Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, đa số họ có mức sống không cao, tình hình tài chính có hạn trong khi sức khỏe luôn được đánh giá là kém sơn so với những người khác. Được chăm sóc sức khỏe, được khám chữa bệnh là nhu cầu tất yếu và không thể thiếu để đảm bảo sức khỏe của người khuyết tật. Trong đó, thẻ bảo hiểm y tế có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, việc cấp phát, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của người khuyết tật còn nhiều bất cập, cần được quan tâm, tháo gỡ.
(ảnh minh họa: Người khuyết tật còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh)
Chính sách tương đối đầy đủ
Luật Người khuyết tật được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính thức thông qua ngày 17/6/2010 và có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2011. Tại chương III của Luật đã quy định cụ thể về quyền được chăm sóc sức khỏe của người khuyết tật, trong đó có đề cập khá cụ thể về chế độ khám chữa bệnh, đặc biệt khám, chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế cho người khuyết tật.
Ngoài ra chế độ này còn được quy định cụ thể tại Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014 hay cụ thể hóa trong Nghị định số 136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội do Chính phủ ban hành ngày 21/10/2013. Theo những quy định này thì hiện nay, nhà nước có những chính sách ưu đãi cho người khuyết tật như khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện được ưu đãi về chi phí khám, tiền viện phí và các chi phí dịch vụ liên quan, được hỗ trợ chi phí đi lại, nằm viện trong quá trình điều trị… những ưu đãi, hỗ trợ này được quy định rất cụ thể tại Điểm C, Khoản 1 Điều 9 Nghị định 136/2013/NĐ-CP, Điều 28 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, Điều 1 Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg hướng dẫn việc hỗ trợ đi lại, cho người khuyết tật khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế Nhà nước.
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2015, người khuyết tật đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội, khi đi khám chữa bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Điều này phần nào đáp ứng được quyền của những người dân đang sinh sống tại những nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, cũng như đảm bảo quyền của người khuyết tật, những người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội.
Cùng với các văn bản Luật, trong Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, đáp ứng các dịch vụ y tế cho người khuyết tật cũng được đặt lên đầu tiên với mục tiêu đến năm 2020 có 90% người khuyết tật được tiếp cận y tế dưới các hình thức khác nhau, khoảng 70% trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dịch vụ trợ giúp…
Với sự quan tâm, tạo điều kiện của Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người khuyết tật, sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức xã hội, tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật thông qua bảo hiểm y tế trong thời gian gần đây đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn thẻ bảo hiểm y tế được cấp phát cho các đối tượng người khuyết tật, bệnh nhân nghèo. Nhiều người khuyết tật đã được khám chữa bệnh kịp thời, được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng nhờ bảo hiểm y tế.
Thực tiễn còn nhiều bất cập
Cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước cũng đã góp sức không nhỏ vì mục tiêu đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, một số nghiên cứu chỉ ra rằng tỷ lệ người khuyết tật sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện đi khám bệnh tại các cơ sở y tế không cao, chỉ khoảng 70%, đối tượng không thực hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm.
Theo quy định của Nhà nước, việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế phải khám theo đúng tuyến. Trong khi đó, tại nhiều địa phương trạm y tế xã chưa có đủ trang thiết bị và nhân lực đảm bảo chất lượng cho công việc này, đó là chưa kể đến thủ tục sử dụng dịch vụ bảo hiểm y tế còn phức tạp, thời gian chờ đợi lâu, mất thời gian.
Rất ít trạm y tế xã thực hiện việc lập hồ sơ quản lý đối tượng, theo dõi tình hình sức khỏe của người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với họ. Việc nhân viên y tế không nhiệt tình hay chất lượng trang thiết bị và loại thuốc được bảo hiểm chi trả nghèo nàn cũng là những nguyên nhân khiến người khuyết tật không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.
Hơn nữa, người khuyết tật thường có sức khỏe yếu hơn những người không khuyết tật, vì vậy, người khuyết tật sẽ phải chi trả nhiều chi phí hơn cho quá trình khám chữa bệnh, đặc biệt là chi phí điều trị lâu dài. Điều này càng thể hiện rõ người khuyết tật phải chịu gánh nặng tài chính trong việc chăm sóc sức khỏe hơn so với những người không khuyết tật.
Đó là còn chưa kể tới quá trình điều trị, người khuyết tật cần những dụng cụ hỗ trợ để đảm bảo quá trình phục hồi chức năng (ví dụ như: nẹp, chân giả, tay giả…), nhưng những loại dụng cụ hỗ trợ này lại gần như không nằm trong danh mục được bảo hiểm chi trả. Như vậy, người khuyết tật phải tự mình trang trải cho những chi phí này. Đây là một trong những điều mà cộng đồng người khuyết tật rất băn khoăn và khá lo lắng.
Để thực hiện tốt Luật Bảo hiểm y tế, cũng như giúp người khuyết tật có thể tiếp cận hoàn toàn với dịch vụ này, nên chăng các nhà hoạch định chính sách cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo tính đồng bộ trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn kịp thời, cụ thể, tăng cường nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác bảo hiểm y tế, cũng như đội ngũ cán bộ y, bác sĩ khám chữa bệnh đối với việc khám chữa bệnh cho người khuyết tật.
Các cơ sở y tế công lập cần chú trọng tới công tác ứng xử, thái độ phục vụ của cán bộ y tế đối với bệnh nhân bảo hiểm y tế, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người khuyết tật, có phương án hỗ trợ đối với người khuyết tật nhẹ sử dụng bảo hiểm y tế . Đặc biệt, cần phải đưa vào danh mục một số dụng cụ hỗ trợ thiết yếu cho người khuyết tật vào hạng mục do Bảo hiểm chi trả. Hiện thực hóa những điều này sẽ giúp người khuyết tật yên tâm hơn với việc tham gia bảo hiểm y tế và đảm bảo quyền của người khuyết tật trong quá trình tham gia khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế./.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Thành Hội Thành phố Hồ Chí Minh: Tổ chức chương trình “Vòng tay yêu thương mỗi ngày”cho trẻ khuyết tật, mồ côi - 16/09/2015 03:03
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội: Tích cực góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật cho người khuyết tật - 14/09/2015 03:33
- Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh Hà Tĩnh: Xây đường tiếp cận thực hiện quyền được hòa nhập của NKT - 14/09/2015 03:27
- Hội Bảo trợ NTT, TMC&BNN tỉnh Vĩnh Long: Nâng cao chất lượng hoạt động cho cán bộ Hội cấp cơ sở - 14/09/2015 03:10
- Trao tặng 2.300 thùng mì Hảo Hảo đến đối tượng - 10/09/2015 03:05
Các tin khác
- Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020: Chủ động, trách nhiệm vì quyền của người khuyết tật - 07/09/2015 05:35
- Chính sách dạy nghề cho người khuyết tật: Thực trạng và khuyến nghị - 07/09/2015 05:18
- Hà Nội tích cực thực hiện Đề án Phát triển nghề Công tác xã hội - 07/09/2015 05:06
- Tỉnh Hội Bến Tre: Đã trao 12 suất học bổng cho học sinh mồ côi - 31/08/2015 05:07
- Tỉnh Hội Vĩnh Long: Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 860 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo - 31/08/2015 03:46