Sau 17 năm bươn chải, vượt qua những nỗi đau mất mát về sức khỏe và tình cảm; những chông gai, thử thách của cuộc sống; ở tuổi 28, chàng trai khiếm thị Trần Anh Thi (thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cuối cùng cũng đã thắp lên được nguồn sáng của cuộc đời mình. Đó là một tổ ấm hạnh phúc bên người vợ hiền cùng cậu con trai kháu khỉnh, một công việc ổn định và đầy ý nghĩa bên những người bạn, những người đồng cảnh luôn sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.
Nỗ lực để xứng đáng với niềm tin của mọi người
Trần Anh Thi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, tuổi thơ của anh không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa khác. Khi Thi chuẩn bị bước vào lớp 5 thì căn bệnh lao màng não ập đến và làm hai mắt của anh mờ dần rồi mù hẳn, không nhìn thấy gì nữa. Đau xót trước số phận của đứa con trai bất hạnh, cộng thêm những lo toan, gánh vác cho những khó khăn của gia đình, không lâu sau, mẹ của Thi ngã bệnh và qua đời. Nỗi đau càng thêm chồng chất nỗi đau trong gia đình nghèo.
Anh Trần Anh Thi
Nhưng cũng chính nỗi đau đã trở thành động lực để cho Trần Anh Thi có thêm quyết tâm, nỗ lực phấn đấu. Thi tốt nghiệp bậc Tiểu học đạt loại Xuất sắc. Sau đó, anh được nhà trường giới thiệu đi học hòa nhập cấp II, cấp III với các bạn sáng mắt bình thường. Trong môi trường hoà nhập, sự chăm chỉ, miệt mài cùng với sự sáng dạ trời ban đã giúp Thi luôn đạt kết quả học tập cao nhất. Tốt nghiệp Phổ thông với kết quả học tập đạt loại Giỏi, cùng những thành tích xuất sắc trong thể thao, Trần Anh Thi được tuyển thẳng vào khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Khi đang học đại học năm thứ ba thì ba của Thi ngã bệnh rồi qua đời. Mất đi điểm tựa cuối cùng, cộng thêm bao áp lực và căng thẳng khi bước và đợt thực tập sư phạm lần thứ nhất, Thi đã có lúc muốn buông bỏ. Nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và của mọi người, anh cố gắng quên đi nỗi buồn để tập trung cao độ vào việc thực tập. Cuối cùng, kết quả cuối kỳ thực tập anh đạt loại giỏi, điều đáng mừng hơn là Thi đã chiến thắng được bản thân, cố gắng vươn lên để không phụ lòng mong đợi của bao người.
Song song với việc học, được sự hướng dẫn, động viên của các hội viên Hội Người mù, anh Thi tranh thủ học thêm các lớp vi tính dành cho người mù, kỹ năng sử dụng gậy xếp khi di chuyển. Anh còn học thêm các lớp học massage Nhật Bản, massage Việt Nam để có thêm tiền trang trải sinh hoạt, nuôi sống bản thân, giảm phần nào gánh nặng cho gia đình.
Tháng 8/2012, Trần Anh Thi tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. May mắn cho anh khi được cô Cao Xuân Mỹ - Tiến sĩ khoa Giáo dục đặc biệt Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh mời anh về làm việc tại Trường Mầm non chuyên biệt Bình An (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với vai trò là giáo viên giảng dạy cho trẻ em khuyết tật nơi đây.
Anh Thi bắt đầu công việc tại trường từ tháng 8/2012 đến tháng 11/2014 với công việc chính là xoa bóp trị liệu, phục hồi cho trẻ. Anh chia sẻ: “Các em khuyết tật tại đây bên cạnh sự khiếm khuyết về thần kinh, các em còn gặp rất nhiều khó khăn về cơ quan phát âm, hệ xương khớp dẫn đến hiện tượng chảy ước dãi hay đi lại khó khăn. Khi mới nhận công việc, tôi gặp rất nhiều trở ngại, nhất là việc tiếp cận với các em. Nhưng tôi không nản lòng. Để phục vụ công việc của mình và trị liệu cho trẻ được tốt hơn, tôi tham khảo nhiều sách báo để hiểu sâu hơn về cấu tạo của cơ, xương để hỗ trợ cho các em một cách tốt nhất. Hơn hai năm công tác tại trường, tôi nắm bắt được rất nhiều cách thức để chăm sóc cũng như dạy dỗ và hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và hạnh phúc nhất là tôi luôn được các thầy cô tại trường mô tả lại cho tôi biết về những thay đổi tích cực từ trẻ”.
