Lớp học ở đình làng Trung Tự (Hà Nội) chỉ có bàn và hơn chục chiếc ghế đã cũ. Ấy vậy nhưng học sinh đến học rất đông, đa phần là những đứa trẻ ở xóm ngụ cư, mồ côi, mắc bệnh hiểm nghèo... Người “đứng lớp” là ông giáo già đã bước sang tuổi 83. Hơn 20 năm qua, ông vẫn làm công việc lặng lẽ nhưng cao cả ấy.
“Dỗ” trẻ tới lớp
Căn nhà nhỏ của gia đình ông giáo Nguyễn Trà nằm sâu bên trong khu dân cư số 5, phường Phương Liên, quận Đống Đa (Hà Nội). Ấn tượng đầu tiên của tôi về ông là cách trò chuyện cởi mở và gương mặt phúc hậu. Ông là sinh viên khóa đầu tiên của Khoa Vật lý, Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân về giảng dạy tại Trường THPT Lê Quý Đôn và một số trường khác ở Hà Nội, Phú Thọ...
Năm 1990, ông về hưu và tham gia công tác ở Ban Bảo vệ di tích đình làng Trung Tự. Ông không khi nào nguôi ngoai nỗi nhớ trường, nhớ lớp, nhất là khi thấy nhiều đứa trẻ ham học nhưng không được tới trường vì hoàn cảnh quá khó khăn khiến ông day dứt. Từ đó ông nung nấu ý định mở lớp học tại đây.
Ban đầu ông tìm những đứa trẻ gần nhà, sau rồi sang các khu nhà trọ, đến các chợ lao động, những nơi tập trung nhiều người nghèo mưu sinh để động viên phụ huynh cho các em đến nhà mình học. Năm 1992, “lớp học tình thương” của ông chính thức ra đời.
Nhà giáo Nguyễn Trà đang soạn bài trước khi lên lớp dạy học
“Khi ấy nhiều người bảo tôi là gàn dở, tự nhiên lại đi “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng chính sự ủng hộ, giúp đỡ từ phía gia đình là động lực lớn để tôi duy trì lớp học đến tận bây giờ”, ông tâm sự.
Nếu như ngày đầu mở lớp chỉ có 3 em theo học thì đến nay, lớp luôn duy trì khoảng 20 em. Những hôm đông lên đến 30, 40 em, đủ cả mọi lứa tuổi.
“Lớp học tình thương” này đã giúp nhiều em trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Với trình độ ngoại ngữ của mình, ông còn dạy các môn tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức… cho những em có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện đi học thêm.
Như trường hợp của em Nguyễn Hoài An, cha mất sớm, chỉ còn biết trông chờ vào những đồng bạc lẻ của nghề nhặt rác. Mấy mẹ con cùng sống trong một ngôi nhà chật chội, chỉ đủ kê một chiếc giường. Nhiều khi An tới lớp trong tình trạng không có gì trong bụng, thầy lại tự bỏ tiền túi mua đồ ăn cho em, rồi hỗ trợ tiền sách, tiền bút.
Nhắc về công việc của mình, ông giáo già chỉ mỉm cười: “Chính con cháu là người giúp tôi phát triển lớp học. Đây là lớp học của cả gia đình chứ không phải của riêng tôi”.
Rồi ông giải thích, ở làng này có 10 gia đình trên một mảnh đất, chung một cổng ra vào. Họ đều là anh em, con cháu của ông. Khi có những bài tập khó, không đúng chuyên môn ông chỉ cần gọi điện là họ sang đứng lớp, chỉ bảo nhiệt tình cho các em. Các con, cháu đều dành thời gian ông tham gia đứng lớp giảng bài. Đó là điều khiến ông giáo rất tự hào.
Và hơn hai mươi năm qua, lớp học không ngày khai giảng, bế giảng, không phấn trắng, bảng đen, không giáo trình mà ông chỉ ngồi cạnh trò xem câu nào chưa được, chỗ nào chưa hiểu thì chỉ bảo các em. Phương châm dạy học của ông là dạy chữ và đạo lý. Khi đó, cả thầy và trò cùng tu dưỡng: Trò thì học làm người, học kiến thức; thầy thì tu đức, chia sẻ kiến thức và tình thương.
Hằng tháng, ông Trà dùng tiền lương hưu của mình để duy trì lớp học. Theo gương cha, con gái ông là Nguyễn Hương Giang, giáo viên Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, cũng bỏ tiền túi trao học bổng động viên những học sinh nghèo có thành tích tốt trong học tập. Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà giáo cũng đến xin giúp ông Trà dạy dỗ bọn trẻ.
Hiện nay, lớp đã có 8 giáo viên hỗ trợ ông Trà dạy học ở các bộ môn như: Toán, Lý, Hóa, Văn, tiếng Anh, tiếng Pháp… kiến thức cung cấp tới các trò được đa dạng hơn. Số lượng học sinh theo học lớp hướng thiện của ông Trà ngày một đông hơn.
Anh Đinh Ngọc Anh (30 tuổi), cùng hỗ trợ thầy Trà đứng lớp chia sẻ: “Một lần tình cờ đọc báo, biết đến lớp học của thầy Trà nên tôi tìm đến cùng thầy bổ túc kiến thức cho các em học sinh. Vì bản thân tôi thấy, đây không chỉ là một lớp học mang giá trị nhân văn sâu sắc mà nó còn là sân chơi cho các em nhỏ dịp cuối tuần”.
Nhà giáo nhân dân Nguyễn Xuân Hòe (Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phương Liên) cũng cho biết: “Thầy Trà là người có công lao lớn nhất xây dựng nên lớp học này. UBND phường và Hội Khuyến học cũng thường xuyên động viên và hỗ trợ thầy lấy Văn phòng Đảng ủy làm phòng dạy học cho các em ngày cuối tuần”.
Dạy làm người
Mỗi học sinh đến với lớp học này có những hoàn cảnh khác nhau. Ông giáo Nguyễn Trà không chỉ là thầy mà còn là người ông, người cha để chia sẻ và đồng cảm với các em.
“Nhiều năm trước đây, khi tôi đang dạy thì có một người phụ nữ, dẫn theo đứa trẻ đến lớp của tôi. Cô ấy nói, chồng cháu mất sớm, cháu có mỗi đứa con nhờ thầy dạy dỗ trông nom rồi ôm mặt khóc. Vài hôm sau thì mẹ cậu bé mất. Thương đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ tôi đã nuôi dưỡng, mua sách vở và dạy học cho cậu ta. Bây giờ cậu ta đã trưởng thành và đang làm việc ở cửa hàng sách ngoại ngữ. Thỉnh thoảng cậu ấy vẫn qua thăm tôi”.
Còn rất nhiều mảnh đời bất hạnh khác khiến ông giáo chạnh lòng. Có em mới học hết lớp 1 đã phải theo bố mẹ lên thành phố làm ăn xa, có em bị bố mẹ bỏ rơi lại mắc bệnh hiểm nghèo… Ông phải tìm gặp từng em để trò chuyện, vận động các em đến lớp. Giờ thấy chúng trưởng thành, biết con chữ, ông mừng khôn tả.
Suốt 23 năm mở lớp hướng thiện, giờ ông giáo cũng đã “tóc sương, da mồi”. Nếu như trước đây ngày nào ông cũng đứng lớp thì giờ mỗi tuần ông chỉ dạy một buổi vào Chủ nhật. Nhiều hôm mệt quá, không đi dạy được phải nhờ bạn bè tới giảng bài thay, nhưng ông chưa bao giờ có ý định đóng cửa lớp học.
Có trường hợp ông dạy học cho cả mẹ, cả con. Như chị Nguyễn Thị Hồng Vân (36 tuổi), mỗi lần đưa con đến lớp học chị lại tranh thủ xin thầy học thêm ngoại ngữ. Cách đây 10 năm, chị Vân cũng từng là học trò lớp tình thương của thầy Trà. Chị thích học ngoại ngữ nhưng gia đình không có điều kiện để đi học thêm. Nhờ vốn tiếng Anh trau dồi ở đây, chị có công việc ổn định khi làm ở bộ phận chăm sóc khách hàng, hỗ trợ tài xế phục vụ khách nước ngoài của một hãng taxi.
Ngoài những buổi học trên lớp, để khuyến khích các em chăm chỉ học hành, “phần thưởng” của thầy Trà là những chuyến đi tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, công viên Bách Thảo... Cứ như vậy, các lứa tuổi học trò ngày càng cố gắng và trưởng thành. Có những người quyết tâm thi đỗ đại học, cao đẳng, đi làm nghề và tìm được công việc ổn định. Phụ huynh và học sinh không chỉ quý mến thầy bởi cái tài mà còn trọng cả nhân cách của thầy. Người ta ví thầy là người cha nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh, giúp chúng vượt qua những khó khăn, mở rộng cánh cổng tương lai cho chúng.
Ông Trà không kể nhiều về công sức của mình dành cho lớp học tình thương. Khoảnh khắc khiến ông giáo này vui sướng nhất là khi nghe các em bán bánh mì, đi nhặt rác biết thay đổi cách xưng hô “Thầy ơi thầy”, “Thầy ơi, em bảo” thành “Em thưa thầy”.
Tiên học lễ, hậu học văn bắt nguồn từ những điều tưởng đơn giản nhất, như cách xưng hô giữa thầy trò. Đó chính là điều tâm đắc nhất của ông giáo Nguyễn Trà…
Với những đóng góp của mình, ông Nguyễn Trà đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ngành. Cuối năm 2014, ông vinh dự được nhận thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khen ngợi, trân trọng tấm gương người thầy tận tụy với nghề, hết lòng vì trò nghèo.
Nguồn: Năng lượng Mới