Công nghệ thông tin với những ứng dụng tiện ích của máy tính và mạng máy tính đã và đang thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người trong các hoạt động, đặc biệt là lao động trí óc; tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong đời sống nhân loại. Với người khuyết tật, công nghệ thông tin càng trở nên có ý nghĩa khi giúp họ giải quyết được những khó khăn gặp phải trong học tập, lao động, sinh hoạt và tham gia vào các hoạt động xã hội. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách được thể hiện qua các quy định trong Luật Người khuyết tật và các văn bản dưới Luật nhằm hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cuộc sống một cách thuận lợi và đầy đủ hơn.
Ứng dụng công nghệ thông tin cải thiện chất lượng cuộc sống NKT
Người khuyết tật khó hòa nhập cuộc sống cộng đồng bởi những khó khăn do tình trạng khiếm khuyết cơ thể, suy giảm thể chất gây ra. Những thành tựu, tiện ích của công nghệ thông tin được ứng dụng nhằm hỗ trợ người khuyết tật lao động, học tập, sinh hoạt thuận lợi có ý nghĩa xã hội lớn lao trong việc xóa bỏ ranh giới giữa nhóm đối tượng này với cộng đồng.
Với những cải tiến vượt bậc, thành tựu lớn của ngành công nghệ điện tử có tác động mạnh mẽ và tích cực đến đời sống và khả năng tiếp cận của người khuyết tật chính là sự ra đời của những thiết bị và phần mềm nhận dạng giọng nói được tích hợp trên các sản phẩm công nghệ. Có thể kể đến một trong những lĩnh vực đầu tiên mà ngành công nghệ thông tin tham gia là sản phẩm xe lăn vận hành bằng giọng nói. Dòng xe lăn này được phát triển lần đầu tiên vào năm 1977 để gia tăng khả năng lưu động cho những người bị khuyết tật nặng, liệt cả chân lẫn tay – những người không thể sử dụng xe lăn bình thường có hệ thống điều khiển tay.
Dự án Đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật do do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Tổ chức Cứu trợ nhân đạo (CRS) và Trường Đại học Đông á – Đà Nẵng phối hợp thực hiện
Cũng từ ý tưởng phát triển ban đầu, nhiều cải tiến về công nghệ thích nghi khác đã được mở ra. Người thiếu chi cánh tay và ngón tay gây khó khăn trong việc sử dụng bàn phím và công cụ trỏ chuột, người khiếm thị không thể sử dụng các tiện ích của người sáng mắt… Những bất tiện đó đã được rất nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ, giải quyết: chức năng phóng to màn hình, trình duyệt tổng hợp giọng nói qua con trỏ chuột, điện thoại và bảng đánh chữ nhận dạng giọng nói… Những ứng dụng tiện ích này giúp người sử dụng chỉ cần giọng nói là có thể truy cập nội dung trang web mà không phải tận mắt nhìn hay tận tay điều khiển.
Còn với người khiếm thính, không thể giao tiếp bằng việc nghe nói như người bình thường, thì có sự hỗ trợ của tin nhắn điện thoại, thư điện tử, tin nhắn qua các phần mềm trên mạng Internet…. Tiện ích mà ngành công nghệ thông tin tham gia sáng tạo đã thực sự góp phần mạnh mẽ vào việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân loại nói chung và người khuyết tật nói riêng, cũng từ đây mở ra nhiều hơn nữa cơ hội học tập, trao đổi thông tin và việc làm cho nhóm người thiệt thòi này.
Cơ hội nghề nghiệp dành cho người khuyết tật
Với những lợi ích mà công nghệ thông tin mang lại cho cuộc sống, đã có nhận định cho rằng: công nghệ thông tin đã trở thành cái tay của người khuyết tật vận động, cái tai của người khiếm thính, con mắt của người khiếm thị. Chính việc chỉ cần ngồi một chỗ sử dụng máy móc, công nghệ điện tử, mạng internet để học tập, chia sẻ, tiếp nhận thông tin đã trở thành lợi thế quan trọng để NKT tiếp cận và làm những công việc liên quan đến lĩnh vực này. Tốc độ phát triển của công nghệ thông tin tại nước ta hiện nay cũng mang lại nhiều cơ hội cho người khuyết tật trong độ tuổi lao động tham gia vào thị trường việc làm.
Nếu như trước đây nhóm đối tượng này được đào tạo các nghề chủ yếu như làm thợ thủ công, làm văn phòng phẩm, xoa bóp bấm huyệt... thì hiện tại, dạy nghề công nghệ thông tin được xem như là một bước đi mới, đúng đắn trong đào tạo nghề, vừa đem lại thu nhập cao hơn lại tận dụng hiệu quả sức lao động trí óc vốn dồi dào tiềm năng của cộng đồng người khuyết tật. Những năm vừa qua, nhiều cơ sở đào tạo công nghệ thông tin cho người khuyết tật trên cả nước được ra đời, đáp ứng nhu cầu đồng thời mở ra nhiều cơ hội để họ hòa nhập với xã hội, có được nguồn thu nhập ổn định để tự chủ cuộc sống.
Đã có nhiều người khuyết tật thành công với lĩnh vực công nghệ thông tin. Điển hình là cố Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, một người khuyết tật nặng chỉ bằng “một ngón tay mở ra thế giới” nhờ công nghệ thông tin. Bằng nghị lực của mình, Nguyễn Công Hùng vẫn tự học để đến năm 21 tuổi (2003), anh mở Trung tâm tin học dành cho người khuyết tật; sáng lập website www.nghilucsong.net với nội dung hỗ trợ người khuyết tật tìm kiếm thông tin về việc làm và học tập với hơn 30.000 thành viên khắp thế giới. Năm 2012, anh qua đời vì bệnh nặng, người em gái là chị Nguyễn Thảo Vân cũng bị khuyết tật nặng lại “đứng lên” chèo lái Công ty, tiếp tục sự nghiệp mà người anh để lại. Chị Vân cũng là người tiếp xúc với chiếc máy tính và những công nghệ về máy tính từ người anh trai của mình. “Tôi cảm nhận được cái duyên và niềm đam mê của cuộc đời mình với công nghệ thông tin, vì những công dụng tiện lợi để truyền tải thông tin, những tính năng rất phù hợp với người khuyết tật để vận hành và phát triển”, Thảo Vân cho biết. Vân theo học một lớp đào tạo về tin học tại Hà Nội và bắt nhịp rất nhanh.
Chị Nguyễn Thảo Vân – Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống (ảnh: Nguyễn Tiến Bình – tinhte.vn)
Chỉ sau thời gian ngắn, cô đã có thể sử dụng thành thạo vi tính với các chương trình phần mềm cơ bản như các chương trình phần mềm đồ họa, photoshop... Chị được một công ty liên doanh giữa Việt Nam và Đan Mạch, chuyên cung cấp phần mềm các sản phẩm đồ họa cho các công ty bất động sản quốc tế nhận vào làm với mức lương khá cao. Đến năm 2008, chị về cùng anh trai xây dựng Trung tâm Nghị lực sống và gắn bó từ đó cho đến nay. Trung tâm Nghị lực sống tự vận động trở thành một cơ sở điển hình: đào tạo đầu vào và cung cấp đầu ra qua các chương trình đào tạo CNTT, mỗi năm trung tâm đã đào tạo 2 khoá học CNTT cho các bạn khuyết tật (với gần 100 người), kết thúc khoá học các học viên được hỗ trợ xin việc làm phù hợp và mức lương ổn định. Với những đóng góp của mình trong các hoạt động vì người đồng cảnh và cộng đồng, chị đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá như “Nhân tài đất Việt” năm 2008, “Cuộc thi Chim én 2009”, “Cuộc thi Chim én 2013”, “Tầm nhìn phụ nữ” năm 2012, Giải thưởng tình nguyện viên tiêu biểu năm 2013…
Một trường hợp người khuyết tật thành công nhờ công nghệ thông tin khác là anh Nguyễn Quốc Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại NQT – Công ty chuyên về máy tính, thiết bị văn phòng đầu tiên tại thị xã Phú Thọ. Chỉ có thể “cử động duy nhất bàn tay trái”, Toàn đã nỗ lực vượt khó, mày mò tự học, tìm hiểu để sử dụng, sửa chữa thành thạo máy tính. Năm 2002 anh thuyết phục bố mẹ cho phép mở Trung tâm đào tạo tin học và sửa chữa máy tính “tại nhà”, đến năm 2005, anh về Hà Nội học nâng cao tay nghề 1 năm và sau đó trở về chung vốn cùng bốn người bạn thành lập Công ty TNHH Thương mại NQT chuyên đào tạo tin học, cài đặt phần mềm, bán bảo hành thiết bị và dạy nghề cho người đồng cảnh có nhu cầu.
Còn rất nhiều những NKT khác đã thay đổi cuộc sống nhờ công nghệ thông tin, thậm chí trong lĩnh vực này họ còn đạt được những thành tựu, thành công mà không phải người bình thường nào cũng làm được. Điều đó cho thấy, công nghệ thông tin đã và đang là hướng đi đúng đắn đối với việc chọn nghề của người khuyết tật. Tuy nhiên, với sự khó khăn về thể chất, kinh tế (đa số người khuyết tật thuộc diện nghèo, hoàn cảnh gia đình khó khăn), nên cơ hội để họ tiếp xúc với lĩnh vực này để có thể đưa vào sử dụng và ứng dụng còn hết sức hạn hẹp. Vì thế, người khuyết tật đang rất cần đến những chính sách ưu đãi về đào tạo nghề cũng như cơ hội việc làm từ phía doanh nghiệp.
Quan tâm hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin
Trong những năm qua, để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho họ hòa nhập cuộc sống một cách thuận lợi và đầy đủ hơn; Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành đã và đang ban hành những quy định, chính sách về việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin cho người khuyết tật.
Giờ Tin học của các em khiếm thị tại Trung tâm Giáo dục và dạy nghề - Hội người mù tỉnh Vĩnh Phúc
Tại điều 4, Luật người khuyết tật (2010) quy định rõ: “Người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật”. Điều 41 Luật này cũng quy định: “Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật” và “Nhà nước có chính sách miễn, giảm thuế, cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ khác cho hoạt động nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và cung cấp dịch vụ, phương tiện hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông; hỗ trợ việc thu thập, biên soạn và xuất bản tài liệu in chữ nổi Braille dành cho người khuyết tật nhìn, tài liệu đọc dành cho người khuyết tật nghe, nói và người khuyết tật trí tuệ”.
Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2011/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên website/portal của cơ quan nhà nước yêu cầu các website/portal của cơ quan nhà nước phải đáp ứng các tiêu chuẩn hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin truyền thông.
Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 được Thủ tướng chính phủ phê duyệt đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có 30% người khuyết tật được trợ giúp tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin. Theo báo cáo Tình hình thực hiện Đề án giai đoạn 2012 - 2015 thì mục tiêu này đã được hoàn thành.
Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng ban hành Thông tư Liên tịch số 19/2015/TTLT-BKHCN-BLDTBXH về khuyến khích nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sản xuất sản phẩm hỗ trợ người khuyết tật. Đây là một thông tư quan trọng không chỉ đối với những sản phẩm công nghệ dành cho người khuyết tật ra đời mà nó còn là động lực, sự khuyến khích đối với cộng đồng xã hội chung tay hơn nữa trong việc giúp xích lại gần nhau hơn giữa người khuyết tật và người không khuyết tật.
Theo báo cáo đánh giá 5 năm triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật về lĩnh vực bảo đảm tiếp cận của người khuyết tật đối với công nghệ thông tin thì Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Danh mục tiêu chuẩn hỗ trợ NKT tiếp cận sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Một số công nghệ, sản phẩm, công cụ tiện ích hỗ trợ NKT đã được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất đã giảm bớt khó khăn cho người sử dụng như: Bộ đọc Phương Nam (VOS), Phần mềm đọc tin nhắn (VIVAVU), Engine tổng hợp tiếng Việt (VieTalk for JAWS), hệ thống hỗ trợ giao tiếp với người khiếm thính, thiết bị dẫn đường cho người khiếm thị, hệ thống điều khiển bằng giọng nói cho xe lăn điện, bộ công cụ tạo học liệu điện tử cho người khiếm thính… Nhiều cổng thông tin/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo người khuyết tật có thể truy cập, khai thác thông tin, tư liệu. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, điện tử phục vụ cho người khuyết tật về nhìn, nghe, nói rất được quan tâm đẩy mạnh. Vì vậy, số người khuyết tật về nhìn, nghe nói biết sử dụng thông thạo máy tính, điện thoại thông minh và khai thác internet ngày càng tăng lên, đời sống văn hóa, tinh thần được cải thiện rõ rệt.
Bộ Thông tin và Truyền thông còn phối hợp với doanh nghiệp hỗ trợ máy tính và đường truyền internet cho chi Hội Người mù một số địa phương; phối hợp với Hội Người mù Việt Nam tổ chức Liên hoan Tin học dành cho người mù lần thứ Nhất với chủ đề “Biết Tin học để cuộc sống tốt đẹp hơn”; tuyên truyền về hệ thống các điểm truy cập Internet công cộng để người khuyết tật biết và tham gia sử dụng.
Tăng cường nguồn lực và hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, việc thực hiện chính sách pháp luật đối với người khuyết tật nói chung và trong lĩnh vực tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin nói riêng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Số lượng người tiếp cận sử dụng công nghệ thông tin còn thấp và xu hướng tăng chậm, chưa tương xứng với tốc độ phát triển về thông tin hiện đại của xã hội. Ngay đối với trang thông tin phản hồi của NCCD ra đời từ nhu cầu bức thiết của người khuyết tật, là diễn đàn cho người khuyết tật lên tiếng, nhưng thực tế lại rất ít người truy cập. Đa số người khuyết tật và gia đình họ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn vì thế họ thiếu phương tiện tiếp cận, nên tỷ lệ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng mạng internet là rất hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu, mạng internet không có sẵn mọi lúc, mọi nơi và thiếu công cụ hỗ trợ NKT tiếp cận công nghệ thông tin, đặc biệt là ở những vùng xa xôi, nông thôn, miền núi, hải đảo.
Để nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận công nghệ thông tin theo đúng các chính sách, pháp luật đề ra, Nhà nước và xã hội cần tạo điều kiện đảm bảo kinh phí để triển khai các hoạt động này một cách ổn định, liên tục. Tăng cường tuyên truyền, thông tin nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng, xã hội và chính bản thân đối tượng về vai trò và tầm quan trọng của công nghệ thông tin đối với việc hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật. Với những sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin dành cho người khuyết tật đã được kiểm nghiệm và đưa vào sử dụng phải tuyên truyền, phố biến để phát huy tính hiệu quả. Các bộ, ngành và cơ quan hữu quan cũng cần tăng cường hiệu quả hợp tác trong việc thực thi các quy định, chính sách đối với người khuyết tật; tăng cường vai trò và sự tham gia của người khuyết tật trong xây dựng và thực thi chính sách liên quan đến họ.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Chăm lo cho người khuyết tật - 27/04/2016 09:33
- Phát huy vai trò người đại biểu nhân dân trong công tác xã hội, từ thiện - 04/04/2016 02:59
- Thiết bị vượt địa hình cho người khuyết tật thắng giải cuộc thi KHKT - 29/03/2016 11:04
- Triển lãm 'Nhìn - cầu nối giữa hai thế giới': Nghệ thuật và Tự kỷ - 29/03/2016 07:31
- Bảo hiểm y tế "lơ" người khuyết tật - 29/03/2016 07:27
Các tin khác
- Diễn đàn “Đối thoại chính sách về Bình đẳng giới” - 08/03/2016 03:53
- Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong cơ quan dân cử - 29/02/2016 07:55
- “Hành trình cuộc sống” sẽ trao tặng hơn 1.000 xe đạp cho trẻ em nghèo - 26/02/2016 03:35
- Những thách thức và giải pháp để làm tốt chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2016 – 2020 - 18/02/2016 05:19
- Thực trạng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và giải pháp đổi mới giai đoạn tới - 18/02/2016 05:12