Tại nơi sản xuất, người ta làm chân giò, đùi gà muối bằng nhiều cách rất bẩn. Nguy hiểm hơn, người ta bơm một thứ dung dịch gia vị để "dễ ngấm hơn".
Tại nơi sản xuất, người ta làm chân giò, đùi gà muối bằng nhiều cách rất bẩn, thậm chí không có ủng, găng tay bảo hộ, vệ sinh an toàn thực phẩm không được đảm bảo.
Xưởng sản xuất chân giò muối bẩn
Chân giò, đùi gà muối là món ăn được rất nhiều người yêu thích bởi vị ngầy ngậy, thơm ngon hấp dẫn của nó. Đặc biệt, đây là những món ăn được coi là cao cấp bởi nó thường xuất hiện trong các bữa tiệc sang trọng tại các nhà hàng. Thế nhưng, ít ai biết được rằng, để sản xuất ra những món ăn này, các cơ sở sản xuất thủ công đã áp dụng cho mình những chiêu thức chế biến ít tốn kém, mang lại nhiều lợi nhuận nhưng lại rất mất vệ sinh.
Trong vai một người nhập hàng đổ buôn, PV liên hệ với cơ sở làm giò chả,chân giò, đùi gà muối ở phường Yên Hòa (TP. Hà Nội) để mục sở thị quy trình sản xuất và chế biến món ăn cao cấp này. Vừa bước tới cổng vào xưởng sản xuất, một mùi hôi thối bốc lên, nhất là vào thời tiết nắng nóng, mùi càng khó ngửi và nồng nặc. Bên trong, những người công nhân đang lúi húi làm những công việc thường ngày.
Dưới nền đất, những thùng chân giò muối đã chế biến xong nhưng không hề được che đậy. Điều đặc biệt, những công nhân ở xưởng sản xuất và chế biến thực phẩm lại không hề có đồ bảo hộ lao động, không có găng tay chuyên dùng, ủng, khẩu trang..., tất cả đều mặc những bộ quần áo ở nhà xộc xệch.
Các thanh niên đang làm công việc quen thuộc đối với họ, đó là dùng bơm tiêm để tiêm một loại dung dịch đang đựng trong chậu nhựa vào những cái đùi gà sống có màu trắng phớ. Những người công nhân cho biết, dung dịch ấy chính là gia vị đã được pha trộn theo một công thức riêng mà chỉ có ông chủ mới được biết.
Sau khi ông chủ pha trộn xong sẽ được những công nhân bơm vào đùi gà, chân giò lợn. Mục đích của việc tiêm gia vị này, theo PV được biết, là để gia vị dễ ngấm và sản phẩm có mùi vị thơm ngon hơn.
Khi được hỏi về nguồn gốc, xuất xứ của thịt chân giò và đùi gà để làm chân giò, đùi gà muối, những công nhân ở đây khá dè dặt tiết lộ một số thông tin. Theo đó, thịt chân giò được khách hàng mang đến hoặc cơ sở tự tìm mua nếu có đơn hàng, còn thịt đùi gà chính là gà đông lạnh Hàn Quốc.
Tuy nhiên, khi PV hỏi về giấy tờ kiểm dịch của những loại thịt này, những người công nhân này ấp úng, không nói được gì. Họ chỉ biết nhập theo đơn hàng đã có sẵn rồi sản xuất, chế biến mà hoàn toàn không biết nguồn gốc, xuất xứ của những loại nguyên liệu được sử dụng.
Trên thị trường, mặt hàng chân giò muối, đùi gà muối được bán với giá khá cao, từ 170 – 190 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá mà cơ sở này đưa ra chỉ từ 120 – 130 nghìn đồng/kg. Để giải thích cho việc giảm giá này, chủ cơ sở đưa ra lý do là cắt giảm cho đại lý và giữ mối quan hệ. Không chỉ sản xuất chân giò, đùi gà muối, cơ sở này còn sản xuất cả giò, chả, chả cốm các loại.
Thế nhưng, tất cả các sản phẩm này đều được sản xuất trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Xưởng sản xuất chỉ là một xưởng nhỏ, không hề có khu cách ly nguyên liệu với thành phẩm, thậm chí, cống xả nước thải còn nằm ngay gần khu chế biến, bốc mùi khó chịu.
Nguy cơ bệnh tật?
Thông tư quy định về điều kiện chung đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được bộ Y tế đưa ra vào năm 2012 có nêu rõ: Các khu vực kho nguyên liệu, kho thành phẩm; khu vực sản xuất, sơ chế, chế biến; khu vực đóng gói sản phẩm; khu vực vệ sinh; khu thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan phải được thiết kế tách biệt.
