Thứ tư, 03 Tháng 6 2015 12:14

Đã bao năm nay, dù đi lại khó khăn nhưng chị Vũ Thị Kim Hòa (thành phố Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng) luôn quan tâm, sẻ chia cùng những phụ nữ đồng cảnh. Với vai trò Giám đốc Công ty TNHH Dệt len Trúc Quỳnh, chị Hòa đã góp phần mang lại công việc ổn định, niềm vui sống cho khoảng 700 lao động là người lành và người khuyết tật.

 

Giup nguoi dong canh 1

 

Học nghề tự lập cuộc sống

Cô bé Vũ Thị Kim Hòa vốn là một đứa trẻ kháu khỉnh, xinh xắn, được họ hàng nội ngoại đều yêu thương, cưng chiều. Cuộc sống của gia đình Kim Hòa đang yên bình, hạnh phúc bỗng bất ngờ xáo trộn từ khi cô bé mắc một trận sốt bại liệt lúc tròn 3 tuổi. Biến cố đến quá đột ngột khiến bố mẹ Hòa tìm mọi cách xoay sở, vay mượn bè bạn, họ hàng những mong có tiền đưa con đi khám chữa với hy vọng cứu chữa được đôi chân. Sau bao tháng ròng kiếm tìm hy vọng, đôi chân của Hòa vẫn không thể “hồi sinh”.

Bất đắc dĩ trở thành người khuyết tật, nhưng hồi đó tuổi còn nhỏ nên chị Hòa chưa cảm nhận được sự thiệt thòi của số phận. Đến tuổi tới trường, chị cũng được ba mẹ tạo điều kiện cho đi học, niềm vui của chị là những buổi được ba chở tới lớp, biết được thêm nhiều kiến thức mới. Dẫu vậy trong suốt quãng thời gian đi học, chị không khỏi tự ti, mặc cảm bởi không thể chạy nhảy, vui đùa như chúng bạn, khi lại buồn rầu khi nghe những lời bàn tán, chọc ghẹo của mọi người. Những rào cản đó trong cuộc sống của chị rồi cũng qua nhanh, bởi bên cạnh chị luôn chan chứa tình yêu thương, vỗ về của người thân.

Qua bao gian nan, vất vả và sự nỗ lực, chị Hòa cũng hoàn thành xong chương trình học phổ thông. Nhận thấy sức khỏe và khả năng không thể đáp ứng được chương trình Đại học, chị đã nảy ra ý định tìm học nghề để có thể tự lập cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Suy nghĩ của chị đã nhận được sự ủng hộ của ba mẹ nên càng có quyết tâm thực hiện.

Mang theo hành trang vài bộ quần áo và một khoản tiền lộ phí, chị Hòa tìm đến cơ sở dạy nghề dệt may cho người khuyết tật tại thành phố Hồ Chí Minh xin học nghề. Vốn được lớn lên ở mảnh đất có nghề thêu, đan len truyền thống, riêng chị cũng từng tiếp xúc với nghề đan len của gia đình từ nhỏ nên sau 6 tháng học, chị Hòa đã trở thành một người thợ có tay nghề vững, được cấp chứng chỉ loại giỏi.

Trở về quê nhà, chị bắt đầu khởi nghiệp. Nhận được một vài mối đặt hàng nhỏ lẻ và chủ động gửi các mẫu sản phẩm đan len ở một vài cửa hàng nhỏ lẻ nên ban đầu cũng giúp chị tự nuôi sống bản thân. Với một người khuyết tật như chị, có được một khoản tiền nhỏ để trang trải cuộc sống hàng ngày là một niềm vui lớn lao.

Công việc tạm ổn định thì nhân duyên đến với chị. Như bao người phụ nữ khác, chị tìm được một bờ vai để cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Mái ấm đơn sơ của người phụ nữ khuyết tật hay lam hay làm ấy càng thêm ấm áp, hạnh phúc bởi vợ chồng chị có một cô con gái chăm ngoan, học giỏi, biết yêu thương và sẻ chia.

 

Tạo việc làm cho người đồng cảnh

Có đôi tay khéo léo, các đơn đặt hàng đến với chị Hòa ngày một nhiều hơn. Năm 2007, chị quyết định thành lập Hợp tác xã đan len Phước Hòa. Công việc nhiều khiến chị không thể cáng đáng hết mọi khâu nên chị đã nhận thêm gần chục lao động khuyết tật vào làm việc. Khác với cách làm việc thủ công, công việc sản xuất tại Hợp tác xã của chị Hòa chuyên nghiệp hơn, năng suất cao hơn sau khi được tài trợ 2 máy kéo gấu áo và 2 máy dệt kim.

Giup nguoi dong canh 2

Các nhân viên của Công ty đang háo hức chuẩn bị gửi tặng những sản phẩm dệt len cho chiến sỹ Đảo Trường Sa

Để có thêm bạn hàng, chị Hòa cố gắng tìm cách hợp tác làm ăn với những cơ sở sản xuất của người khuyết tật và một vài công ty may mặc tại các huyện, thị trong tỉnh. Bên cạnh đó, chị quyết định mở rộng thị trường tại một số tỉnh thành lân cận. Và để thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng, cũng như có tư cách pháp nhân, con dấu, chị Hòa đã mạnh dạn xin thành lập Công ty TNHH dệt len Trúc Quỳnh. Sau khi Công ty ra đời năm 2010, một hợp đồng làm ăn lớn đã đến với chị, đó là đơn đặt hàng trị giá 200 triệu đồng của một khách hàng tại Campuchia.

Chị Hòa cho biết: “Sau khi thành lập Công ty, công việc kinh doanh phát triển rất tốt. Các sản phẩm dệt len của Công ty với nhiều mẫu mã đa dạng, đạt chất lượng cao giờ đây không chỉ có mặt tại thị trường trong nước hay bó hẹp tại Campuchia mà đã được xuất khẩu đi các nước Đông Âu, Nhật Bản, Thái Lan… Ước tính mỗi năm Công ty xuất khẩu đi các nước khoảng 5 container, điều này đã giúp cho Công ty phát triển lớn mạnh và mang lại công ăn việc làm cho nhiều người khuyết tật và lao động nhàn rỗi”.

Hiện nay, Công ty của Giám đốc khuyết tật Vũ Thị Kim Hòa đang tạo việc làm cho khoảng 700 lao động, trong đó có hơn 100 người khuyết tật, các cơ sở sản xuất được phân bổ ở khắp các huyện trong tỉnh và một vài cơ sở sản xuất tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Do có nhiều bạn hàng nên công việc ổn định, hầu hết thu nhập của người lao động tại Công ty luôn đạt mức cao, trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, với những lao động mới làm nghề cũng có thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng.

Theo chị Hoà, để khích lệ tinh thần làm việc cho nhân viên, hàng năm chị đều tổ chức phát động cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm mới. Những mẫu mã được lựa chọn sản xuất thì người đưa ra sáng kiến sẽ được hưởng phần trăm trong tổng số lượng mặt hàng được làm ra.

Không chỉ tạo việc làm cho các lao động nhàn rỗi và người đồng cảnh trong tỉnh, Giám đốc khuyết tật còn tổ chức các lớp dạy nghề đan len miễn phí cho các phụ nữ khuyết tật của một số tỉnh, thành lân cận. Sau khi học nghề, hầu hết học viên đều có thể tự lập cuộc sống, giúp họ có thêm niềm vui, vơi bớt mặc cảm.

Tuy công việc bận rộn, chị Hoà vẫn dành thời gian, hăng hái tham gia các hoạt động từ thiện. Hàng năm Công ty TNHH Dệt len Trúc Quỳnh đều được chị tổ chức chương trình tặng quà cho trẻ mồ côi, khuyết tật nghèo và các chiến sĩ tại Đảo Trường Sa.

Nhìn về phía xa, chị Hoà tâm sự về ước mơ được một lần ra Đảo, được tận tay trao tặng những chiếc áo, chiếc khăn do chính những người khuyết tật làm nên, điều đó như một lời tri ân công lao to lớn đối với các chiến sĩ đang ngày đêm vất vả canh giữ biển trời Việt Nam.  

 

 Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi