Sau vụ nổ bom định mệnh hơn 15 năm trước, thân thể của anh Hồ Văn Lai (27 tuổi, thị trấn Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị) không còn lành lặn.
Anh Hồ Văn Lai giới thiệu cho học sinh Trường THCS Trung Giang cách nhận diện các loại bom mìn để phòng tránh - Ảnh: Đoàn Nhạn |
Không khuất phục số phận, chàng trai ấy đã vượt qua mặc cảm bản thân, phấn đấu từ một nạn nhân bom mìn với thương tật 86% trở thành tuyên truyền viên phòng chống chính nó...
“Xin giới thiệu với các em, anh là Hồ Văn Lai, một nạn nhân của bom mìn, các em có muốn nghe câu chuyện của anh không?” - anh Lai mở đầu câu chuyện với các em nhỏ bằng chất giọng truyền cảm khiến căn phòng trưng bày khắc phục hậu quả bom mìn Quảng Trị trở nên yên lặng lạ thường. Sau đó mấy chục em học sinh đồng thanh hô “có”.
Lời chia sẻ từ trái tim
Anh Lai nở nụ cười tươi trên gương mặt nhăn nhúm còn hằn in dấu vết tai nạn. Giọng anh vang lên, khỏe khoắn và đầy tự tin: “Anh từng là nạn nhân của bom mìn vì thiếu hiểu biết, vậy nên hôm nay anh có mặt ở đây để muốn chúng ta không còn ai phải chịu hậu quả như anh nữa”.
Chàng thanh niên đưa bàn tay trái còn bốn ngón tay vén chiếc ống quần rộng lên sát đầu gối để lộ đôi chân giả và nói: “Đây, đôi chân này và cả cánh tay phải của anh đã không còn nữa. Cũng bởi tính hiếu kỳ và thiếu hiểu biết mà chính anh đã tự làm hại mình”.
Nheo đôi mắt không còn nguyên vẹn, Lai kể cho các em nhỏ giây phút định mệnh của mình. Đó là một sáng tháng 6-2000 khi đang cùng chơi với ba người em họ ở gần nhà, Lai nhìn thấy mấy quả bom bi nằm trên bãi cát. Tính hiếu kỳ, anh nhặt lên đập ra xem có gì bên trong nhưng không may quả bom phát nổ.
Mấy ngày sau tỉnh dậy trong bệnh viện với mùi máu khắp cơ thể, anh nhận ra mình mất đôi chân, cánh tay phải, tay trái và đôi mắt cũng bị tổn thương nặng. Vụ nổ cũng giết chết hai người em họ của Lai. Trong tâm trí của đứa trẻ lên 10 khi ấy, Lai đã thấy hối hận và ám ảnh mỗi khi nhớ lại hành động dại dột của mình.
Sau tai nạn ấy tưởng như mọi thứ đã khép lại với Lai, nhưng không, hai năm sau anh vượt lên nỗi đau để tiếp tục theo đuổi việc học tại một trường khuyết tật. Học xong THPT, Lai thi đậu ngành công nghệ thông tin ĐH Bách khoa Đà Nẵng.
Để không còn tiếng bom
Sau ngày rời giảng đường đại học, Lai tình nguyện gia nhập nhóm tuyên truyền tác hại bom mìn có tên Người vận động. Sáu thành viên trong nhóm là nạn nhân trực tiếp và người thân của nạn nhân bom mìn hợp lại với mục đích đẩy lùi hiểm họa bom mìn trên quê hương.
Anh nói rằng việc đứng trước đám đông để tuyên truyền về bom mìn khiến cuộc sống mình có ý nghĩa hơn, anh cảm thấy vui và hạnh phúc vì điều đó.
“Ngày đầu đứng trước đám đông dù đã chuẩn bị thật kỹ nhưng giọng mình run lắm, cuống đến quên mất cần phải nói gì. Những tưởng các em sẽ bật cười nhưng ngược lại ánh mắt các em đầy trìu mến động viên mình, nhờ vậy mà mình lấy lại bình tĩnh. Bây giờ những buổi tuyên truyền đã trở thành buổi nói chuyện thân mật và tự nhiên rồi” - Lai tâm sự.
Anh Nguyễn Thanh Phú, quản lý dự án Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh - Renew, người luôn đồng hành cùng các thành viên trong nhóm Người vận động, nói: “Lai là một trong số những tình nguyện viên tích cực của nhóm. Anh không chỉ tuyên truyền về hiểm họa bom mìn mà còn truyền lửa cho thế hệ trẻ với nhiều bài học được anh chia sẻ bằng chính tấm lòng của mình.
Để những hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn trên cả nước có hiệu quả, rất cần những tình nguyện viên hết mình như Lai”.
Nhóm “Người vận động” được thành lập năm 2012 nhằm kết nối những nạn nhân bom mìn trong tỉnh Quảng Trị để tuyên truyền, khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Nhóm này đã đi khắp mọi nơi trong tỉnh Quảng Trị, tổ chức các buổi tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn.
Đại diện nhóm là ông Phạm Quý Thí, từng có mặt ở nhiều nước trên thế giới để vận động mọi người ngừng sản xuất, buôn bán tàng trữ và sử dụng bom mìn, vật liệu nổ.
Nguồn: tuoitre.vn