Nguyên liệu, thành phẩm thực phẩm, vật liệu bao gói thực phẩm, phế thải phải được phân luồng riêng. Đường nội bộ phải được xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh; cống rãnh thoát nước thải phải được che kín và vệ sinh khai thông thường xuyên.
Những người công nhân không có đồ bảo hộ, dùng tay không để làm đùi gà muối.
Thế nhưng, cơ sở sản xuất này hầu như là một xưởng khép kín, tất cả đều được sản xuất một cách thủ công và không khoa học, không đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định của bộ Y tế. Không chỉ một mà rất nhiều xưởng sản xuất và chế biến thực phẩm thủ công trên địa bàn Hà Nội không hề có kho xưởng và bảo hộ lao động đúng theo luật định.
Nhưng điều đáng nói, những cơ sở này vẫn hoạt động một cách ngang nhiên mà không có sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Nếu có cũng chỉ là những cuộc "viếng thăm" bất ngờ cùng những hình phạt tạm thời chứ không dứt điểm.
Được biết, ngày 30/1/2013, phòng cảnh sát môi trường Công an TP. Hà Nội kết hợp với sở Y tế cùng chi cục ATVSTP TP. Hà Nội phát hiện cơ sở sản xuất, chế biến giò, chả, chân giò muối ở phường Yên Hòa. Đoàn thanh tra phát hiện các loại thức ăn và nguyên vật liệu bày la liệt khắp mọi nơi, thậm chí ngay cả trên cống nước xả thải.
Đặc biệt, khi lực lượng chức năng xét nghiệm nhanh đã phát hiện một số lượng lớn hàn the - chất được dùng trong sản xuất gốm sứ, thủy tinh có trong các sản phẩm giò, chả. Nhưng từ năm 2013 đến nay, cơ sở này vẫn hoạt động một cách bình thường và... vẫn "bẩn".
TS. Lâm Đức Hùng – Trưởng phòng Quản lý ngộ độc, cục ATVSTP (bộ Y tế) cho biết, hàn the được sử dụng trong công nghiệp, có khả năng tạo độ giòn, dai và bảo quản khỏi nấm mốc. Từ cuối thế kỷ XIX, hàn the đã đượcthế giới cảnh báo và cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm do độc tính của nó đối với sức khỏe.
"Khi ăn phải sản phẩm có hàn the, người dân sẽ bị ngộ độc mãn tính. Mức độ ngộ độc tùy theo lượng hàn the hấp thụ vào người. Người bị ngộ độc có biểu hiện mất cảm giác, ăn không thấy ngon, giảm cân, nôn, tiêu chảy, suy thận, da xanh xao, suy nhược không thể phục hồi", ông Hùng chia sẻ.
Theo thống kê mới nhất của cục An toàn thực phẩm, từ 17/12/2014 đến tháng 3/2015, toàn quốc đã xảy ra 13 vụ ngộ độc thực phẩm với 462 người mắc, 454 người phải nhập viện và 6 trường hợp tử vong. Chương trình mục tiêu quốc gia Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2015 đặt ra mục tiêu giảm 5% số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm 2014.
Để đạt được mục tiêu này, bộ Y tế đã giao cho các tỉnh, các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhau nhằm tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố.
Để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người thân, người tiêu dùng cần có sự lựa chọn thông thái đối với thực phẩm, nhất là những thực phẩm được chế biến sẵn. Cần cảnh giác trước những thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ, xem kỹ hạn sử dụng để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo Người đưa tin
Tin mới
- Đường trộn axit bán tràn lan gây hoại tử lục phủ ngũ tạng - 05/07/2015 04:27
- Thịt lợn chứa thuốc diệt chuột được bán hợp pháp tại Australia - 05/07/2015 02:22
- Nghi vấn xác bướm trong sữa gây hoang mang cho các bà mẹ - 04/07/2015 20:10
- Công nghệ đổi màu yến trắng thành yến huyết - 04/07/2015 17:22
- 13,5 tấn thịt bò Mỹ bị thu hồi vì vi khuẩn E. Coli - 04/07/2015 13:31
Các tin khác
- Thịt gà chảy nước 25.000 đồng khắp chợ Hà Nội - 04/07/2015 03:43
- Hãi hùng muối công nghiệp biến thành muối ăn - 03/07/2015 12:57
- Nguy cơ chết người từ gia vị giá rẻ - 03/07/2015 00:33
- Rùng mình với quy trình sản xuất nước “tinh khiết” Lạc Việt - 02/07/2015 09:26
- 'Hô biến' thịt heo đông lạnh thành thịt đà điểu, thịt nai - 01/07/2015 07:59