Cô bị liệt nửa người bên trái từ nhỏ, anh bị khuyết tật vận động đi lại khó khăn. Niềm đam mê ca hát, tình yêu thương và sự đồng cảm đã mang họ đến với nhau để chung tay vun đắp hạnh phúc vẹn tròn với cô con gái nhỏ khoẻ mạnh, đáng yêu.
Không đầu hàng số phận
Nguyễn Thị Luyến sinh ra và lớn lên tại xã Tế Nông, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá. 9 tháng tuổi, cô bị sốt bại liệt, kể từ đó một nửa người bên trái liệt hoàn toàn, mọi sinh hoạt hàng ngày đều phải phụ thuộc vào người thân. “Cho đến khi biết nhận thức về cuộc sống và biết mình không được bình thường như bao người khác em luôn tránh xa và căm ghét những ai nhắc đến hai từ “khuyết tật” trước mặt em. Chưa bao giờ em chấp nhận rằng mình là một người khuyết tật, em luôn tỏ ra bình thường, cố làm những việc mà người khác làm được, cố che giấu đi những khiếm khuyết trên cơ thể mình” - Luyến nhớ lại.
Đối với một người bình thường, đi học hay vui chơi là điều hiển nhiên nhưng đối với Luyến là cả một thử thách. Sáu tuổi Luyến vào học lớp 1, những ngày đầu đến lớp, đối diện những ánh mắt tò mò, thương hại và xa lánh, cô bé buồn lắm. Nhưng không vì thế mà Luyến bỏ cuộc. Không chấp nhận bị xem như là một người đặc biệt, cô cố gắng làm tốt tất cả những gì các bạn làm được. Rồi dần dần, những nỗ lực và cố gắng của Luyến cũng được đền đáp. Cô hòa nhịp vào cùng với cuộc sống bình thường và các bạn cũng dần quen với sự năng động của Luyến. Suốt những năm học tiểu học và trung học cơ sở, kết quả học tập của Luyến luôn ở trong top đầu của lớp, cô được bầu làm cán bộ lớp, tham gia hầu hết các cuộc thi của nhà trường tổ chức, thi học sinh giỏi, thi hát, vẽ tranh, đánh cờ vua… và đều được giải.
Lên cấp ba, trường cách xa nhà nên Luyến phải đi ở trọ để theo học. Với một cô gái khoẻ mạnh việc làm quen với cuộc sống tự lập đã khó, với Luyến lại càng khó khăn hơn. Nhưng được sự giúp đỡ của gia đình và bạn bè, đặc biệt là ý chí của bản thân luôn nhắc nhở “mình phải cố gắng”, “mình sẽ làm được”, Luyến đã từng bước vượt qua những thách thức và duy trì kết quả học tập đạt loại giỏi trong suốt 12 năm liền và thi đỗ vào Đại học Hồng Đức. Cô được nhận Bằng khen do Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá trao tặng, giải thưởng nữ sinh xuất sắc do Kotex tài trợ và học bổng của các tổ chức khuyến học như Doãn Tới, Lê Viết Ly, Quỹ học bổng Nâng cánh ước mơ của đài Truyền hình Thanh Hoá,…
Nên duyên nhờ “tiếng hát”
Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Tài chính ngân hàng trường Đại học Hồng Đức với học lực Giỏi nhưng Luyến lại gặp vô vàn khó khăn khi đi tìm một công việc ổn định và phù hợp do hoàn cảnh bản thân khó khăn. Trong thời gian chờ tìm được một công việc phù hợp, cô tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương và tổ chức Hội, nhóm của người khuyết tật Thanh Hoá.
Năm 2014, Luyến được lựa chọn vào đội văn nghệ của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa tham dự Hội thi Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc do Trung ương Hội tổ chức. Chính trong dịp này, cô và anh Lê Quang Mẫn, một thí sinh khác trong đoàn được chỉ định hát song ca một tiết mục và đã đoạt Huy chương Vàng. Từ đó, hai người quen biết và dần bén duyên nhau, vượt qua sự xa xôi về địa lý (cách nhau 55km), rào cản từ phía gia đình, mặc cảm bản thân,... để nên vợ chồng vào đầu năm 2016.
Anh Mẫn quê ở xã Đinh Tường, huyện Yên Định, bị khuyết tật vận động từ nhỏ, đi lại khó khăn. Gia đình nghèo đông anh em, anh Mẫn chỉ được học hết phổ thông nhưng luôn có ý thức nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Anh tham gia lớp học nghề dành cho người khuyết tật, các hoạt động phong trào, văn hóa văn nghệ tại địa phương ...
Từ khi kết hôn cuộc sống của hai vợ chồng gặp nhiều khó khăn do hoàn cảnh nhà chồng neo người, bố mất sớm hai em đã đi lấy chồng, nhà chỉ còn mình mẹ cũng đã nhiều tuổi, sinh hoạt hằng ngày lại khó khăn. Tuy nhiên hai vợ chồng đã cố gắng động viên nhau vượt qua những thách thức của cuộc sống cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình. Luyến tham gia bán hàng online và tìm kiếm công việc phù hợp để trang trải sinh hoạt, chồng cô tham gia biểu diễn, làm MC cho các chương trình văn nghệ, hội nghị tại địa phương. Cuộc sống tuy vất vả nhưng không lúc nào họ cảm thấy “xuống tinh thần”. Vì bên cạnh họ không chỉ có sự quan tâm động viên của gia đình, các tổ chức xã hội, mà còn là thiên thần bé nhỏ Lê Hoài An đang bi bô tập nói.
Cảm phục tình yêu và hạnh phúc của vợ chồng Luyến - Mẫn, đồng cảm với những khó khăn của đôi vợ chồng trẻ mang khiếm khuyết đang gặp khó khăn trong việc mưu sinh, tháng 4 năm 2017, Đài Truyền hình Việt Nam đã giới thiệu hai vợ chồng trong chương trình “Hôm nay ai đến”. Sau chương trình, có một nhà hảo tâm đã tài trợ nguồn hàng để hai vợ chồng mở một quầy tạp hoá nhỏ, bán hàng lấy lãi trả gốc. Việc buôn bán cũng giúp vợ chồng Luyến có thêm thu nhập cùng với tiền bán hàng online của Luyến và tiền công đi giao hàng bằng xe ba bánh của anh Mẫn để trang trải cuộc sống, chăm sóc con nhỏ. Hai vợ chồng vẫn tích cực tham gia các hoạt động giao lưu của xã của huyện và đặc biệt là có tham gia câu lạc bộ người khuyết tật tỉnh Thanh Hóa, cùng những người đồng cảnh gặp gỡ giao lưu chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống, kinh nghiệm làm ăn và giúp nhau vươn lên.
Mới đây, được sự quan tâm tạo điều kiện của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, tỉnh Hội Thanh Hoá, vợ chồng Luyến - Mẫn được giới thiệu là một trong 30 cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu của cả nước tham gia chương trình giao lưu Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật và được Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam hỗ trợ 20 triệu đồng xây dựng nhà ở.
“Em không biết nói gì hơn lời cảm ơn sâu sắc đến Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Hội đã tạo cơ duyên cho vợ chồng em gặp nhau, đến với nhau và giờ đây chính Hội lại làm cầu nối để các nhà hảo tâm giúp đỡ vợ chồng em an cư lạc nghiệp. Càng trân quý sự quan tâm của Hội và các nhà hảo tâm, chúng em sẽ càng phải quyết tâm hơn nữa để vượt qua khó khăn, vun đắp cho hạnh phúc gia đình và ổn định kinh tế. Đó sẽ là sự báo đáp có ý nghĩa nhất mà chúng em có thể mang lại” - Nguyễn Thị Luyến xúc động nói.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- Xúc động thầy giáo không ngón tay vẫn dành cả đời cầm phấn - 02/02/2018 09:12
- Trung tâm Đào tạo PHCN cho người mù: Nơi thắp sáng niềm tin - 16/01/2018 07:15
- Nguyễn Tuấn Tú: truyền cảm hứng sống và học tập cho người khiếm thị - 11/01/2018 04:09
- “Thể thao kết nối tình yêu của chúng tôi” - 11/12/2017 08:44
- Vẽ ước mơ của mình và những người đồng cảnh - 21/11/2017 08:06
Các tin khác
- Liệt nửa người vẫn mở thư viện sách và kêu gọi từ thiện - 31/10/2017 03:49
- Nữ sinh 23 tuổi trở thành Hoa hậu xe lăn thế giới đầu tiên - 13/10/2017 06:49
- Đội bóng 'một chân' Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại Anh, vô địch châu Âu - 13/10/2017 06:47
- Chương trình truyền hình thực tế của BBC ghi hình ở VN - 05/10/2017 06:36
- Kỳ lạ người phụ nữ 27 tuổi mang hình hài "trẻ lên 2" ở Thái Nguyên - 26/09/2017 02:58