Vừa qua, dự án IDEO và Hội cha mẹ trẻ Điếc Hà Nội tổ chức Ngày hội gia đình năm 2015 với tên gọi “Những đôi tay xinh” diễn ra tại Hà Nội với mục đích giúp cộng đồng có sự cảm thông và thấu hiểu với trẻ Điếc và gia đình trẻ, cũng như truyền thông về tầm quan trọng của Ngôn ngữ ký hiệu trong giáo dục trẻ Điếc. Dự án Giáo dục trẻ Điếc trước tuổi đến trường (IDEO) do quỹ Phát Triển Xã hội Nhật Bản tài trợ, ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới, được thực hiện bởi tổ chức Quan tâm Thế giới và Bộ Giáo dục và đào tạo từ năm 2011 đến 2016. Dự án đã hỗ trợ hơn 250 trẻ Điếc tuổi mầm non học tập và giao tiếp thông qua Ngôn ngữ ký hiệu và là dự án đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này tập trung vào nhóm đối tượng trẻ Điếc trước tuổi đến trường.
Màn nhảy flashmob dùng ngôn ngữ ký hiệu đầu tiên tại Việt Nam
Khoảng 300 người, bao gồm cả trẻ điếc, gia đình trẻ, người điếc trưởng thành và những người quan tâm tới cộng đồng điếc đã tham gia nhảy flashmob dùng ngôn ngữ ký hiệu đầu tiên tại Việt Nam tại Ngày hội gia đình trẻ Điếc với tên gọi “Những đôi tay xinh”. Chương trình do Dự án Giáo dục trẻ Điếc trước tuổi đến trường – IDEO tổ chức nằm trong chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao kiến thức cho toàn xã hội về tầm quan trọng của Ngôn ngữ ký hiệu với việc giáo dục can thiệp sớm cho trẻ Điếc trước tuổi đến trường.
Hiện, trên toàn quốc có khoảng 15,500 trẻ dưới 6 tuổi là trẻ Điếc hoặc trẻ nghe khó. Trong số đó, phần lớn trẻ không được tiếp cận với giáo dục mầm non, trong khi cha mẹ trẻ không có những hỗ trợ chuyên môn cần thiết. Bà Lê Thị Kim Cúc, quản lý dự án IDEO cho biết: “Bỏ lỡ việc dạy Ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ Điếc trong 6 năm đầu đời sẽ cản trở khả năng phát triển của trẻ và gây cho trẻ những khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội học tập và hòa nhập sau này”.
Dự án IDEO, do quỹ Phát triển Xã hội Nhật Bản tài trợ ủy thác thông qua Ngân hàng Thế giới, được thực hiện bởi tổ chức Quan tâm Thế giới và Bộ Giáo dục và Đào tạo từ năm 2011 đến 2016 , là dự án đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này tập trung vào nhóm đối tượng trẻ Điếc trước tuổi đến trường. Dự án đã giúp cho 255 trẻ Điếc dưới 6 tuổi tại 4 tỉnh/thành phố cua Việt Nam gồm Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Bình và TP. Hồ Chí Minh được học ngôn ngữ ký hiệu (NNKH) tại nhà, qua đó, trẻ Điếc được chuẩn bị sẵn sàng để bước vào môi trường học tập.
Theo bà Vũ Lan Anh, Chuyên gia về Giáo dục, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Đối với trẻ Điếc ở tuổi mầm non, gia đình chính là môi trường trẻ tiếp xúc nhiều nhất và học những kiến thức đầu tiên, vì vậy các bậc cha mẹ cần đồng hành và hỗ trợ con trong giai đoạn này để trẻ Điếc có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi vào lớp 1”.
Tại Ngày hội gia đình, cộng đồng đã được lắng nghe những câu chuyện cảm động của các cha mẹ có con là trẻ Điếc và hành trình hỗ trợ con học tập và giao tiếp bằng Ngôn ngữ ký hiệu, từ đó có sự cảm thông và thấu hiểu với trẻ Điếc và gia đình trẻ, cũng như nhận thấy được sự cần thiết của việc dạy Ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ Điếc trong những năm đầu đời. Một số người lớn điếc cũng chia sẻ câu chuyện thành công trên con đường phát triển bản thân và sự nghiệp để truyền cảm hứng cho phụ huynh và các em.
Bên cạnh đó, người đến dự còn có thể tham gia nhiều trò chơi trải nghiệm cùng với người Điếc cũng như thưởng thức các tiết mục văn nghệ sôi động do các thầy cô giáo, trẻ Điếc và cha mẹ biểu diễn bằng Ngôn ngữ ký hiệu.
Gia đình ca sỹ Hoàng Bách giao lưu với khán giả
Ca sỹ Hoàng Bách, đại sứ thiện chí của chương trình chia sẻ: “Gia đình tôi đã được làm quen với nhiều em nhỏ Điếc, được nghe về nhiều hoàn cảnh khác biệt, những câu chuyện xúc động và học được thêm ngôn ngữ mới – ngôn ngữ ký hiệu. Ngắm nhìn các em tự tin, vui vẻ diễn kịch trên sân khấu bằng ngôn ngữ riêng khiến cho tôi, ở vị trí một người thầy, một người cha, cảm thấy rất xúc động, thấy vui niềm vui của các em, đồng cảm và thấu hiểu được niềm tin yêu của cha mẹ các em. Các em cũng như bao em nhỏ khác đều thông minh và đáng yêu, chỉ khác chúng ta có giọng nói, còn các em có ngôn ngữ của đôi tay và đó là thứ ngôn ngữ kỳ diệu trong cuộc sống”.
Nguồn: molisa.gov.vn
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số cho người khuyết tật - 20/07/2016 09:02
- NGƯỜI KHUYẾT TẬT MỘT BÊN TAY CÓ THỂ THI LẤY BẰNG LÁI XE? - 20/07/2016 04:44
- Chuyện tình 7 năm không rời của cô gái bị ung thư máu - 06/07/2016 03:44
- “Xuân ấm tình thương 2016” mang Tết đến cho trẻ khuyết tật - 29/03/2016 03:24
- Thí sinh Nghệ An đăng quang hoa hậu vầng trăng khuyết 2015 - 24/12/2015 08:12
Các tin khác
- Đừng nhìn người khuyết tật bằng "đôi mắt khuyết tật” - 25/04/2015 16:54
- Giao thông cho người khuyết tật vẫn còn khó khăn - 23/04/2015 15:10
- Chàng sinh viên liệt cả hai chân được nhận học bổng toàn phần - 16/04/2015 07:35
- Cô sinh viên 1,3m nỗ lực vượt lên số phận - 15/04/2015 07:06
- Chàng sinh viên khuyết tật vượt lên nỗi đau số phận - 15/04/2015 04:01