Gương mẫu, trách nhiệm với người mù
Tháng 11/2014, anh Thi được Đại hội bầu vào Ban Chấp hành Hội Người mù thị xã Bến Cát. Dù công việc khá mới mẻ, song anh ý thức được trách nhiệm của mình. Cùng với Ban Chấp hành Hội, anh luôn tích cực tham gia hoạt động nhằm xây dựng và phát triển tổ chức Hội, chăm lo cho hội viên. Các hoạt động vay vốn ưu đãi cho người mù, tổ chức hội nghị thi đua điển hình tiên tiến lần thứ nhất được triển khai hiệu quả. Cùng với đó, Hội đã quản lý tốt phòng xoa bóp bấm huyệt của Hội, tạo việc làm cho 9 hội viên, thu nhập ổn định bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.
Với những nỗ lực vì hoạt động Hội cũng như lợi ích của người mù tại địa phương, anh Trần Anh Thi đã được Chủ tịch UBND tỉnh, Hội Người mù tỉnh Bình Dương trao tặng Bằng khen, Giấy khen vì thành tích xuất sắc trong công tác Hội, được bầu chọn là người mù duy nhất đại diện cho 695 hội viên trong tỉnh dự Đại hội thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ IV.
Bên cạnh công tác Hội, anh Thi còn duy trì tập luyện thể thao các môn ném lao, ném đĩa, đẩy tạ, võ judo... Hằng năm, anh đều tham gia Hội thi Thể thao người khuyết tật toàn quốc. Gần đây nhất là tháng 8/2015 tại Giải Thể thao người khuyết tật toàn quốc tổ chức tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, anh Thi đã đạt được 2 Huy chương Đồng. Tính từ năm 2005 đến nay, anh đã đạt được tổng cộng 15 Huy chương Vàng, Bạc, Đồng các loại.
Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội, niềm mong muốn lớn nhất của anh Trần Anh Thi là tất cả người mù đều biết đọc, biết viết. Vì đó là nền tảng để họ tiếp xúc với thông tin, hiểu biết thêm về chăm sóc sức khỏe, có cơ hội tìm được công ăn việc làm thích hợp với bản thân, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Anh Thi khẳng định: “Người mù có thể làm được tất cả. Hãy cho chúng tôi cơ hội, hãy “thử chúng tôi bằng năng lực, đừng vứt chúng tôi bằng suy nghĩ”. Tôi mong các cấp lãnh đạo, các tổ chức hãy hỗ trợ, giúp đỡ để người mù phát huy hết năng lực vốn có của họ”.
Sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ không chỉ mang lại cho anh Thi một công việc ổn định mà còn là lý do khiến vợ anh - một người phụ nữ khoẻ mạnh, càng cảm phục, yêu thương và tự nguyện làm đôi mắt cũng như bù đắp những gì còn khiếm khuyết cho anh. Anh chị đã có với nhau một bé trai kháu khỉnh, bụ bẫm. Hạnh phúc đã đâm chồi, nảy lộc sau bao vất vả và sẽ càng tiếp thêm nghị lực, niềm tin để anh vượt lên khó khăn, tự tin hơn trong cuộc sống này.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
Các tin khác
- Chàng trai khuyết tật giành học bổng toàn phần 4 năm đại học - 02/06/2016 05:05
- Một tình yêu đẹp như tranh! - 02/06/2016 05:02
- Tình đẹp trên đôi nạng gỗ - Câu chuyện của hai con người chưa bao giờ đầu hàng số phận - 26/05/2016 03:10
- Chàng trai khuyết tật truyền cảm hứng sống cho người khác - 26/05/2016 03:05
- Cô gái khuyết tật và ước mơ về tương lai tươi sáng cho người đồng cảnh - 19/05/2016 07:45