Thứ ba, 02 Tháng 2 2016 19:09

Hưởng ứng Chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới do Trung ương Hội phát động; các tỉnh, thành hội trong cả nước đều đã có sự chỉ đạo đến tận cơ sở, cùng sáng tạo, chung sức, đồng lòng thực hiện nhiều hoạt động trợ giúp thiết thực với đối tượng. Đã có nhiều tổ chức Hội cơ sở tham gia cùng chính quyền địa phương, hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC, góp phần đưa xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh, tạo cơ hội cho NKT, TMC thoát nghèo, thực hiện quyền của mình theo pháp luật.

Ông Nguyễn Phi Hòa - xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Lĩnh, Hà Tĩnh

 

Ong Hoa Ha Tinh1

 

Cẩm Thành là một xã thuần nông, điều kiện kinh tế trước đây còn gặp nhiều khó khăn. Năm 2011 xã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Hà Tĩnh chọn làm mô hình điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Năm 2012, theo điều tra của Hội Bảo trợ NKT, TMC xã Cẩm Thành, toàn xã có 159 NKT, 50 TMC, trong đó có 125 hộ gia đình có NKT, TMC thuộc hộ nghèo.

 

Sau 5 năm thực hiện đề án hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã, Hội đã cấp 20 xe lăn, 16 xe đạp, 20 suất học bổng, trao tặng 1.800 cuốn sách cho học sinh khuyết tật, mồ côi; xây dựng 32 đường tiếp cận xe lăn (15 đường tại gia đình, 17 đường tại các công trình công cộng); xây dựng mới 47 nhà tình thương, nhà tình nghĩa, sửa chữa 28 nhà, hỗ trợ xây dựng 38 nhà tắm, 22 nhà vệ sinh; làm mới chế độ cho 35 đối tượng; gửi học nghề cho 9 người và tạo việc làm cho 13 người. Ngoài ra, Hội cũng hỗ trợ vốn sản xuất cho 23 hộ gia đình với số tiền 300 triệu đồng; mổ tim bẩm sinh cho 5 trẻ, mổ đục thuỷ tinh thể cho 31 người và cấp máy trợ thính cho 4 em khác.

 

Có thể nói, khi dự án về đến địa phương, từ chính quyền xã, tổ chức Hội và đối tượng đều vui mừng, phấn khởi, vì có cơ hội để thực hiện quyền, nâng cao mức sống cho NKT, TMC trong xã. Chính quyền, cấp uỷ xã hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho Hội tiếp cận tốt nhất với đối tượng. Đến nay, đời sống của đa số NKT, TMC xã Cẩm Thành đã được cải thiện theo hướng tích cực. Số hộ nghèo, cận nghèo giảm 80%. Nhiều hộ gia đình có NKT, TMC sau khi thụ hưởng dự án của Hội, đời sống đã có sự thay đổi rõ rệt như gia đình ông Nguyễn Trọng Thiều, ông Lê Quốc Khánh, gia đình cháu Trần Đình Dũng (thôn Đồng Bàu), gia đình hai cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ Trần Đình Nghiêm, Trần Đình Quế…

 

Ông Kiều Quốc Việt - xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh

 

Ong Kieu Quoc Viet Tra Vinh

 

Năm 2010, xã Tân Hùng được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, tỉnh Hội Trà Vinh đầu tư vốn 100 triệu đồng để thực hiện dự án hỗ trợ sinh kế, mô hình nuôi bò sinh sản cho NKT, TMC là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã. Sau 6 năm triển khai, BQL Dự án xã đã xét và trực tiếp hỗ trợ xoay vòng cho 30 lượt hộ vay không tính lãi với số vốn 95 triệu đồng giai đoạn 1 (năm 2010) giải ngân cho 19 hộ, giai đoạn 2 (năm 2013) giải ngân cho 11 hộ). Tính đến tháng 12/2015 số đàn bò tăng lên là 90 con, số đã bán là 47 con, số còn lưu đàn của 18 hộ là 43 con (có 12/30 hộ đã chuyển sang vật nuôi khác vì không đủ điều kiện tiếp tục duy trì đàn bò). Tổng thu nhập của dự án qua khảo sát thực tế mà các hộ gia đình cung cấp là khoảng 1 tỷ 130 triệu đồng, trừ các chi phí như con giống, chuồng trại, thức ăn bổ sung, thuốc thú y, phối giống… ước lợi nhuận của mô hình khoảng 835 triệu đồng.

 

Trong quá trình thực hiện Dự án đã có nhiều hộ phát huy tốt nguồn vốn được hỗ trợ và mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như hộ bà Trương Thị Sa (ấp Trà Mềm - giai đoạn 2) trừ chi phí còn lợi nhuận 46 triệu đồng, hộ bà Thạch Thị Nhanh (ấp Nhứt -giai đoạn 1) lợi nhuận 53 triệu đồng, hộ ông Lữ Văn Xua (ấp Te Te 1 - giai đoạn 2) lợi nhuận 64 triệu đồng, đặc biệt, hộ ông Lê Hồng Thuỷ (ấp Te Te 2 - giai đoạn 1), năm 2010, Dự án hỗ trợ 5 triệu đồng, gia đình đối ứng thêm 4 triệu đồng mua được 1 bò mẹ và 1 bê con. Qua 6 năm đàn bò đã tăng lên 15 con. Ước tính hiện tại, tổng thu nhập cả đàn bò lên đến 385 triệu đồng.

 

Những kết quả mà dự án mang lại đã góp phần phát triển kinh tế gia đình ổn định hơn, từ đó giúp cho NKT trên địa bàn thấy rõ sự quan tâm của các cấp chính quyền, tự tin hơn trong cuộc sống. Dự án cũng góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền địa phương, đoàn thể và cộng đồng xã hội về vấn đề của NKT, TMC. Mong rằng, Trung ương Hội tiếp tục đầu tư hỗ trợ kinh phí để phát triển nhiều Dự án Nuôi bò sinh sản dành cho NKT của các xã xây dựng nông thôn mới cả nước nói chung, Trà Vinh nói riêng.

 

Ông Nguyễn Đình Tớn - xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa

 

Ong Nguyen DInh Ton THanh Hoa

 

Xuân Lam là xã thí điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thanh Hoá, thuộc vùng bán sơn địa của huyện Thọ Xuân. Toàn xã có 228 NKT, 48 TMC, trong đó có 14 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thực hiện vai trò của một tổ chức xã hội tại cơ sở, trong 5 năm (2011 - 2015), Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi xã Xuân Lam đã vận động sự đóng góp của các hộ dân trong xã, các tổ chức, nhà trường, dòng họ, con em quê hương làm ăn thành đạt trong tỉnh ủng hộ nguồn quỹ đạt 994.300.000 đồng. Được sự chỉ đạo của Trung ương Hội, sự hỗ trợ của tỉnh Hội Thanh Hoá (30 triệu đồng) cũng như huyện Hội Thọ Xuân, cùng với các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, trao tặng xe lăn, xe đạp, chăm sóc y tế, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi xã Xuân Lam đã rất tích cực triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới Xuân Lam thông qua các mô hình, nuôi bò sinh sản, chăn nuôi gia cầm, trồng cây lâm nghiệp, dạy nghề…

 

Với số vốn 90 triệu đồng, Hội đã hỗ trợ cho 9 hộ gia đình NKT, TMC nuôi bò sinh sản. Các hộ thực hiện tốt việc chăm sóc và đến nay đàn bò đã sinh sản được 4 con bê cái. Với kinh phí ban đầu 36.270.000 đồng, Hội hỗ trợ cho 31 đối tượng NKT, TMC chăn nuôi gia cầm. Trong đó mỗi đối tượng được cấp 70 con gà giống, 25 kg thức ăn và thuốc thú y. Sau thời gian triển khai, giá trị sản phẩm tăng lên 387.450.000 đồng (gấp 10 lần kinh phí ban đầu). Hội hỗ trợ trồng 609 cây lấy gỗ và cây ăn quả trị giá 32 triệu đồng. Đến nay cây trồng phát triển tốt. Hội cũng đã tổ chức một số lớp dạy nghề ngắn hạn về chăn nuôi gia cầm, phòng tránh bệnh cho gia súc gia cầm, trồng cây lấy gỗ, cây ăn quả… Cũng trong quá trình triển khai hỗ trợ sinh kế, Câu lạc bộ Văn nghệ, thể thao NKT xã Xuân Lam đã được thành lập.

 

Bà Hồ Thị Nguyệt - xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An

Ngọc Sơn là xã miền núi của huyện Quỳnh Lưu. Xã có địa bàn rộng, đi lại khó khăn, điều kiện sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, nên ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là các hộ NKT, TMC. Toàn xã có 217 NKT, 80 TMC, hầu hết thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đời sống rất khó khăn.

 

Năm 2012, Dự án Hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới Ngọc Sơn được xây dựng và trển khai thực hiện với tổng kinh phí là 614,5 triệu đồng. Chương trình đã hỗ trợ cho 33 đối tượng, trong đó 12 NKT, 21 TMC. Nội dung hỗ trợ tập trung vào hỗ trợ vốn sản xuất, chăn nuôi, dịch vụ, làm đường tiếp cận tại nhà và tại công sở, hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở, tặng xe lăn, xe đạp, học bổng, tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi..

 

Sau hơn 4 năm thực hiện, từ 13 con trâu, bò với vốn ban đầu 175 triệu đồng, đến nay đã sinh sôi, phát triển lên tới 33 con, ước tính trị giá lên tới 654 triệu đồng. Mức thu nhập bình quân là 14,5 triệu/hộ/năm. Dự án đã tạo việc làm, xóa nghèo, cận nghèo cho nhiều hộ cải thiện đời sống, gia đình đầm ấm, hạnh phúc hơn, anh em, họ tộc được gần gũi, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó và hơn hết đem lại lòng tin, niềm vui và sự vươn lên hòa nhập cộng đồng cho NKT, TMC được trợ giúp và NKT, TMC khác của xã.  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi