Thứ ba, 05 Tháng 7 2016 13:33

Cuộc đời tôi là một câu chuyện dài với những khó khăn và cả những thành công. Trong cuộc đời mỗi một con người, quãng thời gian nào là đẹp nhất? Tôi tin chắc sẽ có nhiều người nói rằng đó là tuổi thơ, là thời thơ ấu với những kỷ niệm đẹp đẽ, dù cho tuổi thơ nghèo khổ, được nuôi nấng bằng những bữa khoai, bữa sắn nhưng vẫn trong sáng, hồn nhiên, vô tư mà không phải lo nghĩ gì. Thế nhưng tuổi thơ của những người khuyết tật có giống như vậy không? Với tôi, ký ức về tuổi thơ đã từng gắn liền với những nỗi đau, sự ám ảnh và buồn rầu.

Vượt khó xây hạnh phúc

Qua lời kể của mẹ, tôi biết mình được sinh ra lành lặn, kháu khỉnh như bao đứa trẻ khác, nhưng quãng thời gian hạnh phúc ấy chỉ ngắn ngủi vài năm, rồi những trận sốt cao và căn bệnh bại liệt đã đổ ập xuống đầu tôi như một định mệnh nghiệt ngã của số phận. Mặc cho cha mẹ tôi phải bán đi cả ruộng vườn để chạy chữa cho tôi, căn bệnh quái ác vẫn đeo bám, rồi một bên chân trái của tôi teo dần và trở nên tàn phế. Ký ức tuổi thơ tôi là đôi chân không lành lặn, là những ngày mùa đông cũng như mùa hè tôi đều mặc quần dài để che đi đôi chân xấu xí. Trong suy nghĩ ngây thơ của tôi lúc bấy giờ, chỉ cần giấu giếm cái bước đi là mọi điều sẽ ổn, thậm chí tôi còn nghĩ nếu lúc ăn cơm cứ nhai và nuốt bên trái thì chân trái của tôi sẽ to ra, sẽ khoẻ mạnh hơn.

Trai tim 157

Ông Vân báo cáo thành tích tại Hội nghị Biểu dương NKT, TMC&NBT tiêu biểu tỉnh Phú Thọ năm 2016

Suốt những năm tháng tuổi thơ, thấy bạn bè chạy nhảy, nô đùa, tôi hằng mơ ước có thể nào đi bằng hai chân và chạy nhảy, vui đùa như chúng bạn, nhưng dù tôi có cố gắng đến đâu thì điều tôi nhận được chỉ là những vết bầm tím từ những cú ngã, va đập mà thành. Nhiều đêm tôi vẫn mơ có một ngày đôi chân tôi lành lại hay ước rằng có một ông bụt xuất hiện và ban cho tôi phép màu, đó là được đứng thẳng và đi bằng hai chân của mình. Điều ước nhỏ bé, giản dị mà mọi người không bao giờ ao ước ấy lại là điều không tưởng đối với tôi.

Tôi lớn lên trong mặc cảm, tự ti. Cha mẹ thương tôi khuyết tật nên vẫn cố gắng cho tôi được đi học. Quãng thời gian ấy, tôi nhận thấy rõ hơn những thiệt thòi mà người khuyết tật như tôi phải gánh chịu. Để tránh cái nhìn miệt thị của mọi người, tránh những câu đùa ác ý, tôi đi học rất sớm và về muộn nhất lớp. Trong những năm tháng đi học ở trường làng, tôi thường ngồi lặng lẽ không chơi đùa vì có muốn tôi cũng đâu có làm được. Rất nhiều lần tôi thuộc bài, muốn xung phong lên bảng, rồi khi đứng trước các bạn, tôi lại không nói được câu nào. Ngoài thời gian học, vì thương cha mẹ nghèo khó, lam lũ, tôi cũng cố sức ra đồng làm cỏ, mò cua, bắt tép hay chăn trâu. Mẹ tôi cũng đau lòng lắm vì nhìn thấy tôi trong bộ dạng đi tập tễnh mà vẫn cố làm lụng, nhiều lần tôi thấy mẹ đã quay mặt để giấu đi những giọt nước mắt thương tôi.

Khát vọng được sống và sống có ích, được cống hiến cho cuộc đời và không muốn là gánh nặng cho gia đình, tôi lao vào học. Những năm tháng theo cha đi học trọ bên huyện Thanh Ba, hai cha con tôi phải trải qua muôn vàn gian khó. Tôi rất biết ơn nhiều thầy cô đã động viên và tạo mọi điều kiện cho tôi được học tập, cùng với sự cố gắng của mình, tôi luôn đạt điểm xuất sắc mỗi năm học trôi qua. Tôi từng đạt điểm để được đi du học nhưng do sức khoẻ nên tôi không đủ điều kiện. Lúc đó, tôi nhận ra, tôi đã tuột mất một cơ hội tốt chỉ vì cơ thể khuyết tật.

Học xong lớp 10, năm 1971, tôi về quê xin làm kế toán cho Hợp tác xã Tăng Xá, rồi tiếp tục chuyển sang làm kế toán cho Hợp tác xá Tuy Lộc. Lúc này, tôi cũng gặp nhiều khó khăn, bất lợi trong công việc. Những lúc phải đi họp dưới huyện hay đi liên hệ công tác, đôi chân lại làm khổ tôi. Tôi phải gồng mình lên để chống chọi với số phận.

Có lẽ ông trời trông thấy những nỗ lực của tôi mà động lòng thương. Năm 1975, tôi đã gặp và kết hôn với một cô gái người dân tộc Mường. Cô gái ấy đã phải vượt qua bao lời gièm pha của người đời để lấy tôi. Vợ tôi phải chịu thiệt thòi bởi những ánh mắt giễu cợt, những câu nói mỉa mai cay độc. Thậm chí một đám cưới cũng không trọn vẹn vì chú rể không thể đi xe đạp 100 cây số đường đèo dốc để đón dâu, em họ tôi phải đi thay. Tôi đã khóc, khóc vì thương vợ và thấy quá xúc động trước những hy sinh của vợ dành cho tôi. Đó chính là động lực luôn thúc đẩy tôi phải vượt lên hết thảy khi gặp mọi khó khăn của cuộc đời.

Hạnh phúc đến với tôi khi vợ chồng tôi sinh được con gái đầu lòng, nhưng trớ trêu thay, con đã lên 4 tuổi mà vẫn chẳng biết đi. Nhìn con kéo lê đôi chân mà lòng tôi đau nhói. Vợ chồng tôi chỉ còn biết động viên, an ủi nhau, đưa con đi chạy chữa và cầu xin ông trời thương xót. Và cuộc đời tôi như được bước sang một trang mới mang tên Hạnh phúc khi con gái tôi nhấc bước đi đầu tiên, một niềm vui vỡ oà trong tôi. Nỗi sợ hãi di truyền cho con đôi chân tật nguyền đã được trút bỏ, chúng tôi sinh thêm 3 người con, hai trai, một gái.

Lời dạy của Bác Hồ là động lực phấn đấu

Có thêm con, khiến gánh nặng kinh tế đè nặng lên vai tôi. Là trụ cột kinh tế gia đình, vì muốn có thêm tiền trang trải cuộc sống, tôi bỏ việc kế toán và chạy chợ, mở quán bán nước, sửa chữa xe đạp. Nhưng rồi số tiền tôi kiếm được từ những công việc đó cũng không đủ nuôi con, tôi tìm cách học nuôi cá con, cá lồng ở sông. Do chưa có kinh nghiệm nên cá con thì chết, cá lồng bị kẻ gian lấy trộm mất cả lồng. Còn vợ tôi làm ruộng, cày thuê cuốc mướn, nhà ở thì chỉ là một túp lều dựng ở ven sông để sống qua ngày. Có những ngày đạp xe hàng trăm cây số đi bán cá con, trời mưa giông đường trơn khiến tôi ngã lên, ngã xuống, có những lúc tôi ngửa mặt lên trời mà khóc vì cơ cực. Những lúc như vậy, tôi lại nhớ đến lời dạy của Bác Hồ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.

Trai tim 2157

Ông được trao tặng Giấy khen Vì những nỗ lực vươn lên trong cuộc sống

Đúng vậy, động lực ấy thôi thúc tôi phải cố gắng vươn lên. Năm 1990, tôi dành dụm được một khoản tiền mở cửa hàng ăn uống. Nhờ có người vợ chịu thương chịu khó, lại khéo tay nên khách hàng tìm đến rất đông, tôi lại được UBND xã Tuy Lộc tạo điều kiện buôn bán thuận lợi, nhờ thế cuộc sống của gia đình tôi dần được cải thiện. Mới đây tôi đã mở rộng cửa hàng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.

Một chặng đường đời đầy lam lũ, vất vả từ thuở nhỏ đến nay đã ngót 60 năm. Tôi đã có thể nhẹ lòng đôi chút khi những nỗ lực của tôi đã có những thành quả. Các con tôi đều biết thương cha mẹ nên rất ngoan ngoãn, chịu khó học hành. Không hạnh phúc nào bằng các con trưởng thành, các con tôi đều tốt nghiệp các trường Đại học Sư phạm, Điện lực và có công việc ổn định khi con trai thứ 3 làm Phó Giám đốc Điện lực huyện Yên Lập, con dâu thứ hai làm Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Cẩm Khê, còn những con trai, dâu, rể khác đều làm giáo viên trong huyện nhà.

Thương những người bất hạnh, hoàn cảnh khó khăn, trong khả năng có thể, vợ chồng tôi đã giúp đỡ cho một vài hoàn cảnh ở huyện Thanh Sơn có điều kiện học tập. Tôi cũng luôn tham gia nhiệt tình các phong trào, các hoạt động của địa phương như đóng góp vào quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Khuyến học… Tôi hy vọng có thật nhiều sức khoẻ để được làm việc, sống có ích và không là gánh nặng cho các con, gia đình, xã hội. Tôi mong những người đồng cảnh như tôi hãy cứ tự tin, hãy cứ mạnh mẽ sẽ có thêm động lực vượt lên số phận và gặt được thành quả.


 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE chân dung , người khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi