Ước nguyện hiến xác cho y học
Mai Tư Khoa (SN 1979), trú xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình sinh ra là một người lành lặn. Năm 19 tuổi, Khoa xin vào làm công nhân khai thác đá cho một nhà máy xi măng đóng trên địa bàn, với mong muốn có thêm thu nhập giúp đỡ gia đình. Vào buổi chiều định mệnh 3/6/1998, Khoa gặp tai nạn lở đá, bị gãy 2 đốt xương sống và liệt nửa người dưới. Những tháng ngày còn lại của mình, Khoa vĩnh viễn làm bạn với chiếc giường và 4 bức tường.
Ông Mai Như Phận (SN 1958, bố Khoa) rưng rưng nhớ lại: “Để cứu lấy đôi chân của Khoa, vợ chồng tôi đã tìm đến không biết bao nhiêu bệnh viện, thầy thuốc chữa trị, nhưng không được”.
Mặc dù liệt nửa người nhưng Mai Tư Khoa là tấm gương về nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Cứ mỗi lần nói về con, đôi mắt bà Nguyễn Thị Ngành (mẹ Khoa) lại đỏ hoe: “Nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần khiến Khoa suy sụp đi nhiều. Có lúc tôi sợ con nghĩ quẫn, phải cất hết những đồ dùng nguy hiểm, thường xuyên bên giường bệnh để trông chừng và an ủi con”.
Từ ngày Khoa bị tai nạn đến nay đã gần 19 năm. Trong khoảng thời gian từ năm 2007 – 2009, những cơn đau co rút thần kinh cứ kéo dài triền miên, bất cứ thuốc giảm đau nào dù uống hay tiêm cũng không có tác dụng với anh. Nghĩ rằng mình không còn cơ hội để sống, Khoa quyết định hiến toàn bộ thân thể cho y học.
“Lúc đó tôi nghĩ đời mình chỉ còn hiến xác cho y học là việc làm có ích nhất cho đời, cho mọi người. Thân thể tôi, các bác sĩ có thể dùng để nghiên cứu về bệnh liệt nửa người, các bộ phận khác có thể cứu sống được cho nhiều bệnh nhân đang cần đến”.
Mở thư viện sách để kêu gọi từ thiện
Trong thời gian vật lộn với bệnh tật, nằm một chỗ bên giường bệnh, Khoa chỉ biết làm bạn với những cuốn sách, radio rồi tivi và sau này là điện thoại, máy tính. Cũng nhờ đọc nhiều sách, báo... mà Khoa nhận ra, cuộc sống này còn rất nhiều người có số phận như mình, trong đó có những người dù mang trọng bệnh nhưng vẫn nỗ lực vươn lên để sống có ích.
Với ý nghĩ tích cực đó, sau thời gian dài ấp ủ, vào năm 2010, từ những sách báo Khoa có, cùng với số tiền tích góp được để mua sách, anh đã biến căn phòng của mình thành thư viện tại gia miễn phí cho trẻ em nghèo. Mỗi ngày, nơi đây thu hút hàng chục học sinh đến đọc và mượn sách.
Thư viện mini của Khoa đã thu hút rất nhiều học sinh đến đọc và mượn sách.
Để thư viện của mình có nhiều sách hơn, Khoa đã miệt mài lên mạng tìm hiểu, kêu gọi sự giúp đỡ của các tấm lòng thiện nguyện. Anh đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền đất nước. Họ gửi sách và cả tiền để anh thực hiện ước nguyện của mình, nhờ vậy Mai Tư Khoa đã có được thêm 10 tủ sách để đặt tại các lớp học của trường tiểu học và THCS Quảng Trường cho học sinh sử dụng.
Không chỉ dừng lại ở đó, Khoa còn lên mạng xã hội tiếp tục kêu gọi, quyên góp tiền và vật chất để hỗ trợ các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và người già neo đơn. Từ năm học 2013 đến nay, với nguồn quyên góp được, Khoa đã hỗ trợ học phí, sách vở và quần áo cho học sinh nghèo, học sinh khuyết tật ở các trường học tại địa phương. Trong năm 2016 vừa qua, anh cũng đã quyên góp hỗ trợ đồng bào lũ lụt, học sinh khó khăn khoảng 150 triệu đồng.
Từ thành công của ngày hôm nay, Khoa nhớ lại những tháng ngày “chập chững” làm việc thiện: “Thời kỳ đầu mới làm công tác thiện nguyện , nhiều người nhìn cơ thể tàn tật của tôi và ái ngại. Nhưng tôi nghĩ, cuộc sống là sự chia sẻ, mình còn được sống thì còn làm được và còn hạnh phúc”.
Đến nay, Mai Tư Khoa đã vinh dự đón nhận rất nhiều giấy khen, bằng khen về công tác thiện nguyện và gương người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Năm 2016, Khoa vinh dự được Ủy ban Trung ương hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tặng Bằng khen Thanh niên khuyết tật tiêu biểu.
Ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Quảng Trường cho biết: “Mai Tư Khoa là tấm gương người khuyết tật luôn nỗ lực vượt lên hoàn cảnh. Mặc dù Khoa bị liệt nửa người, nhưng vẫn có thể kết nối với nhiều cá nhân, tổ chức trên khắp đất nước, kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn. Nhờ đó, vào các dịp khai giảng năm học, các ngày lễ tết hay sau thời gian mưa lũ, các em học sinh và người già có những món quà vô cùng ý nghĩa, về cả vật chất lẫn tinh thần”.
Nguồn: Người đưa tin
Tin mới
- Trung tâm Đào tạo PHCN cho người mù: Nơi thắp sáng niềm tin - 16/01/2018 07:15
- Nguyễn Tuấn Tú: truyền cảm hứng sống và học tập cho người khiếm thị - 11/01/2018 04:09
- “Thể thao kết nối tình yêu của chúng tôi” - 11/12/2017 08:44
- Vẽ ước mơ của mình và những người đồng cảnh - 21/11/2017 08:06
- Hạnh phúc vẹn tròn từ hai mảnh đời khuyết - 21/11/2017 08:04
Các tin khác
- Nữ sinh 23 tuổi trở thành Hoa hậu xe lăn thế giới đầu tiên - 13/10/2017 06:49
- Đội bóng 'một chân' Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại Anh, vô địch châu Âu - 13/10/2017 06:47
- Chương trình truyền hình thực tế của BBC ghi hình ở VN - 05/10/2017 06:36
- Kỳ lạ người phụ nữ 27 tuổi mang hình hài "trẻ lên 2" ở Thái Nguyên - 26/09/2017 02:58
- Thành phố Hồ Chí Minh: Xe buýt đồng hành cùng người khuyết tật - 21/09/2017 03:30