Thứ ba, 02 Tháng 2 2016 19:02

Bên cạnh chương trình chung của Trung ương Hội như tặng quà, sách vở, học bổng, xe đạp, để hỗ trợ cho các em học sinh khuyết tật, mồ côi đang tuổi đến trường, nhiều tỉnh, thành Hội đã dựa trên tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng các chương trình trợ giúp dành riêng cho đối tượng này. Hoạt động bảo trợ của Hội không chỉ góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt của đối tượng mà còn tạo nền tảng bền vững để các em vun đắp và thực hiện ước mơ trong tương lai.

Học bổng dài hạn - đảm bảo tương lai cho trẻ khuyết tật, mồ côi

 

Mất đi cha, mẹ, chỗ dựa tinh thần và cũng là người bảo hộ cho tương lai của mình, nhiều trẻ em mồ côi rơi vào hoàn cảnh khó khăn cùng cực, nguy cơ phải bỏ học, sống lang thang. Đối với các em, những món quà hỗ trợ trước mắt như xe đạp, học bổng, sách vở… hết sức ý nghĩa và cần thiết để vượt qua khó khăn trước mắt; nhưng về lâu dài, muốn đi hết chặng đường học vấn, có được nền tảng tri thức cơ bản để vào đời và trưởng thành, các em rất cần một hình thức hỗ trợ mang tính bền vững, lâu dài.

 

Nắm bắt được hoàn cảnh, tâm lý đó của trẻ mồ côi; qua quá trình thực tiễn hoạt động, nhiều tỉnh, thành Hội đã nghiên cứu, xây dựng chương trình học bổng dài hạn hỗ trợ trẻ mồ côi đến trường. Theo đó, Hội sẽ lên danh sách các đối tượng cần trợ giúp, có địa chỉ, hoàn cảnh cụ thể và tích cực vận động các mạnh thường quân, các tổ chức, doanh nghiệp, các cán bộ chính quyền địa phương tham gia ủng hộ.

 

Hai Duong

Trao học bổng cho học sinh khuyết tật, mồ côi tỉnh Quảng Trị

 

Tại Bắc Giang, trong 126 suất học bổng trao tặng cho học sinh mồ côi, khuyết tật năm 2015, tỉnh Hội đã vận động được 70 suất học bổng dài hạn với mức tiền 200.000 đồng/suất/tháng, tập trung chủ yếu ở huyện Lục Ngạn. Chương trình này bắt đầu từ cuối năm 2014, được tỉnh Hội Bắc Giang tập trung cho huyện miền núi Lục Ngạn, vốn có nhiều xã khó khăn hơn, học sinh là trẻ mồ côi đông. Trên cơ sở số liệu trẻ khuyết tật, mồ côi đang đi học đã được khảo sát, Hội vận động các lãnh đạo địa phương từ Bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đỡ đầu các cháu. Có đơn vị chuyển trước cho Hội kinh phí của cả năm, sau đó Hội điều tiết xuống.

 

Hay như Sơn La là tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn, song tập thể cán bộ tỉnh Hội cũng luôn sáng tạo, đổi mới, tìm ra phương thức hoạt động hiệu quả để hỗ trợ cho các đối tượng trong tỉnh, đặc biệt là học sinh khuyêt tật, mồ côi. Những năm gần đây, tỉnh Hội triển khai mô hình vận động doanh nghiệp đỡ đầu cho các cháu. Tuỳ vào từng đơn vị mà thời gian đỡ đầu, số tiền hỗ trợ hàng tháng cũng khác nhau. Nhưng dù nhiều hay ít, đó cũng là tấm lòng, là trách nhiệm xã hội mà các đơn vị đỡ đầu đã thực hiện.

 

Ông Cao Xuân Thơm, Chủ tịch tỉnh Hội Sơn La chia sẻ: “Sau khi các huyện lập danh sách gửi lên, tỉnh Hội tập hợp, tiếp cận và đặt vấn đề với các doanh nghiệp kinh doanh có lãi trên địa bàn tỉnh. Có một thuận lợi là lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu này đều là thành viên Ban chấp hành tỉnh Hội. Vì vậy, khi được đặt vấn đề trực tiếp, họ đều hưởng ứng rất nhiệt tình. Những năm trước đây tỉnh Hội đã hỗ trợ được khoảng hơn 40 cháu. Năm 2015, tỉnh Hội tiếp nhận và trao 54.600.000 đồng tiền đỡ đầu cho 20 trẻ mồ côi. Trong đó, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng T668 đỡ đầu 10 cháu, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Nam Thành đỡ đầu 10 cháu”.

 

Năm 2016 tới đây, tỉnh Hội đã vận động được 3 đơn vị đỡ đầu, trong đó, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng T668 đỡ đầu cho 5 cháu ở huyện Quỳnh Nhai, trong thời gian 5 năm, mỗi tháng 300.000 đồng; Công ty đầu tư xây dựng Nam Thành, nhận đỡ đầu 5 cháu ở huyện Vân Hồ trong thời gian từ 2-3 năm/cháu, mỗi tháng 200.000 đồng/cháu; Ngân hàng An Bình, chi nhánh Sơn La nhận đỡ đầu 5 cháu ở Mộc Châu trong thời gian 3 năm, mỗi cháu 200.000 đồng/tháng.

 

Không dừng lại ở thời gian 2-5 năm, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh Bình Thuận vận động các nhà hảo tâm đỡ đầu cho các em từ khi được hỗ trợ đến khi các em vào đại học, mỗi tháng 500.000 đồng. Đến nay, tỉnh Hội vẫn duy trì hỗ trợ cho 20 em, một số em đã vào Đại học, đi làm. Dù vận động thực hiện chương trình này hết sức khó khăn, nhưng vì quyền lợi của đối tượng nên tập thể cán bộ, hội viên của Hội đều rất nỗ lực, cố gắng.

 

Huy động đa dạng nguồn lực hỗ trợ trẻ khuyết tật, mồ côi

 

Cùng với việc triển khai thành chương trình riêng, nhiều tỉnh, thành Hội còn đẩy mạnh công tác xã hội hoá nguồn lực, tổ chức vận động với nhiều hình thức khác nhau, quan tâm đến các vấn đề bức thiết của đối tượng từ đó góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các em, giúp các em yên tâm học tập, phấn đấu.

 

Còn nhiều khó khăn trong công tác vận động xây dựng quỹ, nhưng năm 2015, tỉnh Hội Hải Dương đã có một hoạt động nổi bật đó là thông qua Trung ương Hội, vận động tổ chức Jeca và Happy I của Hàn Quốc đầu tư xây dựng trường mầm non cho trẻ em khuyết tật, mồ côi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thôn Quý Dương, xã Tân Trường, huyện Cẩm Giàng với tổng kinh phí đầu tư 1,6 tỷ đồng (trong đó tổ chức Hàn Quốc hỗ trợ 550 triệu đồng, số còn lại do địa phương đối ứng và nguồn xã hội hoá).

 

Tại Bình Dương, với 1.000 suất học bổng trị giá hơn 970 triệu đồng được trao tặng nhờ sự vận động, phối hợp hoạt động, tỉnh Hội đã giúp các em học sinh mồ côi, khuyết tật trang trải phần nào các khoản học phí, đóng góp đầu năm, vơi bớt khó khăn trước mắt để yên tâm học tập, phấn đấu. Tỉnh Hội Quảng Ninh đã, đang và vẫn duy trì Chương trình tặng góc học tập cho trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ em nghèo suốt nhiều năm nay. Riêng năm 2015, tỉnh Hội đã trao tặng 82 góc học tập cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

 

Ngoài tích cực chủ động vận động bảo trợ cho học sinh khuyết tật, mồ côi, tỉnh Hội Bình Phước không ngừng phát huy hiệu quả hoạt động của các chi Hội, tổ chức thành viên, đặc biệt là nhóm Hạt gạo ấm lòng. Năm 2015, ngoài trợ cấp gạo thường xuyên cho 60 gia đình NKT, nhóm còn vận động thực hiện các chương trình trợ giúp trị giá 877 triệu đồng. Trong đó, vận động Chương trình Thắp sáng ước mơ xanh (do Đài PTTH tỉnh Bình Dương thực hiện) tài trợ học bổng cho 7 em học sinh khuyết tật, mồ côi mỗi suất bình quân 15 triệu đồng/em. Trong đó, có 3 em được trợ cấp thường xuyên với suất học bổng 2 triệu đồng/tháng.

 

Vận động tặng học bổng Làn gió ấm thuộc Hội Từ thiện thành phố Hồ Chí Minh cho 34 em học sinh mồ côi nghèo, con của NKT là học sinh giỏi, trị giá bình quân mỗi suất 3,5 triệu đồng/năm học (dùng đóng học phí và mua đồ dùng học tập). Vận động Hội Cha mẹ đỡ đầu - Pháp Kiều tặng học bổng cho 116 học sinh và sinh viên nghèo mồ côi, khuyết tật, con em NKT trị giá bình quân mỗi suất 4.600.000 đồng (cao đẳng, đại học là 4.800.000 đồng/em, cấp I, II, III bình quân 3.800.000 đồng/suất)...

 

Không chỉ vận động tài trợ, một số tỉnh Hội còn đặc biệt quan tâm đến chế độ chính sách của Nhà nước liên quan đến NKT, TMC từ đó kịp thời hỗ trợ họ thụ hưởng quyền lợi của mình. Trong đó không thể không kể đến sự đóng góp của tỉnh Hội Quảng Trị. Chỉ tính riêng tại hai xã Hải Thượng huyện Hải Lăng và Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Hội đã hỗ trợ giải quyết chế độ cho 6 gia đình nhận nuôi TMC được hưởng 360.000 đồng/tháng/cháu, 28 hộ gia đình đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi được hưởng 180.000 đồng/tháng/người, 13 trẻ khuyết tật nặng được hưởng 360.000 đồng/tháng/cháu. Hưởng ứng cuộc vận động mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo, Hội đã vận động được 7 đơn vị nhận đỡ đầu cho 7 TMC có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn 2 xã trên với mức hỗ trợ 100.000 đồng/tháng/em. Tham mưu cho các ban ngành liên quan giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi theo Nghị định 28/2012/NĐCP, ngày 10/4/2012 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT.

 

Qua hoạt động của các địa phương trong năm 2015, có thể thấy, chương trình hỗ trợ đối tượng trẻ mồ côi, trẻ em nghèo đã và đang được các cấp Hội quan tâm, tổ chức ngày càng sâu rộng và hiệu quả hơn. Hội thực sự đã có sự đổi mới, sáng tạo và hết sức sâu sát đến quyền lợi và nhu cầu thực tế của trẻ, giúp cho hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả cao và có tác động bền vững đến đời sống đối tượng.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi