Thứ sáu, 04 Tháng 11 2016 11:04

Trong 5 năm từ 2011 - 2016, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Trà Vinh đã vượt qua những khó khăn về tình hình kinh tế, xã hội chung; tranh thủ vận dụng chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước có liên quan đến đối tượng, đồng thời đẩy mạnh công tác vận động ủng hộ Quỹ. Nhờ đó, hoạt động Hội đã hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu do Đại hội Đại biểu lần thứ III (nhiệm kỳ 2011 - 2016) của tỉnh Hội đề ra. Sau đây là một số kết quả chủ yếu:

 

Hoạt động thông tin, truyên truyền và văn hóa, thể thao

 

Hội xem đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo; nâng cao vị thế của đối tượng đồng thời động viên sự chung tay góp sức của toàn xã hội cùng với Nhà nước bảo trợ giúp đỡ, tạo cơ hội cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo vượt lên số phận, được sống, làm việc, học tập bình đẳng như những người bình thường khác.

 

Tra Vinh 211

Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu tỉnh Trà Vinh lần thứ 3

 

Các cấp Hội trong tỉnh đã tổ chức, nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền các văn bản pháp luật, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và địa phương gắn với việc triển khai và tổ chức thực hiện các lĩnh vực hoạt động theo Nghị quyết của Đại hội. Tỉnh Hội phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức đưa 18 đại biểu dự hội nghị Biểu dương NKT, TMC&NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ IV, V; 12 thí sinh Người khuyết tật dự thi tiếng hát Người khuyết tật lần thứ I năm 2014; tham gia Cuộc đi bộ “Vì một thế giới hòa nhập không rào cản cho người khuyết tật” năm 2014; tham gia Hội thao Người khuyết tật trong nước và quốc tế... Tỉnh Hội đã tổ chức Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu tỉnh Trà Vinh lần thứ III, IV; xây dựng phóng sự hoạt động Hội và giao lưu người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu của Trà Vinh; thực hiện 1.871 chuyên mục, mua 1.800 cuốn Tạp chí Người bảo trợ, 2.000 tờ báo Trà Vinh gởi các thành viên Ban Chấp hành tỉnh Hội, huyện, thành phố, thị xã, đơn vị tài trợ… Website của tỉnh Hội (www.travinh.gov.vn/wps/portal/hoibaotro) đã được xây dựng với sự hỗ trợ của Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Trà Vinh phát huy hiệu quả tốt, đã có trên 2.800 lượt người truy cập.

 

Hoạt động bảo trợ có hiệu quả và bền vững

 

Nhờ sự tích cực đẩy mạnh vận động Quỹ, trong 5 năm qua, tỉnh Hội đã được các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong ngoài tỉnh và nước ngoài ủng hộ trên 77,5 tỷ đồng, vượt hơn 295% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội III đề ra. Nguồn Quỹ này đã được tỉnh Hội tổ chức các hoạt động một cách hiệu quả, trong đó tập trung và chú trọng cho các hoạt động bảo trợ, giúp đối tượng vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

 

Về hỗ trợ y tế, Hội đã tổ chức phẫu thuật tim cho người lớn và trẻ em với 348 ca (trị giá gần 22,8 tỷ đồng), vượt kế hoạch 139.2%; phối hợp xây dựng Chương trình địa chỉ nhân đạo do Đài Phát thanh - Truyền hình Trà Vinh phát sóng, thăm 277 bệnh nhân nghèo trong tỉnh, các đoàn gởi tặng hơn 7 tỷ đồng, vượt kế hoạch 110.8%; phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho 2.406 người, kinh phí hơn 3,3 tỷ đồng; trao tặng 1.636 xe lăn, xe lắc, xe bại não và 388 dụng cụ - trị giá trên 7,3 tỷ đồng; tổ chức đưa 81 người phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, kinh phí hơn 268 triệu đồng.

 

Tra Vinh 311

Người khuyết tật được hỗ trợ chăn nuôi bò

 

Đối với Chương trình hỗ trợ bệnh nhân nghèo, tỉnh Hội Trà Vinh đã tổ chức Tư vấn sức khỏe – cấp thuốc miễn phí cho 2.707 bệnh nhân nghèo (320 triệu đồng); hỗ trợ 14.028 bệnh nhân nghèo điều trị bệnh hiểm nghèo (trên 3,6 tỷ đồng); phối hợp khám bệnh – cấp thuốc miễn phí cho 21.133 bệnh nhân (trên 5, 6 tỷ đồng); trao tặng các thiết bị y tế cho ba Bệnh viện tuyến tỉnh, huyện trong tỉnh (trị giá trên 3,4 tỷ đồng).

 

Tỉnh Hội đã giải ngân cho gia đình 124 người khuyết tật, trẻ mồ côi vay vốn (số tiền trên 5 tỷ đồng); trao tặng 201 cây nước sạch theo chương trình hỗ trợ sinh kế, cải thiện sinh hoạt cho đối tượng ở xã xây dựng nông thôn mới; trao tặng 838 suất học bổng (gần 628 triệu đồng); 657 xe đạp (trị giá hơn 897 triệu đồng); tổ chức xây dựng cất 31 căn nhà (trên 760 triệu đồng). Hội đã tổ chức dạy nghề cho 664 NKT, TMC (kinh phí trên 2,3 tỷ đồng); thăm tặng quà 77.252 lượt người (trên 13 tỷ đồng)…

 

Bên cạnh những hoạt động trên, tỉnh Hội Trà Vinh còn tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách, phản biện xã hội; tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản như: Dự thảo Luật Người khuyết tật, Đề án Trợ giúp người khuyết tật; Dự thảo Luật Trẻ em; Luật Nhận con nuôi; các Quyết định, các qui định của UBND tỉnh… Hội cũng có những kiến nghị thực hiện chính sách về người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo như: vấn đề trợ cấp xã hội trẻ bại não, người mắc bệnh tâm thần mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc trong gia đình nghèo; những khó khăn trong thủ tục khai sinh, nhận nuôi con nuôi trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; việc chậm trễ trong triển khai thực hiện quy định của tỉnh về việc khám chữa bệnh cho hộ nghèo.

 

Công tác củng cố và phát triển tổ chức Hội cũng được quan tâm thực hiện với việc thành lập và Đại hội 5/9 huyện, thành phố, thị xã (huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Duyên Hải, TP. Trà Vinh), toàn tỉnh hiện có 1.327 hội viên. Trong hoạt động đối ngoại nhân dân, Hội chủ động tiếp xúc, tìm hiểu, trao đổi, tạo cơ hội làm việc và tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân ở nhiều nước như: Pháp, Australia, Hoa Kỳ, Đài Loan…, góp phần nâng cao nguồn Quỹ Hội để thực hiện các hoạt động bảo trợ đối tượng trên địa bàn.

 

Những bài học kinh nghiệm

 

Để đạt được những kết quả tích cực trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, tỉnh Hội rút ra những bài học sau:

 

Trước hết, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Trà Vinh đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, MTTQVN, có sự chủ động nghiên cứu, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương, tranh thủ sự chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp của Sở, Ban, ngành, đoàn thể có liên quan để xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể.

 

Thứ hai, việc chuyển phương thức hoạt động từ thiện sang trao quyền đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi và gia đình bệnh nhân nghèo là một quá trình. Vì thế, song song với việc giải quyết nhanh, kịp thời những khó khăn, nhu cầu bức xúc của đối tượng, Hội cũng đồng thời từng bước chuyển hướng hoạt động bằng việc xây dựng và tổ chức những chương trình trợ giúp trong đó phát huy việc trao quyền quyết định cho đối tượng, giúp họ có thêm tự tin, cơ hội tạo lập cuộc sống bền vững, hòa nhập vào sự phát triển xã hội. Hội luôn kết hợp chặc chẽ giữa việc phát huy tính nhân đạo, truyền thống nhân ái, văn hóa chia sẻ của dân tộc với kêu gọi trách nhiệm của cộng đồng, xã hội với người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo.

 

Tra Vinh1 11

Tặng xe lăn cho người khuyết tật

 

Thứ ba, những kết quả hoạt động bảo trợ của Hội luôn gắn bó chặt chẽ, thường xuyên với công tác thông tin, truyền thông. Các cấp Hội trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, đại chúng, truyền thông các nội dung nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo với nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng, trong đó Hội luôn coi trọng biện pháp thuyết phục, vận động bằng thực tiễn.

 

Thứ tư, cùng với việc nghiên cứu, xây dựng các mô hình thí điểm bảo trợ đối tượng, phải có sự đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm, đồng thời mở rộng mô hình trở thành chương trình hoạt động Hội.

 

Thứ năm, để có được thành công trong hoạt động Hội cần phải chăm lo sự đúc kết, cũng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ lãnh đạo Hội. Đặc biệt là vai trò của người đứng đầu Hội, cần quan tâm bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, các kỹ năng quản lý, truyền thông, tư vấn tổ chức thực hiện các hoạt động Hội; có lòng nhiệt tình, tâm huyết với hoạt động Hội, có khả năng mở rộng sự tham gia của cộng tác viên, tình nguyện viên.

 

Với những kết quả và kinh nghiệm có được trong 5 năm 2011 - 2016, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Trà Vinh đã góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn, cùng Nhà nước và xã hội chăm lo, giúp đỡ người yếu thế cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng, vững chắc để tỉnh Hội chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới với nhiều hoạt động tích cực và hiệu quả hơn, tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho công tác bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo trên địa bàn tỉnh và cả nước.

 

  

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi