Dạy nghề cho người khuyết tật đã khó, làm sao để giải quyết việc làm, tạo cho họ có thu nhập lại là một thách thức không hề nhỏ. Với sự nỗ lực của các cấp, bộ, ngành liên quan, các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật, số người khuyết tật được học nghề, có việc làm trong những năm gần đây đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, công tác giải quyết việc làm cho người khuyết tật vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, cần được nghiên cứu, tháo gỡ.
Hiện nay cả nước có khoảng 8 triệu NKT trong đó có khoảng 40% NKT còn khả năng lao động (3,2 triệu người). Nhìn chung, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn của NKT còn thấp (19,5% NKT đã tốt nghiệp THCS, chỉ có 6,5% NKT đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ (tỷ lệ này của cả nước khoảng 23%). Có gần 2 triệu NKT trong độ tuổi lao động, còn khả năng lao động có việc làm nhưng chất lượng thấp (trên 70% làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, chủ yếu là tự làm và lao động trong hộ gia đình), chỉ có trên dưới 30 nghìn lao động là NKT đang làm việc trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, trong đó có khoảng 15 nghìn người làm việc tại trên 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của NKT.
Dạy nghề và tạo việc làm nghề may cho NKT tại Công ty TNHH Babeeni Việt Nam
Trong những năm qua, Trung ương, các địa phương đã quan tâm, tạo điều kiện cho NKT tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn vốn ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội. Trong năm 2017 thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, Ngân hàng chính sách xã hội đã cho vay mới 4 dự án cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là NKT và 3.363 dự án của NKT, góp phần hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.540 lao động là NKT (hiện tổng số khách hàng vay là NKT khoảng trên 11 nghìn người).
Quỹ quốc gia về việc làm đã phân bổ cho Hội người mù Việt Nam quản lý trên 50 tỷ đồng, năm 2017 đã cho vay mới 1.246 dự án, hỗ trợ tạo việc làm cho 1.282 NKT, giúp họ vươn lên, tự tin hòa nhập cộng đồng (tổng số khách hàng vay khoảng 5,5 nghìn người). Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ủy thác thông qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay các nguồn tín dụng ưu đãi tạo việc làm cho NKT như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh…
Hiện nay, các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động nói chung, NKT nói riêng khá đầy đủ, đồng bộ. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho NKT gặp nhiều khó khăn do sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Công tác quản lý, theo dõi nhu cầu và tình hình việc làm của lao động là NKT hầu như không có thông tin cập nhật chính xác, đầy đủ. Nguồn kinh phí thực hiện các chương trình, đề án thấp, không đáp ứng yêu cầu cũng như theo phê duyệt.
Chất lượng lao động là NKT thấp trong khi cơ hội việc làm dành cho NKT không nhiều do nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư…Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhận NKT chưa thực sự tạo động lực thu hút các cơ sở, doanh nghiệp nhận và sử dụng lao động là người khuyết tạt, nhiều địa phương còn khó khăn nên chưa có các chính sách riêng hỗ trợ giải quyết việc làm cho NKT. Bên cạnh đó, NKT cũng ít có cơ hội tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp đầy đủ, hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho NKT còn gặp nhiều khó khăn do công tác thông tin, số liệu về lao động khuyết tật trên địa bàn, sự phân tác của đối tượng, các ngành nghề phù hợp với NKT, yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, trình độ học vấn của NKT thấp cộng với tâm lý tự ti, mặc cảm của bản thân NKT và gia đình…
Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động là NKT, kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã đặt ra mục tiêu “Tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người”, đồng thời Việt Nam chuẩn bị gia nhập Công ước số 159 của ILO về phục hồi chức năng lao động và việc làm cho NKT nói riêng, tạo thuận lợi cho NKT nói chung hòa nhập cộng đồng. Để làm được điều đó, theo Cục Việc làm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho NKT theo hướng phù hợp với Công ước quốc tế về quyền của NKT, nghiên cứu, xây dựng các chính sách, chương trình hỗ trợ tạo việc làm cho NKT, xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý lao động, trong đó có lao động là NKT làm cơ sở xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ tạo việc làm hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường phân tích, phổ biến, dự báo thị trường lao động, tạo cơ hội cho NKT tiếp cận thông tin về việc làm, nghề nghiệp phù hợp.
Ngoài ra, cần ưu tiên bổ sung vốn vay quỹ quốc gia về việc làm cho tổ chức của NKT, hướng dẫn các địa phương xem xét việc quy định một tỷ lệ nhất định về việc ưu tiên cho vay vốn, tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm hoặc các nguồn ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội, phối hợp với ngân hàng chính sách xã hội tăng cường huy động bổ sung nguồn vốn cho quỹ Quốc gia về việc làm để cho vay đối với NKT. Các Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho NKT, lồng ghép hoặc tổ chức riêng các phiên giao dịch việc làm cho NKT, nhân rộng cẩm nang hướng dẫn quy trình cung cấp dịch vụ PHCN lao động cho NKT và thực hiện có hiệu quả hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho NKT trong Dự án phát triển thị trường lao động và việc làm trong Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – việc làm và an toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020.
Tin mới
- Phát động cuộc thi Giải pháp sáng tạo cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật - 29/07/2019 03:06
- Xe lăn, xe lắc – Đôi chân thay thế cho người khuyết tật vận động - 03/02/2019 13:03
- Mỗi lớp học hòa nhập có không quá 2 học sinh khuyết tật - 12/12/2018 03:35
- Thúc đẩy giao thông đường sắt tiếp cận đối với người khuyết tật - 28/08/2018 10:00
Các tin khác
- Chương trình “ Trái tim nhân ái” Khánh Hòa: Tiếp sức những mảnh đời khó khăn - 12/04/2018 06:50
- Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật - 11/04/2018 07:27
- Trách nhiệm xã hội không chỉ là bổn phận - 20/03/2018 06:59
- Trợ giúp pháp lý góp phần đảm bảo quyền của người khuyết tật, trẻ mồ côi - 13/02/2018 08:01
- Chung sức hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam - 13/02/2018 07:48