Phát huy những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người khuyết tật, được sự giúp đỡ của Sở Tư pháp Hà Nội, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội vừa tổ chức lớp tập huấn Kỹ năng sống theo pháp luật. Tham dự lớp học có hơn 100 học viên gồm người khuyết tật, cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện các Hội, Câu lạc bộ Người khuyết tật trên địa bàn quận Hà Đông. Mục đích của lớp tập huấn nhằm góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, thực hiện pháp luật của người khuyết tật; trang bị thêm kiến thức cho đội ngũ cán bộ, nhân viên xã hội khi hỗ trợ đối tượng các vấn đề có liên quan đến pháp luật.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền pháp luật
Tại buổi tập huấn bà Xuân Thị Lan - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội giới thiệu một số nét khái quát về hoạt động của thành Hội thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh vai trò của pháp luật trong đời sống của mỗi cá nhân nói chung người khuyết tật nói riêng. Theo bà Lan, Hà Nội hiện có khoảng 10 vạn người khuyết tật và trên 9.000 trẻ mồ côi. Đây là các đối tượng yếu thế, ít được hưởng các dịch vụ phúc lợi xã hội, người khuyết tật ở vùng xa ít được tiếp thu, tham gia các hoạt động sinh hoạt cộng đồng.
Để góp phần làm vơi đi những khó khăn của đối tượng này, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội đã có nhiều sáng kiến, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đổi mới. Từ vận động xây dựng quỹ Hội đến tổ chức các hoạt động phong trào, trợ giúp cho đối tượng về mọi mặt đời sống. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, Hội đã vận động được gần 4 tỷ đồng, trao tặng trên 300 xe lăn, trên 100 suất học bổng và thăm tặng quà cho hàng nghìn đối tượng nhân các dịp lễ tết. Hội cũng đã tổ chức hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu lần thứ 5. Nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Hội tổ chức chương trình “Tôn vinh tình yêu, hạnh phúc gia đình người khuyết tật”, chương trình đã thu hút gần 100 cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu toàn thành phố tham dự. Những hoạt động này đã đem đến cho người khuyết tật niềm động viên tinh thần to lớn để họ vươn lên trong cuộc sống.
Từ 2012, được UBND thành phố xác định là tổ chức có tính chất đặc thù. Hội đã có nhiều hoạt động tích cực tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến người khuyết tật. Trong đó, phải kể đến thành công của cuộc thi tìm hiểu Luật Người khuyết tật năm 2011, thu hút 37.000 bài dự thi của nhiều thành phần trong xã hội. Tiếp nối cuộc thi, Hội đã tổ chức hàng chục cuộc tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật, các chính sách liên quan đến người khuyết tật. Các buổi tập huấn này thu hút sự tham gia của hàng trăm người khuyết tật, cán bộ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện các tổ chức của người khuyết tật, từ đó góp phần tích cực đưa Luật Người khuyết tật và các văn bản dưới luật vào cuộc sống.
Tích cực đưa pháp luật vào đời sống của đối tượng
Năm 2015, được sự giúp đỡ của Sở Tư pháp Hà Nội, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội tổ chức lớp tập huấn Kỹ năng sống theo pháp luật. Tham dự lớp học là hơn 100 học viên gồm người khuyết tật, cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện các Hội Nạn nhân chất độc da cam, Hội, Câu lạc bộ Người khuyết tật trên địa bàn quận Hà Đông.
TS. Đặng Thị Bích Liễu - Phó Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, thành phố Hà Nội - Giảng viên lớp tập huấn khẳng định, kỹ năng sống theo pháp luật là một lĩnh vực rất rộng, cũng là một lĩnh vực cần thiết cho mỗi công dân, đặc biệt là người khuyết tật. Trong thời gian ngắn không thể làm rõ được tất cả các nội dung. Vì vậy, buổi tập huấn tập trung vào một số vấn đề thực sự thiết thực, góp phần nâng cao sự hiểu biết về pháp luật, thực hiện pháp luật của người khuyết tật giúp các học viên có thêm niềm tin, tạo điều kiện để hòa nhập cộng đồng, góp phần thực hiện hoạt động đời sống hàng ngày, bảo vệ lợi ích tốt nhất cho người khuyết tật.
Tại buổi tập huấn, bà Đặng Thị Bích Liễu đã giúp các học viên hiểu rõ hơn thế nào là pháp luật? Chức năng, vai trò của pháp luật cũng như các kỹ năng sống theo pháp luật cơ bản. Theo bà Liễu, để thực hiện tốt pháp luật, phục vụ cho đời sống hàng ngày, người khuyết tật, người làm trong các lĩnh vực liên quan đến người khuyết tật cần phải hiểu pháp luật: là hệ thống quy tắc xử sự chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, là yếu tố để điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhằm tạo ra trật tự và ổn định xã hội. Pháp luật ra đời gắn liền với sự ra đời và tồn tại của nhà nước nhằm bảo vệ lợi ích của đa số các tầng lớp nhân dân lao động. Pháp luật của Việt Nam do Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành và thừa nhận.
Pháp luật là một quy phạm xã hội. Trong xã hội, ngoài pháp luật còn có các quy phạm xã hội khác để điều chỉnh hành vi của mỗi cá nhân như quy phạm đạo đức, tín điều tôn giáo, điều lệ, nội quy của các tổ chức chính trị xã hội…. Tuy nhiên, chỉ có pháp luật là quy phạm phổ biến, có tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức và được bảo đảm bởi Nhà nước để tất cả mọi người trong xã hội đều phải thực hiện. Vì vậy, cần phân biệt pháp luật với các quy phạm xã hội khác và thấy được mối quan hệ giữa các quy phạm xã hội trong việc điều chỉnh các hành vi của mỗi cá nhân, từ đó xác lập và duy trì một trật tự xã hội chung. Pháp luật có 3 chức năng cơ bản là điều chỉnh các quan hệ xã hội, bảo vệ các quan hệ xã hội và chức năng giáo dục. Vai trò của pháp luật thể hiện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, hệ thống chính trị cũng như đạo đức và tư tưởng. Sống theo pháp luật đòi hỏi mỗi công dân, trong đó có người khuyết tật phải thi hành, tuân thủ và sử dụng pháp luật, áp dụng pháp luật trong mỗi hoạt động, quan hệ xã hội của mình. Tại buổi Tập huấn, bà Đặng Thị Bích Liễu cũng đã giới thiệu một số lĩnh vực pháp luật cần thiết mà người khuyết tật cần hiểu rõ như Luật Hiến pháp, Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Hành chính, Luật Hình sự, Pháp luật Kinh doanh…
Chị Hoàng Hồng Kiên, một học viên của lớp học chia sẻ: “Tôi rất cảm ơn Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội đã tổ chức buổi tập huấn hết sức ý nghĩa này. Người khuyết tật thường ít được đi học và có những người chưa có cơ hội được tiếp cận để tìm hiểu về pháp luật, các chính sách của Nhà nước liên quan đến mình. Có người biết về luật nhưng chưa biết cách vận dụng vào bản thân, vào chính đời sống gia đình. Lợi dụng những điểm yếu đó mà không ít người khuyết tật đã bị lợi dụng thực hiện những hành vi không đúng với luật pháp và đi ngược lại với lợi ích của chính mình. Qua buổi tập huấn, chúng tôi đã có thêm hiểu biết, nhắc nhở chúng tôi phải luôn sống đúng với pháp luật mới có thể tự bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Những buổi tập huấn như thế này hết sức thiết thực, vẫn cực kỳ thiếu với người khuyết tật trên địa bàn quận Hà Đông. Chúng tôi mong Hội và các cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức các lớp tương tự trong thời gian tới”./.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tỉnh Hội Đồng Tháp: Trao 100 xe lăn, 100 suất quà cho người khuyết tật - 16/09/2015 03:14
- Tỉnh Hội An Giang: Hội thảo “Kết nối yêu thương - Vươn đến thành công” - 16/09/2015 03:12
- Tỉnh Hội Quảng Bình: Tặng quà cho người khuyết tật, người có công với cách mạng - 16/09/2015 03:09
- Tỉnh Hội Bến Tre: Trao học bổng Nhân Thiện cho học sinh khuyết tật, mồ côI nhân dịp năm học mới 2015 - 2016 - 16/09/2015 03:06
- Thành Hội Thành phố Hồ Chí Minh: Tổ chức chương trình “Vòng tay yêu thương mỗi ngày”cho trẻ khuyết tật, mồ côi - 16/09/2015 03:03
Các tin khác
- Hội Bảo trợ NKT&TMC tỉnh Hà Tĩnh: Xây đường tiếp cận thực hiện quyền được hòa nhập của NKT - 14/09/2015 03:27
- Hội Bảo trợ NTT, TMC&BNN tỉnh Vĩnh Long: Nâng cao chất lượng hoạt động cho cán bộ Hội cấp cơ sở - 14/09/2015 03:10
- Trao tặng 2.300 thùng mì Hảo Hảo đến đối tượng - 10/09/2015 03:05
- Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng thẻ Bảo hiểm y tế - 07/09/2015 05:39
- Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020: Chủ động, trách nhiệm vì quyền của người khuyết tật - 07/09/2015 05:35