Thứ năm, 23 Tháng 4 2015 22:10

Người khuyết tật khi tham gia giao thông vẫn gặp không ít khó khăn do hệ thống giao thông công cộng hiện tại của Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu đi lại của họ.

 

Theo quan sát của phóng viên, tại một số điểm dừng đón khách của xe buýt ở Hà Nội trên các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Giảng Võ, Nguyễn Thái Học… hầu hết các phương tiện đều không phù hợp cho người tàn tật sử dụng, như cửa xe hẹp, gầm xe cao, không có tay vịn, điểm dừng xe buýt không có đường tiếp cận để người khuyết tật có thể lên xe...

Bà Lê Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Vì ngày mai cho biết, hiện người khuyết tật vẫn gặp nhiều khó khăn khi tham gia giao thông, nhất là khi phải di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng như taxi, xe buýt, xe khách do không có phương tiện hỗ trợ, đôi khi còn bị lái xe từ chối với lý do người khuyết tật gây bất tiện cho những hành khách khác.

Xe buýt, xe khách chưa có các thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật.

Bà Lê Minh Hiền chia sẻ: “Nếu đi tàu hỏa, xe buýt hoặc ô tô, thực tế là không có dịch vụ tiếp cận cho người khuyết tật lên mà chỉ có hành khách đỡ nhau lên thôi. Hành khách thấy tôi là người khuyết tật thì họ xuống giúp tôi, đưa lên xe chứ các phương tiện đó không có đường lên, lối dốc. Nếu xe không có phương tiện để cho người khuyết tật tự lên thì phải bố trí cho phụ xe hoặc lái xe hỗ trợ người khuyết tật lên xe”.

Chia sẻ về những giải pháp có thể giúp người khuyết tật lên xuống xe dễ dàng hơn, anh Ngô Quang Hiếu, đang công tác tại Hội người mù quận Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, sàn xe buýt có thêm bậc thấp bằng mặt đường, các tay vịn trên xe buýt, tàu hoả sơn màu vàng đặc biệt có lợi cho hành khách bị khiếm thị, cũng có lợi cho mọi hành khách khác muốn nhanh chóng tìm được chỗ để bám tay khi lên ôtô hoặc tàu hoả. Tương tự, nếu phân chia các làn đường trên phố với các đường dành cho người đi bộ, xe đạp và xe máy, đều mang lại sự an toàn hơn cho người tham gia giao thông, đồng thời hỗ trợ tốt cho khách bộ hành là người tàn tật.

Anh Ngô Quang Hiếu nói: “Ở thành phố Hà Nội, tôi vẫn rất khó khăn khi tham gia các phương tiện giao thông, ví dụ như xe buýt. Toàn phải nhờ người mắt sáng nhìn hộ cho số xe buýt, mà nhiều khi không có ai để nhờ cả. Khi đến những nơi công trình công cộng, chúng tôi lại vướng một cái vất vả là với tòa nhà cao tầng, khi đi thang máy, chúng tôi không có một kí hiệu chữ nổi nào để có thể sờ mà biết phải bấm lên tầng bao nhiêu. Hoặc khi có một người khác vào rồi, tầng nhà bị lẫn lộn là chúng tôi lại bị lạc”.

Tại nhiều nước phát triển, hệ thống giao thông công cộng luôn được xây dựng phù hợp cho người tàn tật sử dụng, nhưng ở Việt Nam, đây là một vấn đề mới chưa được cơ quan chức năng thực sự quan tâm. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ Giao thông vận tải, đơn vị tham gia vận tải công cộng phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là người khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện. Phương án trợ giúp phải được thông báo tại các nhà ga, bến đón, trả hành khách tại những nơi dễ thấy. Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết xe buýt, xe khách và tàu hỏa đều chưa trang bị thiết bị hỗ trợ người khuyết tật khi tham gia giao thông. Hiện Hà Nội chỉ có duy nhất hãng taxi Thành Công triển khai dịch vụ “Taxi cho người khuyết tật” với nhiều tiện ích.

Ông Bùi Danh Liên cho biết: “Việc triển khai hiện nay chưa được quyết liệt. Chúng tôi phải huấn luyện trách nhiệm và đạo đức của người lái xe. Hơn nữa, cần phải cải tạo cánh cửa xe đưa được xe nâng, ghế ngồi dành cho người khuyết tật. Việc này chưa có thiết kế và cũng chưa có ai làm cả. Tôi nghĩ cần có sự tài trợ của cơ quan nhà nước, có trách nhiệm quan tâm vấn đề này”.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, vấn đề người khuyết tật chưa được quan tâm là do nhiều nguyên nhân như nhận thức của lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, thiếu nguồn lực… Tuy nhiên khi Việt Nam đã ký công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật thì toàn xã hội phải có trách nhiệm đảm bảo quyền cho người khuyết tật.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cho biết: “Tôi cho rằng quan trọng nhất chính là sự quan tâm. Nếu có sự quan tâm thì tất cả những khó khăn của từng đơn vị, cơ quan đều có thể khắc phục được. Không thể cứ vin vào những lý do khách quan đó để không làm. Chúng tôi là cơ quan điều phối về người khuyết tật cũng sẽ hoạt động mạnh mẽ hơn, tăng cường kiểm tra. Đồng thời, rất mong các cơ quan truyền thông vào cuộc đưa ra những người làm tốt, người làm chưa tốt, địa phương nào làm tốt, địa phương nào chưa làm được… Có như vậy mới có thể thay đổi được tình hình”.

Việt Nam đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2020, tất cả các công trình công cộng, bao gồm trụ sở làm việc của cơ quan hành chính nhà nước, trường học, bệnh viện, nhà ga, bến tàu, nơi vui chơi giải trí… phải đảm bảo để người khuyết tật có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, để người khuyết tật hoà nhập được cuộc sống cộng đồng, sử dụng được các phương tiện giao thông công cộng thì cần có các quy định ưu tiên cụ thể và đổi mới thiết kế phương tiện cho phù hợp.

Kim Thanh, Vân Anh - VOV

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi