Thứ hai, 22 Tháng 9 2014 11:05

Trong buổi tập huấn "Xây dựng và quản lý dự án phát triển cộng đồng đối với người khuyết tật và trẻ mồ côi" do Trung ương Hội tổ chức tại Quảng Bình vào tháng 7 vừa qua, trong bài giảng của mình, Tiến sĩ , Giảng viên Nguyễn Trọng Tiến đưa ra một dẫn dụ là câu chuyện "Khỉ nhân đạo và cá vô ơn" Chuyện kể rằng trong một khu rừng nọ có chú khỉ con và đàn cá nhỏ. Khỉ nhanh nhẹn và sống rất vô tư, ngày ngày chuyền từ cành cây này sang cành cây khác để đến bên bờ suối vui với đàn cá. Cá và khỉ đã trở thành bạn bè. Một hôm mưa rất to, nước trên núi tràn về, đàn cá trôi dạt theo dòng nước. Khỉ vội vàng chạy đến bờ suối nhưng chỉ kịp vớt được một con cá. Khỉ vội ôm con cá vào mình và trèo lên cây tìm tán lá tránh mưa. Chờ đến khi trời tạnh, khỉ mang chú cá ra bờ suối, cá vẫn nằm im trong vòng tay của khỉ. Trước khi thả cá về lại dòng suối, khỉ lầm bầm trong miệng: Bọn cá thật vô ơn, mình cứu nó mà nó chẳng nói một lời cám ơn. Khỉ nhìn con cá bé nhỏ như trách móc nhưng chú cá đã chết rồi!


Từ dẫn dụ của giảng viên, nhiều ý kiến phân tích về câu chuyện này. Có người nói rằng con khỉ đã hành động đúng khi chạy ra bờ suối để cứu chú cá thoát khỏi cơn lũ; người khác nói rằng hành động của khỉ là sai vì cá sống dưới nước, đem cá lên bờ là giết nó chứ không phải là cứu; lại có người nói rằng hành động của khỉ chỉ là hành động "ban ơn", cứu để mong được chú cá mang ơn. Câu chuyện này hẳn khiến mỗi chúng ta, những người cán bộ Hội đều có suy nghĩ và sự liên tưởng đến công việc mình đang làm.


Mục đích cuối cùng của mọi hoạt động nhân đạo – từ thiện là giúp người khác vượt qua khó khăn trong cuộc sống, nhưng người làm công tác này phải hiểu đối tượng. Đối tượng đang cần gì và các tổ chức, cá nhân hảo tâm nên giúp thế nào. Mục đích của chú khỉ con kia là cứu cá nhưng khỉ không biết rằng cá có thể tự thích nghi với môi trường sống, tự nó có thể trôi theo dòng nước lớn mà vẫn sống, đó là bản năng của loài cá, chú khỉ lấy môi trường sống của mình áp đặt cho chú cá kia là không đúng. Còn việc trước khi thả cá xuống suối, khỉ có suy nghĩ trách móc chú cá thì đó là suy nghĩ rất sai, mong được cám ơn hoặc trả ơn là trái với nguyên tắc vô tư, khách quan trong hoạt động nhân đạo – từ thiện.

 

Hoạt động của Chủ tịch tỉnh Hội Lâm Đồng tại cộng đồng

 

Trong hoạt động nhân đạo, tôi đã gặp vài trường hợp nan giải khi phải đứng trước một việc đã rồi. Năm 1998 tôi vận động tài trợ xây căn nhà tình thương cho một gia đình nghèo ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Đó là một gia đình rất nghèo, vợ bị suy thận, chồng đi cuốc đất thuê, ba đứa con đều không được đến trường, cả nhà sống trong căn nhà gỗ mục nát, xiêu vẹo. Xây cho họ một căn nhà để "an cư" là việc cần làm. Tôi và nhà tài trợ đến tận nơi trao cho gia đình hai mươi triệu đồng để họ tự xây nhà và hẹn một tháng sau sẽ trở lại để thăm căn nhà mới. Tôi cũng không quên nhờ chính quyền địa phương giám sát tiến độ để căn nhà hoàn thành đúng thời gian. Một tháng sau chúng tôi về Bảo Lâm để "khánh thành" nhà mới cho gia đình nghèo này thì thật bất ngờ. Căn nhà cũ chỉ được thay mấy tấm ván mục bằng ván bìa nhặt ở cửa rừng, mái tôn cũ nát được thay bằng mấy tấm lợp che mưa, nền nhà vẫn là nền đất và không nhà vệ sinh. Nhà tài trợ rất khó chịu khi chứng kiến căn nhà tình thương như thế. Hỏi rõ ngọn nguồn thì gia đình chỉ tốn có hai triệu đồng cho việc "chắp vá" ngôi nhà, số tiền tài trợ còn lại đã được chi vào ba việc: Mua một chiếc xe Honda cũ, đưa vợ vào Sài gòn chữa bệnh và mua sách vở, áo quần đồng phục cho ba đứa con đến trường. Chiếc xe cũ được người chồng sử dụng để chạy xe ôm nhằm có thu nhập khá hơn và ổn định hơn khi đi cuốc đất thuê. Nghe đầu đuôi sự việc thì tôi mới hiểu rằng nhu cầu thực tế của gia đình nghèo này là miếng ăn hàng ngày chứ chưa phải là ngôi nhà ấm cúng; nhu cầu thực tế của gia đình này là những đứa con phải được đến trường chứ không phải là chỗ ở khang trang, và nhu cầu thực tế là người vợ, người mẹ đáng thương kia cần có điều kiện được chữa trị căn bệnh hiểm nghèo chứ không phải muốn chịu đựng những cơn đau thắt ruột trong ngôi nhà tình thương!

 

Hoạt động của Chủ tịch tỉnh Hội Lâm Đồng tại cộng đồng

 

Tôi nhận khuyết điểm với nhà tài trợ rằng mình đã thiếu sâu sát, chỉ nghe địa phương đề nghị xây nhà tình thương thì lên đường đi xin tài trợ mà chưa hiểu rõ hoàn cảnh thực tế của đối tượng. Và thật bất ngờ, nhà tài trợ không những không còn "khó chịu" mà lại rất cảm thông với hoàn cảnh thực tế; không chỉ "không yêu cầu gia đình này phải làm lại căn nhà theo lời hứa" như khi bước vào nhà mà còn hỗ trợ thêm 5 triệu đồng giúp các cháu có điều kiện ăn học để sau này có cuộc sống tốt hơn.

 

Làm nhân đạo như tôi đã nói đôi khi phải xử lý những tình huống bất ngờ, phải vừa giúp được đối tượng cần giúp nhưng phải vừa thuyết phục được nhà tài trợ đồng tình, phải tin rằng người nghèo có thể thay đổi cuộc sống của chính họ từ sự giúp đỡ thật sự vô tư. Tiền là quan trọng, là rất cần với những người khốn khó, nhưng chúng ta không thể áp đặt họ phải làm thế này, làm thế kia với đồng tiền trợ giúp mà phải tin rằng họ có khả năng vượt qua khó khăn bằng chính bản năng và nghị lực của con người từ sự hỗ trợ của chúng ta. Đã đến lúc những người làm nhân đạo phải chuyển cách tiếp cận từ hoạt động từ thiện sang cách tiếp cận bảo đảm nhân quyền. Đó là quyền được chữa bệnh, quyền được đến trường, quyền được nhìn và hơn tất cả đó là quyền được sống của con người.

 

(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi