Khảo sát mới đây nhất về tính tiếp cận người khuyết tật (NKT) của một số công trình công cộng trên địa bàn TP Quy Nhơn diễn ra vào tháng 5 và 6.2016. Qua khảo sát 21 công trình là trụ sở UBND, trạm y tế phường, xã và các trường học, cho thấy 86% lối vào của các công trình hoàn toàn không tiếp cận với NKT. Đồng thời, 95% công trình nhà vệ sinh cũng không tiếp cận NKT.
Đại diện các hội, nhóm NKT thảo luận sau khi khảo sát công trình Trạm y tế phường Quang Trung.
Cụ thể, phần lớn lối vào của các công trình đều chưa có đường dốc, nếu có thì đường dốc cũng chưa phù hợp với quy chuẩn. Trong số 21 công trình được khảo sát, chỉ Trường Tiểu học Ngô Mây là có 2 đường dốc có độ dốc đúng quy chuẩn. Phần lớn lối vào cửa chính của các công trình chưa có tay vịn để giúp NKT, người già, đau yếu di chuyển dễ dàng. Nhà vệ sinh dùng chung khá chật chội, chưa có chiều rộng cửa đảm bảo cho xe lăn ra vào; chiều rộng bên trong không đáp ứng quy chuẩn cho người đi xe lăn; chiều cao lắp đặt các thiết bị vệ sinh cũng không thuận tiện cho NKT.
Được biết, phần lớn các công trình công cộng được khảo sát đều đã có tuổi thọ trên 10 năm với mặt bằng chật chội. Tuy nhiên, một số công trình mới hoàn thành trong 1, 2 năm trở lại đây cũng chưa quan tâm đến tính tiếp cận của NKT. Trao đổi tại buổi báo cáo kết quả khảo sát tính tiếp cận NKT của một số công trình công cộng tại TP Quy Nhơn (diễn ra vào ngày 29.7), một số NKT cho biết họ từng có kiến nghị đến UBND phường khi phường xây mới, sửa chữa trụ sở về lối đi phù hợp với NKT nhưng chưa được lắng nghe. Một số trụ sở có xây đường dốc nhưng chỉ để phục vụ cho ô tô bởi độ dốc lớn, đường cua khó khăn, NKT không tự lăn xe lên được...
NKT có đầy đủ các quyền con người như quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, học hành, việc làm, xây dựng cuộc sống riêng tư... Họ đang nỗ lực hòa nhập để khẳng định giá trị bản thân. Vậy nên, thay vì chỉ giúp đỡ về mặt vật chất, NKT cần được đảm bảo quyền tiếp cận. Trong đó, tiếp cận các công trình công cộng là nền tảng cơ bản để đảm bảo NKT được phát triển, sinh sống như một người bình thường.
Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012- 2020 của Chính phủ nêu rõ, đến 2020, 100% trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước; nhà ga, bến xe, bến tàu; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; cơ sở giáo dục, dạy nghề, công trình văn hóa, thể dục thể thao; nhà chung cư bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo NKT tiếp cận sử dụng có hiệu lực từ ngày 1.7.2015. Tuy nhiên, đến nay, các chủ đầu tư công trình công cộng vẫn bỏ qua những quy định này. Có lẽ các nhà đầu tư nên nâng cao ý thức và trách nhiệm về vấn đề này. Bởi, tiếp cận là quyền của NKT chứ không phải là quà!
Nguồn: Báo Bình Định
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập với nâng cao chất lượng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật - 05/10/2016 03:39
- VĐV khuyết tật, tiền thưởng cũng… khuyết thật! - 27/09/2016 03:33
- Cao Ngọc Hùng giành huy chương điền kinh đầu tiên cho Việt Nam ở Paralympic - 13/09/2016 03:35
- Võ Thanh Tùng giành HCB, Việt Nam có huy chương thứ tư tại Paralympic 2016 - 13/09/2016 03:25
- Lê Văn Công: Nhà vô địch nâng tạ gấp 4 lần trọng lượng cơ thể - 09/09/2016 03:24
Các tin khác
- Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho người khuyết tật - 20/07/2016 09:02
- NGƯỜI KHUYẾT TẬT MỘT BÊN TAY CÓ THỂ THI LẤY BẰNG LÁI XE? - 20/07/2016 04:44
- Chuyện tình 7 năm không rời của cô gái bị ung thư máu - 06/07/2016 03:44
- “Xuân ấm tình thương 2016” mang Tết đến cho trẻ khuyết tật - 29/03/2016 03:24
- Thí sinh Nghệ An đăng quang hoa hậu vầng trăng khuyết 2015 - 24/12/2015 08:12