Thứ hai, 14 Tháng 9 2015 10:27

Bám sát các chương trình hoạt động trọng tâm của Trung ương Hội, tỉnh Hội Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện khá đồng đều các hoạt động, nên đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Trong đó, việc cung cấp xe lăn gắn với hỗ trợ xây dựng đường tiếp cận cho NKT vận động đã góp phần thay đổi cuộc sống của NKT, tạo điều kiện cho họ thực sự được hòa nhập cộng đồng.

 

Phấn đấu “phủ kín” xe lăn cho NKT vào năm 2020

 

Tỉnh Hà Tĩnh hiện có 29 nghìn NKT, trên 8 nghìn TMC, phần lớn gia đình NKT, TMC đều rất khó khăn và thuộc diện hộ nghèo. Những năm qua, tỉnh Hội đã phối hợp với các Sở, Ban, ngành tích cực vận động, huy động mọi nguồn lực để trợ giúp cho NKT, TMC có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

 

 

De an 1019 - Xay duong tiep can thuc hien quyen NKT 11

Tỉnh Hội Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2020 sẽ phủ kín xe lăn cho NKT

 

 

 

Trên cơ sở số liệu tổng hợp điều tra về số lượng NKT, TMC có nhu cầu được cấp phương tiện đi lại, tỉnh Hội xác định đây là một trong 8 hoạt động trọng điểm được đánh giá là phù hợp, đáp ứng nguyện vọng của NKT, TMC, được nhân dân, phụ huynh học sinh địa phương đồng tình ủng hộ.

 

Với số lượng đối tượng có nhu cầu được cấp xe lăn, xe lắc, xe đạp rất đông trong khi nguồn lực và điều kiện cung cấp hết sức hạn chế. Mặc dù vậy, xuất phát từ nhu cầu chính đáng của NKT, gia đình NKT, TMC đều mong muốn có điều kiện đi lại thuận lợi, được tham gia lao động, giao lưu với cộng đồng, xã hội nhưng không phụ thuộc vào người khác, tỉnh Hội đã thực hiện chương trình cung cấp phương tiện đi lại cho NKT vận động và học sinh là TMC nghèo từ năm 2010 đến nay.

 

Nhằm đạt được chỉ tiêu cụ thể đề ra hàng năm, tỉnh Hội đã tìm cách trao đổi, gặp gỡ, kêu gọi vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức. Qua đó, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Hội đã kêu gọi vận động, tiếp nhận được 3.219 xe lăn, 100 xe lắc, 918 xe đạp (trị giá gần 6 tỷ đồng) để cung cấp cho đối tượng. Riêng xe lăn cấp cho NKT, tỉnh Hội đã tiếp nhận và trao trên 600 xe cho NKT mỗi năm.

 

Để việc cấp phát xe lăn đến đúng đối tượng, tỉnh Hội đã thực hiện thí điểm tại huyện Cẩm Xuyên, bằng việc tổ chức khảo sát kỹ những đối tượng NKT có nhu cầu cấp xe lăn của toàn huyện, căn cứ vào số lượng NKT để ưu tiên cấp phát kịp thời. Kết quả là năm 2011: 60 xe, năm 2012: 70 xe, năm 2013: 90 xe và năm 2014 là 120 xe đã được trao cho đối tượng. Với cách làm này, đến nay 100% NKT trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã được cung cấp phương tiện đi lại.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, có trên 800 người NKT ở các huyện, thị có nhu cầu về xe lăn. Con số này tăng lên đáng kể so với các năm trước do nguyên nhân chủ yếu từ tai nạn giao thông, tại nạn lao động, tai biến gây ra. Đây là bài toán mới cho tỉnh Hội và các cấp Hội tìm phương án để tiếp tục giúp đỡ, tạo điều cho NKT có cơ hội vươn lên, hòa nhập cộng đồng, tuy vậy tỉnh Hội đã quyết tâm đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ phủ kín xe lăn cho NKT vận động trong toàn tỉnh.

 

Xây dựng đường tiếp cận – thực hiện quyền được hòa nhập của NKT

 

Được sự giúp đỡ của Trung ương Hội, năm 2013 chương trình xây dựng đường tiếp cận xe lăn cho NKT được triển khai tại 2 xã thí điểm xây dựng nông thôn mới Cẩm Thành và Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên).

 

De an 1019 - Xay duong tiep can thuc hien quyen NKT1 2

Niềm vui của NKT khi được hỗ trợ làm đường tiếp cận

 

Trước khi triển khai chương trình, tỉnh Hội đã phối hợp với UBND các xã tiến hành khảo sát, tuyên truyền, tư vấn cho lãnh đạo địa phương, gia đình, người thân và tạo điều kiện hỗ trợ về vật chất khi gia đình NKT cần. Nguồn kinh phí thực hiện chương trình làm đường tiếp cận tại gia đình NKT ở 2 xã này phần lớn được Dự án hỗ trợ, số còn lại được anh em dòng tộc đóng góp ủng hộ. Riêng đối với đường tiếp cận ở tại trạm y tế, trụ sở UBND, trường học, nhà văn hóa xã, nhà văn hóa tại các thôn xóm, kinh phí được hỗ trợ đến 80%, số còn lại do địa phương bảo đảm. Sau 2 tháng triển khai tại 2 xã từ nguồn kinh phí trên 400 triệu đồng, trong đó quỹ Hội hỗ trợ trên 200 triệu đồng, số còn lại do đóng góp của tổ chức, cá nhân tại địa phương, đã xây dựng được 14 đường tiếp cận tại trụ sở UBND, trường học, trạm xá, nhà văn hóa xã, bưu điện văn hóa xã, quỹ tín dụng nhân dân, 26 đường tiếp cận tại nhà văn hóa thôn xóm và 47 đường tại gia đình NKT.

 

Từ hiệu quả của mô hình này, cuối năm 2013, tỉnh Hội đã phát động phong trào làm đường tiếp cận xe lăn cho NKT trong toàn tỉnh và nhận được sự hưởng ứng của 12/12 huyện Hội. Chỉ sau 3 tháng, một số đơn vị đã đạt được kết quả rất đáng mừng, với 49 đường tiếp cận được xây dựng, trong đó tập thể là 40 đường, 9 đường tại gia đình NKT và riêng huyện Hội Lộc Hà đã triển khai hoàn thành đường tiếp cận ở UBND và nhà văn hóa cho tất cả các thôn, xóm của 2 xã Thạch Bằng và Thạch Châu.

 

Do triển khai xây dựng đường tiếp cận khá đồng đều nên đến nay mỗi huyện, thị, thành Hội đã có từ 1 đến 2 xã cơ bản hoàn thành đường tiếp cận tại các công trình công cộng và gia đình NKT. Toàn tỉnh đã xây dựng được 384 đường, trong đó 190 đường ở các trụ sở công cộng, 194 đường ở gia đình NKT, với kinh phí xây dựng được huy động từ gia đình và cộng đồng trợ giúp.

 

Trong quá trình triển khai, tỉnh Hội và các cấp Hội đã gặp không ít khó khăn do một số tổ chức, cá nhân, cơ quan và gia đình NKT e ngại làm đường tiếp cận sẽ ảnh hưởng đến mỹ quan, bố cục công trình, sự nhận thức về NKT và trách nhiệm đối với NKT chưa được nhiều người quan tâm, vẫn có tư tưởng phân biệt đối xử Mặc dù vậy, với quyết tâm triển khai thực hiện của các cấp tỉnh, huyện Hội, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, công trình đường tiếp cận cho NKT đã được xây dựng và phát huy hiệu quả hết sức rõ rệt.

 

Chương trình trợ giúp phương tiện và xây dựng đường tiếp cận xe lăn tại tỉnh Hội Hà Tĩnh đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT. Nhiều NKT nặng, gia đình NKT thuộc hộ nghèo, trước đây không có điều kiện, khả năng đi lại tiếp xúc, sinh hoạt với người đồng cảnh, tuy nhiên từ khi được tỉnh Hội cấp phương tiện đi lại, hỗ trợ làm đường tiếp cận tại gia đình, nơi công cộng đã giúp họ có thêm niềm tin trong cuộc sống, tự tin tham gia lao động sản xuất cùng gia đình, trở thành người có ích. Có thể nói, với rất nhiều người trong số họ, đường tiếp cận đã trở thành con đường đi tới sự hòa nhập cộng đồng một cách thực sự.

 

Trong thời gian tới, tỉnh Hội Hà Tĩnh sẽ tiếp tục phát động phong trào cung cấp phương tiện trợ giúp, tích cực xây dựng đường tiếp cận cho NKT tại các cơ quan Đảng, chính quyền các cấp, các khách sạn, nhà hàng, các Trung tâm và gia đình NKT, phấn đấu đến năm 2016 cơ bản hoàn thành đường tiếp cận tại gia đình NKT có nhu cầu và các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn toàn tỉnh./.

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi