Thứ bảy, 25 Tháng 4 2015 23:54
Người khuyết tật lâu nay luôn phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Vì thế cộng đồng xã hội cần quan tâm chung tay góp sức, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần, giúp họ vượt qua mặc cảm và vươn lên trong cuộc sống.

Nhân ngày "Quốc tế người khuyết tật" 3/12 và "Ngày hội thiện tâm nhân ái" của người khuyết tật các tỉnh Nam bộ lần thứ 15, phóng viên Báo điện tử Gia Đình Việt Nam đã có buổi trò chuyện với ông Đinh Văn Vui, Chủ Tịch HĐQT - Tổng Giám Đốc Công ty Cổ Phần Du lịch Văn hoá Suối Tiên, người khởi xướng và là trưởng ban tổ chức ngày hội đầy ý nghĩa này.

Q46 
Hãy chung tay góp sức, hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần đối với "người khuyết tật" ông Đinh Văn Vui chia sẻ.

Một ngày ý nghĩa cho người khuyết tật

Ông có thể chia sẻ với bạn đọc một chút về bản thân?

Từ năm 1987, tôi rời quê hương Sóc Trăng đến Suối Tiên - một địa danh nằm ở Ấp Tân Nhơn, Xã Tân Phú, Huyện Thủ Đức (nay là Quận 9) cách trung tâm Thành Phố Hồ Chí Minh 19km bắt đầu khai khẩn lập trang trại.

Ý tưởng về một khu du lịch tại chính vùng đất này chợt hình thành... Với quyết tâm biến ý tưởng thành hiện thực, tôi đã cùng với các cộng sự tâm huyết, chí cốt bắt tay vào việc khai khẩn lập trang trại Suối Tiên.

Diện tích ban đầu của lâm trại chỉ có 6.600 m2 đất hoang và chỉ là một trại nuôi trăn nhỏ. .... Đầu năm 1992, dự án xây dựng Khu Du Lịch Văn Hóa Suối Tiên được phôi thai và hình thành.

Ngày 2 tháng 9 năm 1995, Khu Du lịch Văn hóa Suối Tiên mà chúng tôi xây dựng chính thức mở cửa đón du khách.

Tại sao ông lại khởi xướng và dành nhiều tâm huyết cho "Ngày hội thiện tâm nhân ái" đến như vậy?

Ở Việt Nam có hơn 6,1 triệu người khuyết tật, hầu hết họ đều mong muốn sống sao có ích và góp sức mình vào sự phát triển của đất nước. Những người này cũng có nhu cầu như người bình thường.

Chính vì thế, mong ước của tôi là khi chưa có khu vui chơi riêng cho họ thì nơi tôi tâm huyết đầu tư (Suối Tiên) sẽ dành 1 ngày đón người khuyết tật cả nước đến vui chơi.

Ban đầu chỉ tổ chức cho người khuyết tật thành phố, sau do hiệu quả đem lại nên đã mở rộng ra cả Nam bộ với 17 tỉnh thành.

Qua 15 lần tổ chức, ngày hội đã được xem như cái tết của người khuyết tật, đã có trên 1 triệu người tham dự. Nếu tính cả số người khuyết tật đi theo đoàn được miễn phí vui chơi, thì số lượng gấp 4 lần.

Q47 
 
Q48
Người khuyết tật cũng có nhu cầu như người bình thường


Xin ông cho biết trong ngày hội, người khuyết tật sẽ được tham gia những hoạt động gì?

Trong ngày hội, mọi người khuyết tật đều được miễn phí hoàn toàn vé cổng, vé tham quan, giải trí, vui chơi và ăn uống tại Suối Tiên.

Được tham gia các trò chơi vừa sức và phụ hợp với mình, có sự hướng dẫn tận tình và giám sát của các tình nguyện viên có bề dày kinh nghiệm hướng dẫn.

Hãy cùng chung tay vì người khuyết tật

Làm thế nào mà Suối Tiên có thể hỗ trợ 6.000 - 7.000 người khuyết tật về vui chơi cùng một lúc, thưa ông?

Theo tôi biết cả thế giới cũng chưa đâu tổ chức như vậy. Những năm đầu tổ chức, chúng tôi cũng rất vất vả nhưng nhờ rút kinh nghiệm nên ngày càng đi vào nề nếp.

Bộ máy nhân sự của Suối Tiên phải tập trung chuẩn bị cả tháng trước đó. Từ tập huấn nhân sự, các tình nguyện viên, nhân viên phục vụ cho đến làm thêm gờ tại các điểm tham quan, các khu vệ sinh...

Nhờ đó mà những người khuyết tật về tham dự "Ngày Hội Thiện Tâm Nhân Ái", dường như tạm quên những nỗi bất hạnh rất riêng tư, mà hoà mình vào không khí chung: giao lưu, sum họp, tâm sự, sẻ chia trong sự quan tâm, cảm thông và thành ý chia sẻ của cả cộng đồng xã hội.

Theo ông, những người khuyết tật và gia đình của họ mong muốn điều gì?

Tôi nghĩ những người khuyết tật và gia đình họ mong muốn xã hội đừng nhìn họ bằng những đôi mắt "khuyết tật" mà hãy đong đầy những cảm thông, sẻ chia, và tôn trọng.

Nhiều người khuyết tật từng tâm sự với tôi: "Ước gì các khu du lịch, các điểm vui chơi cũng làm được như thế này".

Q49 
 
Q50
Suối Tiên cố gắng tạo một ngày vui thật đúng nghĩa cho người khuyết tật


Việc tổ chức ăn buffet, theo ông có gây khó khăn cho họ không?

Thật ra, những người khuyết tật đến Suối Tiên tham dự lễ hội đều đã có tình nguyện viên theo đoàn hỗ trợ. Ngoài ra, Suối Tiên cũng bố trí số lượng nhân sự phục vụ rất đông để hỗ trợ họ trong việc vui chơi và dùng buffet, họ hoàn toàn thoải mái và dễ chịu trong buổi tiệc buffet.

Kết quả đạt được từ việc tổ chức ngày hội cho người khuyết tật là gì, thưa ông?

Từ năm 2000 - năm đầu tiên Khu Du Lịch Văn Hóa Suối Tiên tổ chức ngày hội "Thiện Tâm Nhân Ái" dành cho người khuyết tật, cho đến nay thì ngày Hội đã trải qua 15 lần tổ chức.

Chặng đường 15 năm chưa phải là dài so với nỗi đau của cộng đồng không may mắn, nhưng đó là cả nỗ lực của những tấm lòng hảo tâm muốn chia sẻ, là công trình tâm huyết của Suối Tiên và những mạnh thường quân cùng chung tay gầy dựng.

Tất cả đã làm nên một "thương hiệu" rất ý nghĩa, không phải với những người kinh doanh, mà hơn thế, đó chính là thương hiệu của những thành ý muốn cảm thông, hoà đồng và chia sẻ.

Ông có điều gì chia sẻ đến cộng đồng xã hội về tâm nguyện của mình không?

Tôi không có nguyện vọng gì lớn lao, chỉ mong được thể hiện lòng tôn trọng và sẻ chia của mình đối với những con người kém may mắn.

Mong rằng cộng đồng hãy cùng chung tay giúp sức, bằng cách này hay cách khác, để tạo cho những người khuyết tật phát huy những khả năng của mình, thêm tự tin, nghị lực, cố gắng vươn lên và thêm yêu cuộc sống.

Xin cảm ơn ông!

Hoài Lương 
Nguồn: www.giadinhonline.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi