Thứ hai, 07 Tháng 9 2015 12:35

Với vai trò, trách nhiệm của một tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật, ngay sau khi Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 (Đề án 1019) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm đưa pháp luật về NKT sớm đi vào cuộc sống. Hội đã có những đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu giữa kỳ Đề án (2012 - 2015), tạo điều kiện để người khuyết tật vươn lên hòa nhập cộng đồng.

 

 

Chuyen trang De an 1019 - 5 nam thuc hien Dean 1

Chương trình giao lưu nghệ thuật “Một trái tim – Một thế giới” là hoạt động văn hóa được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu (ảnh: Chủ tịch danh dự Trung ương Hội Nguyễn Thị Xuân Mỹ tiếp nhận tài trợ tại Chương trình “Một trái tim – Một thế giới” năm 2015)

 

 

Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện Đề án 1019

 

Chỉ một tuần sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 05/8/2012 phê duyệt Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có văn bản số 246/HBT ngày 13 tháng 8 năm 2012 hướng dẫn các tỉnh, thành Hội tham gia thực hiện Đề án. Điều này cho thấy sự chủ động, tích cực và nỗ lực của Hội trong việc nắm bắt, định hướng và triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước cũng như trách nhiệm của Hội đối với đối tượng mình trợ giúp.

 

Trung ương Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh, thành Hội tổ chức nghiên cứu, quán triệt Đề án; Xây dựng chương trình hoạt động phù hợp mục tiêu, các chỉ tiêu của Đề án; Phối hợp với các cơ quan liên quan trình ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án tổ chức tại địa phương. Để có kinh phí cho hoạt động này, Trung ương Hội cũng đề nghị UBND, các cơ quan quản lý nội dung Đề án giao thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của tỉnh, thành Hội; lồng ghép trong các chương trình mục tiêu của địa phương; vận động ủng hộ các hoạt động thông qua quỹ Hội; vận động sự tham gia trực tiếp của các đơn vị, tổ chức, cá nhân ở địa phương, của gia đình, dòng họ, người thân của người khuyết tật.

 

Các hoạt động của Hội thực hiện Luật NKT và theo mục tiêu, các chỉ tiêu, hoạt động của Đề án được Ban Chấp hành Trung ương Hội quyết định điều chỉnh trong kế hoạch 02 năm còn lại của Đại hội nhiệm kỳ III (2007 - 2012), trở thành 06 Chương trình trọng tâm và các hoạt động khác trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV nhiệm kỳ 2012 - 2017 của Hội, đồng thời Hội đã tập trung xây dựng, ban hành “Chiến lược phát triển Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017”.

 

Hàng năm, trong các văn bản chỉ đạo hoạt động trong hệ thống Hội, Thường trực Trung ương Hội luôn có chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên chú trọng, chủ động tham gia cùng Nhà nước thực hiện các chương trình, Đề án liên quan đến đối tượng, trong đó có Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền vận động thực hiện Đề án

 

Với lợi thế của một tổ chức xã hội có kinh nghiệm nhiều năm hoạt động, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã ghi dấu ấn trong hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về người khuyết tật bằng “thương hiệu” của nhiều chương trình lớn như: Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc (tổ chức 3 năm một lần); “Một trái tim - Một thế giới” (tổ chức thường niên vào dịp kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4), Cuộc thi viết “Vượt lên số phận” Lồng ghép hoạt động tuyên truyền của Hội với việc thực hiện Đề án, Hội đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu “Hạnh phúc gia đình của người khuyết tật” năm 2012; tổ chức Cuộc thi sáng tác về người khuyết tật và phát hành tập sách nhạc “Chung một tấm lòng”; Chương trình đi bộ đồng hành với người khuyết tật với chủ đề “Chung bước yêu thương - trao niềm hy vọng” với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng gần 12.000 người dân TP.Hồ Chí Minh năm 2014; Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc năm 2014 với chủ đề “Những trái tim khát vọng” với sự tham gia của 576 diễn viên người khuyết tật; Chương trình đi bộ “Vì một thế giới hòa nhập cho người khuyết tật” tại Thủ đô Hà Nội nhân kỷ niệm ngày quốc tế người khuyết tật 3/12/2014 có sự tham dự của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng hơn 2.000 người.

 

Các tổ chức thành viên của Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm động viên người khuyết tật, tôn vinh các tấm lòng bảo trợ với nhiều chương trình đa dạng, phong phúc có tên gọi khác nhau như “Cây mùa xuân”, “Những trái tim hồng”, “Những trái tim nhân ái”, “Nối vòng tay nhân ái”.

 

Công tác tuyên truyền vận động thực hiện Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, của người khuyết tật và gia đình người khuyết tật về giải quyết các vấn đề về người khuyết tật, đặc biệt là tạo điều kiện, cơ hội để người khuyết tật tự tin, phấn đấu vươn lên thực hiện quyền của mình. Qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chung tay của toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người khuyết tật.

 

Các hoạt động tuyên truyền, truyền thông được tổ chức rộng khắp, nội dung phong phú, đa dạng có ảnh hưởng lan tỏa trong cộng đồng đã có sức thu hút, thuyết phục các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia tích cực trợ giúp người khuyết tật và là hành động cụ thể cho thấy việc bảo đảm quyền cho người khuyết tật đang đi vào cuộc sống, đồng thời thể hiện rõ nét bản chất xã hội hóa của Đề án.

 

Tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện Đề án

 

Trên cơ sở các chỉ tiêu và hoạt động của Đề án, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã điều chỉnh bổ sung kế hoạch hoạt động 5 năm. Hơn 4 năm, Hội đã tổ chức thực hiện 6 chương trình và các hoạt động khác liên quan đến các lĩnh vực của Đề án như: hoạt động tuyên truyền, vận động xây dựng quỹ Hội, trợ giúp về y tế, phương tiện đi lại, hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm trợ giúp cho 4.933.000 lượt người với số tiền và hiện vật quy tiền là 1.434 tỷ đồng.

 

Cụ thể, Hội đã tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho 9.821 người khuyết tật (trên 27,5 tỷ đồng); mổ mắt thay thủy tinh thể an toàn 100% cho 50.339 người mù nghèo (trên 77,9 tỷ đồng); phẫu thuật chỉnh hình an toàn 100% cho 8.491 người khuyết tật vận động (24,7 tỷ đồng); Tặng 41.229 xe lăn, xe lắc, dụng cụ trợ giúp cho NKT (86 tỷ đồng), đồng thời làm đường tiếp cận; hỗ trợ sinh kế cho hơn 20 ngàn lượt NKT, góp phần thực hiện một số tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với NKT và gia đình NKT tại 214 xã trong cả nước (34,3 tỷ đồng).

 

Hội đã tổ chức phối hợp khám bệnh, cấp thuốc, tặng Bảo hiểm y tế cho 1.294.347 lượt người (trên 91,7 tỷ đồng); thăm hỏi tặng quà cho 1.186.892 lượt người (304,8 tỷ đồng); trợ cấp khó khăn cho 102.200 lượt người (50,1 tỷ đồng); xây dựng 3.969 nhà tình thương (trên 91,1 tỷ đồng).

 

Hội còn trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, can thiệp giải quyết các vụ việc có liên quan đến NKT, giúp đối tượng hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, cộng đồng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm tham gia hỗ trợ NKT. Qua đó các cơ quan hữu quan đã có sự quan tâm, điều chinh các quy định phù hợp hơn với NKT, giúp hàng nghìn NKT được hưởng chế độ chính sách theo đúng quy định của pháp luật.

 

Hoạt động Hội bám sát các nội dung Đề án

 

Đánh giá về việc tham gia thực hiện Đề án Trợ giúp NKT, ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Trung ương Hội khẳng định: Đề án đã đáp ứng mong mỏi của xã hội, đặc biệt là đối với NKT, vì thế việc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam chủ động tham gia thực hiện các nội dụng Đề án thể hiện trách nhiệm của Hội trong việc thúc đẩy thực hiện và đảm bảo quyền của NKT. Các lĩnh vực hoạt động của Hội đã bám sát các nội dung của Đề án, đồng thời nắm bắt kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến người khuyết tật để bổ sung, hoàn thiện kế hoạch, chương trình của mình như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới Hội đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền về Đề án, về các lĩnh vực hoạt động của Hội, thông qua nhiều hình thức, góp phần nâng cao nhận thức về người khuyết tật, thu hút sự quan tâm, tham gia của các tổ chức, cá nhân trợ giúp người khuyết tật.

 

Trong lĩnh vực hoạt động, để đạt hiệu quả cao, Hội luôn chú ý đến việc nghiên cứu, xây dựng mô hình, mở rộng thực hiện. Các chương trình hoạt động được các tổ chức thành viên nghiên cứu, trao đổi, dân chủ bàn bạc và thống nhất cao, đạt được yêu cầu: cùng thực hiện theo mục tiêu, các chỉ tiêu, hoạt động của Đề án phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Hội ở Trung ương cũng như địa phương. Qua thực tiễn hoạt động, Hội cũng phát hiện một số vướng mắc và đưa ra đề xuất sửa đổi, bổ sung về chính sách đối với người khuyết tật, điều chỉnh các chỉ tiêu của Đề án gần hơn với thực tế và khả năng thực hiện.

 

Ông Nguyễn Đình Liêu cũng đưa ra một số kiến nghị như cần tổng kết đánh giá việc thực hiện giữa kỳ của Đề án, xem xét khả năng thực hiện các chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020; vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cần nghiên cứu tách 2 lĩnh vực như quy định tại Luật Người khuyết tật; nghiên cứu ban hành, sửa đổi, bổ sung chính sách, cơ chế dạy nghề phù hợp đặc thù của người khuyết tật, bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu của Đề án. Bên cạnh việc khai thác nguồn tự có hợp pháp để tham gia thực hiện các chỉ tiêu của Đề án, đề nghị Nhà nước xem xét tiếp tục giao cho Hội thực hiện các hoạt động của Đề án phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Hội./.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 


Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi