Thứ sáu, 03 Tháng 7 2015 07:33

Một số loại gia vị 'rẻ tiền" được người tiêu dùng mua về chế biến thức ăn, nhất là các loại thức ăn đường phố sẽ rất nguy hại cho sức khỏe.


Nếu như tương ớt giá rẻ được ngụy trang trong những chai tương ớt có thương hiệu, được dập nắp, niêm phong bằng chất liệu nilon thì các loại gia vị dạng bột, dạng gói hay viên lại "trần trụi" trong các túi nilon không nhãn mác.

 

Câu hỏi lớn về nguồn gốc sản phẩm có "độc tố"

 

Điệp khúc "nhà tự làm" không chỉ được quảng cáo đối với tương ớt, mà các loại gia vị khác cũng được gắn mắc "nhà tự làm". Mà nhà tự làm thì làm gì có nhãn mác, họ sản xuất thủ công, lại không đăng ký với cơ quan chức năng mà sản xuất một cách lén lút.

 

Tất nhiên, những sạp hàng có bán các loại gia vị "tự nhà làm" không dại gì để quá nhiều gia vị không nhãn mác trong sạp.

 

otJPG1435200846

 

Sa tế "nhà tự làm" không nhãn mác đựng trong bịch nilon được bày bán công khai.

 

Chỉ khi có người mua họ mới đi lấy để giao cho khách kèm với lời chào hàng muốn mua thêm thì lấy ra cho, hàng còn để "đằng sau" nhiều lắm. Một điểm chung của nhiều loại gia vị là giá rất rẻ.

 

Tại sạp T.Đ. 247 (chợ Bình Tây, quận 6, TP.HCM), chỉ cần bỏ ra 22 ngàn đồng là có thể mua được 10 bịch gia vị cà ri nêm được 10 nồi cà ri lớn. Loại gia vị bột cà ri này có thể dùng cho bất cứ loại cà ri nào mà chủ hàng muốn nấu.

 

Tại các quầy hàng bán gia vị, phụ gia thực phẩm tại chợ Bình Tây, chợ Kim Biên... luôn có đông khách hàng lui tới. Đa phần trong số khách đến mua là những người buôn bán và lấy gia vị, phụ gia với số lượng lớn.

 

Rất ít khi có người mua lẻ những loại này nên khi PV hỏi mua luôn nhận được thái độ dò xét. Tuy nhiên, cũng có những chủ sạp vô tư quảng cáo và không ngần ngại lấy những mặt hàng PVhỏi mua.

 

Lý do họ thoải mái bán, là vì những gia vị họ bán luôn đảm bảo an toàn và chất lượng. Tuy nhiên, cầm những gói gia vị dạng bột hoặc những bịch dạng nước trên tay, chúng tôi không thấy có bất cứ nhãn mác nào. Tiếp tục đi sâu tìm hiểu về gia vị không nguồn gốc này, PV phát hiện những sự thật kinh hoàng.

 

Chị T., một chủ sạp bán gia vị tiết lộ: "Hàng gia vị có xuất xứ Trung Quốc hiện nay bị kiểm soát chặt nên ít người dám bán, nhưng vẫn có một số tiểu thương bán lén lút. Hàng nhiều nhất được cho là của Thái Lan hiện nay đang được bán công khai.

 

Nguồn hàng này được nhập chủ yếu từ miền Bắc vào với giá rất rẻ. Thực tình chúng tôi không biết đó là hàng được cho phép nhập khẩu hay hàng lậu, chỉ biết hàng này rất rẻ nên bán có lãi lớn".

 

Đó là một trong rất ít tiểu thương dám tiết lộ với PV về nguồn gốc của những loại gia vị nhập ngoại không nguồn gốc, không có nhãn phụ bày bán trên địa bàn. Còn về các gia vị, phụ gia sản xuất trong nước thì nhiều vô kể, không thể kiểm soát được.

 

Ngoài dầu ăn được đóng trong những bịch nilon bán lẻ cho khách hàng, những gia vị khác cũng có cách phân phối tương tự, khi cả sa tế, mỡ động vật, mỡ chài, gia vị dạng bột, dạng viên cũng được chia nhỏ để bán cho khách hàng.

 

Tất nhiên, những bịch nilon nhỏ đựng những gia vị này hoàn toàn không có nhãn mác, chúng được sớt ra từ những hũ nhựa cũng không có thông tin nào về sản phẩm và nơi sản xuất.

 

Thắc mắc với một người bán thì lại được giải thích, loại có màu đỏ tươi là do cơ sở làm, có phẩm màu công nghiệp nên màu mới tươi, còn sa tế màu sậm hơn là của nhà làm. Loại sa tế của nhà làm để được lâu hơn, còn của cơ sở chỉ để tối đa được ba ngày là "bung".

 

Các chuyên gia đã cảnh báo, loại sản phẩm không nhãn mác, không nguồn gốc này chứa những chất có "độc tố" và tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh, song có lẽ những cảnh báo chưa đủ độ "ép phê", nên các tiểu thương hám lợi, người tiêu dùng hám rẻ vẫn nhắm mắt buông xuôi.

 

Cơ quan quản lý nói gì?

 

Gia vị từ các chợ lớn được phân phối đến các chợ nhỏ, nhiều hộ bán hàng ăn cũng đến trực tiếp tại chợ để mua gia vị, phụ gia thực phẩm số lượng lớn về để chế biến thức ăn.

 

"Độc dược" gia vị giá rẻ không nguồn gốc từ chợ len lỏi vào các hàng ăn và khách hàng là những người lãnh đủ. Bên cạnh những loại gia vị, phụ gia không nguồn gốc, gia vị nhập ngoại thì các loại gia vị sản xuất trong nước được cấp phép, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: Gia vị bò kho Kim Hưng, nước sốt lẩu thái Thuận Phương,...

 

Việc chạy theo lợi nhuận của các chủ hàng khi sử dụng hàng không nguồn gốc, hàng gia vị nhập ngoại giá rẻ mà ít quan tâm đến các nhãn hàng đảm bảo chất lượng trong nước đang vô tình tiếp tay cho những kẻ làm ăn bất chính, đầu độc sức khỏe người tiêu dùng.

 

Trả lời PV về việc có kiểm soát nguồn hàng gia vị được bày bán, kinh doanh tại chợ Bình Tây (chợ bán, phân phối gia vị lớn nhất TP.HCM) và trên toàn địa bàn quận hay không? Chị Nguyễn Thị Ngọc Nguyên, chuyên viên phụ trách An toàn vệ sinh thực phẩm, phòng Y tế quận 6 (TP.HCM) cho biết: "Đoàn kiểm tra liên ngành quận 6 do Phòng Y tế quận 6 làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm.

 

Chúng tôi đã tiến hành xử lý, lập biên bản những cơ sở sản xuất không đảm bảo, nhắc nhở tiểu thương bán hàng phải có nguồn gốc, phải có dán tem và thông tin trên sản phẩm mình bán".

 

Tuy nhiên, khi PV chất vấn về việc các tiểu thương thoải mái chiết gia vị, sa tế... từ trong những thùng lớn ra các bịch nilon nhỏ không nhãn mác bán cho khách hàng, thì được cán bộ Phòng Y tế quận 6 trả lời: "Dù những bịch nhỏ không có nhãn mác, nhưng thùng lớn đựng loại gia vị đó có dán nhãn. Khi ra đến chợ, các tiểu thương xé nhãn mác trên thùng nên không còn. Đoàn kiểm tra liên ngành đã nhắc nhở các tiểu thương chứ chưa xử phạt".


Tương tự, khi PV hỏi về các loại gia vị ngoại không có nhãn phụ, chú thích và hướng dẫn bằng tiếng Việt như quy định của Bộ Công Thương thì vị này cho hay: "Những gói gia vị nhỏ được lấy ra từ những thùng lớn, trên thùng giấy có nhãn mác, công ty nhập và cơ quan cho phép lưu hành nên các bịch nhỏ không có tem phụ kèm theo".

 

Dù thừa nhận có những sai sót và phát hiện nhiều tiểu thương bán hàng không nhãn mác, không nguồn gốc nhưng Phòng Y tế quận 6 mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở các tiểu thương chứ chưa tiến hành xử phạt bất kỳ một tiểu thương bán gia vị nào tại các chợ trên địa bàn quận.

 

Lý do chưa xử phạt các tiểu thương khi phát hiện gia vị không nhãn mác được chia nhỏ đến bán, theo bà Nguyên là chợ bán nhiều hàng hóa, không phải các tiểu thương bán các hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên phóng viên tìm hiểu nguồn gốc hàng gia vị bày bán trước đó, hầu hết các gia vị được sản xuất thủ công, không có nhãn mác.

 

Liên hệ với ông Phạm Ngọc Trung, cán bộ ban Quản lý chợ Bình Tây, PV được cung cấp nhiều văn bản xử phạt các tiểu thương của ban Quản lý chợ, trong đó hầu hết là xử phạt về các loại lạp xưởng không nhãn mác.

 

Tuyệt nhiên, không thấy văn bản xử phạt nào liên quan đến các gia vị nêm nếm đang được bày bán tại chợ này. Thắc mắc thì được ông Trung trả lời: "Việc kiểm tra xử lý rất khó khăn, khó phát hiện. Tôi sẽ ghi nhận ý kiến mà PV phản ánh và sẽ quản lý sát sao, chặt chẽ hơn nhằm chấn chỉnh hoạt động mua bán này"./.

 

Theo Công lý