Ngày 25/2/2016, tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Bộ LĐ-TBXH và Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Vai trò của truyền thông nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”. Tham dự Tọa đàm có đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền – Chủ tịch UBQG Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH, đồng chí Đào Hồng Lan – Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, bà Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo thống kê của Liên minh nghị viện thế giới cho thấy, với tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIII đạt 24,2%, Việt Nam xếp thứ 54 trong tổng số 190 quốc gia. Còn tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp cũng cao hơn. Nhiệm kỳ 2011 - 2016, số nữ ĐB HĐND cấp tỉnh là 25,17%, cấp huyện đạt 24,62% và cấp xã đạt 21,71%. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tuyên truyền của các cơ quan báo chí đóng vai trò quan trọng trong thay đổi nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới; về vai trò, vị trí và những đóng góp của phụ nữ trong tham gia quản lý, lãnh đạo. Chính vì vậy, Tọa đàm để chúng ta trao đổi, chia sẻ thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí về những hoạt động hướng tới kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc Tọa đàm
Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 vừa qua đã có những điểm sáng trong việc thực hiện mục tiêu về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị. Kết quả bầu cử Đại hội các cấp cho thấy, tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở cả bốn cấp của nhiệm kỳ này đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước.
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Trương Thị Mai cho rằng, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử chính là một trong những mục tiêu phấn đấu của bình đẳng thực chất, giúp đảm bảo cho việc tham gia quyết định chính sách, đặc biệt là các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bình đẳng giới, các chính sách bảo vệ quyền con người, văn hóa, giáo dục, các vấn đề xã hội và môi trường. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nữ giới muốn có được tiếng nói quyết định cần phải có ít nhất 30% đại diện trong bộ máy nhà nước. Bà Trương Thị Mai khẳng định, truyền thông sẽ góp phần thay đổi nhận thức, hành vi và ủng hộ sự tham gia của phụ nữ bằng những tuyên truyền tích cực về các qui định của Đảng, Nhà nước, nhất là qui định về bầu cử, về vai trò, đóng góp của phụ nữ, và giảm thiểu định kiến giới.
Bà Trương Thị Mai phát biểu tại Tọa đàm
Việt Nam đã xây dựng được các nền tảng để đảm bảo quyền cho phụ nữ tham gia chính trị như tham gia các điều ước quốc tế về bình đẳng giới, có Luật Bình đẳng giới và ngày càng có nhiều đạo luật được lồng ghép giới, có cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới và sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong cấp ủy Đảng, bộ máy nhà nước, các cấp chính quyền địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần có những bước đi vững chắc hơn và phải có những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới trong nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm
Để góp phần đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới đặt ra, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền các nội dung cụ thể như: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý; đặc biệt là nâng cao tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 14 và Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 – 2021 đạt từ 35% trở lên; Tuyên truyền về những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước và những tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong công tác lãnh đạo, quản lý; Tuyên truyền nhằm xóa bỏ tư tưởng trọng nam, khinh nữ và các định kiến giới; Thông tin về nỗ lực của các ngành, các cấp nhằm đảm bảo chỉ tiêu phụ nữ tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Truyền hình, báo chí... cần phải giúp làm hiện rõ sự đóng góp của phụ nữ trong những vấn đề chung trước công chúng và đảm bảo độ bao phủ về truyền thông, cơ hội xuất hiện bình đẳng của cả hai giới trong cả quá trình bầu cử.
Nguồn: molisa.gov.vn
Tin mới
- Thiết bị vượt địa hình cho người khuyết tật thắng giải cuộc thi KHKT - 29/03/2016 11:04
- Triển lãm 'Nhìn - cầu nối giữa hai thế giới': Nghệ thuật và Tự kỷ - 29/03/2016 07:31
- Bảo hiểm y tế "lơ" người khuyết tật - 29/03/2016 07:27
- Công nghệ thông tin với người khuyết tật: Cơ hội thay đổi cuộc sống - 22/03/2016 03:44
- Diễn đàn “Đối thoại chính sách về Bình đẳng giới” - 08/03/2016 03:53
Các tin khác
- “Hành trình cuộc sống” sẽ trao tặng hơn 1.000 xe đạp cho trẻ em nghèo - 26/02/2016 03:35
- Những thách thức và giải pháp để làm tốt chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2016 – 2020 - 18/02/2016 05:19
- Thực trạng thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và giải pháp đổi mới giai đoạn tới - 18/02/2016 05:12
- Mong muốn, quyết tâm của các tỉnh, thành Hội mới thành lập - 02/02/2016 11:19
- Nhộn nhịp những phiên chợ Tết vùng cao - 01/02/2016 10:01