“Năng động, tháo vát, nhiệt tình, tâm huyết”, đó là cảm nhận của bất kỳ ai khi tiếp xúc và làm việc với anh Thái Văn Thanh, (phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang). Từ một cậu bé mồ côi, khuyết tật nghèo khó không ai chăm sóc, anh Thanh đã từng bước vượt qua mọi thách thức, khó khăn, trở thành công dân mẫu mực, một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Vượt lên nghịch cảnh
nh Thái Văn Thanh mồ côi cha từ nhỏ, không lâu sau khi cha mất thì căn bệnh sốt bại liệt khiến anh bị khuyết tật chân trái từ năm 4 tuổi. Kinh tế gia đình sa sút, mẹ phải đi làm ăn xa lâu lắm mới về thăm, một mình anh Thanh phải sống trong cảnh ăn nhờ ở đậu nay đây mai đó từ những năm học tiểu học. Cũng chỉ có một mình anh tự lên kế hoạch học tập, sinh hoạt và định hướng cho tương lai của mình.
Vượt qua những mặc cảm về thể chất so với bạn bè cùng trang lứa, vượt qua những khó khăn, vất vả để mưu sinh, anh Thái Văn Thanh theo học cho đến lớp 10 thì quyết định nghỉ học. Anh luôn tâm niệm “Có thể làm gì trong điều kiện hiện tại đang có thì phải vận dụng hết khả năng để làm cho cuộc sống của mình tốt hơn lên”. Vì vậy, anh đã thử sức với rất nhiều ngành nghề, bất kể nghề nào kiếm được đồng tiền chính đáng để lo cho gia đình là anh làm. “Tôi từng hành nghề sửa đồng hồ, khi nghề này không còn thịnh nữa lại chuyển sang học và làm nghề sửa quạt máy, điện, điện tử; rồi đi hát cho các đám tiệc…”. Nhờ sự chăm chỉ, cần mẫn với công việc, anh đã dành dụm mua được một căn nhà lá rộng 10m2.
Vợ chồng anh Thanh, chị Thuý thăm quan nhà Quốc hội nhân dịp tham dự chương trình giao lưu Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật (10/2017)
Nhờ trời phú cho chất giọng trầm ấm, mượt mà, năm 2007, anh Thanh được ủy ban nhân dân thị trấn Tân Châu (nay là phường Long Thạnh, thị xã Tân Châu) nhận vào làm việc, phụ trách trạm truyền thanh của phường. Mặc dù trình độ học vấn hạn chế so với nhiều đồng nghiệp khác, nhưng suốt quá trình công tác, anh luôn nhận được sự quan tâm động viên, giúp đỡ của lãnh đạo về mọi mặt, được đồng nghiệp hết lòng hỗ trợ. Công việc này anh rất yêu thích và phù hợp với khả năng, nên dù phải vất vả sớm hôm, lọ mọ từ 4h sáng hay phải đảm đương mọi công việc của trạm từ phóng viên lấy tin viết bài, biên tập, phát thanh viên, nhân viên kỹ thuật… anh đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, anh còn có khả năng sáng tác, viết kịch, đặc biệt là giọng hát rất hay nên luôn là hạt nhân phong trào văn nghệ của của địa phương. Năm 2014, anh tham gia đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh An Giang tham dự Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ I do Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam tổ chức, tại vòng chung kết khu vực miền Nam, anh đã xuất sắc giành được Huy chương Vàng.
Vun đắp hạnh phúc gia đình
ới bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó, anh Thanh nhận được rất nhiều sự yêu mến của bà con làng xóm xung quanh trong đó, có chị Lê Thị Diễm Thuý. Chị là con gái lớn trong một gia đình nghèo đông con, không có điều kiện học lên cao nên chị ở nhà phụ giúp gia đình bằng nghề may vá. Là hàng xóm nên hai người khá thân nhau, chị thương anh đi lại khó khăn nên thường giúp anh gánh nước, nhặt rau… Đáp lại, anh thường giúp chị sửa chữa những món đồ gia dụng hỏng hóc như quạt máy, bóng điện, băng nhạc… đôi khi rảnh rỗi anh lại “chiêu đãi” chị những câu ca cổ ngọt ngào, những bài hát giao duyên trầm lắng. Thấy đôi trẻ quyến luyến nhau và cũng cảm mến cậu trai trẻ giàu nghị lực, ba của chị Thuý trong một buổi họp mặt gia đình đã đồng ý gả chị Thuý cho anh Thanh mà không đòi hỏi đám cưới hay lễ vật, chỉ cần anh hứa sẽ yêu thương chị suốt đời. Hai người nên vợ thành chồng từ đó.
Anh Thanh (ngoài cùng bên phải) nhận giải thưởng tại Chung kết Hội thi Tiếng hát người khuyết tật khu vực miền Nam năm 2014
Những năm tháng đầu tiên sống cùng nhau là những tháng ngày khó khăn khôn xiết, càng khó khăn hơn khi con trai Thái Yến Quân ra đời. Căn nhà lá lúc này cũng xuống cấp trầm trọng, chỗ nào rách thì che chắn bằng mũ nilon, những đêm mưa vợ chồng anh chỉ biết ngồi thức suốt đêm để che nước dột cho con. Khó khăn là vậy nhưng vợ chồng anh Thanh luôn thương yêu, tôn trọng và động viên nhau để cùng cố gắng đạt được mục tiêu đặt ra: 5 năm sau phải có được căn nhà cấp bốn.
Nói là làm, vợ chồng anh đã làm tất cả những việc có thể làm trong khả năng của mình để vươn lên. Anh nhận viết thư thuê, viết và dàn dựng những tiểu phẩm cho các trường học, xã, phường, đoàn thanh niên, làm thơ, viết văn gởi các báo, tạp chí, đàn và hát phục vụ các đám tiệc…. Chị vừa trông con vừa nhận may thêu, gia công quần áo từ các xưởng, nhặt đậu phộng…. Bằng những cố gắng không ngừng nghỉ, mục tiêu 5 năm của anh chị đã hoàn thành trong niềm hạnh phúc ngập tràn.
ổn định về chỗ ở, ngoài công việc tại đài truyền thanh phường, vợ chồng anh Thanh vay mượn thuê đất và đầu tư cho sản xuất với mô hình nuôi dế, nuôi cá tra giống và trồng ớt. Mô hình này ngày càng phát triển và giúp cho gia đình anh từng bước ổn định về kinh tế vươn lên thoát nghèo. Năm 2011, anh Thanh được tỉnh đoàn An Giang tặng danh hiệu “Thanh niên sống đẹp”, năm 2012 mô hình nuôi dế của anh được giới thiệu trên báo An Giang và anh đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp phường, năm 2013 anh được Đài truyền hình An Giang quay phóng sự chuyên mục “Gương sáng quanh ta”. Chị Thuý cũng nhiệt tình tham gia công tác hội phụ nữ khóm và nhận được nhiều giấy khen.
Con trai cả Thái Yến Quân của anh chị hiện đã là một quân nhân, công tác tại Văn phòng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh An Giang, cô con gái Thái Yến Vy đang học lớp 8, luôn là cô học trò chăm ngoan, giỏi giang. Tháng 10 vừa qua, anh chị vinh dự là một trong 30 cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu của cả nước được chọn tham dự chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” do Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp tổ chức. Thông qua chương trình, tấm gương nghị lực vượt khó vươn lên của anh, sự gây dựng, vun đắp hạnh phúc gia đình của anh chị đã được nhiều người biết đến và trở thành động lực, nguồn cảm hứng cho nhiều người, nhiều gia đình trong cộng đồng xã hội.
Tin mới
- Tấm lòng “hành đạo” của vị trụ trì - 13/04/2018 07:45
- Bài học từ nghị lực tuyệt vời và trái tim nhân hậu - 30/03/2018 03:06
- Nghị lực vượt khó của cô học trò nghèo khuyết tật - 20/03/2018 07:17
- Marla Runyan – vận động viên khiếm thị đầu tiên dự Olympic - 07/03/2018 08:43
- Hành trình trở thành bác sĩ của cậu bé bán hủ tiếu gõ - 27/02/2018 03:32
Các tin khác
- Vua đầu bếp: Martin Yan với ẩm thực và lòng nhân ái - 13/02/2018 02:05
- Nữ Tiến sĩ 'Nano' 10 năm nghiên cứu sản phẩm cho bệnh nhân ung thư - 18/01/2018 03:45
- Người cựu chiến binh hết lòng vì người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam - 16/01/2018 07:05
- Giấc mơ đến giảng đường Đại học của cô bé mồ côi - 14/12/2017 08:03
- Nghị lực của chàng sinh viên khuyết tật - 14/12/2017 07:59