Thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020, với chức năng của tổ chức Hội đặc thù, thời gian qua, Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi tỉnh Thái Bình đã rất nỗ lực trong công tác chăm sóc, bảo trợ người khuyết tật trẻ mồ côi và đạt được những kết quả tích cực. Trong đó, quan tâm, đáp ứng nhu cầu văn hóa, nghệ thuật của người khuyết tật luôn được tỉnh Hội chú trọng với những thành tích nổi bật. Phóng viên Tạp chí Người bảo trợ đã có cuộc phỏng vấn ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch tỉnh Hội Thái Bình về hoạt động này.
Phóng viên: Thưa ông, Thái Bình không chỉ được biết đến là quê hương năm tấn đầu tiên của cả nước mà còn là cái nôi của nghệ thuật chèo, của các phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng. Vốn văn hóa này đã được tỉnh Hội phát huy như thế nào trong công tác bảo trợ, chăm sóc người khuyết tật, trẻ mồ côi?
Ông Mai Xuân Trường: Văn hóa văn nghệ là món ăn tinh thần không thể thiếu của tất cả mọi người nói chung, với người khuyết tật lại càng có ý nghĩa, tác động về nhiều mặt. Tại Thái Bình, với hơn 124.000 người khuyết tật, trẻ mồ côi, bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, quan tâm đến lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của nhóm đối tượng này luôn được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Bình xác định là một nhiệm vụ quan trọng của Hội.
Trong những năm qua, tỉnh Hội đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức được nhiều hoạt động có ý nghĩa, trong đó có 3 lần Hội diễn văn nghệ người khuyết tật quy mô toàn tỉnh. Mỗi lần có sự tham gia của trên 200 diễn viên, nhạc công người khuyết tật với hàng chục tiết mục thuộc nhiều thể loại khác nhau. Cùng với đó, hoạt động để lại nhiều dư âm là cuộc thi thơ dành cho người khuyết tật với chủ đề “Một thế giới – Một tâm hồn” đã cho ra mắt tập thơ với tựa đề “Nguồn sáng trong tim”.
Phóng viên: Năm 2014, lần đầu tiên Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Hội thi tiếng hát người khuyết tật quy mô toàn quốc; người khuyết tật tỉnh Thái Bình đã hưởng ứng hội thi này như thế nào, thưa ông?
Ông Mai Xuân Trường: Cái vốn văn hóa văn nghệ của người khuyết tật tỉnh Thái Bình đã có từ lâu, đặc biệt được bồi dưỡng thông qua các kỳ Hội diễn văn nghệ toàn tỉnh, nên khi được tác động bởi chương trình của Trung ương Hội, cộng đồng người khuyết tật trong tỉnh đã rất phấn khởi và nhiệt tình hưởng ứng. Qua tuyển chọn, tỉnh Hội đã tập hợp được 15 diễn viên (3 nam, 12 nữ) thuộc nhiều dạng tật khác nhau cùng luyện tập và trình diễn.
Thái Bình là đất chèo, nên khi dàn dựng các tiết mục dự thi, chúng tôi đã quyết định sử dụng chất liệu chèo làm nội dung chính cho các tiết mục tự biên, tự diễn. Tại hội thi, các tiết mục của đoàn được đánh giá cao, được vào chung kết toàn quốc, trong đó, làn điệu chèo “Khúc hát giao duyên” gây ấn tượng mạnh mẽ hơn cả. Bởi lời bài hát chính là bài tổng kết hoạt động của tỉnh Hội, đồng thời thể hiện tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng trong tỉnh. Dù không giành được giải cao nhất tại hội thi nhưng những giá trị tinh thần mà các diễn viên người khuyết tật nhận được còn có ý nghĩa hơn nhiều.
Sau hội thi, tỉnh Hội đã cho thu và in 70 CD các bài hát của đoàn và tặng cho lãnh đạo Trung ương Hội và các ban ngành địa phương. Hoạt động này cũng chính là một trong các hình thức tuyên truyền về hoạt động Hội, về những đóng góp của Hội cho phong trào văn hóa nghệ thuật trong tỉnh.
Tiết mục chèo “Khúc hát giao duyên” của người khuyết tật tỉnh Thái Bình
Phóng viên: Theo ông, những cuộc giao lưu, hội diễn như vậy có ý nghĩa như thế nào đến người khuyết tật?
Ông Mai Xuân Trường: Người khuyết tật họ ít có cơ hội được ra ngoài, giao lưu, học hỏi, những dịp như vậy sẽ tạo điều kiện để họ gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kết bạn cùng nhau. Qua mỗi lần tham gia, người khuyết tật Thái Bình biết đến truyền thống văn nghệ của các địa phương khác đồng thời quảng bá hình ảnh, văn hóa của quê hương Thái Bình với các tỉnh bạn.
Phóng viên: Những kết quả đạt được tại hội thi tiếng hát người khuyết tật đã được tỉnh Hội phát huy như thế nào trong việc xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ của người khuyết tật tại địa phương, thưa ông?
Ông Mai Xuân Trường: Sau hội thi, tỉnh Hội đã hình thành đội văn nghệ gồm khoảng 15 -20 diễn viên người khuyết tật (lực lượng nòng cốt là các thanh niên khuyết tật đến từ khắp các quận, huyện trong toàn tỉnh). Đây là hạt nhân phong trào văn nghệ của người khuyết tật, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn tại các chương trình hội nghị trong tỉnh. Mới đây, đội văn nghệ người khuyết tật này cũng đã có chương trình giao lưu với Hội Doanh nghiệp nữ tỉnh Thái Bình, Trường dạy nghề 19 Bộ Quốc phòng đóng tại Thái Bình và tổ dân phố 31, phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân địa phương, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi và hòa nhập.
Để tạo điều kiện cho đội văn nghệ tham gia được nhiều hoạt động hơn nữa, hiện nay tỉnh Hội đang vận động tài trợ trang phục biểu diễn và đào tạo chuyên sâu hơn cho lực lượng này. Riêng bà Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Vũ Thư đã đăng ký dạy múa miễn phí cho các diễn viên khuyết tật trong thời gian 1 tháng.
Từ nay đến cuối năm 2015, tỉnh Hội đang lên kế hoạch tổ chức Hội nghị biểu dương người khuyết tật tiêu biểu trong sản xuất kinh doanh giai đoạn 2010-2015; Chương trình Gói bánh chưng xanh cùng người khuyết tật đón tết Bính Thân do tỉnh Hội phối hợp với Đài PTTH tỉnh, Hội Doanh nhân nữ tỉnh Thái Bình tổ chức. Đội văn nghệ người khuyết tật tỉnh Thái Bình sẽ là lực lượng nòng cốt phục vụ cho các đại biểu tham dự các chương trình này.
Phóng viên: Để chăm lo đời sống cho người khuyết tật, trẻ mồ côi nói chung, đời sống tinh thần nói riêng, ngoài sự nỗ lực của tỉnh Hội, theo ông cần thêm những yếu tố nào?
Ông Mai Xuân Trường: Chăm lo cho người khuyết tật, trẻ mồ côi không chỉ là trách nhiệm của riêng Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi mà cần sự chung tay của toàn xã hội. Riêng tại Thái Bình, không chỉ các tổ chức, doanh nghiệp quan tâm, ủng hộ Hội trong việc bảo trợ đối tượng mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh cũng như ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo sát sao trên tất cả các lĩnh vực. Các hoạt động nhỏ, tỉnh Hội có thể tự lo kinh phí, các hoạt động lớn đều được tỉnh hỗ trợ đúng yêu cầu, thường xuyên có mặt động viên, khích lệ..
Có thể nói, hoạt động văn hóa văn nghệ không chỉ tác động đến cộng đồng người khuyết tật, giúp họ tự tin hơn, có cơ hội giao lưu với người khuyết tật tại các tỉnh thành khác, thưởng thức nghệ thuật, xóa đi ranh giới giữa người bình thường và người khuyết tật. Vì vậy, việc đảm bảo cho đối tượng này được tham gia đầy đủ, đáp ứng nhu cầu giải trí, tinh thần cũng là một hoạt động thiết thực đảm bảo quyền của người khuyết tật.
Phóng viên : Xin chân thành cảm ơn ông!
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- Trung Ương Hội: Tiếp nhận ủng hộ 800 triệu đồng từ Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam - 30/07/2015 03:40
- Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi: Xây dựng nội dung hỗ trợ phù hợp với nguồn lực, nhu cầu - 23/07/2015 05:02
- Phối hợp đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề - 29/06/2015 02:50
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam : Triển khai công tác dạy nghề cho người khuyết tật năm 2015 - 29/06/2015 02:18
- Trung ương Hội: Tập huấn và trao 550 xe lăn cho người khuyết tật - 26/06/2015 03:45
Các tin khác
- Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2015 – “Lắng nghe trẻ em nói” - 02/06/2015 06:10
- Lãnh đạo Trung Ương Hội chúc mừng Giáo hội Phật mùa Phật đản 2015 - 28/05/2015 10:05
- Nữ cán bộ Hội tâm huyết giúp người đồng cảnh - 22/05/2015 07:16
- Tỉnh Hội An Giang: Xây mới, sửa chữa 70 nhà tình thương - 22/05/2015 03:34
- Tỉnh Hội bắc Kạn: Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi, người bảo trợ tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn lần thứ nhất 2015 - 22/05/2015 02:31