Thứ năm, 24 Tháng 12 2015 15:12

Danh hiệu hoa hậu Vầng trăng khuyết năm 2015 được trao cho thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa (Nghệ An).

 

hoa-hau-vang-trang-khuyet-2015-nguyen-thi-thanh-hoa-1450886089

Hoa hậu vầng trăng khuyết 2015 Nguyễn Thị Thanh Hoa

 

Tối ngày 23-12, tại Hà Nội, Hội thanh niên khuyết tật TP Hà Nội, Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, Trung tâm phát triển sức khoẻ bền vững, Trung tâm sáng kiến sức khoẻ và dân số, tạp chí doanh nghiệp VN phối hợp tổ chức đêm chung kết “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” lần thứ hai, năm 2015 (lần đầu tổ chức năm 2013). Đây là cuộc thi hoa hậu dành cho người khuyết tật Việt Nam, với tiêu chí vẻ đẹp của con người không chỉ nằm ở vẻ đẹp hình thể mà còn nằm ở vẻ đẹp tâm hồn, nghị lực, trí tuệ…

 

Trải qua 2 vòng xét chọn, từ 112 ứng cử viên ở 40 tỉnh thành trên cả nước, BTC đã chọn được 10 thí sinh xuất sắc vào vòng chung kết “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”.

 

Mười thí sinh đã trải qua ba phần thi trong đêm chung kết: Vẻ đẹp của tôi; Tài năng của tôi; Trí tuệ của tôi.

 

Thí sinh Đào Thị Thi, bệnh viêm tuỷ, chia sẻ quan điểm về hạnh phúc bằng chính câu chuyện xúc động của mình: “Ngày đó, tôi là cô bé học sinh lớp 10, hạnh phúc là hằng ngày được đạp xe đến trường, ở một làng quê nghèo. Một buổi sáng thức giấc, sau một cơn đau, đôi chân tôi bị liệt. Rồi những năm trôi qua, tôi phải gắn bó với chiếc xe lăn.

 

Tôi quay lại ngôi trường học với những người khuyết tật. Tôi muốn nói rằng, tạo ra hạnh phúc là cách trân trọng những gì mình đang có. Hạnh phúc của tôi là những người cùng hoàn cảnh như tôi có nghị lực vượt qua được sự khuyết tật về thể xác, để tiếp tục vươn lên trong cuộc sống”.

 

Thí sinh khiếm thị, Trương Thị Hoài Hạnh lại chia sẻ: “Tôi và các bạn mỗi người chúng ta có thể khiếm khuyết một phần cơ thể, nhưng tôi và các bạn vẫn còn cả cuộc sống này để yêu thương”.

 

Trong phần thi ứng xử (Trí tuệ của tôi), các thí sinh đã đưa ra nhiều tâm sự, nguyện vọng, và những ý kiến để xã hội thay đổi cách nhìn nhận về người khuyết tật, và tạo cơ hội cho người khuyết tật được tiếp cận với các công việc phù hợp.

 

Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa nêu quan điểm, điều quan trọng nhất để người khuyết tật có cơ hội tiếp xúc với công việc phù hợp là xã hội cần thay đổi thái độ phân biệt, kỳ thị với người khuyết tật, để người khuyết tật có cơ hội tiếp cận với những công việc ở trình độ cao hơn.

 

Thí sinh Nguyễn Phương Linh thì mong ước giản đơn rằng: “Tôi mong một ngày không xa mà đường lối có xe lăn có thể lên được, các nơi có chữ nổi…và toàn xã hội chung tay giúp cho người khuyết tật có thể làm được điều mình muốn. Tôi chờ đợi tương lai công bằng, với người khuyết tật”.

 

Thí sinh khiếm thính Tạ Thị Duyên chia sẻ câu chuyện về chính bản thân mình, khi gặp phải sự kỳ thị của xã hội: “Sự kỳ thị với người khuyết tật diễn ra mọi nơi, ngay chính bản thân em, em tốt nghiệp ĐH, nhưng khi nộp hồ sơ xin việc vào các cơ sở, họ từ chối em thẳng thừng.

 

Có nơi họ tiếp nhận người khuyết tật, nhưng họ phân bổ em ở những nơi không phù hợp với trình độ chuyên môn của em. Trong môi trường học tập cũng vậy. Nguyên nhân của vấn đề này, là do nhận thức xã hội chưa đánh giá đúng năng lực của người khuyết tật, cho rằng người khuyết tật không có khả năng đóng góp cho xã hội”.

 

Kết thúc đêm chung kết “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết 2015”, BTC trao các giải thưởng:

 

Giải trí tuệ được trao cho thí sinh Trương Thị Hoài Hạnh; Giải tài năng thuộc về thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa; Giải phong cách ấn tượng được trao cho thí sinh Nguyễn Phương Linh; Giải thân thiện được trao cho chí sinh Nguyễn Thị Thương.

 

Danh hiệu hoa hậu Vầng trăng khuyết năm 2015 được trao cho thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hoa (Nghệ An).

 

Nguồn: Tuổi trẻ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi