Thứ sáu, 08 Tháng 5 2015 16:17

Đôi chân liệt không ngăn nổi khát khao trở thành người có ích của chàng trai khuyết tật Nguyễn Văn út (huyện Hóc Môn - thành phố Hồ Chí Minh). Trải qua bao thăng trầm trong cuộc sống, út càng có thêm động lực để thổi hồn vào những bức tranh ghép gỗ. Với người thợ khuyết tật tài hoa ấy, ước mơ lớn nhất là thành lập xưởng sản xuất và dạy nghề miễn phí cho người đồng cảnh.

 

Bôn ba học nghề

Không có điều kiện được ăn học tới nơi, tới chốn, chàng trai khuyết tật Nguyễn Văn út đã nỗ lực bươn trai cuộc sống bằng đủ mọi nghề để tự lập cuộc sống. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, út là người thiệt thòi nhất trong số 11 anh chị em. Một cơn sốt bại liệt năm lên 4 tuổi đã khiến cậu bé út khôi ngô, bụ bẫm bị liệt đôi chân, cột sống cũng bị vẹo hẳn sang một bên.

Nguoi tho khuyet tat 1

 

Từ một cậu bé hàng ngày chạy nhảy, nô đùa cùng các anh chị, bạn bè, út phải ngồi một chỗ. Đưa ánh mắt nhìn theo chúng bạn vui chơi, út thèm lắm, nhưng ngặt nỗi út không thể điều khiển đôi chân làm theo ý mình. Càng lớn, nỗi mặc cảm trong út lớn dần bởi thiệt thòi của số phận.

Chấp nhận cuộc sống nghèo khó, nhưng trong tâm khảm, út luôn khát khao được kiếm tìm con chữ. Nhưng ước mơ bé nhỏ đó không trở thành hiện thực bởi chẳng có ngôi trường nào nhận út vào học. Thay vì không được đến trường, hàng ngày út mượn sách vở tập đọc, học viết, với những chữ khó, út nhờ anh chị và các bạn cùng xóm hướng dẫn. Sự miệt mài, chịu khó đã giúp út đọc viết thành thạo và học xong chương trình lớp 5.

út chia sẻ, mặc dù ba mẹ nhiều lần muốn đưa út đi phẫu thuật đôi chân những mong có thể tự bước đi trên đôi chân của mình, nhưng bởi gia cảnh túng bấn, nợ nần chồng chất, ruộng vườn đều đã phải bán hết để dành tiền chữa bệnh hiểm nghèo cho ba. Khi số tiền chữa bệnh cạn kiệt cũng là thời điểm ba út trút hơi thở cuối cùng, lúc đó trong suy nghĩ giản đơn của mình, út đã thầm hứa với ba sẽ cố gắng sống tốt, nỗ lực làm việc để trở thành chỗ dựa cho mẹ.

Không còn ba làm trụ cột gia đình, trong khi út và các anh chị đều đang ở tuổi ăn, tuổi lớn, bởi vậy một mình người mẹ gầy yếu của út phải thay ba nuôi dạy các con. Vì không muốn trở thành gánh nặng cho mẹ và các anh chị, út đã biến suy nghĩ thành hành động khi bắt tay vào cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền. Việc đầu tiên út làm là đi nhặt ve chai. Tưởng rằng việc làm đơn giản nhưng lại không mấy dễ dàng với một cậu bé 14 tuổi bị khuyết tật đôi chân.

 

Nguoi tho khuyet tat 2

Sau bao tháng ngày bôn ba học nghề, út đã trở thành một thợ mộc tài hoa và trở thành giáo viên của người đồng cảnh

 

Công việc lam lũ, cơ cực nhưng thu nhập chẳng được là bao, út quyết định tạm xa quê hương lên Cần Thơ tìm việc làm. Thấy út khuyết tật nhưng tha thiết được làm việc nên các tiểu thương chợ cá gần bến Ninh Kiều đã thuê làm nhân viên dọn vệ sinh. Được nhận vào làm chưa lâu thì việc buôn bán của các tiểu thương trong khu chợ ngày một khó khăn, bởi vậy họ quyết định không tiếp tục thuê út. Mất việc làm, út không chịu trở về quê mà tìm xuống Đồng Tháp mong kiếm được nơi làm mới. Nhờ có sự giới thiệu của người quen, út may mắn được nhận vào làm việc tại xưởng chế biến thức ăn gia cầm.

Việc làm mới tuy vất vả nhưng không phải di chuyển nhiều, thu nhập lại khá hơn nên cuộc sống của út cũng đỡ chật vật. Mặc dù vậy, trong suy nghĩ của út vẫn mong lắm học được một cái nghề ổn định cuộc sống, út sợ sống trong cảnh nay đây, mai đó tìm việc làm. Điều mong mỏi của út cũng trở thành sự thật khi được nhận vào học nghề khắc gỗ miễn phí tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hồ Chí Minh.

Là một học viên cần cù, chăm chỉ, sáng dạ nên chỉ sau gần một năm theo học, út đã có thể hoàn thành các bức tranh gỗ do giáo viên yêu cầu, mặt khác các mẫu tranh do út sự sáng tác khá độc đáo, mới lạ, bắt mắt khiến thầy cô rất hài lòng. Hoàn thành khóa học, với đôi tay khéo léo và những ý tưởng sáng tạo, út đã tạo dựng được một công việc ổn định, hàng tháng dành dụm được một khoản tiền nhỏ gửi về đỡ đần mẹ.

 

Tiếp nối ước mơ cho người đồng cảnh

Không chỉ được học nghề và có được một công việc ổn định theo nguyện vọng, út còn được thầy cô tin tưởng giao công việc dạy nghề cho các học viên mới.

Hạnh phúc cứ dồn dập đến với út khi nhận được sự động viên, khích lệ của thầy cô để mạnh dạn tìm đến tình yêu của mình cùng một học viên đồng cảnh tại Trung tâm. Vượt qua sự ngăn trở của gia đình bạn gái bằng tình yêu chân thành, sự đồng cảm giữa hai số phận thiệt thòi, tình yêu của út đã được chấp thuận và có được những lời chúc phúc của hai gia đình, bè bạn, thầy cô.

Xây dựng được mái ấm hạnh phúc, vợ chồng út đã quyết định ở lại lập nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh. Căn nhà nhỏ ở huyện Hóc Môn của vợ chồng người thợ khuyết tật tài hoa không chỉ là nơi sinh hoạt, mà còn là cửa hàng tranh ghép gỗ. Hàng trăm tác phẩm được treo trên tường, bày trên kệ đều do chính đôi tay của út tạo nên với nhiều chủ đề khác nhau như quê hương, con đò, bến nước, gia đình, trẻ thơ...

 

Nguoi tho khuyet tat 3

Hạnh phúc viên mãn của út bên vợ và con trai

 

út cho biết: “Những bức tranh ghép gỗ trong cửa hàng của tôi đạt tới độ tinh xảo, khéo léo thường có giá từ 4 - 5 triệu đồng, bên cạnh đó cũng có một số sản phẩm đơn giản như các con vật trang trí, móc treo chìa khóa cũng có giá từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn. Tuy nhiên để làm ra được một sản phẩm ưng ý, với một người khuyết tật như tôi cũng lắm chật vật khi phải trải qua nhiều công đoạn như cưa gỗ, tạo hình trên mặt gỗ, mài dũa, đánh bóng, phối màu… Với tôi, dù gặp nhiều khó khăn trong công việc mình đã lựa chọn nhưng tôi tin với lòng yêu nghề, khát khao tìm đến cái đẹp, tôi sẽ cố gắng vượt qua trở ngại để trở thành một người thợ giỏi”.

Trên gương mặt của người thợ khuyết tật tài hoa ấy cũng không giấu được niềm vui khi các tác phẩm đã được nhiều khách hàng yêu thích, đặt mua với giá cao, hàng trăm bức tranh ghép gỗ cũng đã có mặt tại một vài cuộc triển lãm. Khi đã tìm được chỗ đứng vững chắc, út mong lắm có điều kiện mở một cơ sở sản xuất tranh ghép gỗ, vừa nhận dạy nghề miễn phí, vừa tạo việc làm cho những người đồng cảnh, giúp họ thực hiện những ước mơ của riêng mình.  

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi