Bảo hiểm y tế chỉ chấp nhận thanh toán cho 33 trong tổng số 248 kỹ thuật phục hồi chức năng các bệnh viện đang triển khai.
Nước ta có hơn 6,1 triệu người khuyết tật (NKT) với khoảng 30% bị khuyết tật vận động; số người bị co cứng do phỏng, đột quỵ, chấn thương sọ não cũng ngày càng tăng nhưng bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ chấp nhận thanh toán cho 33 trong tổng số 248 kỹ thuật phục hồi chức năng (PHCN) các bệnh viện (BV) đang triển khai.
Chân gỗ cũng không có tiền mua!
Chị Nguyễn Thị Mai - chị của bệnh nhân (BN) P.T.T.Q., sinh năm 1970, ngụ tỉnh Trà Vinh mới đây đã gọi đến báo Phụ Nữ nhờ kết nối với các nhà hảo tâm để giúp chị Q. có tiền làm chân giả để đi lại làm việc nuôi mẹ già 80 tuổi. Chị Q. bị khuyết tật bẩm sinh, lúc chào đời đã bị khối bướu ở xương cùng cụt, chân trái có bàn chân nhưng lại không có xương.
Gần đây, xương chân trái của chị bị hoại tử, phải cắt bỏ một đoạn xương thêm 5cm tại BV đa khoa tỉnh Trà Vinh. Do đi lại khó khăn, không thể tiếp tục làm nghề thợ may, chị nhờ người quen dọ hỏi giá làm chân giả ở TP.HCM. Theo một nhân viên tại BV Chỉnh hình và PHCN TP.HCM, chân giả đóng cho chị Q. có giá từ 8-20 triệu đồng (tùy chất lượng). Chị Mai kể: “Nghe báo giá xong, Q. buồn lắm vì không đủ tiền. Anh chị em trong gia đình thì ở xa, lại nghèo khó không giúp gì được. Q. cũng ấm ức vì đã mua BHYT tự nguyện nhiều năm nay, nhưng khi cần đóng chân giả thì không được BHYT trả cho đồng nào”.
Xưởng sản xuất giày nẹp cho bệnh nhân của BV Chỉnh hình và PHCN TP. HCM
BS Nguyễn Tiến Lý - Phó giám đốc BV Chỉnh hình và PHCN TP.HCM cho biết, hiện Bộ Y tế đã phê duyệt 248 danh mục kỹ thuật PHCN được triển khai ở các cơ sở khám chữa bệnh và PHCN, nhưng BHYT vẫn duy trì Thông tư 11/2009/TT-BYT, chỉ cho phép thanh toán 33 danh mục kỹ thuật. Thông tư này đã ban hành gần bảy năm, không theo kịp diễn tiến bệnh ngày nay như xuất hiện ngày càng nhiều các bệnh tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, cụt chi do bệnh tiểu đường…; việc PHCN không chỉ đơn thuần sản xuất dụng cụ cho người bị thương tật chiến tranh như trước nữa.
Mỗi năm, BV sản xuất từ 600-1.000 dụng cụ từ các loại nẹp, chân tay giả, giày dép cho người tiểu đường, tai biến mạch máu não, di chứng chấn thương, chấn thương cột sống, liệt tủy, liệt cơ… chứng tỏ nhu cầu của người bệnh cần PHCN rất cao. Nhiều BN không đủ tiền làm dụng cụ PHCN nên bệnh trở nặng. Như bé gái L.H.V. bị khoèo bàn chân nhưng gia đình không có tiền mua nẹp cố định, đành chấp nhận để bé đi chân trần, sau đó bàn chân bị biến dạng, cong vẹo phải phẫu thuật đục xương.
Ở trẻ em, nguy cơ tái phát tật khoèo bàn chân rất cao, đến 50%, nếu không có dụng cụ cố định bàn chân. Chúng tôi từng chứng kiến nhiều BN bị cụt tay, cụt chân muốn gắn chân tay giả, nhưng nghe giá từ 8-80 triệu đồng, lại không được BHYT chi trả, chỉ biết lặng lẽ ra về. Một số trường hợp chúng tôi hỗ trợ được, nhưng không thể nào giúp hết được. Ngay đến những thương binh, ngân sách nhà nước cũng chỉ hỗ trợ ba triệu đồng để đóng chân giả, nên đành làm chân giả bằng gỗ, rất nặng, lại khó đi lại, không thể làm bằng chất liệu silicon, nhựa”.
Tại BV Điều dưỡng PHCN và điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM; cử nhân Lê Thị Hạ Quyên - Phó khoa Vật lý trị liệu - PHCN cũng trăn trở: “Hiện BV đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới nhưng BN không được BHYT thanh toán khi điều trị, nhiều nhất là các loại nẹp để cố định vết thương, giúp BN đi đứng dễ dàng hơn, phòng ngừa bệnh trở nặng...
Đơn cử như nẹp trên dưới gối HKFO dùng cho BN bị tổn thương tủy sống có giá đến 2,6 triệu đồng/ cái, hay nẹp bàn cổ chân AFO dùng cho trẻ bại não, người bị tai biến mạch máu não giá từ 1,2-1,4 triệu đồng/cái; nẹp trên gối cho BN tủy sống giá đến 2,4 triệu đồng/cái... Ngay cả loại nẹp chỉnh cho bàn chân lệch chỉ 700.000 đồng/cái nhưng một số phụ huynh vẫn không có tiền, khiến bàn chân con em bị biến dạng!”.
Được duyệt, thanh toán cũng khó
Hiện BV Chợ Rẫy TP.HCM gặp khó khăn trong việc thanh toán với BHYT loại thuốc Botulinum toxin A dùng để chích dãn cơ cho BN đột quỵ, chấn thương sọ não… bị co rút chân tay. Những BN này không đáp ứng được phương pháp tập luyện kéo dãn của vật lý trị liệu nên phải dùng thuốc chích, giúp mềm cơ để dễ tập đi, đứng. Bác sĩ Nguyễn Đăng Khoa - Trưởng khoa Vật lý trị liệu và PHCN, BV Chợ Rẫy cho biết: Dù loại thuốc này đã được BHYT phê duyệt cho BV tuyến cuối như Chợ Rẫy nhưng vẫn không thể chích cho người bệnh.
Nguồn: Báo phụ nữ online
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Người điếc câm đang bị lãng quên? - 28/04/2016 06:20
- Chăm lo cho người khuyết tật - 27/04/2016 09:33
- Phát huy vai trò người đại biểu nhân dân trong công tác xã hội, từ thiện - 04/04/2016 02:59
- Thiết bị vượt địa hình cho người khuyết tật thắng giải cuộc thi KHKT - 29/03/2016 11:04
- Triển lãm 'Nhìn - cầu nối giữa hai thế giới': Nghệ thuật và Tự kỷ - 29/03/2016 07:31
Các tin khác
- Công nghệ thông tin với người khuyết tật: Cơ hội thay đổi cuộc sống - 22/03/2016 03:44
- Diễn đàn “Đối thoại chính sách về Bình đẳng giới” - 08/03/2016 03:53
- Tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong cơ quan dân cử - 29/02/2016 07:55
- “Hành trình cuộc sống” sẽ trao tặng hơn 1.000 xe đạp cho trẻ em nghèo - 26/02/2016 03:35
- Những thách thức và giải pháp để làm tốt chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2016 – 2020 - 18/02/2016 05:19