Thứ tư, 10 Tháng 9 2014 02:50

Trẻ khuyết tật trí tuệ chiếm tỷ lệ cao trong tổng số trẻ khuyết tật cùng độ tuổi (khoảng 28,6%) và có những đặc điểm về nhận thức, ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi thích ứng hết sức đặc trưng.


42
Ảnh minh họa

 

Do đó, tìm kiếm các giải pháp dạy học nhằm giúp các em lĩnh hội được kiến thức văn hóa, phát triển kỹ năng xã hội, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp,... là một thách thức không chỉ đối với giáo viên mà còn là của các nhà khoa học thuộc lĩnh vực.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Xuân Hải (Khoa Giáo dục đặc biệt - Trường ĐHSP Hà Nội) đề xuất quy trình dạy học chủ đề theo cách tiếp cận cá nhân trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở tiểu học, gồm 5 bước: Xây dựng mục tiêu dạy học chủ đề; xây dựng các mục tiêu cụ thể và nội dung thực hiện mục tiêu;

Tổ chức nội dung dạy học, xác định phương pháp, phương tiện dạy học chủ đề; dạy học chủ đề theo thiết kế và đánh giá thực hiện dạy học chủ đề.
Xây dựng mục tiêu dạy học

Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hải, mục tiêu dạy học chủ đề là điểm khởi đầu trong quá trình lập kế hoạch dạy học của giáo viên.

Mục tiêu giúp giáo viên xác định những gì mà trẻ cần đạt được sau khi học xong một chủ đề. Mục tiêu của mỗi chủ đề là khác nhau mặc dù đều hướng tới việc thực hiện mục tiêu hcung của môn học, song những mục tiêu này đều cung cấp cho giáo viên những định hướng trong giảng dạy.

Dạy học trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập trước hết đòi giáo viên hiểu khả năng, nhu cầu, hứng thú học tập của trẻ để tiến hành thiết kế nội dung môn học, bài học thông qua điều chỉnh nội dung chương trình dạy học phù hợp.

Trên cơ sở đó, giáo viên cần vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học hòa nhập nói chung, phương pháp dạy học đặc thù cho trẻ khuyết tật trí tuệ để tiến hành bài học hiệu quả.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hải

Xây dựng mục tiêu của chủ đề, PGS.TS Nguyễn Xuân Hải cho rằng, cần căn cứ và thể hiện được 3 lĩnh vực của mục tiêu, đó là lĩnh vực nhận thức, tình cảm và tâm vận động.
Lĩnh vực nhận thức, với những mức độ khác nhau giúp giáo viên có thể hướng việc dạy trẻ theo các tầng bậc khác nhau đáp ứng sự đa dạng về trình độ nhận thức của trẻ. Tuy vậy, lĩnh vực này cũng chỉ là một trong những mục tiêu quan trọng trong dạy học trẻ khuyết tật trí tuệ.

Lĩnh vực tình cảm cũng được phân chia thành những tầng bậc khác nhau, giúp giáo viên công cụ về mặt nhận thức khi xây dựng mục tiêu, đặc biệt là trong việc cần tạo ra một môi trường học tập an toàn trong lớp học.

Lĩnh vực tâm vận động được coi là lĩnh có chức có chức năng như nguồn kiến tạo mục tiêu cho việc giảng dạy, có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành những kỹ năng vận động cơ bản cho trẻ khuyết tật trí tuệ, đặc biệt quan trọng ở đầu cấp tiểu học.

Mục tiêu chủ đề tương tự như mục tiêu bài học, thông thường có 3 yếu tố sau: Mục tiêu kiến thức (liên quan chủ yếu đến lĩnh vực nhận thức); mục tiêu kỹ năng (liên quan chủ yếu đến lĩnh vực tâm vận động); mục tiêu thái độ/hanfhvi (liên quan chủ yếu đến lĩnh vực tình cảm - xã hội, hành vi ứng xử của mỗi cá nhân).

Xây dựng các mục tiêu cụ thể và nội dung thực hiện mục tiêu

Liên quan đến nội dung này, PGS.TS Nguyễn Xuân Hải cho rằng, đối với trẻ khuyết tật trí tuệ, việc xây dựng mục tiêu cần thực hiện theo kiểu xây dựng mục tiêu hành vi và cần đảm bảo 4 yếu tố:
Điều kiện để trẻ đạt được mục tiêu; xác định đối tượng trẻ; xác định hành vi và điều kiện thể hiện hành vi của trẻ; xác định tiêu chí đánh giá hành vi của trẻ.
Xây dựng mục tiêu hành vi có ý nghĩa quan trọng trong dạy học trẻ khuyết tật trí tuệ, giúp giáo viên hình dung được tất cả mục tiêu, cách thức tiến hành, kết quả mong muốn và tiêu chí đánh giá kết quả bài học cho một khuyết tật trí tuệ cụ thể.

Việc xây dựng mục tiêu theo kiểu hành vi cũng giúp giáo viên biết cách áp dụng một cách thiết thực và sáng tạo hướng dẫn giảng dạy chung vào điều kiện cụ thể của lớp mình.
Nội dung của một chủ đề mô tả những gì trẻ đã học. Đó là những thông tin mà trẻ cần biết hoặc hiểu, hoặc các kỹ năng mà trẻ cần hình thành. Cách thức tổ chức thông tin cũng được thể hiện trong phần nội dung của chủ đề.

Lựa chọn nội dung dạy học chủ đề tức là việc xác định nội dung bài học đảm bảo trẻ có thể lĩnh hội một cách hiệu quả nhất và nhằm đạt được mục tiêu dạy học chủ đề đó xây dựng, bao gồm: Số lượng nội dung kiến thức, kỹ năng trong bài cần hướng dẫn cho trẻ; mức độ khó của mỗi nội dung về kiến thức, kỹ năng đó.
Tổ chức nội dung dạy học

PGS.TS Nguyễn Xuân Hải cho biết, cách thức tổ chức cũng như truyền đạt nội dung dạy học chủ đề bao gồm các dạng như biểu đồ, hệ thống thứ bậc (mức độ từ dễ đến khó) và dạng đề cương.
Hình thức tổ chức nội dạy học phụ thuộc vào loại nội dung được dạy. Dạng đề cương có tác dụng đối với việc giảng dạy khối lượng lớn những kiến thức có liên quan đến nhau. Giống kiểu hệ thống thứ bậc, dạng này cũng giúp truyền đạt những nội dung chính của bài học và mối quan hệ giữa các nội dung.

Tổ chức nội dung dạy học theo dạng đề cương là hình thức tương đối phổ biến và phù hợp với dạy học chủ đề. Đề cương sẽ giúp giáo viên làm rõ hơn những duy nghĩ của mình và truyền tải đến được trẻ mối quan hệ của các ý tưởng trong bài học.

Phân tích nhiệm vụ được coi là một công cụ lập kế hoạch để tổ chức các hoạt động hay chính là công cụ để xác định phương pháp và phương tiện để tiến hành dạy học theo nội dung của chủ đề.
Phân tích nhiệm vụ sẽ giúp giáo viên trả lời những câu hỏi như "Nội dung này nên lựa chọn hoạt động nào cho trẻ?", "Làm thế nào để sắp xếp trình tự các hoạt động học tập học tập?, "Hoạt động nào nên thực hiện trước?", và "Trả cần biết những gì để có thể tham gia thành công vào bài học?"

Dạy học chủ đề theo thiết kế
Dạy học chủ đề theo thiết kế được tiến hành qua việc thực hiện từng bài học. Tiến hành bài học là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả của hoạt động dạy học. Dạy học theo chủ đề cần căn cứ vào tiến trình thực hiện bài học bao gồm mở bài, phát triển nội dung bài học và kết thúc bài học.

Một số nội dung cụ thể cần xem xét trong tiến trình thực hiện bài học, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hải, bao gồm:
Các yếu tố mở bài: Cung cấp thiết bị đồ dùng trực quan; tạo động cơ học tập bằng các câu hỏi; liên kết các kiến thức đã học, kinh nghiệm của trẻ với nội dung bài học mới; sử dụng các hình thức giao tiếp tạo bầu không khí học tập bằng tình cảm...

Các yếu tố phát triển nội dung bài học: Giao tiếp hiệu quả; giới thiệu toàn bộ nội dung; sử dụng các phương pháp dạy học khác nhau, chú trọng phương pháp hợp tác nhóm; hỗ trợ cá biệt đối với trẻ khuyết tật trí tuệ; trình bày trực quan, hữu hình, âm thanh; chú trọng thực hành và phản hồi;...

Các yếu tố kết thúc bài học: Giáo viên tự tóm tắt bài học; câu hỏi tóm tắt bài học cho cả lớp trả lời; câu hỏi tóm tắt bài học cho cả nhóm trả lời; giao nhiệm vụ học tập về nhà theo nội dung bài học; liên kết với nhiệm vụ học tập tiếp theo...

Đánh giá thực hiện dạy học theo chủ đề
Đánh giá không chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành 4 bước của dạy học chủ đề mà là đánh giá toàn bộ quá trình và đánh giá với tư cách là khâu cuối cùng trong dạy học chủ đề.
Đánh giá sẽ cung cấp cho trẻ những phản hồi, nhận xét và điều này tạp điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập, đồng thời, đánh giá cũng cung cấp cho giáo viên những thông tin về tiến độ học tập của trẻ, giúp giáo viên ra các quyết định tiếp theo.

Đánh giá dạy học chủ đề, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hải, bao gồm một số nội dung chủ yếu sau:

Mục tiêu dạy học chủ đề và của từng chủ đề đã xác định; đánh giá quá trình học tập của trẻ và thực hiện dạy học chủ đề của chính bản thân giáo viên; đánh giá kết quả học tập của trẻ sau khi kết thúc bài học hay chủ đề.

"Cho đến nay, chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào về dạy học các chủ đề các môn học cho trẻ khuyết tật trí tuệ học hòa nhập ở bậc tiểu học. Những chia sẻ nói trên chỉ dừng lại việc phản ánh một số kết quả nghiên cứu hai môn học là Toán và Tự nhiên - Xã hội.

Dạy học chủ đề theo hướng tiếp cận cá nhân là một định hướng góp phần thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, không chỉ được thực hiện ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới" - PGS.TS Nguyễn Xuân Hải chia sẻ.

(Theo Giáo dục Thời đại)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi