Từ khi lọt lòng mẹ tôi đã không nhìn thấy ánh sáng, để vượt qua được bóng tối của cuộc sống, của nỗi mặc cảm chạm tay vào giấc mơ của mình, tôi đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Giờ đây, tôi hạnh phúc với những thành quả nho nhỏ mình đạt được trong công việc và một mái ấm gia đình hạnh phúc với những đứa con ngoan ngoãn, khoẻ mạnh. Tôi sẽ vẽ tiếp ước mơ của mình và nỗ lực hơn nữa để tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ không còn ánh sáng đôi mắt như tôi vươn tới những ước mơ trong cuộc sống.
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Từ khi lọt lòng mẹ, mắt tôi đã không nhìn thấy ánh sáng do căn bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh giống như bố và em trai tôi sau này. Tuổi thơ của tôi có lẽ sẽ mãi chìm trong bóng tối nếu không có ngày tôi được nhận vào học tập tại trường Nguyễn Đình Chiểu - ngôi trường dành cho trẻ khiếm thị. Tại đây, tôi không chỉ được học văn hóa mà còn có cơ hội học tập các môn năng khiếu như âm nhạc, nghệ thuật, được tham gia nhiều hoạt động giao lưu ngoại khóa bổ ích.
Tôi từ một đứa trẻ nhút nhát, bi quan vào cuộc sống đã trở nên tự tin khi giao tiếp với mọi người. Cũng trong những năm học phổ thông, năng khiếu văn chương của tôi đã được bộc lộ. Tôi nuôi một ước mơ sau này có thể trở thành một nhà báo để tạo ra những sản phẩm truyền thông giúp cộng đồng hiểu hơn và thay đổi nhận thức về người khuyết tật. Tôi có cơ hội khởi đầu giấc mơ của mình khi được lựa chọn là một trong những biên tập viên cho tờ nội san của nhà trường. Cùng với đó, ngay từ những năm học cấp II, tôi đã có nhiều bài viết cộng tác cho đài phát thanh và các trang báo dành cho tuổi hồng như: Báo Thiếu niên Tiền Phong, Hoa học trò, báo Hà Nội mới chủ nhật…
Tốt nghiệp Trung học phổ thông, tôi đã thi đậu vào Khoa Báo chí trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. 4 năm trên giảng đường là những tháng ngày đầy khó khăn và thử thách với tôi bởi thời gian đó có rất ít người khiếm thị học tập trong môi trường Đại học. Để khắc phục sự thiếu thốn về tài liệu tôi đã học sử dụng máy tính với các phần mềm hỗ trợ người khiếm thị. Khi lên lớp, tôi dùng máy ghi âm để ghi lại lời giảng của các thầy cô. Tôi rèn kĩ năng đi lại bằng xe buýt để hàng ngày di chuyển quãng đường gần chục cây số từ nơi trọ tới trường. Để có tiền trang trải cho việc ăn học, tôi tham gia các khóa dạy chữ Braille, máy tính cho những người cùng cảnh ngộ hay tham gia các chương trình biểu diễn âm nhạc.
Năm 2008, sau khi tốt nghiệp Đại học, tôi được bầu là Phó Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tháng 5 năm 2009, Niềm tin ánh sáng - một chương trình phát thanh dành cho người khiếm thị trên kênh VOV Giao thông quốc gia ra đời và tôi đã có cơ hội đem những kiến thức học hỏi được trong những năm học đại học áp dụng vào một môi trường làm báo chuyên nghiệp.
Có rất nhiều khó khăn từ việc di chuyển, quan sát, thu thập dữ liệu khi một người làm báo là người khiếm thị nhưng tôi đã nỗ lực vượt qua với niềm đam mê và tình yêu nghề nghiệp của mình. Hàng ngàn bài viết, hàng trăm chương trình được phát sóng nhận được sự ủng hộ của thính giả. Tôi cảm thấy vui và tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ bé công sức của mình giúp thay đổi nhận thức và cách nhìn nhận của cộng đồng đối với người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung.
Tháng 8 năm 2016, khi chương trình Niềm tin ánh sáng ngừng phát sóng, tôi tiếp tục tham gia cộng tác với một chương trình khác của VOV đồng thời sáng lập Đom Đóm Studio - một dự án truyền thông qua mạng xã hội về người khuyết tật và các vấn đề liên quan đến người khuyết tật thông qua các sản phẩm radio và video clip online. Với gần 1 năm hoạt động, dự án đã sản xuất được hàng chục chương trình radio, 17 video online và thu hút gần 1000 lượt người theo dõi. Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, nguồn nhân lực để sản xuất nhưng với nỗ lực không ngừng, chúng tôi đã nỗ lực để đưa đến cộng đồng những sản phẩm truyền thông sâu sắc, gắn liền với đời sống của người khuyết tật và đảm bảo khả năng tiếp cận với nhiều dạng khuyết tật.
Nhưng có lẽ điều kì diệu hơn cả mà cuộc sống này đã mang lại cho tôi đó là một tổ ấm gia đình. Không giống như tôi - một người khiếm thị bẩm sinh, cơn sốt cao và tai biến do dị ứng thuốc kháng sinh năm lên 10 tuổi đã cướp đi nguồn ánh sáng của vợ tôi. Sức khỏe suy giảm, việc học phải gián đoạn nhiều lúc khiến cô ấy rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Cuộc sống buồn tẻ của cô ấy cứ trôi đi cho tới một ngày có người giới thiệu cô ấy vào sinh hoạt tại Hội Người mù quận Thanh Xuân.
Chúng tôi tình cờ gặp nhau trong một buổi giao lưu dành cho các bạn trẻ khiếm thị. Đó là chương trình mà tôi là một trong những thành viên của ban tổ chức. Từ quen biết, nảy sinh tình cảm, chúng tôi đã cùng chia sẻ với nhau, động viên nhau cùng vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Năm 2004, vợ tôi tham gia tập luyện môn điền kinh tại Câu lạc bộ Thể thao người khuyết tật Hà Nội. Ngay trong giải toàn quốc đầu tiên, cô ấy đã dành được 01 Huy chương Bạc.
Sau hơn 1 năm tìm hiểu, đám cưới của chúng tôi được tổ chức với sự ủng hộ của 2 bên gia đình và những lời chúc phúc của bạn bè. Để toàn tâm toàn ý chăm lo cho gia đình, vợ tôi đã quyết định dừng việc luyện tập thể thao. Đến lúc này, lo lắng lớn nhất với chúng tôi đó là khi sinh con liệu em bé có mang căn bệnh di truyền của bố và bị ảnh hưởng của mẹ hay không? Và niềm vui đã thật sự vỡ òa khi 2 năm sau, chúng tôi đón cô con gái đầu lòng hoàn toàn khỏe mạnh.
Hai vợ chồng đều là người khuyết tật nhưng chúng tôi luôn xác định mình cần nỗ lực để chủ động tối đa trong cuộc sống. Đối với việc chăm con nhỏ, ban đầu, chúng tôi nhờ mọi người trong gia đình hướng dẫn rồi sau đó tự rút ra những kinh nghiệm chăm con phù hợp với điều kiện của bản thân. Cũng nhờ vậy mà chúng tôi có thể chăm sóc tốt cho cháu thứ nhất rồi đến cháu thứ 2.
Hiện nay, con lớn của chúng tôi đã lên lớp 5, cháu nhỏ cũng bắt đầu bước vào lớp 1. Cả 2 cháu đều rất ngoan, biết nghe lời bố mẹ, cháu lớn 5 năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi. Vợ tôi cùng mẹ đẻ cô ấy nhận trông trẻ tại nhà để vừa phù hợp với điều kiện sức khỏe lại có thời gian chăm lo việc gia đình nên tôi rất yên tâm công tác tại Hội Người mù và theo đuổi công việc làm báo.
Nhờ nỗ lực không ngừng, năm 2011, tôi đã được UBND thành phố Hà Nội tặng giấy khen gương Người tốt việc tốt, năm 2011, tôi là một trong 10 tấm gương người khiếm thị tiêu biểu Thủ đô Hà Nội do thành đoàn Hà Nội và Hội Người mù thành phố vinh danh. Mơ ước của tôi trong tương lai là sẽ phát triển Dự án Truyền thông Đom Đóm Studio nhằm tạo cầu nối, thay đổi nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật đồng thời phát triển các khóa nâng cao năng lực về truyền thông và kĩ năng sống cho chính người khuyết tật để họ có cơ hội nói lên tiếng nói và những vấn đề của mình. Tôi cũng mong muốn xã hội sẽ dành nhiều sự quan tâm hơn nữa trong lĩnh vực truyền thông về người khuyết tật và các vấn đề liên quan đến người khuyết tật từ đó chúng tôi có cơ hội hội xóa đi rào cản, tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- Chi hội Cát Trắng tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng - 12/02/2018 06:35
- Xúc động thầy giáo không ngón tay vẫn dành cả đời cầm phấn - 02/02/2018 09:12
- Trung tâm Đào tạo PHCN cho người mù: Nơi thắp sáng niềm tin - 16/01/2018 07:15
- Nguyễn Tuấn Tú: truyền cảm hứng sống và học tập cho người khiếm thị - 11/01/2018 04:09
- “Thể thao kết nối tình yêu của chúng tôi” - 11/12/2017 08:44
Các tin khác
- Hạnh phúc vẹn tròn từ hai mảnh đời khuyết - 21/11/2017 08:04
- Liệt nửa người vẫn mở thư viện sách và kêu gọi từ thiện - 31/10/2017 03:49
- Nữ sinh 23 tuổi trở thành Hoa hậu xe lăn thế giới đầu tiên - 13/10/2017 06:49
- Đội bóng 'một chân' Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại Anh, vô địch châu Âu - 13/10/2017 06:47
- Chương trình truyền hình thực tế của BBC ghi hình ở VN - 05/10/2017 06:36