Tuổi thơ buồn khó, lại sớm mồ côi bố mẹ nhưng cả hai sinh viên Lê Thanh Truyền (huyện Đức Phổ - tỉnh Quảng Ngãi) và Bùi Ngọc ánh (huyện Tân Kỳ - tỉnh Nghệ An) đã không ngừng vượt khó, nỗ lực học tập để sớm trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Dẫu biết rằng con đường tương lai còn nhiều chông gai, Truyền và ánh vẫn không nguôi ý chí chinh phục ước mơ trở thành bác sĩ.
Ước mơ không bao giờ tắt
Sinh ra ở miền quê nghèo, tuổi thơ của cậu sinh viên Lê Thanh Truyền in đậm bao kỷ niệm về những buổi tới trường cùng bè bạn bên cánh đồng lúa vàng óng, nương ngô xanh mướt và được quây quần bên mâm cơm đạm bạc cùng bố mẹ, em trai nhưng hạnh phúc biết mấy.
Những kỷ niệm đó giờ chỉ còn là ký ức trong cậu sinh viên mồ côi, bởi Truyền đã sớm thiếu vắng vòng tay chở che ấm áp của mẹ khi mới 12 tuổi. Không còn mẹ, Truyền thương bố nhiều hơn. Thấy bố vừa phải lam lũ, tảo tần kiếm sống, vừa phải thay mẹ chăm sóc, bù đắp tình cảm cho các con nên Truyền luôn tự nhắc mình phải siêng năng học tập và đỡ đần việc nhà để mang lại niềm vui, xua bớt mệt nhọc cho bố. Niềm hạnh phúc ít ỏi còn lại khi có bố làm chỗ dựa sẽ là điểm tựa vững chắc để Truyền yên tâm tới lớp, nhưng khi đang là cậu học sinh lớp 10, bố của Truyền đã vĩnh viễn rời xa gia đình về thế giới bên kia do mắc bệnh hiểm nghèo.
Sinh viên mồ côi Thanh Truyền hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện
Nỗi đau mất bố trong tâm khảm của Truyền nhân lên gấp bội khi cậu em trai do không chịu nổi cú sốc mất đi người thân đã mắc bệnh trầm cảm. Trước những buồn thương, khó khăn chất chồng, Truyền đã không cho phép mình gục ngã, ý chí vượt khó trong cậu học trò mồ côi trỗi dậy, miệt mài học tập để sớm có cơ hội lập nghiệp, tự lập cuộc sống và chăm sóc em trai thay bố mẹ.
Không còn bậc sinh thành chăm lo, che chở, họ hàng cũng đều nghèo nên không thể cậy nhờ, Truyền vừa phải đi học, vừa tìm việc làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống của hai anh em. Không quản ngại vất vả, Truyền nhận làm đủ mọi việc từ gia sư đến phục vụ quán ăn, bán hàng thuê…, tuy vậy nhưng Truyền vẫn không sao nhãng việc học. Sau những cố gắng không ngừng để chinh phục ước mơ, Truyền đã đạt được số điểm khá cao trong kỳ thi THPT Quốc gia, ghi tên mình vào danh sách những sinh viên đỗ nguyện vọng 1 trường Đại học Y - Dược thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù thời gian đến giảng đường, rồi đi làm thêm đã choán gần hết thời gian của cậu sinh viên mồ côi, Truyền vẫn tự sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động tình nguyện. Luôn sẵn sàng xung phong hiến máu cứu người trong những dịp Đoàn trường phát động, Truyền cũng không quản ngại vất vả cùng các bạn tìm đến những miền quê nghèo khó vào dịp nghỉ hè để hỗ trợ, giúp đỡ bà con sửa chữa nhà dột nát, dạy chữ cho học sinh mồ côi nghèo, khuyết tật vùng sâu, vùng xa hay tổ chức các chương trình văn nghệ gây quỹ từ thiện, khám bệnh miễn phí…
Với những nỗ lực vượt mọi thử thách trong cuộc sống, học tập, Truyền tin rằng sẽ sớm chạm đến được ước mơ là một bác sỹ giỏi để cứu chữa cho người bệnh và thông qua những việc làm của mình trong những hoạt động xã hội thiện nguyện ấy, cậu sinh viên mồ côi hy vọng sẽ truyền đi sức trẻ và nhân lên những hành động đẹp trong cộng đồng.
Nỗ lực học tập để thoát nghèo
Cùng có chung hoàn cảnh như Lê Thanh Truyền, nữ sinh mồ côi Bùi Ngọc ánh cũng có một tuổi thơ thấm đẫm nỗi buồn thương. Được sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ ánh không có công việc ổn định nên đời sống thiếu thốn mọi bề. Tuy cuộc sống cơ hàn nhưng căn nhà nhỏ đơn sơ của gia đình ánh luôn ngập tràn hạnh phúc, tiếng cười.
Những tháng năm hạnh phúc quây quần bên người thân chẳng được là bao. Năm ánh đang theo học lớp 5, cậu em trai chưa đầy 4 tuổi thì mẹ ánh đã không may qua đời sau một tai nạn giao thông. Sau ngày không còn mẹ, cô nữ sinh mồ côi buồn lắm, từ một học trò giỏi, ánh trở nên học hành sa sút khiến bố phải lo lắng nhiều hơn.
Truyền nở nụ cười rạng rỡ khi được Bí thư Đoàn TNCS trường Đại học Y - Dược TPHCM tặng Giấy khen
Càng lớn, ánh càng hiểu hơn nỗi cơ cực, khó nhọc của bố khi phải sống cảnh gà trống nuôi con nên cô nữ sinh mồ côi quyết tâm lấy lại phong độ học tập như trước. Ngoài thời gian đến lớp, ánh tranh thủ mọi lúc, mọi nơi ôn bài, bổ sung kiến thức hổng và tìm hiểu kiến thức mới để bắt kịp tiến độ học tập. Với sự chuyên cần, hăng say học tập, trong suốt 3 năm theo học trường THPT Tân Kỳ, cô nữ sinh mồ côi đều lọt vào top 5 học sinh giỏi của trường.
Không chỉ được bạn bè, thầy cô nhớ đến bởi thành tích học tập giỏi, nhiệt tình, hoà đồng, ánh còn được mọi người biết đến bởi kết quả đáng nể đã giành được trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016 với số điểm đều đạt trên 27 điểm ở cả hai khối thi A và B. Cô nữ sinh mồ côi cũng là thí sinh có điểm thi cao nhất khối B trong số những học sinh của huyện miền núi Tân Kỳ.
Đạt được những kết quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia, ánh chia sẻ rằng ngoài sự chuyên cần, say mê học tập kiến thức trong sách giáo khoa thì cần phải chăm chỉ lắng nghe thầy cô giảng bài, tìm hiểu và ôn tập thêm các bài tập ở sách nâng cao. Bên cạnh thành quả cao trong kỳ thi THPT Quốc gia, ánh còn đạt số điểm khá bất ngờ là 103/140 điểm trong đợt thi đánh giá năng lực của trường Đại học Quốc gia Hà Nội tại cụm thi Đại học Vinh. Chính kết quả này đã giúp cho nữ sinh mồ côi nhận được “tấm vé” vào khoa Dược.
Không chỉ là một cán bộ Đoàn nhiệt huyết, năng động, Ngọc ánh còn là người chị gái gương mẫu, sẵn lòng hướng dẫn em trai học tập tiến bộ
Theo học ngành dược cũng là một cơ hội tốt cho tương lai của cô nữ sinh mồ côi nhưng ánh vẫn quyết định nộp hồ sơ theo học trường Đại học Y - Dược Huế để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ giỏi và đưa gia đình thoát nghèo.
Vừa trở thành sinh viên ngành Y được mấy tháng, nhưng ánh đã sớm bắt nhịp với môi trường học tập mới. ánh cũng là một cán bộ lớp khá năng nổ, nhiệt huyết trong các hoạt động phong trào đoàn hội, chịu khó đưa ra các phương pháp học tập hiệu quả nhằm giúp đỡ các bạn học yếu cùng tiến bộ. Và thông qua các chương trình do ánh tự đứng ra tổ chức trong các giờ học ngoại khoá, hội thi Đố vui để học, nhiều sinh viên của trường đã tự tin, mạnh dạn thay đổi phương pháp học tập, mang lại kết quả cao hơn.
Những cố gắng trong cuộc sống, học tập cũng như là một nữ sinh năng động, hoạt bát, một cán bộ đoàn nhiệt huyết, Bùi Ngọc ánh vinh dự được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trường Đại học Y - Dược Huế cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, một phần thưởng xứng đáng với những nỗ lực của cô nữ sinh mồ côi.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Nữ sinh bị cưa chân đoạt Huy chương Bạc Olympic Địa lý - 09/03/2017 03:44
- Chuyện tình cảm động của 'Hòa bỏng' và bạn đời xinh đẹp - 07/03/2017 07:56
- Chàng trai khuyết tật và hành trình làm giàu từ nông nghiệp - 03/03/2017 03:33
- Hành trình của cậu học trò quê lúa tới đại học danh tiếng Mỹ - 21/02/2017 03:40
- Tự tin mở cánh cửa tương lai - 16/02/2017 04:33
Các tin khác
- Ngồi xe lăn, sửa máy tính, bán vé số mưu sinh - 07/02/2017 08:01
- Người phụ nữ khuyết tật và hành trình ươm mầm trái ngọt - 16/01/2017 06:35
- Vượt lên số phận bằng niềm hăng say lao động - 04/01/2017 04:05
- “Người mẹ” góp nhặt yêu thương - 04/01/2017 03:49
- Những tấm gương nghị lực toả sáng học đường - 22/12/2016 03:52