Tôi và anh là hai con người không còn lành lặn, số phận run rủi, đưa đẩy chúng tôi đến với nhau, dựa vào nhau và cùng nhau xây dựng một mái ấm gia đình hạnh phúc. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thách thức, dù trước mắt là những ngày tháng còn phải vật lộn để sinh tồn, nhưng với tình yêu dành cho nhau, chúng tôi luôn tin tưởng “ngày mai trời lại sáng”.
Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, khi mới 8 tháng tuổi, sau một cơn sốt cao và co giật, tôi trở thành đứa trẻ khiếm thị. Đôi mắt của tôi không còn được tinh tường như các bạn nữa. mỗi sáng ngủ dậy, đập vào mắt tôi chỉ là những chấm lờ mờ bên dưới “lớp sương” dày bao phủ, tôi thậm chí không thể được chính mình trong gương.
Cả thế giới lúc ấy của tôi như sụp đổ, nhất là bố - người đàn ông duy nhất của gia đình – đã rời bỏ ba mẹ con tôi để đi theo một người phụ nữ khác. Sau này mỗi lần nhớ về khoảng thời gian ấy, tôi đã không còn đau lòng nữa, tôi chỉ thở phào nhẹ nhõm cảm thấy mình thật may mắn vì còn có mẹ, có chị ở cạnh bên. Bởi lẽ, nếu không có họ, tôi cũng không biết bây giờ mình sẽ thành ra thế nào.
Tôi xin mẹ đi học chữ nổi ở trường Nguyễn Văn Tố, 47 Hàng Quạt. Hàng ngày đi lại tự túc tuy có khó khăn, nhưng mỗi lần đến trường là mỗi lần tôi gặp được một mảnh ghép khác của cuộc sống, những con người với đôi mắt thong manh, với trái tim nóng và ý chí không ngừng vươn lên, tôi thấy mình ở trong các bạn.
Tốt nghiệp lớp 12, tôi tham gia tập luyện và thi đấu thể thao người khuyết tật tại Câu lạc bộ ở Hà Nội. Mới đầu tôi chỉ chép miệng tham gia cho vui, nhưng rồi tôi vẫn nhớ cái khoảnh khắc ấy, cái khoảnh khắc thầy huấn luyện thông báo tôi được chọn vào đội tuyển quốc gia để thi đấu khu vực Đông Nam á, ngày hôm ấy, tôi như nhìn thấy ánh mặt trời một lần nữa.
Trong những tháng ngày tập luyện vất vả trên thao trường nắng gió, tôi đã gặp được anh – người đàn ông – người bạn – người đồng đội không chỉ đồng hành với tôi ở mùa giải năm ấy mà còn đi cùng với tôi trong câu chuyện về cả cuộc đời sau này.
Anh quê ở Hà Tĩnh, năm 17 tuổi trong một tai nạn lao động, máy nghiền gạch đã nghiền nát bàn chân phải của anh. Nhưng mọi chuyện không dừng lại ở đó, sau hai lần bị nhiễm trùng, anh đã phải cưa chân lên đến tận đùi. Anh cũng giống tôi, cũng đã từng gục ngã và tưởng chừng như không thể đứng dậy, nhưng rồi thể thao đã mang chúng tôi lại gần nhau. Nhiều người đã hỏi tôi “Tại sao không lấy một người lành lặn cho đỡ vất vả? Tôi chỉ cười: “những người cùng cảnh ngộ bao giờ cũng dễ hiểu và thông cảm cho nhau hơn”.
Sau ParaGames 2002, chúng tôi chính thức về chung một nhà. “Nhà” của chúng tôi hồi ấy là căn phòng thuê nhỏ lợp mái tôn, chỉ vừa kê đủ một chiếc giường, một chiếc tủ. Hai vợ chồng chỉ có một chiếc xe đạp, anh một chân, tôi một chân, chúng tôi cứ thế đạp xe chở nhau từ 4h sáng lên Khúc Hạo tập, rồi đến trưa tôi về Hội người mù làm tăm tre, anh về xưởng may gần nhà kiếm thêm thu nhập, chiều, anh lại đón tôi về. Nhiều lúc vợ chồng bất đồng ý kiến nhưng lại giận nhau không nổi, vì chúng tôi là một phần của nhau, có giận nhau vẫn phải đi với nhau, ngày nào cũng như ngày nào, thế nên giữa chúng tôi hầu như không có sự cãi vã tranh luận.
Tôi vẫn có buổi sáng mùa đông, chiếc xe đạp đột nhiên bị hỏng khi đi được nửa đường. Mùa đông Hà Nội 4h sáng trời vẫn còn tối, trời thì lạnh, gió cứ hun hút thổi, hai vợ chồng phải đi bộ cả một đoạn dài mới tìm thấy được một hàng sửa xe máy vừa thắp đèn. Nước mắt, nước mũi tèm nhem vì lạnh và gió. Nhưng cũng chính những gian khó đó đã gắn kết vợ chồng tôi ngày càng bền chặt hơn, yêu thương nhau nhiều hơn.
Năm 2004, tôi sinh em bé. Khi con mới vừa tròn 4 tháng tuổi, tôi đã phải mang đi gửi nhờ nhà người quen để kịp đi thi đấu. Lúc ấy, gọi điện thoại quốc tế đâu có phổ biến như bây giờ và cũng chẳng đủ tiền để gọi về nhà. Cả tháng trời thi đấu xa nhà, những lúc nhớ con tôi chỉ biết khóc một mình rồi lại tự an ủi, động viên mình cố gắng hết sức để đạt thành tích cao nhất, coi như là món quà bù đắp cho con những ngày xa mẹ và cũng bõ công sức mẹ con phải xa nhau.
Hai vợ chồng tôi hồi ấy tính cả làm thêm mà lương chỉ có hơn 1 triệu đồng/ tháng, tiền nhà đã 3 trăm nghìn chưa kể tiền điện, nước, bỉm sữa cho con. Có nhiều lúc bất lực chỉ muốn bỏ đi tất cả. Thanh Đức – con của chúng tôi là một đứa bé ngoan, kháu khỉnh, nhưng có lẽ cháu cũng chịu một phần di chứng của mẹ, nên mắt bé bị tật khúc xạ từ nhỏ. Đó cũng là lý do mà dù có muốn cho Đức có anh có em, hai vợ chồng tôi cũng không dám nghĩ tới vì sợ không biết điều gì sẽ xảy ra, chúng tôi không dám mạo hiểm đánh đổi.
Vợ chồng tôi mỗi lần được huy chương là một lần như được tiếp thêm sức mạnh để nỗ lực, để cố gắng, để cống hiến cho phong trào thể thao người khuyết tật nước nhà và đem lại vinh quang cho tổ quốc. Từ khi tham gia thi đấu thể thao người khuyết tật đến nay (2003-2017), vợ chồng tôi đã đạt được hơn 70 huy chương Vàng, bạc, đồng tại giải thể thao NKT trong nước và khu vực, được Thủ tướng Chính phủ và nhiều Bộ, ngành khác tặng Bằng khen.
Bây giờ, tuy đã không còn phải ở căn phòng thuê 300.000/tháng, nhưng chúng tôi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Dù vậy, hai vợ chồng vẫn luôn yêu thương, động viên nhau không ngừng phấn đấu trong công việc, luyện tập và chăm sóc con trai khoẻ mạnh, chăm ngoan.
Tin mới
- Nữ bác sĩ 30 năm gây mê mổ tách các ca song sinh dính nhau - 27/02/2018 03:34
- Chi hội Cát Trắng tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng - 12/02/2018 06:35
- Xúc động thầy giáo không ngón tay vẫn dành cả đời cầm phấn - 02/02/2018 09:12
- Trung tâm Đào tạo PHCN cho người mù: Nơi thắp sáng niềm tin - 16/01/2018 07:15
- Nguyễn Tuấn Tú: truyền cảm hứng sống và học tập cho người khiếm thị - 11/01/2018 04:09
Các tin khác
- Vẽ ước mơ của mình và những người đồng cảnh - 21/11/2017 08:06
- Hạnh phúc vẹn tròn từ hai mảnh đời khuyết - 21/11/2017 08:04
- Liệt nửa người vẫn mở thư viện sách và kêu gọi từ thiện - 31/10/2017 03:49
- Nữ sinh 23 tuổi trở thành Hoa hậu xe lăn thế giới đầu tiên - 13/10/2017 06:49
- Đội bóng 'một chân' Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại Anh, vô địch châu Âu - 13/10/2017 06:47