VIỆT NAM TỔ CHỨC GIẢI ĐẤU THỂ THAO ĐIỆN TỬ ĐẦU TIÊN CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT
Từ ngày 2-3/10/2024, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hồ Chí Minh phối hợp cùng Uỷ ban Paralympic Việt Nam...- Năm 2030, phổ cập 15 môn thể thao người khuyết tật rộng rãi trong cộng đồng
- Công an TPHCM thông tin về các đối tượng 'chăn dắt' trẻ em để trục lợi
- Bạc Liêu: Hỗ trợ các em học sinh thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đến trường nhân dịp năm học 2024 – 2025
- Người khuyết tật một tay có được điều khiển xe máy?
Bà mất vì tai nạn, bố tâm thần, người con nguy cơ bỏ học giữa chừng
Bà nội gặp tai nạn tử vong trên đường đi chợ bán rau, bố bị bệnh tâm thần không thể tự lo cho bản thân, hoàn cảnh...Đôi chân của Phạm Văn Tám không còn được nguyên vẹn như những người bình thường khác, buộc anh phải ngồi xe lăn suốt cả quãng đời còn lại.
Đã không ít lần anh muốn tìm đến cái chết nhưng rồi chính những giọt nước mắt của người mẹ già đã thôi thúc anh đứng dậy để làm lại một cuộc đời mới. Với nghị lực phi thường, anh đã vượt lên số phận làm chủ doanh nghiệp mộc, dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho hơn 30 người đồng cảnh ngộ.
Những khổ đau hóa niềm khao khát sống
Sinh ra trong một vùng quê nghèo thuộc xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, Phạm Văn Tám (SN 1971) cũng như bao chàng trai khác, luôn ấp ủ trong mình biết bao hoài bão và mơ ước. Học hết cấp ba anh mơ ước được vào học tại trường đại học Thể dục Thể thao. Chính sự đam mê của mình nên anh đã nỗ lực thi đỗ vào trường đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng.
Thật trớ trêu cho số phận, sự nghiệp học hành của anh Tám đành phải dừng lại vì hoàn cảnh gia đình không cho phép. Nhà nghèo, lại có đến 6 anh chị em nên anh phải nghỉ học để kiếm tiền lo cho các anh chị ăn học. Mặc dù thi đỗ nhưng không được bước chân vào giảng đường, Tám vẫn ấp ủ sau này có cơ hội sẽ tiếp tục đi học lại.
Cơ sở sản xuất đồ gỗ của anh Tám đã tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật
Một thời gian sau khi học xong phổ thông, anh Tám quyết định vào Đắk Lắk làm kinh tế, nuôi ước mơ đi học đại học. Đi làm được hai năm thì đến năm 1995, trong một lần đi phát rẫy thuê, anh bị tai nạn lao động và đôi chân vĩnh viễn không thể cử động được.
Mọi thứ lúc này như bị sụp đổ, anh nghĩ cuộc đời của mình coi như đã chấm hết. Lúc đó anh đã được gia đình đưa về quê chữa trị, nhà vốn đã nghèo, giờ anh bị bệnh, mọi thứ lại càng túng thiếu, anh đã quyết định tìm đến cái chết, nhưng may mắn thay mọi người phát hiện và đưa anh đi cấp cứu kịp thời.
Thời gian sau đó, anh Tám vẫn luôn buồn chán và một lần nữa muốn tìm đến cái chết. Anh nghĩ mình là kẻ vô dụng, anh muốn được trở lại Đắk Lắk để thăm hỏi bạn bè một lần cuối. Nhưng lúc về quê, mẹ anh như biết trước được điều xấu nhất sẽ xảy ra nên bà rất buồn. Bà làm tất cả những gì anh mong muốn.
Cứ mỗi đêm khuya anh lại nghe thấy tiếng khóc thầm của người mẹ già vì lo cho số mệnh của con trai. Anh thấy thương mẹ nhiều hơn và quyết định thay đổi suy nghĩ để làm lại một cuộc đời mới. Anh suy nghĩ không thể nào vì cái tôi cá nhân của mình mà buông xuôi tất cả, phải sống vì những người thân yêu, đặc biệt là người mẹ của anh.
“Đã nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc, có lúc nghĩ đến cái chết nhưng số phận bắt tôi phải sống. Khi gặp tai nạn, tôi như đã chết một lần, giờ tôi đang sống cuộc đời thứ hai của chính mình. Hồi mẹ tôi còn sống, bà đã động viên tôi rất nhiều. Chính bằng tình thương của mẹ mà tôi đã chiến thắng được bản thân. Tuy đôi chân không còn nguyên vẹn nhưng đôi tay vẫn khỏe mạnh nên tôi thấy vẫn may mắn hơn nhiều người. Nếu không cố gắng sẽ tự đánh mất mình. Dù số phận thế nào cũng phải đối diện với nó”, anh Tám tâm sự.
Từ đó về sau, anh Tám luôn coi tai nạn của mình như một thách thức lớn của cuộc đời để rồi quyết tâm sống với những gì còn lại của bản thân. Thời gian đó kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nhưng điều quan trọng là anh đã lấy lại được niềm tin vào cuộc sống.
Tuy ngồi trên chiếc xe lăn nhưng anh đã học và làm rất nhiều việc, từ những việc nhỏ nhất như khoét sáo diều, đóng ghế nhỏ để bán. Ai thuê việc gì chỉ vài ba nghìn đồng anh cũng làm, miễn sao có tiền để sống, không muốn là gánh nặng cho gia đình. Như có duyên với nghề mộc, anh mày mò, tự học hỏi làm những sản phẩm lớn hơn, có giá trị hơn. Dần dần, anh không chỉ kiếm đủ tiền nuôi sống bản thân mà còn mở được một xưởng mộc nho nhỏ. Cũng từ trong công việc, anh đã tìm được niềm vui trong cuộc sống.
Vị giám đốc giàu lòng nhân ái
Những ngày đầu mới mở xưởng mộc, anh Tám đã gặp rất nhiều sự phản đối của mọi người. Họ cho rằng một người tàn phế ngồi trên xe lăn như anh thì chẳng làm được việc gì. Nhưng chỉ bốn năm sau đó anh đã chứng minh rằng mình là một người tàn nhưng không phế, chỉ cần quyết tâm thì có thể làm nên tất cả.
Anh đã mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư thêm thiết bị làm đồ gỗ, dần dần tay nghề lên cao. Lúc này anh đã nghĩ ra ý tưởng muốn giúp đỡ những người có cùng cảnh ngộ giống mình. Sau đó anh nhận những người khuyết tật trong xã đến học việc và tạo công ăn việc làm cho họ.
Anh bảo với tôi rằng, mơ ước duy nhất sau này của anh là xây dựng một cơ sở thật lớn để tạo công ăn việc làm cho thật nhiều người cùng cảnh ngộ giống mình.
Anh Lê Văn Tám hạnh phúc bên gia đình của mình.
Năm 2008, là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời, khi anh gặp gỡ và kết duyên với chị Nguyễn Thị Từ, một người con gái cùng xã. Tình yêu của hai người không nhiều lãng mạn nhưng có thừa sự chân thành. Chính tình yêu của chị Từ đã trở thành nguồn sống mới giúp anh thay đổi cuộc đời.
Lúc mới yêu nhau, hai người gặp sự phản đối quyết liệt từ phía gia đình bên phía vợ. Cảm mến tinh thần vượt khó, cũng như tài năng của chàng trai khuyết tật, chị Từ đã vượt qua mọi lời đồn thổi cay nghiệt của dư luận cũng như cấm kị của gia đình để theo anh Tám xây dựng hạnh phúc.
Có những lúc tưởng rằng họ đã không vượt qua được trở ngại từ người thân và áp lực cuộc sống. Nhưng chính lúc khó khăn nhất họ đã nắm chặt tay nhau, động viên nhau cùng vượt qua mọi khó khăn.
Chị Từ kể lại: “Lúc mới yêu nhau, chị thấy anh Tám là người đàn ông bản lĩnh, đầy nghị lực. Anh là nguồn động viên, là chỗ dựa vững chắc, giúp chị có cảm giác tự tin khi được ở bên anh ấy. Anh Tám tuy tàn tật nhưng là người tốt, biết quan tâm người khác, tôi nghĩ mình đã tìm được hạnh phúc cho cuộc đời. Dù có chuyện gì đi chăng nữa, tôi cũng không hối hận về quyết định tìm kiếm hạnh phúc của mình”.
Đám cưới của vợ chồng anh được tổ chức đơn giản nhưng rất ấm áp. Niềm vui của đôi vợ chồng trẻ được nhân lên khi họ sinh được hai đứa con có nếp, có tẻ. “Từ đã mang đến hạnh phúc cho tôi, là đôi chân mới để giúp tôi thực hiện những ước mơ sau này. Giờ đây mọi thứ đã thay đổi, tôi không còn thấy cô đơn như ngày trước nữa, trong nhà luôn rộn rã tiếng cười của trẻ thơ”.
Tháng 6/2013, được sự giúp đỡ của hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Hà Tĩnh, anh Tám thành lập Doanh nghiệp tư nhân Diễm Phát. Hiện nay doanh nghiệp của anh đã tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động là người khuyết tật và cho thu nhập đều đặn (mức lương 3 - 5 triệu đồng/người/tháng). Nhưng để thực hiện mục tiêu dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều người khuyết tật, điều mà anh lo nhất là vốn, sau đó đến thị trường, máy móc đã lạc hậu cần phải đầu tư mua mới.
Thời gian sắp tới, doanh nghiệp Diễm Phát, nơi anh Phạm Văn Tám giữ chức vụ Giám đốc sẽ được mở rộng, không chỉ sản xuất đồ gỗ mà còn mở rộng đầu tư máy móc sản xuất hương trầm, hàng mã, bởi làm các sản phẩm này sẽ phù hợp với người khuyết tật hơn vì không tốn nhiều sức lực. Anh đã tham khảo các cơ sở sản xuất vàng mã ở Hà Nội, Huế để có kế hoạch cụ thể. “Nếu đủ vốn, cuối năm 2015, doanh nghiệp Diễm Phát sẽ tạo việc làm cho hơn 100 người tàn tật, đó là mục tiêu của tôi”, anh Tám cho biết thêm.
Tấm gương vượt lên số phận Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Đinh Tiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Khê cho biết: “Ở địa phương, anh Lê Văn Tám là một trong những tấm gương sáng để mọi người noi theo. Dù bị liệt đôi chân của mình nhưng anh đã vuợt lên số phận, trở thành người có ích cho xã hội. Hiện cơ sở sản xuất nơi anh Tám làm Giám đốc đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt là những người khuyết tật”. |
Nguồn: Báo Đời Sống Pháp Luật