Thứ sáu, 15 Tháng 5 2015 14:00

rung tâm dạy nghề cho người khuyết tậtvà rẻ mồ côi TP.HCM là nơi giúp cho những phận người kém may mắn sống trọn với bản thân, có nhiệt huyết và cháy hết mình với đam mê của họ.

Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM (ấp 6, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) là địa chỉ quen thuộc của nhiều người khuyết tật tại TP.HCM và một số tỉnh, thành khác. Trung tâm thường xuyên mở những lớp dạy nghề hoàn toàn miễn phí cho những người bị khuyết tật và trẻ mồ côi.

 

Lớp học vẽ tranh sơn dầu của các học viên.

Lớp học vẽ tranh sơn dầu của các học viên.

 

Đi vào hoạt động từ năm 2006, đến nay trung tâm đang đào tạo với hơn 10 ngành cho học viên như may công nghiệp, tin học văn phòng, thêu, kim hoàn, vẻ tranh sơn dầu…

Học viên theo học tại trung tâm, mỗi người đều có những hoàn cảnh gia đình khác nhau. Mặc dù bản thân bị tật tứ chi việc sinh hoạt cũng như di chuyển đi lại hằng ngày gặp nhiều khó khăn. Hiểu được những mất mát mà bản thân phải ghánh chịu, nên các học viên không ngừng sáng tạo, luôn học hỏi để sáng tạo nên những bức tranh sơn dầu sinh động, lạ và đẹp.

Bà Đinh Thị Hỏi – Giám đốc Trung tâm chia sẻ, vì các em không được may mắn như những người khác nên trung tâm luôn chỉ dạy, động viên để định hướng cũng như phát triển năng khiếu của mỗi học viên cho phù hợp.

“Trung tâm không ngừng nhắc bảo các em, phải biết vượt qua mọi mặc cảm của bản thân để vươn lên sống tốt, sống có ích trong xã hội”, bà Hỏi cho biết. Đặc biệt, những trường hợp mà chính gia đình các em bỏ rơi thì trung tâm lại càng phải dành thời gian, chia sẻ với các em nhiều hơn, để các em có thể dễ vượt qua những mặc cảm ban đầu.

Tiếp xúc với các học viên tại lớp vẻ tranh sơn dầu, chúng tôi hiểu thêm được hoàn cảnh cũng như gánh nặng bệnh tật mà ngày đêm họ phải chịu đựng. Có trường hợp bị bệnh từ lúc mới sinh, cũng có trường hợp chịu ảnh hưởng vì chất độc màu da cam hay trường hợp gặp tai nạn rồi bị gia đình bỏ rơi,… làm chúng tôi nao lòng. Đồng thời cảm phục, những mảnh đời vượt khó, những “hoạ sĩ” vươn mình trên chiếc xe lăn.

 

Ngoài vẽ bằng tay, Anh Lê Minh Châu có thể dùng miệng để vẽ tranh

Ngoài vẽ bằng tay, Anh Lê Minh Châu có thể dùng miệng để vẽ tranh

 

Trong số các học viên trong lớp vẽ tranh sơn dầu, đáng chú ý nhất là Lê Minh Châu (sinh năm 1991, Đồng Nai). Châu sinh ra trong một gia đình khó khăn, nhà có bốn anh em nhưng chỉ có Châu là người kém may mắn bị nhiễm chất độc màu da cam. Từ nhỏ anh đã được đưa vào làng trẻ em Hòa Bình, bệnh viện Từ Dũ (quận 1, TP.HCM) để vừa học nghề vừa học chữ. Tuy đi lại khó khăn nhưng Châu luôn có một kiên cường. Thấy bạn bè cùng trang lứa nô đùa với trái banh trên sân cỏ anh cũng hòa mình “chịu trận” với các bạn. Đam mê với bóng đá từ nhỏ, nên Châu thành lập một đội bóng nhỏ ở làng Hòa Bình rồi đi giao đấu với những đội khác. Không chỉ đá bóng, Châu chăm chỉ tập bơi lội để rèn luyện sức khỏe.

Cuối năm 2010, Châu làm đơn xin vào trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM để thỏa mãn đam mê với nghề vẽ. Vì chân tay yếu nên lúc học vẽ rất khó khăn, cổ tay đau đến mức không còn cảm giác. Từ đó, Châu nghĩ ra cách cắn đầu cây cọ, rồi vẽ bằng miệng.

Cùng chung ảnh ngộ, cô gái dân tộc Chăm Ra Lan Luồn (sinh năm 1994, Phú Yên) cũng có một niềm đam mê với nghề cầm cọ. Ba mẹ ly hôn từ khi còn rất nhỏ, mỗi người có một cuộc sống riêng nên Luồn sống với bà ngoại từ lúc ba tuổi. Biết được trung tâm nhận học viên khuyết tật, học viên mồ côi, đào tạo nghề và được ăn ở miễn phí nên Luồn làm đơn xin vào. Vì thương cháu mình nên bà ngoại của Luồn đi vay mượn thêm tiền để cho cháu đón xe vào TP. HCM, Chăm Ra Luồn nhớ lại.

Vì chung cảnh ngộ, sống với nhau trong trung tâm nên mọi người đều sống vui vẻ coi nhau như người thân nên vơi đi cảm giác nhớ nhà, chị Lê Thị Hồng Nhật cho biết.

 

Nguồn: Doisongphapluat.com

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi