Thứ năm, 03 Tháng 11 2016 10:26

Thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, góp phần thay đổi cuộc sống cho người khuyết tật ở nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật tại cộng đồng của Hội được xã hội đánh giá cao. Phát huy những hiệu quả mang tính bền vững của hoạt động này, được sự tài trợ của tổ chức GSG (Hoa Kỳ) Hội đã xây dựng và triển khai Dự án ‘‘Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật‘‘ tại 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Sau 2 năm triển khai thực hiện, Dự án đã phát huy kết quả, đem lại cuộc sống tự tin, tự lập cho gần 100 người khuyết tật.

Chọn lựa cơ sở dạy nghề

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 6,7 triệu NKT, chiếm 7,8% dân số. Có trên 60% NKT trong độ tuổi lao động và trong đó có khoảng 40% còn khả năng lao động có nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm. Việc làm đối với NKT không chỉ là nhu cầu mà còn là cơ sở, là điều kiện để họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, sống tự tin và tự lập, số có bằng cấp, chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%.

Từ thực tế nhu cầu đó của NKT, trong thời gian qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình hiệu quả, tích cực hỗ trợ cho NKT, TMC vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, sau khi Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 được phê duyệt, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT luôn được Hội quan tâm hàng đầu. Theo đó, ngoài tổ chức đào tạo nghề theo nguồn kinh phí Nhà nước giao, Hội còn tích cực, chủ động huy động nhiều nguồn lực khác tham gia dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, trong đó có nguồn từ các tổ chức nước ngoài.

T16

Lãnh đạo Trung ương Hội và thành Hội Đà Nẵng kiểm tra lớp dạy nghề làm bánh cho người câm điếc

 

Do đặc thù riêng của NKT nên để công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm có hiệu quả, theo chỉ đạo của Trung ương Hội: việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT không thể tiến hành theo một chương trình, giáo trình cụ thể mà phải vận dụng linh hoạt trong tất cả các khâu từ tuyển sinh, thời gian học, phương pháp học cầm tay chỉ việc đến vấn đề giải quyết việc làm cho học viên sau quá trình học nghề. Trên cơ sở đó, Hội đã chọn và hợp đồng trực tiếp với các đơn vị đào tạo nghề và yêu cầu các đơn vị này cam kết về hiệu quả, chất lượng đào tạo nghề cũng như việc giải quyết việc làm cho học viên. Đồng thời, suốt trong quá trình thực hiện Dự án, Hội luôn kịp thời hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các cam kết theo hợp đồng và bảo đảm các cam kết của Hội trong việc thực hiện Dự án.

Năm 2015, được sự tài trợ của tổ chức GSG (Hoa Kỳ), với kinh phí 50.000 USD (tương đương hơn 1 tỷ Việt Nam đồng), Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã xây dựng Dự án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT tại thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tại Hà Nội, Hội phối hợp với HTX Sơn khảm Ngọ Hạ, huyện Phú Xuyên tổ chức 01 lớp đào tạo nghề mộc khảm trai cho 15 học viên.

Tại Đà Nẵng, Hội phối hợp cùng Trung tâm Hướng nghiệp và dạy nghề thành phố Đà Nẵng triển khai 5 lớp đào tạo nghề cho 34 học viên các nghề: chế biến hương, in thủ công, chế biến thực phẩm, may và thêu thủ công. Và tại Thừa Thiên - Huế, Hội phối hợp cùng Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho NKT tỉnh Thừa Thiên - Huế mở 3 lớp đào tạo nghề cho 40 học viên các nghề: may công nghiệp, mộc mỹ nghệ và thêu ren truyền thống. Đây đều là những đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc đào tạo nghề cho NKT, đồng thời cũng đã có các mối liên kết với các cơ sở tạo việc làm cho NKT, do đó có thể đảm bảo số học viên sau học nghề có việc làm.

T17 Da Nang11

Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Trung ương Hội và lãnh đạo tỉnh Hội Thừa Thiên - Huế

trao quà cho các học viên khuyết tật tại lễ bế giảng lớp học.

Nâng cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo nghề         

     

Nâng cao trách nhiệm của cơ sở đào tạo nghề là một trong những yêu cầu được Trung ương Hội đặt ra. Trung ương Hội đã định hướng việc tổ chức triển khai đào tạo nghề cho NKT tại các cơ sở, tùy tính chất của từng ngành nghề mà các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình học phù hợp, đáp ứng yêu cầu của công việc sau dạy nghề. Ví dụ như nghề chế biến thực phẩm thời gian đào tạo là 4 tháng, trong khi nghề may cần tới 6 tháng để học viên có thể làm được nghề, thời gian đào tạo với nghề thêu thủ công lại là 5 tháng. Quy mô của các lớp học cũng có sự khác biệt, có lớp 10 - 20 học viên (may công nghiệp, mộc khảm trai, làm hương.. ) nhưng cũng có lớp chỉ tuyển 5 - 6 học viên (in thủ công, thêu truyền thống ...).

Xác định việc đào tạo nghề cho NKT là đối tượng đặc biệt, vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận Dự án của Trung ương Hội, Trung tâm Hướng nghiệp - dạy nghề thuộc thành Hội Đà Nẵng đã phối hợp liên kết với các các cơ sở đào tạo nghề và các cơ sở sản xuất có điều kiện để tạo việc làm và có thu nhập cho NKT sau khi học nghề. Các khâu tuyển sinh, chọn lựa học viên được tiến hành khẩn trương, theo các tiêu chí cụ thể về thời gian, địa bàn (chọn tại Đà Nẵng, Quảng Nam), đối tượng (là NKT còn khả năng lao động…). Giảng viên dạy nghề là những người có kinh nghiệm lâu năm trong việc dạy nghề cho NKT, giáo trình và chương trình học được biên tập cho phù hợp với từng lớp học và thời gian đào tạo.

Sau đào tạo, số học viên có việc làm đạt 89,65%. Các cơ sở sản xuất này còn ở quy mô nhỏ, đáp ứng được một phần nhu cầu khả năng làm việc của NKTđược đào tạo trong thời gian ngắn, sản phẩm sản xuất tiêu thụ với giá thành thấp, thu nhập cho NKT sau khóa học bước đầu đạt khoảng từ 1.500.000 đồng - 2.500.000 đồng/người/tháng.

Tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho NKT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hầu hết học viên sau khi tốt nghiệp cũng được các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp nhận vào làm việc. Đối với những học viên do mức độ tật ảnh hưởng đến việc tiếp thu nên tay nghề còn yếu, chưa có việc làm thì Trung tâm bồi dưỡng thêm đến khi các em đạt trình độ tay nghề để các cơ sở nhận vào làm việc.

De an day nghe 2

Lãnh đạo TW Hội và thành Hội Hà Nội kiểm tra chất lượng sản phẩm của các học viên tại HTX Sơn KhảmNgọ Hạ (Phúc Xuyên)

 

Còn tại HTX Sơn khảm Ngọ Hạ, Phú Xuyên, với kinh nghiệm hơn 20 năm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT và lao động nông thôn, đội ngũ cán bộ tại Trung tâm đã giúp cho 15 học viên của lớp học có được trình độ cơ bản đê có thể hành nghề. Theo bà Nguyễn Thị Vui, Giám đốc HTX: “Dù cơ thể mang khiếm khuyết nhưng nhiều em vẫn có khả năng học nghề và làm nghề tốt. Chúng tôi không chỉ truyền nghề mà còn dạy các em cả kỹ năng sống, cách làm người; giúp các em tự lập hơn trong cuộc sống. Có việc làm dù thu nhập thấp nhưng giúp họ nhận thấy mình vẫn còn có ích, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội“. Các học viên của lớp đào tạo nghề mộc khảm trai tại HTX sau khi tốt nghiệp đều đã có việc làm, 13 em đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, còn 2 em vừa bồi dưỡng tay nghề vừa làm việc tại cơ sở với mức lương từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng (được nuôi ăn ở).

Có thể nói, sự chỉ đạo sát sao của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng với tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm của các đơn vị đào tạo nghề đã giúp cho Dự án đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho NKT theo nguồn kinh phí hỗ trợ của tổ chức GSG đã phát huy hiệu quả tích cực. Qua kiểm tra, đánh giá, tỷ lệ học viên tốt nghiệp khóa học có việc làm đạt từ 80 - 90%. Những học viên chưa đạt yêu cầu đều được các cơ sở tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo thêm, đảm bảo các em đều làm được nghề và có thu nhập.

90 NKT được học nghề, tạo việc làm theo chương trình của GSG là con số chưa lớn, nhưng với sự chung tay, góp sức của các đơn vị tài trợ, các tấm lòng hảo tâm, tin tưởng rằng sẽ ngày càng có nhiều hơn nữa số người khuyết tật được đào tạo nghề và có việc làm, thu nhập. Từ đó, Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam đã góp phần tích cực tham gia thực hiện chỉ tiêu của Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, đồng thời hỗ trợ NKT tự lập, tự tin hòa nhập cuộc sống; khẳng định năng lực của bản thân.

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi