

 

Một ngày đầu tháng 3 năm 1988, lúc đó tôi đang bị sốt cao thì nhận được chỉ thị gấp gáp của thủ trưởng qua điện thoại chuẩn bị ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ. Nghe giọng tôi lí nhí, khàn đặc nên thủ trưởng cấp trên đã quyết định cử một đồng đội khác cùng đơn vị với tôi đi thay. Ba ngày sau, đơn vị tôi nhận được tin 64 người lính hải quân đã hy sinh tại đảo Gạc Ma, trong đó có cả người đồng đội đi làm nhiệm vụ thay tôi. Tôi thực sự bị sốc khi biết tin và xúc động, đau buồn vì người đồng đội ấy đã vì tôi mà hy sinh, anh ấy đã cho tôi cơ hội được sống, tôi thầm hứa với anh, sẽ tiếp tục hoàn thành mọi nhiệm vụ khi Tổ quốc cần.

 

Một thời gian sau, tôi được điều động ra đảo Nam Yết, làm nhiệm vụ được 18 tháng thì tôi bị thương do trúng đạn. Được các đồng đội sơ cứu và đưa đi cấp cứu tại Viện Quân y 175 (thành phố Hồ Chí Minh) nhưng vì vết thương quá sâu nên tôi đã hôn mê gần nửa tháng và điều trị suốt nửa năm trời.

 

Sức khỏe ổn định, tôi tiếp tục nhiệm vụ của mình tại đảo Nam Yết. Rồi trong một buổi đêm, do đường truyền thông tin bị gián đoạn nên tôi được lệnh kiểm tra cột ăngten thu phát sóng. Tuy cột ăngten cao 10m nhưng ngay trong đêm tối, tôi đã cố gắng trèo lên kiểm tra và khi đường truyền được thông suốt thì tôi bị tuột tay nên ngã nhào từ trên đỉnh cột xuống đất. Tôi ngất lịm và không biết điều gì đang xảy ra. Thêm một lần nữa tôi được đưa đi Bệnh viện 175 cấp cứu hồi sức tích cực và khi tỉnh lại tôi biết mình bị gãy chân, vỡ xương chậu.

 

Do vết thương của tôi bị nhiễm trùng nặng nên nguy cơ phải cưa chân là rất lớn, nhưng may mắn tôi được một bác sỹ giỏi vừa đi công tác trở về đã yêu cầu đưa tôi ra Hà Nội điều trị tại Bệnh viện 103. Tôi mừng lắm vì đã giữ lại được đôi chân của mình nhưng vị bác sĩ năm đó đã bảo rằng tôi sẽ gặp khó khăn trong cuộc sống sau này, vì không thể đi lại bình thường như trước.

 

Được ra viện nhưng sức khỏe của tôi yếu đi nhiều, bởi vậy đơn vị đã tạo điều kiện cho tôi được trở về đất liền làm việc nhưng tôi nghĩ, làm người lính thông tin sẽ không phải di chuyển nhiều mà chỉ cần xử lý bằng kinh nghiệm, tư duy nên tôi thiết tha xin thủ trưởng cho tôi được tiếp tục trở lại đảo làm việc cho đến năm 1993 thì xuất ngũ.

 

Thành lập doanh nghiệp tạo việc làm cho người đồng cảnh

 

Trở về quê hương, tôi chỉ nặng chưa đầy 40 kg, đi lại khó khăn nhưng tôi luôn xác định cố gắng lao động để không trở thành gánh nặng của gia đình. Những ngày đầu ở nhà, tôi tự chế một chiếc nạng gỗ để đi lại thuận tiện hơn và hàng ngày ra bãi Tiên ở Vĩnh Hòa bê đá để tập luyện thể lực. Vừa tập luyện, tôi vừa tranh thủ xếp những tảng đá thành một cái chòi nhỏ để có chỗ trú chân mỗi khi ra bãi Tiên.

 

Tình cờ trong một lần người đồng đội cũ của tôi tới chơi và biết đến cái chòi bằng đá đã bất chợt nói ra cho tôi ý tưởng mở một quán ăn nhỏ ở bãi Tiên để kiếm kế sinh nhai. Trong lúc không có nghề nghiệp, lại chưa biết làm việc gì thì kinh doanh là cơ hội duy nhất với tôi, nên mặc dù không có một chút vốn liếng trong tay nhưng tôi vẫn quyết định làm theo gợi ý của đồng đội.

 

Nhờ có bạn bè, đồng đội giúp đỡ, cho vay vốn, hỗ trợ xây dựng và được chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng nên quán ăn Thiên Phước đã sớm khai trương. Dù lo lắng vì chưa có kinh nghiệm kinh doanh nhưng được người dân trong vùng ủng hộ, khách du lịch cũng tìm đến đông hơn vì chất lượng hải sản luôn tươi sống, giá cả bình dân. Đến khi thành phố Nha Trang mở đường Phạm Văn Đồng đi qua bãi Tiên, việc kinh doanh của tôi ngày càng thuận lợi, sinh lời.

 

Hơn chục năm trôi qua sau ngày xuất ngũ, tôi đã có một khoản vốn kha khá nên quyết định xin cấp phép xây dựng nhà hàng nổi, rồi đầu tư xây kè chắn sóng, làm cầu phao, mua ca nô phục vụ nhu cầu của thực khách năm 2004. Tôi quyết định dành toàn bộ 1,5 tỉ đồng tích lũy để thành lập Doanh nghiệp tư nhân Văn Dũng kinh doanh dịch vụ ăn uống, thể thao giải trí trên biển.

 

Nhu cầu của khách hàng tăng lên, lượng khách đến với nhà hàng nổi ngày càng đông nên doanh nghiệp của tôi làm ăn có lãi. Bởi vậy, từ thời điểm ban đầu tôi chỉ tuyển khoảng 5 nhân viên nhưng đến nay số lao động làm việc thường xuyên tại doanh nghiệp, phục vụ nhà hàng nổi lên tới 15 người và 30 lao động thời vụ, với tiền lương cho các lao động trung bình từ 3 - 6 triệu đồng/người/tháng tùy theo từng công việc.

 

Từng phải đương đầu với sóng dữ, từng vào sinh ra tử nên tôi thấu hiểu sự khốn khó, vất vả của những đồng đội nên trong số các nhân viên được tôi nhận vào làm việc đều là con em đồng đội, người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo.

 

Tôi cũng đã quyết định đi tìm gia đình của người đồng đội đã thay tôi làm nhiệm vụ ở đảo Gạc Ma, để tri ân và bù đắp phần nào mất mát của gia đình. Là một thương binh và cũng là một doanh nhân nên tôi nghĩ cần phải có trách nhiệm với xã hội, bởi vậy tôi sẵn sàng hưởng ứng phong trào đền ơn đáp nghĩa và tham gia các hoạt động xã hội từ thiện của địa phương để giúp đỡ, sẻ chia với những người yếu thế, những người đồng cảnh của quê hương. Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ học bổng, tặng quà, lương thực, thực phẩm, hỗ trợ quỹ khuyến học, quỹ nạn nhân chất độc da cam và đến tận nơi trao cho gia đình các cựu chiến binh ở Trường Sa.

 

Tôi thực sự hạnh phúc bởi nhờ có sự giúp đỡ của đồng đội và được chính quyền địa phương ủng hộ, tạo điều kiện để tôi có được cuộc sống hạnh phúc và có cơ hội tri ân, sẻ chia với xã hội như hôm nay. Là một trong những tấm gương thương binh vượt khó làm giàu và vinh dự được Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam trao tặng Cúp vàng Doanh nhân - Cựu chiến binh xuất sắc trên mặt trận kinh tế thời mở cửa, cùng nhiều Bằng khen, giấy khen, tôi tự hứa sẽ cố gắng hơn nữa để có thể đem lại nhiều hơn cơ hội học tập, làm việc cho người đồng cảnh và con em đồng đội trên khắp đất nước.  


Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi